Tri kỷ

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi).

1.

Từ hồi còn học tiểu học tôi đã thấy bác Bảy Tâm hay tới nhà chơi. Tới rất thường xuyên. Nhà bác xóm trước, nhà tôi xóm sau, gần trụ sở hợp tác xã hơn nên sáng sáng đi làm bác đều ghé hú ba đi cùng. Bác với ba cùng cán bộ hợp tác xã; khác cái kẻ sếp người lính. Thời bao cấp, cái chức Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp quyền lực to đùng đâu phải giỡn chơi. Bác Bảy ngồi được ghế ấy nhờ công lao hãn mã: bộ đội, thương binh thời chống Mỹ, còn bị tù Côn Đảo, huân, huy chương đầy mình! Ba tôi – ngược lại – tiếng làm kế toán hợp tác xã nhưng thuộc loại “cán bộ lưu dung” bởi gốc người của chế độ cũ, từng làm thư ký Hội đồng xã, còn tham gia lực lượng… “Bình định nông thôn” gì đó, lí lịch khét mù, ghê chưa? Có sự tréo ngoe này bảo nhờ bác Bảy cũng đúng, mà bảo do bác Bảy cũng không sai. Nghe nói lúc mới lên “chấp chính”, hợp tác xã thiếu người đủ năng lực để đưa vào khung lãnh đạo; đặc biệt thiếu kế toán giỏi. Bác Bảy đã đề xuất ý tưởng “lưu dung” ba vào chân kế toán trưởng hợp tác xã do ba có nghiệp vụ kế toán. Thời đó, dám nghĩ chuyện dùng người kiểu ấy là to gan lắm lắm. Đương nhiên đưa ra cuộc họp mười người hết chín phản đối nhưng bác Bảy cứng rắn: tôi biết Sáu Dân, tôi bảo lãnh, có gì tôi chịu trách nhiệm! Sếp đã nói cứng đương nhiên cấp dưới có lùng bùng cũng phải bấm bụng nghe. Suốt nhiệm kỳ kế toán, không ít người thầm mong ba tôi “ngã ngựa” để chứng minh rằng họ đúng còn ông chủ nhiệm sai. Nhưng mong ước ấy cứ nhạt dần bởi ba tôi làm tốt thật! Chuyện tưởng yên thì đùng cái có đoàn kiểm tra đột xuất về Hợp tác xã thanh tra sổ sách kế toán. Họ bảo có đơn thư nặc danh tố cáo Chủ nhiệm cùng Kế toán thông đồng làm khống sổ sách, chứng từ để… tham ô công quỹ! Mấy ngày đoàn làm việc căng thẳng, rà soát từng chân tơ kẽ tóc khiến đám thầm mong khấp khởi, tưởng phen này ba với bác Bảy thôi rồi. Kết quả không tìm được gì khiến cả đám tiu nghỉu như mèo bị cắt tai. Thoát nạn, nhưng bác Bảy với ba đều gầy rộc, râu ria lởm chởm. Sau vụ đó ba tôi nhất quyết xin thôi. Bác Bảy hỏi tại sao, ba trả lời: “Tôi nhận việc do nể tình anh, muốn giúp Hợp tác xã trong khi chưa tìm được người, chứ tôi ham hố gì cái chức kế toán?”. Động viên mãi không được, bác Bảy miễn cưỡng chấp thuận nhưng vẫn cố nèo: “Anh đã quyết về tôi không dám cản. Nhưng anh nể tình tôi, sau này công tác kế toán có gì khó khăn mong anh ráng giúp”. Ba gật. Nói giữ lời. Bác Bảy mà kêu thì dù đang bận gì ba cũng bỏ việc đạp xe liền ra trụ sở. Giải đáp mắc mứu, hướng dẫn tận tình cho anh kế toán trẻ nghiệp vụ chưa thông. Tận tình tới mức anh “lính mới” cảm kích luôn mồm gọi bố, lễ Tết thậm chí còn mang quà cáp, rượu thịt tới nhà…

Không còn làm chung nhưng Chủ nhật bác Bảy vẫn cứ ra nhà. Bác và ba ngồi bên cái bàn trà, kèm bịch thuốc rê và một bình tích to đầy nhóc thứ trà rẻ tiền mới pha ủ kín trong giỏ. Chẳng biết hết bao nhiêu lần châm nước, nhưng lần nào bác Bảy đứng dậy cáo từ thì y như rằng trời đã đứng bóng, bình trà cũng cạn tới giọt cuối. Mẹ hay càm ràm hai ông thiệt nhiều chuyện y như… đàn bà, chuyện gì mà nói hoài nói hủy không hết… Càm ràm yêu thôi chứ mẹ biết, bác Bảy ra chơi thì ba vui, quá lắm chỉ tốn vài trăm bạc tiền trà thuốc với công nấu nước. Kệ. Chồng con vui là được, công xá kể gì! Vậy nên mẹ vẫn vui vẻ hầu chồng, đón tiếp bạn chồng, kệ cho cái đám xấu miệng xấu mồm thấy cảnh ấy đi buôn dưa đơm đặt: coi vợ chồng Sáu Dân nịnh bợ người quyền chức kiếm lợi kìa…

2.
Có lần ba nghe lọt tai chuyện ấy, cười khì. Nhưng tôi không cười nổi! Tôi học cùng lớp với thằng Tiếp, con bác Bảy. Nó học tốt, tướng tá cũng cũng không đến nỗi, nhưng di truyền như đúc khuôn mặt của bố nên hơi xấu. Kiểu cái mặt nhọn và gồ ghề xương, còn “chấm phá” thêm đôi mắt dẹt! Xấu trai thì chớ, lại lầm lì ít nói. Bộ dạng nhìn đã không ưa, thêm “tội” con trai ông Chủ nhiệm, giờ lại tiếp đến cái dư luận xốc óc về chuyện nịnh bợ kia khiến tôi cạch mặt luôn thằng Tiếp. Ngồi chung lớp mà không mất tiếng nào với nhau, mạnh ai nấy chơi mạnh ai nấy học. Vô hình trung, óc tôi hình thành luôn một định kiến: không phải thằng Tiếp trời sinh lầm lì ít nói. Nó đang “chảnh” do có ông bố làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Được. Đã vậy ta đây không việc gì phải hạ mình chào hỏi nó. Khéo ai đó lại tưởng mình đang… nịnh nó để kiếm lợi! Lợi lộc cái con tườu!

Thằng Tiếp chắc cũng đoán biết tôi không ưa nó nên cố tránh. Tránh đâu cho khỏi miết? Nhiều lần đụng mặt nhau ở hành lang tôi không chịu nhường đường, cứ vênh vênh bước thẳng buộc nó phải lật đật né. Con Thơm đi cùng chắc thấy dị, hỏi nhỏ: “Mày con gái sao “cương” dữ? Không sợ bị nó bụp sao?”. Tôi long mắt: “Nó dám? Thử đụng vô tao coi? Tưởng con ông này ông nọ có quyền hiếp đáp người khác chắc?”. Câu ấy tôi cố tình nói to cho thằng Tiếp ngồi bàn bên nghe. Nghe rồi. Không thôi sao mặt nó biến sắc? Hả hê cái bụng quá xá…

Trong nhà ngoài ngõ tôi nổi tiếng “gấu ngựa”!

Hôm sau đi học, tôi quờ tay hộc bàn đụng nhằm mảnh giấy. Giấy viết: bạn hiểu lầm rồi. Mình có ỷ “con ông này ông nọ” gì đâu. Ba mình với ba bạn là bạn thân. Nếu mình cư xử có gì sai bạn cho mình xin lỗi…

Đúng kiểu chữ tròn to, ngay ngắn của thằng Tiếp. Máu “cương” trong tôi bỗng chốc xì hơi như bánh xe đạp ăn nhằm mũi gai tre. Tự dưng tôi thấy ngượng ngượng…

3.
Câu chuyện trà dư tửu hậu trường thiên của ba với bác Bảy ngoài những nội dung thời tiết mùa màng, nhân tình thế thái còn chen vô nhiều đoạn nghe rất lạ. Ấy là những hồi ức về cuộc chiến. Cứ tưởng chuyện “nhạy cảm”, lẽ ra hai người phải tránh né. Nhưng không! Chuyện tếu táo, cười ha ha như chẳng có gì quan trọng cái sự từng chĩa súng vào nhau. “Bi kịch lịch sử”, ba tôi với bác Bảy hay nhắc lại nhắc đi, xong thở dài cám cảnh mỗi khi câu chuyện dẫn về những tình huống oái oăm. Nói thiệt, hồi tui trên cứ, nghe tin dưới này ông đi “Bình định nông thôn” tui giận ghê giận gớm. Bạn bè, anh em thân thiết hạt muối cắn đôi, đã từng hứa… Thì tui có muốn vậy đâu! Là bị “lùa”. Tui còn vợ con, mẹ già em dại phải nuôi, đâu thể nhẹ gánh như ông! Vô lính “áo đen” được công tác gần nhà, đỡ hơn lính chính quy bị điều đi tác chiến biệt xứ, bỏ người thân ai lo? Còn nhảy núi theo ông cũng chẳng thể, dính chung một nỗi niềm đó… Ừ, nói vậy thôi. Chứ đời trong cái rủi có cái may; ông mà không có mặt trong toán lính “Xây dựng” phục chỗ gò Đen đêm ấy chắc giờ tui phải… vài mươi cái giỗ! Ừ, hên thiệt! Đêm ấy tui mệt, tính kiếm cớ đảo ngũ nằm nhà nhưng sao cứ bứt rứt không yên. Linh tính sắp có chuyện không hay, tui vừa nhao ra chốt thì vừa vặn phát hiện ông đi mũi, vô ngay tầm ngắm! Nhưng… tối mịt trời, sao ông nhận ra tui giỏi? Trời, ông hỏi lạ? Đổi lại tui là ông, ông có nhận ra tui không? Hai ông già đồng loạt giơ tay vỗ vai nhau đánh bộp, ha hả cười vang. Dứt trận cười, ba tôi hạ giọng, thì thầm: Nói nhỏ với nhau, ngày nghe tin ông bị bắt làm tù binh, bị đày Côn Đảo tui thương ông đứt ruột. Nhưng cũng có chút… nhẹ lòng! Ý ông sao? Thì tù đày khổ thiệt; nhưng cơ hội sống sót cao hơn! Trời, cái ông này! Người ta mong được ra ngoài để cầm súng chiến đấu ông lại… Ông thứ lỗi, dạo ấy chiến sự leo thang, lính đôi bên chết nhiều quá, tui nông dân đất cục, đâu nghĩ được cao xa, chỉ mong thằng bạn thân giữ được mạng để hòa bình về còn trà rượu với nhau… Ừ, tui hiểu! Nói vậy thôi, tui có trách gì ông đâu. Chiến tranh mà. Ghê gớm quá. Như tui – ra đi đành rằng xác định rõ mục tiêu lý tưởng, nhưng đôi khi thấy cái chết cận kề trước mắt vẫn hoảng…

Thấy chết mà không hoảng là bậc Thánh, đâu phải người – cha tôi đột ngột đáp từ bằng một câu triết lí không hề có chút nông dân đất cục. Bác Bảy lưỡng lự một thôi rồi cũng gật theo…

***

Tôi bắt đầu có thiện cảm với bác Bảy từ hôm nghe lỏm câu chuyện thâm cung bí sử giữa hai ông bạn già. Té ra, đây là mối quan hệ đúng chất bằng hữu thâm tình, chưa kể “cán cân lực lượng” còn nghiêng về phía… ba bởi bác Bảy mới là người chịu ơn! Cái ơn cứu tử to đùng – mặc kệ chuyện bác thuộc về “bên thắng cuộc”! Và nữa, không có nịnh bợ gì ở đây như đám buôn dưa đặt điều nói nhảm! Vỡ ra được điều này quả rất sướng. Tôi te te chạy tìm mẹ “xác minh thông tin” lần nữa. Mẹ cười: “Chuyện tình cảm trong sáng, không vụ lợi giữa bác với ba con nói đúng. Nhưng “nợ ân tình” đôi bên không đơn giản vậy đâu con!”. “Là sao hở mẹ? Không phải… bác Bảy chịu ơn ba?”. “Đúng! Nhưng ba con cũng chịu ơn bác, nặng không kém à…”.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Hóa ra nghe mẹ kể, sau ngày đất nước thống nhất, do lai lịch tham gia chính quyền cũ kiêm “Bình định nông thôn” nên ba tôi bị xếp loại “ngụy quyền thứ dữ, chống Cộng cực đoan”, cầm chắc cái án tù mọt gông nếu không có bác Bảy về quê kịp thời, đứng ra minh oan, bảo đảm! Ba đi cải tạo, bác nhín tiền lương mua quà gửi mẹ thăm nuôi, còn âm thầm lên tận trại giam làm thủ tục bảo lãnh, lấy uy tín kháng chiến của mình xin cho ba được về sớm. Nhiều đồng liêu dị nghị, bác cứ tỉnh bơ một mực: các đồng chí yên tâm, tui chịu trách nhiệm. Tui đủ tỉnh táo để biết mình đang làm gì! Có lần ba theo hỏi khó bác Bảy: Sao ông “to gan” làm vậy? Bộ ông không sợ tui…? Sợ gì, bác Bảy cười to, đời này, nếu có người nào đó tính hại tui, người đó chắc chắn không phải… Sáu Dân!
Ba choàng tay ôm lấy bác Bảy, môi ba nhịp nhịp, run run nhưng mắt ráo hoảnh. Xong, kỳ chưa, hai ông lại vỗ bộp vai nhau phá lên cười…

Sau này, chuyện giữa ba với bác Bảy…, à không, chuyện của ba – nhưng có chút liên quan đến bác Bảy – mẹ còn kể thêm. Bí mật – do mẹ dặn lại dặn đi không được kể với ai – rằng: những năm bao cấp đói kém, từng có người quen cũ tìm đến móc nối, rủ ba tôi đi… vượt biên. Chỉ cần ông gật, chuyện đi đứng chúng tôi lo… Trái với dự đoán của người kia, ba không gật mà lắc, quyết liệt! Người ta đi rồi ba lý giải cùng mẹ: làm người sống phải biết chữ Nhân chữ Nghĩa. Tui không ham đời giàu sang mà phải bỏ nhà cửa vợ con lìa quê cha đất tổ. Nhưng giả dụ có ham tui cũng không bao giờ vì mình mà làm hại Bảy Tâm…

4.
Tôi tốt nghiệp đại học ra trường, thành nhà báo. Duyên nợ làm sao, thằng Tiếp con bác Bảy Tâm học hết phổ thông cũng chui vô đại học báo chí, còn về luôn cơ quan tôi nhận việc!

Tháng Bảy. Tổng biên tập phân công tôi tìm viết về một tấm gương thương binh hoặc liệt sĩ tiêu biểu để đi trên mảng ký sự số báo đặc biệt kỷ niệm ngày 27.7. Nhiệm vụ thử thách cho lính mới, tôi biết. Tôi, dân chân trắng không ai đỡ đầu, được nhận vào cơ quan nhờ duy nhất cái bằng đỏ! Bằng cấp một chuyện, nhưng anh phải khẳng định được bản thân trong công việc. Nếu không…

Tìm đâu ra nhân vật tiêu biểu? Bao gương mặt đình đám của địa phương các lớp đàn anh, đàn chị đi trước trong nghề đã khai thác sạch. Viết “ăn theo” cầm chắc hỏng chìa. Phải tìm cho ra nhân vật mới. Bí quá, tôi về hỏi ba. Ba cười, đáp gọn hơ: “Tìm đâu cho xa con, bác Bảy mầy đó!”. “Bảy nào ba?”. “Thì bác Bảy Tâm, cha thằng Tiếp chớ Bảy nào?”. “Nhưng lai lịch, công trạng của bác Bảy liệu có đủ tầm…?”. “Bớt giỡn đi con, thứ dữ đó. Chỉ là ổng khiêm tốn, xưa nay không thích nói về mình! Mà thôi, con cứ đến tìm bác, trực tiếp ngỏ lời xem sao. “Thuyết khách” cho khéo vào, may ra ổng đồng ý…”. Trời ạ, tình huống oái oăm hơn tôi tưởng. Không phải tôi không tin ba. Ba đã khẳng định đương nhiên bác Bảy chắc chắn thuộc loại “nặng cân”. Còn nữa, tôi tin sẽ “thuyết khách” thành công để bác thấy “tội nghiệp” mà chịu giúp. Nhưng cái khó nhất chính ở chỗ… thằng Tiếp! Nó đồng nghiệp tôi đương nhiên thuộc diện “ưu tiên 1” để viết về bố nó. Và, đáng ra, nó phải viết rồi. Sao lâu nay nó cứ im ru không đả động?

-…

– Mình không thể viết về bố được!

– Tại sao?

– Tại… bố không thích! Bố bảo: “Mẹ hát con khen” chẳng phải chuyện hay ho gì…

Ra vậy! Cái khó như ba nói vẫn còn. Nhưng dù gì cũng yên tâm được một chuyện: không phải tôi “hớt tay trên” thằng Tiếp. “Bạn đừng lo, bạn mà có cách thuyết phục, viết giúp một bài về bố mình vui lắm. Cám ơn bạn trước!”. Cái thằng bạn đồng môn tôi từng ghét cay ghét đắng một thuở giờ lại thêm lần nữa “ghi điểm” trong tôi. Một thoáng bâng khuâng, chao nhẹ trong tim. Lần đầu tiên tôi trộm nhìn kỹ, tự dưng thấy nó cũng… đẹp trai!

Theo gợi ý của ba, tôi tìm đến nhà bác Bảy một buổi xế trưa. Cũng lần đầu tiên tôi bước chân vô nhà bác. Căn nhà ngói cổ ba gian cũ mốc, tuềnh toàng dường như lâu lắm chưa dấu vết sửa sang nấp dưới lũy tre ba bề rậm rịt. Nhà ông Chủ nhiệm Hợp tác xã, rồi Chủ tịch xã một thời tiếng tăm quyền lực nghiêng trời đây ư? Không tin nổi – dù đó là sự thật trăm phần trăm! Chợt nhớ lời ba hay nói: bác Bảy mầy tuy quan quyền nhưng liêm khiết ít có!

Nhà vắng ngắt. Chỉ hai ông bà già cùng một con chó mực già đuôi rụng hết lông. Bác Bảy về hưu đã lâu. Vợ bác cũng thương binh, giờ tai biến nằm liệt nhờ tay bác chăm sóc. Thu nhập, nghe ba kể, chỉ mấy đồng lương hưu cùng ít tiền trợ cấp thương tật theo chính sách. Thằng Tiếp công việc ở phố, lâu lâu mới chạy về…

Đột nhiên tôi thấy cay cay mắt.

Bác Bảy đánh trần, phơi tấm lưng xương chằng chịt sẹo rỗ thời chiến ngồi bên giường bóp chân cho bác gái. Thấy tôi, bác nhướng đôi mắt cập kèm dòm cả buổi rồi bật nói như reo: “Trời, con Liên con Sáu Dân phải không? Mầy làm gì mà lâu nay biệt tăm biệt dạng? Tao mới hỏi thằng Tiếp, nghe nó nói anh em làm cùng cơ quan tao mừng quá. Muốn gặp con một lần trò chuyện chơi mà khó ghê…”. Cảm động thật, té ra lâu không gặp mà bác Bảy vẫn nhớ mặt, lại còn muốn trò chuyện với tôi. Chuyện gì ta? Thôi kệ, tính sau. Giờ phải tập trung cho việc chính trước! Hỏi thăm gia đình, sức khỏe ba câu bốn sợi xong, tôi hắng giọng, tập trung công lực vào đề:

– Bác Bảy nè…

– Gì con???

– Con tới… có chuyện muốn thưa với bác…

Tự dưng bác Bảy thẳng lưng, nghiêm giọng:

– Tao biết mầy muốn thưa chuyện gì rồi. Không được!

Thôi xong, ba nói không sai. Nhiệt huyết của tôi bỗng chốc như bong bóng xì hơi. Nhưng tôi còn cố vớt vát:

– Ụa, nhưng con chưa nói chuyện gì mà… sao bác biết?

Bác Bảy bậm môi. Lại càng nghiêm, râu bạc rung rung:

– Cần gì mầy nói? Bảy Tâm đây khét tiếng một thời trên thông thiên văn dưới tường địa lí. Ba mày chưa kể sao con?

Nhìn bộ dạng tiu nghỉu, thảm hại như mèo mắc mưa của tôi, chắc hết kìm nổi, bác Bảy bật… cười phá:

– Giỡn mầy chơi chớ thằng Tiếp nó gọi điện về trước xin bác rồi. Xưa nay tao tuyệt đối không cho ai viết về mình, nhưng con gái Sáu Dân là biệt lệ…

Trời đất, tôi như người sắp chết đuối được lôi lên khỏi nước. Ơn tổ nghiệp phù hộ! Mà không. Ơn ba tôi với… thằng Tiếp mới đúng! Buổi tác nghiệp diễn ra dài gần gấp ba dự kiến. Tôi, cô nhà báo mới vào nghề say mê ngồi nghe người lính già kể chuyện. Chuyện một thời trận mạc đạn bom vào sinh ra tử. Chuyện về những năm tháng tù đày vẫn một lòng kiên trung giữ gìn phẩm giá. Luôn cả câu chuyện thời bình sống sao cho trong sạch giữa vòng vây cám dỗ của quyền lực, kim tiền… Giờ thì tôi hiểu tại sao ba tôi lại yêu quý bác Bảy – người lính “đối phương” – đến thế. Thân thiết nhau thuở cởi truồng tắm sông là một chuyện, nhưng, quan trọng hơn, họ gặp nhau nơi một nhân cách, một thái độ làm người…

Ghi hình xong các tấm bằng khen, huân, huy chương cùng chân dung hai vợ chồng bác Bảy, tôi đóng máy, nhìn căn nhà quạnh vắng buông một câu cảm thán:

– Cảnh nhà vầy – sao anh Tiếp không chịu… lấy vợ sớm cho có người sớm hôm với bố mẹ ta?

Bác Bảy nhìn tôi chăm chăm:

– Thiệt… con không biết lý do sao?

Tự nhiên tôi chột dạ, lí nhí:

– Dạ, con không…

– Nó… thương thầm mày đó chớ sao! Thương lâu mà không dám nói, cứ im im chịu đựng. Mãi gần đây tao gặng miết nó mới khai thiệt. Cái thằng! Nhát sao mà nhát quá tay. Tưởng ai chớ con gái Sáu Dân – nếu đôi bên đều gật thì thuận quá rồi. Chuyện bác muốn nói cùng con chính là chuyện đó đó! Giờ con nghe đây! Bác Bảy dân lính tráng hỏi phát một: mày coi có… thương nổi thằng con trai bác không để tao với ba mày còn biết liệu đường???

Y NGUYÊN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Bá Duy

Tháng Mười mưa trắng núi Tình
biết phương ấy mẹ một mình dưới mưa
buồn theo cơn bão cuối mùa
phận người mỏng mảnh hơn thua được gì

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…