(VNBĐ – Tản văn). Hầu hết người miền Trung đều thích bánh tráng. Ăn quanh năm như dân Tây ăn bánh mì vậy! Bánh tráng có thể xếp hàng lương thực thứ hai, sau gạo. Giỗ quải, tiệc tùng mà mỗi bàn không có vài cái bánh tráng nướng đặt chính giữa mâm, thôi chứ nói gì! Có một số nơi, trước khi ăn người ta còn để cái bánh tráng lên đầu rồi dùng cả hai tay để bẻ, coi bộ rất cung kính. Đủ thấy bánh tráng mang một ý nghĩa đặc biệt, giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ăn tộ cháo có thể là cháo gà, cháo lòng, cháo lươn… người miền Trung, vẫn có thói quen bóp nhỏ bánh tráng nướng vô tộ. Phải nghe cho được những âm rôm rốp, rôm rốp… rõ rệt, mới cảm nhận hết cái ngon lành của món ăn. Mới bật lên hương vị của bánh trộn hòa trong cháo, ở từng muỗng một khi thưởng thức. Nói gì cháo, ở đâu không biết chứ ngay tại đây, vô quán bánh canh, bún cá… luôn có sẵn cái bánh tráng nướng, đi kèm. Ngay trong những bữa cơm hàng ngày, nhiều gia đình cũng ưa có mấy cái bánh tráng. Nhất là khi có gì đó để xúc để cuốn. Như đĩa gỏi sứa, tộ ốc um… các món này, dứt khoát, phải là bánh tráng nướng để xúc rồi. Còn đĩa thịt heo luộc, thịt bò nướng thì cuốn chứ ai lại xúc bao giờ. Hồi xế hay khuya đói bụng làm gì có được mấy thứ nhân như vậy. Nhưng không sao! Chỉ cần một bánh tráng nướng và mấy cái bánh tráng nhúng là rồi. Chỗ làm không có quán xá, tiệm ăn không gì hay bằng thủ sẵn một ràng bánh tráng. Nhưng coi chừng vì tiếng rôm rốp, rôm rốp… rất dễ tố cáo nếu ăn lén.
Cách ăn trong trường hợp này ư? Bánh tráng mỏng bẻ đôi hoặc tư rồi nhúng. Lấy từng miếng một đặt trên lòng bàn tay, bẻ miếng bánh tráng nướng bóp nhỏ rồi cuốn. Và rồi rôm rốp, rôm rốp… tức thì, bật ra. Chỉ là mấy âm quen thuộc mà nhiều xao xuyến, lắm rộn vui. Nghiêng tai lắng nghe, giữa khi, đôi tay thuần thục trong từng thao tác. Nói thật thời đi học rồi đi làm xa nhà, không chỉ có bữa xế hay giấc khuya, bánh tráng thế cơm đối với lũ tôi là chuyện thường. Trúng có đứa ham, ăn nhiều và làm liền ca nước. Bánh tráng nở, ách bụng thở không nổi nữa kìa.
Ngày thường bánh tráng đã cần mà Tết, còn cần gấp bội. Đã là dân Trung mà Tết không dự trữ được đôi ba ràng bánh tráng thôi chứ Tết chi? Những gia đình có họ hàng ở quê thường nhắn về nhờ tráng cho cả chục “ràng” để lớp ăn, lớp biếu chứ mấy khi chịu mua bánh chợ. Trúng cuối năm thời tiết rất khó chiều. Đang nắng ráo cái đổ ầm cho cơn mưa. Biết đâu được. Nên cứ lo đặt trước cho yên tâm cái đã. Bánh dày, có thể, là bánh gạo trắng có mè hoặc bánh đỏ làm bằng gạo lức. Loại bánh này để nướng và bánh tráng mỏng để nhúng, vì Tết, thiếu gì nhân để cuốn. Nào là thịt luộc, thịt thưng, tré, chả lụi, cá hấp… Rồi thêm mươi cái bánh tráng nước dừa nữa cho phổng phao giòn nổ Tết nhà. Bánh dày, to, mè trắng loáng thoáng những sợi dừa và hành, tiêu. Ăn thơm, béo ngon và những tiếng rôm rốp cùng rôm rốp, ái chà, cũng mạnh bạo chẳng kém cạnh gì!
Do nhu cầu nên các lò tráng bánh thường phải làm hết năng suất trong mùa Tết. Mỗi nơi ngoài tráng bánh gạo còn kèm thêm một hai loại gì đó nữa. Chẳng hạn bánh củ. Củ ở đây có thể là củ lang mà cũng có thể là củ mì. Bánh củ lang nhỏ hơn có màu vàng sẫm và hơi dỉu dỉu. Cái dỉu dỉu này cũng hết sức là độc đáo! Bánh tráng củ nướng ăn cũng hay mà không than lửa gì, cứ xé từng miếng nhỏ nhóp nhép nhai cũng rất thú. Tết có ít bánh tráng củ, ngòn ngọt, để cân bằng với đồ ăn mặn quá nhiều. Cũng có một thứ bánh tráng, rất đặc biệt, và được nhiều người ưa thích, đó là bánh củ mì tươi, kêu là bánh tráng mì nhứt. Nướng, than phải thiệt hồng bánh mới phồng lên được. Nhìn thấy hay, mà ăn cũng đâu dở. Hay nhất là ở chính cái âm rôm rốp, rôm rốp hơi khác thường. Quen mà lạ. Phải nghe một chặp, mới nhận ra là tiếng bánh tráng mì nhứt nướng phồng, được bẻ ra và nhai giòn tan trong miệng. Một người bà con của chúng tôi đang ở trên Đắk Lắk, thường gọi điện xuống nhờ mua loại này. Bánh củ mì mà. Rẻ lắm nhưng lần nào gói ghém gửi lên tôi cũng thấy xúc động.
Cũng là bánh tráng gạo nhưng vợ chồng tôi thích ăn loại bánh giòn. Nhúng một mặt và ăn cái nào nhúng cái đó. Phải như vậy, bánh mới kịp giữ được độ giòn. Giòn không chắc nụi và dày cui, đủ, cho những âm rôm rốp và rôm rốp phải bật ra nhưng cũng đủ làm tai sướng, miệng vui và bụng no. Hỏi có thứ nào được như bánh tráng giòn đã chứ! Viết tới đây mới chợt nhớ tới rể của bà bạn tôi. Anh này người Hà Nội và không biết, có phải do cưới vợ Bình Định nên ghiền bánh tráng tới cỡ đó không nữa. Làm rể bạn tôi có cả dăm năm mà vẫn chưa thể cuốn bánh được. Chắc do ham rau sống nên bị đổ tháo tùm lum. Vụng nên ghét cuốn. Cứ bánh tráng dày nướng giòn và rôm rốp bẻ, rôm rốp quẹt mắm tép chua và rôm rốp nhai. Gia đình nhỏ của họ thường ăn Tết ngoài đó và trước Rằm tháng Giêng mới bầu đoàn đùm túm vô ngoại. Cỡ đó, ở ngoài mình lại rất sẵn mắm tép chua. Và người đây cứ vậy mà ăn tới tới. Bà bạn tôi hay giỡn là ông rể Bắc của tao tội, nuôi ổng không tốn gì. Chỉ tốn bánh tráng nướng với lại mắm tép chua.
Rồi một bà bạn nữa ở Dallas, Tết vừa rồi về quê và tính qua lại bên đó ngay, khi vừa có Covid-19. Nhưng, mắc công chuyện nên đầu tháng Ba mới trở lại Mỹ được. Cũng may, là vẫn còn những chuyến bay. Bạn cũng có chút lo lắng nhưng, nghĩ mình đã về hưu lại sống một mình, xác định sẽ cách ly một thời gian. Ai dè, cái tủ lạnh to đùng chất đầy thực phẩm tại nhà bị hư. Nhưng, nước mắm vẫn còn, thêm cả thùng bánh tráng các loại vừa đưa từ quê nhà sang. Vậy là lớp nhúng, lớp nướng bằng lò vi sóng, rôm rốp và rôm rốp mỗi ngày qua. Mười bốn ngày qua. Tám chuyện với nhau, bạn vẫn cười rần rật. Hỏi: “ Sống sao?”, trả lời: “Khỏe re, có điều mỏ nhọn rồi”. Và tôi: “Dzẫy na”, không quên nghĩ thầm cho đáng đời con người thèm mắm và bánh tráng… vô độ.
Cách đây mấy năm, vào dịp Tết, nhỏ em của tôi ở Úc gọi điện về tường thuật đầy đủ một buổi họp mặt của nhóm bạn người miền Trung bên đó. Một bữa tiệc với món Tây, món ta ê hề nhưng hết thảy mọi người tham dự đều “toàn tâm toàn ý” với bánh tráng. Em tôi kể đã rất lâu mới được sống trong không khí ấm áp như thế. Được ăn một bữa đơn sơ và ngon lành tới vậy. Bánh tráng dày được nướng trong lò vi sóng còn bánh tráng mỏng để nhúng. Mắm rặc ri là mắm, đừng pha chế chi uổng, rồi ớt xanh mà phải dùng muỗng để dằm mới đúng bài. Tiếng bẻ bánh tráng, tiếng nhai cộng hưởng với tiếng chắp hít vì ngon vì cay trong tiếng nói, giọng cười đặc sệt “người mình”, rổn rảng, căn phòng ăn rộng thênh khiến ai nấy đều cảm động. Tôi nghe kể lại còn rưng rức, nữa là. Và mừng, vì miền Trung có bánh tráng. Để ở bất cứ nơi đâu mà có người mình, thì năm mới sẽ được đón chào không chỉ bằng rượu, sự sum họp, pháo hoa mà thêm nữa bằng những âm rôm rốp, rôm rốp… thân thương và vui rộn.
NGUYỄN MỸ NỮ
(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)