Quê hương – chỉ dấu của tâm hồn

(VNBĐ – Đọc sách). Khi con người đã bước qua bao buồn vui nhân gian, đã tỏ tường bao sự được mất, đã sóng gió va đập với cõi người, cõi đời lại càng có nhu cầu tìm về những điều thân thương bình dị để an trú lòng mình. Quê hương khi ấy lại hiện lên như một chỉ dấu của cội nguồn, là chốn nương náu tinh thần của mỗi đứa con theo tháng năm dâu bể cuộc đời. Tìm lại chút tình quê – tập thơ ngót 100 bài của tác giả Nguyễn Đức Quận là tấm lòng hồn hậu với quê hương. Xuyên suốt mạch cảm xúc trong tập thơ là ròng ròng mạch chảy hướng về quê nhà với bao gần gụi, trân trọng.

Nhà thơ tự nhận mình là kẻ hai quê – “Tháng Chạp về người hai quê đau đáu/ Chốn quê người lại nhớ đến quê cha” (Người hai quê). Sinh ra ở Quảng Ngãi, gắn bó một thời ấu thơ rơm rạ. Và làm rể đất Bình Định, bắt rễ vào vùng đất này với tháng năm dài gắn bó. Tất cả đã thành máu thịt với anh. Bình Định và Quảng Ngãi, đã từng là một hợp thể mang cái tên ấm áp Nghĩa Bình. Năm 1989, mới tách thành hai tỉnh như hiện tại. Nguyễn Đức Quận dường như đã xóa nhòa ranh giới giữa hai vùng đất, thứ đọng lại trong thơ anh chỉ còn là những trân trọng lưu giữ, khơi ấm những ân tình. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”, điều ấy đã thể hiện đậm nét trong thơ của Nguyễn Đức Quận. Trú ngụ dài lâu. Hay hành trình thiên lý xa xôi. Mỗi nơi đến, con người, cỏ cây, hay từng hạt đất lạo xạo ấm gan bàn tay đều trở thành một thứ quý giá với tác giả. Anh dành tình cảm đặc biệt với quê hương. Anh không ngại ngần thổ lộ điều ấy trong thơ mình với dày đặc những hình ảnh thân thuộc.

Nguyễn Đức Quận sở hữu một kho ký ức đồ sộ về làng quê. Từ cánh đồng với những đường cày lam lũ gắn chặt đời mẹ cha, đến từng bữa cơm quen, dòng sông tuổi thơ tắm mát trưa hè, cây gòn che bóng nắng xa xưa, hoặc những buổi đêm cả làng kéo nhau theo tiếng trống chầu thúc giục… Hết thảy hiện về nồng ấm, ắp đầy. Tác giả đã có một tuổi thơ “giàu có”, sự “giàu có” bồi tụ tâm hồn thêm trù phú. Thơ anh kéo về một bức tranh quê bình yên làm người đọc nao nao chảy theo những dòng hoài niệm. “Chiều làng quê khi trời vừa tắt nắng/ Lũ mục đồng trâu cưỡi áo vắt lưng/ Con đường cong, ruộng lúa chín thơm lừng/ Tôi hít thở theo mùi hương rạ mới” (Quê tôi xưa). Hay: “Một dòng sông âm vang lên khúc hát/ Tiếng trống chầu thúc giục ở làng bên/ Bữa cơm chiều ăn sớm để đi xem/ Gánh hát đến diễn tuồng xưa tích cũ” (Dòng sông ký ức).

Nguyễn Đức Quận viết nhiều về các vùng đất, về ân nghĩa con người, về trầm tích văn hóa hay một nhận diện nào đó của nơi anh từng đi qua/ trú lại. Trong đó, anh dành nhiều bài thơ viết về Quy Nhơn, thành phố biển hiền hòa nơi anh đang sinh sống. Quy Nhơn với những thân thuộc gắn bó, từng con đường hàng cây, từng ngõ xưa cũ kỹ hay vui buồn đời người, đã kịp đậm sâu trong anh. Mỗi bước đi về, mỗi lần xếp dỡ những ô ngăn ký ức, Quy Nhơn vẫn hiện diện với đầy những trân trọng, như là bạn, như là tri kỷ, như là người tình để hò hẹn trăm năm. “Biển trong xanh tắm mát một dòng trôi/ Dẫu con sóng đã có lần xô ngã/ Dẫu con đường gồ ghề và sỏi đá/ Vẫn dặn lòng hò hẹn với Quy Nhơn” (Với Quy Nhơn).

Thơ là tiếng lòng cất lời, là những gì đẹp đẽ đã lên men, tỏa hương. Là trắc ẩn chạm vào ngõ hồn rung cảm để tìm những san sớt. Để đau và yêu hơn cuộc sống vốn mỏng manh này. Ở tập thơ, có những bài thơ của Nguyễn Đức Quận làm người đọc như thắt lại. Như khi anh viết về Trà Leng, nghe quặn lên những mong manh kiếp người. Hình ảnh “gói mì” cúng người thân đã mất bởi đất đá chôn vùi hiện lên thô tháp, chân thực nhưng tạo nên một sự xúc động vô cùng. “Gói mì tôm đặt nằm trên nấm mộ/ Cúng người thân giữa đất đá bộn bề/ Tột cùng đau, tim uất nghẹn tái tê/ Trà Leng khóc bao người chưa tìm được” (Trà Leng còn lại nỗi đau). Càng yêu người, càng yêu quê hương, nhà thơ càng lắng lo cho bao số phận mong manh trước thiên tai bất trắc. Nhất là ở dải đất miền Trung mặn mòi gió biển, vùng rốn lũ chịu nhiều hà khắc của thiên nhiên. Càng tha thiết với quê, anh càng cầu mong điều lành cho tất cả. “Tôi đã về với miền Trung mưa lũ/ Quê hương gầy khi cơn bão đi qua/ Nỗi lo toan trên khuôn mặt mẹ già/ Vầng trán xếp, bờ môi khô héo nụ// Tôi đã chìm trong ước mơ ấp ủ/ Một tương lai rực rỡ buổi bình minh/ Có bờ vui nối nghĩa nặng ân tình/ Niềm hạnh phúc theo về cho tất cả” (Tôi đã đi).

Phạm trù quê hương của Nguyễn Đức Quận được mở rộng, cơi nới biên độ. Anh yêu quê hương, đất nước mình trên dọc dài dải đất hình chữ S, từ núi sâu đồng xa, đến cả những nơi anh chưa từng đặt chân đến với một ý thức dân tộc mãnh liệt. “Dù chưa đến, nhưng lòng vẫn dạt dào/ Vì tôi biết quê hương mình còn có/ Một Trường Sa nằm nơi vùng biển gió/ Là một phần thân thể của non sông” (Trường Sa tình biển đảo). Một người yêu cả những gì lạ xa thì khi đánh mất đi điều gì đó thân thuộc trân quý, hiển nhiên một nỗi đau âm ỉ hiện diện. Có khi, ta thấy nhà thơ tha thủi một nỗi buồn. Nỗi buồn của sự chia biệt, chẳng thể lấp đầy, nhất là khi hình cha dáng mẹ đã biền biệt về đâu miền mây trắng bay, chỉ còn lại âm âm những trống vắng quạnh quẽ. “Thăm quê lại nhớ thuở xưa/ Gia đình đầy đủ sớm trưa quây quần// Bây giờ thiếu vắng bước chân/ Nhà nay quạnh quẽ người thân đâu rồi” (Quê hương thăm lại).

Nguyễn Đức Quận trung thành với thể thơ truyền thống. Có khi, ta bắt gặp trong thơ anh những hình ảnh quen thuộc, những bài thơ chưa thật tròn ý, có phần dễ dãi. Anh không gắng làm sang câu chữ với những đổi mới khám phá, ảnh hình cầu kỳ. Anh viết một cách tự nhiên bằng sự nồng hậu chia sẻ. Và điều cốt tủy, anh nhìn mọi thứ bằng sự bao dung trắc ẩn, đong đầy tình thương, hướng tới những niềm vui để tự lọc gạn mình, gia nạp những tích cực. Có lẽ nhờ vậy, thơ anh mang lại nhiều đồng cảm với người đọc.

NGÔ PHONG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.