Những mùa quả chín xôn xao!

(VNBĐ – Tản văn). Cứ mỗi bận được về quê, tôi thường chạy ngay ra mảnh vườn đầy cây tạp, giẫm đôi chân trần trên đất ẩm đầy lá mục, cảm nhận lớp đất mịn in qua từng kẽ chân.

Trong khu vườn quê, mọi thứ yên tĩnh và chậm lại, như chưa hề có những bộn bề của dòng đời tấp nập ngoài kia.

Trong khu vườn này, tôi và những đứa trẻ quê khác đã có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Những ngày hè, khi cái nắng oi nồng phủ lên mọi thứ, thì dưới tán lá xanh um của bao nhiêu cây cối, khu vườn vẫn trong trẻo, xanh mát lạ thường. Cho đến bây giờ, đám bạn xưa vẫn hay nhắc về những mùa hè đã cũ, mùa hè mà những trái ổi sẻ chưa bao giờ kịp chín vì bao nhiêu vết bấm và bị hái đi khi vừa kịp chua lớp vỏ bên ngoài. Những quả ổi đầy vết móng tay, có vị chua và chát cùng phần ruột cứng, khi chấm muối ớt xanh lại ngon lạ thường. Tiết trời gay gắt, lũ ve sầu kêu ra rả, với người lớn là nỗi phiền lòng, còn với lũ trẻ ở quê, đó lại là một không gian lý thú. Lũ ve kêu khan cả khoảng vườn, rất dễ bắt và chúng vẫn mặc nhiên kêu ngay cả khi đã nằm gọn trong những ngón tay đầy mùi cây trái.

Có những ngày gió về nhiều, dây lạc tiên đu mình trên những cành cây cao và nhỏ, thường ngày rất khó hái bây giờ đã vàng ruộm, tự rơi xuống giữa thinh không. Đó là món quà thú vị nhất bởi chúng được no nê nắng gió, chín đúng cỡ với phần ruột ngọt lịm và mùi thơm rất dịu. Hầu như lúc đó, không có buổi trưa nào chúng tôi đi ngủ mà toàn quanh quẩn trong khu vườn để hái quả xanh, nhặt quả chín. Và thể nào, đến gần chiều, tôi thường ngả cái mũ rộng vành để nhặt những quả bồ kết già có màu đen tuyền phía cuối vườn rồi tẻ vài nhánh sả mang vào cho má. Rỗi việc, má sẽ nướng chúng trên than đỏ, nấu một nồi nước lớn mang ra thềm nhà đắp bằng đất nổi, gội đầu cho từng đứa một. Sau mỗi lần len lỏi trong đám lá, đầu tóc đứa nào cũng vương đầy nhựa cây, mồ hôi và cả vụn lá khô rơi rớt.

Và rồi, dẫu quyến luyến khu vườn đầy cây trái ấy, chúng tôi vẫn phải xa chúng để học cấp 3 nơi trường huyện. Cả chặng đường đi về gần 30 cây số, cuối tuần nghỉ học về nhà thấy thời gian như chạy qua cửa sổ. Tôi chỉ kịp thấy khu vườn chuyển động theo mùa với những lối mòn đầy cỏ và rau dại. Thi thoảng trong giấc ngủ vùi, tôi nghe tiếng lạc tiên rụng trong thênh thang gió mà không định hình được là mơ hay thực.

Rồi những mùa thi, những ước mơ, dự định và con đường mới kéo tôi đi xa làng hơn nữa. Mỗi lần gọi về, sau chuyện lớp chuyện trường, má lại nói về những đổi thay trong khu vườn cũ. Má bảo sẽ dọn lại vườn, đám cây bây giờ già cỗi gần quá nửa còn lũ rau dại thì chen chúc mọc không còn chỗ trống. Tôi nghe trong gió tựa hồ như có mùi thơm hăng hắc của những thân cây rau bọng giếng và rau nút áo. Tôi nói với má rằng hãy để chúng an nhiên xanh, an nhiên rụng lá và an nhiên già đi trong khu vườn. Chúng không chỉ đơn thuần là cây, chúng là những người bạn chân thành nhất suốt thời thơ ấu của tôi.

Thế nhưng, dù có cỗi già đến thế nào, những cái cây ấy vẫn âm thầm cho ra quả ngọt. Tụi nhỏ bây giờ lịch học đan dày, chẳng mấy khi có thời gian hứng thú với cây trái trong vườn. Lũ nhen sọc rằn và sóc tha hồ ăn quả chín. Sớm mai, tôi ra vườn, trông thấy những quả ổi sẻ ruột đỏ và mấy quả mãng cầu bị ăn phân nửa, chợt thấy lòng dìu dịu nỗi nhớ thương. Tôi gom chúng lại, ngồi xuống khu vườn trong tĩnh lặng, nghe gió khua trên từng tán lá và ăn những quả chín mà lòng an yên đến vô cùng.

* Ảnh minh họa: Internet

NGUYỄN VĂN HÒA

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Mẹ con Chèo Bẻo

Mùa gặt đến, Chèo Bẻo mẹ cần mẫn nhặt từng cọng rơm vàng ở cánh đồng rất xa về để xây một ngôi nhà xinh đẹp trên ngọn cây…

Mùa đông của tôi

Bay qua chiều vắng
Người là nắng mùa đông
Là góc phố là mái ngói là những chiếc lá biết tạm biệt lá cành cành lá 
Hãy rơi như ta chẳng có gì níu giữ 
Lấp đầy những con phố 

Tìm chiếc smartphone

Ngày ba mươi
Khi chiếc smartphone rơi
Ngôi nhà trống vắng
Những thành viên loay hoay tìm nhau
Chạm vào đâu thấy từng gương mặt
Chạm vào đâu nghe tiếng sum vầy

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương

Thơ Đoàn Mạnh Phương đi giữa ranh giới của truyền thống và hiện đại, anh sử dụng khá tài tình hình ảnh, ngôn ngữ hiện đại để nói những muôn thuở của đời sống…