(VNBĐ – Đọc sách). Một cách tỉ mỉ, duyên dáng, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ đã bày biện những món ăn dân dã cho bạn đọc thưởng thức qua tập tạp văn mới nhất của bà – Thương quá nục ởi!. Nhẹ nhàng tự nhiên như đang thủ thỉ, trò chuyện cùng bạn hữu, nhà văn khiến người đọc “thòm thèm” những hương vị quê nhà, và có khi người đọc bất chợt cay cay sống mũi bởi thứ gia vị của ký ức, của tình thân mà bà nêm nếm…
Tập sách tập hợp những bài viết về ẩm thực của người miền Trung, đặc biệt là ẩm thực Bình Định, lưu dấu gần 40 năm về làm dâu xứ Nẫu của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ. Với bà, Bình Định đã là quê hương thứ hai với bao thân thương trìu mến. Những lạ xa thuở ban đầu đã thành quen thuộc, đã máu thịt gắn bó. Lẽ vậy, không có gì quá đáng khi bà tự nhận mình đã là một con dân xứ Nẫu thứ thiệt – nẫu rặt ri. Sự trải nghiệm và tình cảm bà dành cho đất và người xứ Nẫu đầy tràn trên câu chuyện bà viết, như cái cách bà thổ lộ thành thiệt trong lời mở đầu sách: “Tôi là người đầu tiên trong gia đình mình biết ăn các món của người miền Trung. Chắc cũng do cái tật ưa lê la nơi này chỗ nọ, rồi cái tính ham hỏi muốn nghe, và cái miệng lại thích thử ưng nếm. Nhưng trước khi lập gia đình, có vẻ như hết thảy những điều đó chỉ sượt qua tôi, hoặc có lưu giữ lại thì cũng không trọn vị bằng khi được làm dâu Bình Định”.
Lật giở những trang sách của bà, những món… quê mà ta thường thấy các mẹ, các dì hay làm lại hiện về sinh động. Đó chẳng phải là thứ cao lương mỹ vị gì cả, chỉ là đôi chút thức quê quá đỗi thân thương đã gắn chặt với những người nông dân hay lam hay làm hay ngư dân mặn mòi xứ biển. Những món ăn như bánh tráng, bánh xèo, mắm ruốc, mắm cua, cá nục, đậu phộng, mít trộn, gié đắng, khoai ngào, bánh gừng… với phong phú mùi vị, cách ăn, cách chế biến bày biện và những câu chuyện thân thương quanh nó vừa kích thích vị giác người đọc, vừa như làm sống dậy những bổi hổi xa xưa bình yên quê nhà. Nhà văn khá kỳ công trong việc diễn tả cách để nguyên liệu thô trở thành thành phẩm mĩ miều hấp dẫn. Thì cứ thử đọc một đoạn bà chế biến món mắm cua, mới hay cái điệu đàng, kỳ công để cho món ăn dân dã này khiến bao người yêu thích đến vậy: “Lại nói về kho mắm cua. Giản đơn hết cỡ thì mắm cua kho trơn trụi là rồi. Có sao thì cũng phải khử chút dầu phi củ hành khô cho dậy mùi. Kho xôi xổi thì phải thêm củ sắn nước xắt cục, có người kêu là um. Mắm cua um củ sắn. Bước đầu phải khử dầu, bỏ sắn vô tao, tiếp tới là bỏ mắm cua và vặn bếp cho lửa nhỏ. Lửa phải thật liu riu để cho vị cua thấm tháp trong từng miếng sắn một. Cứ chậm rãi mà chờ đợi chứ không thể nóng vội với cái món đây mà hư sự hết. Khi mà cả gian nhà đã sực nức mùi mắm cua, ta còn phải nêm nếm lại để gia giảm. Có thể thêm chút đường hoặc chút bột ngọt cho sắn bớt mặn gắt. Sẽ hết sức thiếu sót nếu thiếu mấy lá gừng và vài trái ớt” (Thập cẩm… mắm). Nếu chỉ thuần miêu tả món ăn, thì tạp văn khó mang lại dư cảm dây dưa, quyến luyến. Tôi thích những tạp văn mà nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ “tẩm nêm” vào những thức quê kia câu chuyện của đời sống, ân nghĩa tình người. Như ở ngay bài viết Thập cẩm mắm, nỗi nhớ má, nhớ những người thân đã từng quây quần chung mâm cơm ấm cúng, chắp hà với cái vị mắm cua đồng cay nóng, hay hình ảnh một người biệt xứ về lại quê nhà “hăm hở ăn, ngấu nghiến ăn” món mắm cua như gia nạp vào mình những thẳm xa tuổi thơ ngày cũ, như muốn đã đầy cái vị quê cho thỏa lòng tha hương cứ khiến người đọc lằng lặng…
Ở Thương quá nục ởi!, món ăn được “thưởng thức” bằng nhiều giác quan. Độ hấp dẫn và thú vị của món ăn còn được cảm nhận qua thính giác, để nghe những âm thanh quen thuộc như đánh thức vị giác trong mình: “Cũng là bánh tráng gạo nhưng vợ chồng tôi thích ăn loại bánh giòn. Nhúng một mặt và ăn cái nào nhúng cái đó. Phải như vậy, bánh mới kịp giữ được độ giòn. Giòn không chắc nụi và dày cui, đủ cho những âm rôm rốp và rôm rốp phải bật ra nhưng cũng đủ làm tai sướng, miệng vui và bụng no. Hỏi có thứ nào được như bánh tráng giòn đã chứ!” (Rôm rốp… những âm quen). Sách của Nguyễn Mỹ Nữ gợi nhắc nhiều về ký ức quê nhà, về những món ăn thân thuộc nhưng khiến lòng ta xao xuyến. Đọc Thương quá nục ởi!, ta thêm biết vì sao lại có món mứt xà bần, mới hiểu vì sao “cặn cọt từ những vụn vặt” của mứt lại ngon lạ ngon lùng. Hay ta mới tỏ thêm món nuốt là món sứa mà người miền Trung quá đỗi quen thuộc. Cuốn sách đưa người đọc vào thế giới của ẩm thực dân dã, đưa người đọc qua những năm tháng ngỡ đã nhòa phai, như loáng thoáng hình bóng một quán nhỏ giữa phố phường với món gié đắng bên ly rượu gạo, hay những gói bánh tét chuối do một người mẹ lớn tuổi nấu những dịp giáp Tết làm bồi hồi nhớ quê, nhớ Tết xưa… Nhiều trong số những địa chỉ quen, những con người nồng hậu dung dị làm nên những món ăn ngon đã dần chìm vào quá vãng, chỉ còn những bâng khuâng nuối tiếc một thời. Trong sách, nhà văn lưu dấu những người bạn mình gặp, những thân thuộc gia đình với tài hoa nấu bếp. Đặc biệt, bà nhắc nhiều về hai người mẹ, mẹ ruột và mẹ chồng với niềm kính yêu và thương nhớ vô vàn. Từng món ăn các mẹ nấu, các mẹ dạy như gói ghém bao tình thương, bao chăm chút sẽ còn được lưu giữ, để rồi trong xa xăm nhớ về, lòng những đứa con như thắt lại: “Mẹ tôi, một người phụ nữ vùng chiêm trũng ngoài Bắc lại có món ruốc kho kẹp khế chua, rất lạ miệng. Hôm nào có thử này, mẹ thường dặn các chị bỏ thêm lon gạo. Vì các con của mẹ vốn đã đông mà lại rất vừa miệng với cái món đây. Tôi thi thoảng cũng kho ruốc, cũng mua mấy trái khế nhưng ăn hết thấy ngon. Chỉ thấy nhớ nhớ những bữa cơm đầm ấm mę, của gia đình mình ngày trước, nhớ bắt quắt lòng. Má chồng tôi có dạo rất thèm món tép kho dưa cải muối chua, nói món quê kiểng vậy chứ mà ăn mặn mòi, sau, nói già phải ăn cơm ít để hạn chế tinh bột, mà có món đây tao làm ba chén mới đã miệng, vậy không tốt. Thế là mâm cơm nhà vắng bặt…” (Giêng Hai níu ruốc).
Thương quá nục ởi! với 50 bài viết là những góp nhặt dọc đường làm phong phú thế giới ẩm thực của tác giả. Tận dụng văn nói, sử dụng phương ngữ đã làm cho văn của Nguyễn Mỹ Nữ thêm gần gũi, tự nhiên. Đây như là món quà tri ân của nhà văn trong thời gian dài làm dâu xứ Nẫu, để nghe vị tháng năm nồng nàn những thân thương quê nhà…
BẢO NHI