Tình yêu dành cho mẹ đã chạm đến lòng người

(VNBĐ – Thơ & lời bình). Nằm trong cảm thức về mẹ, bài thơ Xa bóng mẹ của Trần Viết Dũng ra đời đã góp vào cõi thơ viết về mẹ một bông hoa hương sắc. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, chia làm sáu khổ, mỗi khổ thơ vỏn vẹn có hai câu được sắp đặt song hành. Sáu khổ thơ tựa như sáu cửa sổ nhỏ xinh đợi người đọc đến mở cửa để đón nhận ánh sáng tỏa lên từ con chữ khi bước vào ngôi nhà thơ.

Cửa sổ đầu tiên vừa mở, đối tượng trữ tình hiện ra ngay:

Mẹ hạt – bụi – mênh – mông – mặt – đất
Mặt Đất – hạt – bụi – mênh – mông – thiên – hà

Hai câu thơ trên có cách sắp đặt, gọi tên sự vật rất đặc biệt. “Hạt bụi” được gọi tên có kèm theo nhiều định ngữ. Dựa vào sự trình hiện hai câu thơ như thế, người đọc hiểu rằng Mẹ được ví với “hạt – bụi – mênh – mông – mặt – đất” mà Mặt Đất thì được xem như là “hạt – bụi – mênh – mông – thiên – hà”. Vậy ra, Mẹ là “hạt bụi trong hạt bụi”. Các hình ảnh kỳ vĩ “Mặt đất, Thiên hà” cũng có mặt trong phép so sánh trên nhưng đó không phải là sự vật được đem ra so sánh với mẹ như cách thường thấy mà là thủ pháp đối lập dùng cái kỳ vĩ để làm bật nổi cái bé nhỏ là “hạt bụi”. “Hạt bụi” có thể nhìn thấy được nhưng đã mấy ai đo được kích cỡ của nó bằng mắt? Chắc là không ai, bởi nó cực, cực bé. Đã vậy mà Trần Viết Dũng còn đặt nó nằm trong Hạt bụi – Thiên hà. Với cách nói này, Mẹ tưởng chừng như không có hình hài, không hiện hữu mà chỉ là “bóng” thôi. Phải, Trần Viết Dũng đã vẽ “bóng mẹ” bằng “hạt bụi trong hạt bụi”, một thủ pháp riêng biệt của ông khi tạc chân dung mẹ.

“Hạt bụi” tiếp tục bay trong cảm thức người thơ:

Hai hạt bụi suốt đời ta đi chẳng hết
Đêm nhìn trời đụng cõi bao la

“Hai hạt bụi” có phải là “Mẹ – Hạt bụi mặt đất” và “Mặt Đất – Hạt bụi Thiên hà”? Có lẽ vậy. Nhưng dựa vào biểu nghĩa của hai câu thơ mở đầu thì chẳng phải Mẹ là “hạt bụi trong hạt bụi”? Với cách nói “hai trong một” như thế thì tác giả đã đồng nhất Mẹ và Mặt Đất, là cội nguồn của mọi sinh sôi.

Mẹ chỉ là hạt bụi cực bé nhỏ, cực mong manh, cực dễ tan bay, vậy mà “suốt đời ta đi chẳng hết”. Nếu “Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Chế Lan Viên) thì cũng rất có lý khi “suốt đời ta đi chẳng hết” đời “hạt bụi”. Làm sao “đi hết”, làm sao đền trả hết công lao trời bể của mẹ hiền. Thi sĩ thêm khẳng định điều này ở câu thơ “Đêm nhìn trời đụng cõi bao la”. “Cõi bao la” chỉ “đụng” tới khi “nhìn” trời. Vậy, chẳng phải ta đã cảm nhận “hạt bụi” bằng tâm thức? Phải, tiềm thức lưu giữ ký ức về mẹ để hạt mầm hiếu thảo mọc thành cây ở khu vườn tâm thức. Chính khu vườn tâm thức trùm phủ bóng cây hiếu thảo giúp ta “nhìn” thấy và “đụng” tới công ơn sâu dày của Mẹ. Hai hình ảnh “trời” và “cõi bao la” trong câu thơ này gợi nhớ đến: “Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang” (Ca dao), “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” (Y Vân). Cũng sử dụng những hình ảnh vũ trụ kỳ vĩ để so sánh với mẹ nhưng Trần Viết Dũng có cách biểu đạt theo lối riêng của mình.

“Cõi bao la” một khi đã “đụng” vào thì ký ức về Mẹ òa vỡ. Đây là lúc Mẹ cho ta chào đời:

Mẹ đau đớn hạt – buồn – con – tách – vỏ
Nén hơi dài ru tròn giọng dân ca

Để cho “hạt – buồn – con – tách – vỏ”, mẹ đã phải chịu nhiều “đau đớn”. Để “ru tròn giọng dân ca”, Mẹ phải “Nén hơi dài”. Người thơ rất thấu cảm nỗi “đau đớn” của người phụ nữ khi vượt cạn. Thấu cảm cái giá đắt mà người phụ nữ phải trả để “tròn” thiên chức làm mẹ. Khi “nhìn trời” điều đầu tiên ta cảm nhận ở “cõi bao la” kia là công ơn sinh thành của Mẹ. Mẹ được làm “tròn” thiên chức, hẳn đứa con ra đời là niềm hạnh phúc của Mẹ thì tại sao nhà thơ cho đó là “hạt – buồn – con”? Phải chăng, sinh con ra là mẹ cho ta mang nặng kiếp người. Mà kiếp người, trong cảm thức của ta là kiếp buồn?

Quãng đời Mẹ nuôi nấng, dạy dỗ ta cũng vụt hiện:

Ta lêu lổng Mẹ còng lưng dấu hỏi
Mắt hiền từ thằng bé hệt dáng Cha

Chiếc lưng còng của mẹ được ví với “dấu hỏi” để biểu đạt sự khó nhọc, gian nan mà mẹ phải gánh chịu là thủ pháp nhiều người đã chạm bút. Trần Viết Dũng chỉ khác khi sử dụng thủ pháp này trong tình huống “Ta lêu lổng”, được hiểu đây là lời sám hối của con đã làm Mẹ buồn và khó nhọc dạy con. Dạy dỗ con khi con “lêu lổng”, nhiều người mẹ thường nặng lời hoặc dùng đòn roi. Riêng Mẹ, dạy ta bằng “Mắt hiền từ”. Ta cảm nhận từ đôi mắt Mẹ tỏa ngời ánh sáng của tình yêu con vừa thiết tha vừa khắc khoải, hoài mong. Và, ta đã lớn lên từ ánh mắt này.

Tình yêu Mẹ dành cho con còn được làm đậm hơn ở cụm từ “thằng bé hệt dáng Cha”. Cụm từ này hé lộ một mảng tình cảm khác đã ẩn khuất trong lòng mẹ: nhớ thương chồng. Cái phiên bản “thằng bé hệt dáng Cha” đã đánh thức tình yêu này mỗi khi Mẹ nhìn con. Thường thì càng nhớ thương chồng, người phụ nữ càng dồn tình yêu cho đứa con của họ. Bởi vậy, hình ảnh Cha chỉ thoáng hiện qua lời Mẹ nói nhưng đã làm sâu sắc thêm tình Mẹ yêu con. Chẳng phải tình yêu con còn có tình yêu “Cha thằng bé” cộng hưởng? Ngòi bút Trần Viết Dũng quả là tinh tế khi chạm đến tầng sâu nội tâm của đối tượng trữ tình bằng chi tiết “thằng bé hệt dáng Cha”.

Lúc bé làm Mẹ buồn đến khi lớn lên, ta lại làm Mẹ đau:

Ta giẫm Mặt Đất đau dấu chấm
Gót cô đơn lưu lạc giữa quê nhà

Một trường liên tưởng được trình hiện ở hai câu thơ này: Gót (chân) – Giẫm (lên) – Mặt Đất – (tạo) Dấu chấm. Thủ pháp này đã nối dài liên tưởng cho bạn đọc về sự “lưu lạc” của ta. Nói đến “lưu lạc”, người ta hình dung đến người tha phương, bơ vơ không bến đỗ. Nhưng ở đây ta lại lưu lạc “giữa quê nhà”. Tạo sự nghịch lý này, phải chăng chủ thể sáng tạo muốn chạm đến bi kịch của người sống “giữa quê nhà” mà vẫn thấy “cô đơn” như đặt chân nơi xứ lạ quê người? Có bi kịch nào mà không gây “đau”? Ta đau là lẽ đương nhiên nhưng người đau nhiều nhất vẫn là người sinh ra ta. Dõi theo từng bước đi của con, buồn – vui đời Mẹ đều phụ thuộc vào con nên khi ta “lưu lạc giữa quê nhà”, “Mặt Đất đau dấu chấm” là phải. “Dấu chấm” in hằn “gót cô đơn lưu lạc” của ta chính là vết thương in sâu vào lòng Mẹ (Mặt Đất). Lẽ ra khi trưởng thành, ta chia sẻ buồn đau đời Mẹ nhưng đằng này ta càng làm Mẹ đau hơn. Đó là điều làm ta giận mình, trách mình hơn bao giờ hết. Có lẽ vì thế mà giọng thơ lúc này nghe u uất, đau đáu như lời hối lỗi của người con.

Rồi một ngày ta về với Mẹ
Ôm vào lòng Mặt Đất lại ru ta.

“Một ngày” nào đó rất mơ hồ nhưng nỗi buồn đau của Mẹ thì rất cụ thể. Nỗi buồn đó đã định hình từ lúc Mẹ sinh ta. Giờ, nó càng chồng chất theo mỗi bước ta “lưu lạc”. Tuy chỉ dự cảm ngày về nhưng trong ta đã vẽ nên viễn cảnh “Ôm vào lòng Mặt Đất lại ru ta”. Vâng, Mẹ “ôm”, Mẹ “ru” đứa con đã trở về sau quãng đời lưu lạc. Ta đã trưởng thành, có sức vóc nhưng với Mẹ, ta vẫn là đứa con bé bỏng cần được “ôm”, cần được “ru”. Đây cũng là ao ước của ta “muốn bé lại” để được nằm trong vòng tay của Mẹ. Chỉ là dự cảm, chỉ là viễn cảnh nhưng đó là một kết thúc có hậu cho câu chuyện lòng của người con “lưu lạc”.

Vậy là sáu cửa sổ đã được mở toang, ngôi nhà thơ chan hòa ánh sáng. Ánh sáng của tình yêu, lòng biết ơn kính trọng đấng sinh thành cùng nỗi trăn trở, đau đáu về chữ hiếu chưa tròn của người con khi Xa bóng mẹ. Đặt nhân vật trữ tình vào tình huống “Xa mẹ”, thi sĩ muốn nghiêng ngòi bút vào góc tình cảm con dành cho mẹ khi cách xa. Bởi, có “xa” thì mới nhớ. Càng xa thì thương nhớ càng đậm sâu. Lấy “xa” không gian để đo độ nồng đậm tình yêu con dành cho Mẹ là ý tưởng độc đáo của tiêu đề bài thơ.

Tình yêu của đứa con lưu lạc dành cho Mẹ nơi quê nhà tràn lên từng con chữ. Con chữ, dưới ngòi bút của chủ thể sáng tạo như biết khóc cười, buồn đau, thương nhớ, hoài mong… Nương theo ánh sáng của từng con chữ, cái tình yêu dành cho Mẹ đã chạm đến lòng người.

Xa bóng mẹ
TRẦN VIẾT DŨNG
Mẹ hạt – bụi – mênh – mông – mặt – đất
Mặt Đất – hạt – bụi – mênh – mông – thiên – hà
Hai hạt bụi suốt đời ta đi chẳng hết
Đêm nhìn trời đụng cõi bao la
Mẹ đau đớn hạt – buồn – con – tách – vỏ
Nén hơi dài ru tròn giọng dân ca
Ta lêu lổng Mẹ còng lưng dấu hỏi
Mắt hiền từ thằng bé hệt dáng Cha
Ta giẫm Mặt Đất đau dấu chấm
Gót cô đơn lưu lạc giữa quê nhà
Rồi một ngày ta về với Mẹ
Ôm vào lòng Mặt Đất lại ru ta.
(Rút từ “Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định 2011 – 2021”, Nxb Hội Nhà văn, 2021)

28.3.2023
TUỆ MỸ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nghe từ tâm phía quê nhà…

Cách mà nhà thơ Bạch Xuân Lộc lấy tên Vũng Nồm đặt tên cho thi tập của anh cũng là một khẳng định tình yêu với quê nhà. Vũng Nồm, đã chất đầy nơi anh bao kỷ niệm…

Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh, xanh ngắt

Người làm thơ chỉ mượn ngôn ngữ thơ để giải bày những “rắc rối” trong tâm trạng của mình. Có lẽ vì vậy, thơ Phùng Khắc Bắc đạt đến sự giản dị mà không tầm thường của một ngòi bút…