Ngọn đồi của dân Gypxi

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). “Cây chà là bao nhiêu tuổi vậy ông nội?”.

“Nhiều tuổi lắm, như tổ tiên của chúng ta”.

“Còn ông thì bao nhiêu tuổi ạ?”.

“Cũng nhiều tuổi lắm rồi”.

“Vậy ông sinh từ thời ông Orabi hả?”.

“Ai nói mà cháu biết ông ấy?”.

“Cháu đọc trong sách lịch sử”.

Ông nội cậu bé mỉm cười và vỗ lưng cậu. “Giỏi lắm”.

Ánh sáng lúc chạng vạng đã tràn khắp bầu trời. Sắp đến lúc cầu nguyện trước khi mặt trời lặn hẳn trong tháng chay Ramadan. Tôi nhìn ông tôi. Mỗi khi bố tôi mắng tôi vì lười học, tôi sẽ chạy tới chỗ ông và nấp trong vòng tay ông. Tôi sẽ nghe ông quở trách bố tôi, “Mắng nhiếc nó hoài, nó chết bây giờ”.

Ông nội tôi hay ngồi xuống, kéo đầu tôi đặt vào lòng mình và vu vơ mắng ai đó. Tay ông chỉ về hướng có bóng mát rợp trên tường, chân đong đưa ru tôi và không đánh thức tôi dậy cho tới khi tôi tỉnh ngủ.
Đưa tay vào trong áo choàng của mình, ông lấy một vật ra và đu đưa nó trước mặt tôi. Tôi mừng rỡ khi thấy vật ấy có màu sắc như sắc mặt trời lấp lóa. Tôi vỗ tay và la lên, “Đèn lồng Ramadan, đèn lồng Ramadan”. Tôi nhảy cẫng lên và khi tôi đưa tay ra để cầm nó, ông đưa nó lên cao hơn. “Thượng đế giữ gìn cho ông nội, đừng chọc con, cho con đi”. Ông bật cười và nói, “Lồng đèn này giá 20 piaster đó, nhóc con. Con không xứng với nó đâu! Giữ kĩ nó như giữ gìn đôi mắt con và chơi cho thỏa thích nghe anh bạn nhỏ”. Ông lấy tay lùa phủi mấy viên đá trên mặt đất rồi cởi áo choàng ra, trải dưới bóng mát, treo khăn xếp lên cành cây dâu tằm và nằm xuống, đặt cánh tay phải lên che hai mắt, hàm râu ông chĩa về phía tôi, nhìn như thể cây bông đang trêu ngươi.

“Chạy tới coi thử bố cháu và các chú đã tưới đồng Mirza chưa và có ngủ qua đêm ở đó không”, ông nói với tôi.

“Dạ, cháu đi ngay đây ông nội”.

“Nói bà nội nhớ ngâm chà là và cam thảo. Ông đang khát đây”.

“Dạ”.

Dưới gốc cây dâu tằm, giấc ngủ rón rén đến với ông. Ông lơ mơ rồi nhắm mắt lại nhưng miệng còn lẩm bẩm.

“Nhớ kêu ông dậy trước buổi cầu nguyện lúc hoàng hôn. Ông còn đi thăm người chết nữa”.

Khi ông nói những lời này, tôi không hiểu là ông đã ngủ chưa. “Thắp lồng đèn đi nhưng nhớ là không được đi tới ngọn đồi của dân Gypxi”. Ông thở đều, ngực phập phồng và ngáy o o.

Tôi tự hỏi: Tại sao ông tôi nói về ngọn đồi của dân Gypxi? Tại sao tôi không nên đến đó? Có con đường nào dẫn đưa tôi đến nơi chẳng có nhà cửa, chẳng có lối đi còn gió thì gào rít trên cây cối ở nghĩa địa không?”.

“Coi chừng ngọn đồi của dân Gypxi. Họ chộp lấy trẻ con, xăm hình vào ngực chúng và giễu nhạo chúng hơn là trò chuyện tử tế”. Ông tôi bắt đầu nằm mơ và nói những lời vô lý.

Tôi bỏ ông lại và đi, vừa đi vừa lúc lắc chiếc lồng đèn màu. Về tới cửa, tôi thấy mẹ tôi, đầu đang trùm kín. Thấy tôi có lồng đèn, mẹ tôi nói, “Mừng cho con, Abdul Mawla”. Tôi vui vẻ nói cho bà biết là ông nội mua nó ở thị trấn và bà cười với tôi. Tôi nói với bà, “Sao lúc đang lơ mơ ngủ, ông nội nói về dân Gypxi vậy mẹ?”. Mẹ tôi nói, “Người Gypxi cũng là tôi tớ của thượng đế, không nên sợ họ”. Bà nhắc tới một người tên Galeela và nói, “Con quên chị Galeela người Gypxi rồi hả?”.

“Galeela… Galeela”, tôi lặp lại cái tên này nhiều lần và nhìn mặt trời vàng óng đang sắp lặn. Lồng ngực tôi hít đầy mùi sữa nấu gần sôi. A, chị Galeela người Gypxi! Cằm chị ta có ba đường xăm, một bên cái mũi thẳng có một nốt màu xanh và trên mặt còn có một cái nốt đẹp khác như một quả nho khô, có chết cũng bẩy không ra. Chị ta đeo hai bông tai hình lưỡi liềm, chúng lắc lư khi cái đầu chị ta chuyển dịch. Mắt chị ta sẫm màu, có những cái nhìn bí hiểm. Sự thích thú của mẹ tôi và các bà cô của bà đối với chị ta là một trong các bí ẩn của cuộc đời.

“Chúng tôi có thể bói bằng sạn, có thể bói bằng vỏ sò. Chúng tôi biết tất thảy”, chị ta nói.

“Vậy tới đây bói xem, Galeela”.

Dưới bóng cây dâu tằm sum suê trong ngõ, chị ta trải chiếc khăn tay xuống, lấy vài hạt ngũ cốc mềm đặt lên. Đôi mắt nâu sẫm nhìn những phụ nữ trong làng đang bị vẻ bí ẩn của chị ta mê hoặc. Cái ngón tay chị ta vạch ra đường đời, số phận của con người: có những con đường dẫn tới vận may, kết thúc bằng đám cưới của những cô gái trinh tiết. Chị ta nói đến một năm dồi dào, bầu vú người và vật đầy sữa, kho lẫm đầy thóc, cánh đồng mang hạnh phúc nhưng mối hiểm nguy như con thú săn mồi đang nằm trong tử cung của một ai đó lòng nó đầy sự thù ghét, ganh tỵ. Theo lời chị ta thì Thượng đế là đấng cứu chuộc các tôi tớ, thiên sứ của ngài là người phù trợ và kẻ chính trực sẽ không bị hãm hại. “Chị là người tốt lành và ngay thẳng chị Ameena, con gái của ông al-Mursi ạ, nên Abdul Mawla, con trai của chị sẽ được gìn giữ khỏi con mắt độc ác và bất công của quỷ dữ”, chị ta nói thêm.

Tôi lắng nghe lời chị ta và tỉnh ngủ. Khi bước vô cửa, tôi quay lại thoáng nhìn vào đôi mắt không phải có màu tro mà có màu ánh sáng của chị ta. Tôi ngồi xuống ngưỡng cửa, giữa một bên là bóng tối trong nhà và bên kia là ánh sáng của lúc chiều tối. Chị ta mặc vải lanh mỏng, có hoa văn là những vòng tròn, bên trong áo này là một chiếc áo không tay có màu sắc của một vườn hồng. Chị ta lấy cánh tay quàng tôi lại, mồ hôi của chị ta làm người tôi ướt lây. Chị ta nói với tôi, “Hà, chú bé con nhà quý phái”. Tôi thấy đầu tôi chạm vào ngực chị ta còn tim thì đập liên hồi. Chị ta hôn vào miệng tôi làm các cô của tôi tức cười. Một người trong số họ nói, “Thả thằng bé ra, cô em lếu láo. Chị em ơi, cô ta trơ tráo, không biết xấu hổ, chẳng có ý tứ gì”. Người phụ nữ Gypxi cười và người mẹ tốt bụng của tôi nói, “Đừng đi xa nghe Galeela, tụi chị nhớ em đó”. Người phụ nữ Gypxi đáp, “Kiếm được bánh mỳ cho mỗi ngày khó quá, má thằng Abdul Mawla ơi”. Khi chị ta thả tôi ra, tôi rùng mình, tim đập mạnh. Tôi thấy chị ta dở áo choàng lên, để lộ ra hai bắp chân và quay lại nói, “Tạm biệt, Abdul Mawla!” rồi khuất bóng sau khúc đường cong. Giọng chị ta vọng lại trong ngõ, “Chúng tôi có thể bói bằng sạn, có thể bói bằng vỏ sò. Chúng tôi biết tất thảy”.

Chị ta đi mất, còn lại trong tôi giọng nói và lời hứa rằng tôi sẽ còn gặp lại chị ta. Sau giờ ăn chay và uống trà, đọc kinh, tôi thắp lồng đèn. Khi ánh sáng tỏa ra, ông nội tôi vui cười và chăm chú nhìn ánh đèn màu in trên sân. Tôi mở cổng hàng rào và đi ra ngõ. Tôi nghe chú tôi nói với theo, “Nhớ giữ lồng đèn đó nghe”.

Trẻ em và nhiều cô gái trẻ tụ tập lại trên ngõ. Trong các ngôi nhà, mọi người đang tụ tập làm bánh nướng cho Lễ Tiệc và radio phát ra những âm thanh về các nghi thức tôn giáo và sự vinh quang của Thượng đế. Bọn trẻ thấy lồng đèn của tôi nên vây quanh lại. Chúng bước theo sau tôi, bóng ngả trên mặt đất. Chúng tôi đi tới mộ của Abu Hussein trên bờ kênh. “Đã tới mộ của Abu Hussein rồi”, tôi thét lên. Gió gào rít trên những nhành cây cao.

“Má tao nói sức lực của ổng rất bí ẩn và ông ấy còn làm nhiều phép lạ”.

“Ông ấy làm phép lạ cho cả làng coi đó”.

“Ông ấy còn hô phong hoán vũ”.

“Thượng đế cũng làm như vậy đó, ngu à. Thượng đế dựng mày dậy vào ngày phán xử cuối cùng. Lúc đó mày và ba mày xuống hỏa ngục, tao và ông nội tao lên thiên đàng”.

Bọn trẻ cười vang và nhìn ánh sáng đang lụi dần trong lồng đèn. Thằng Shafika nói, “Nến kêu xèo xèo, lửa sắp tắt rồi kìa”.

“Mai mày mua một cây nến để thắp tiếp lồng đèn đi Abdul Mawla”.

“Tối mai là tối hai bảy, là Đêm của quyền lực”.

Người ta nói vào sáng hôm sau của Đêm quyền lực, ánh sáng thần thiêng sẽ phát ra, lời cầu khẩn được đáp lại. Chúng tôi sẽ đi lên ngọn đồi của người Gypxi vào đêm đó. Tôi nói điều đó với bọn trẻ và chúng đồng thanh đáp, “Lên ngọn đồi của người Gypxi à? Không được đâu!”. Sau đó chúng im lặng một hồi và hân hoan nói nhanh, “Nhưng tại sao không chớ? Tụi mình đi đi”.

Vào buổi sáng, tôi nói với ba tôi, “Cho con 5 piaster”. Ông ấy hỏi, “Để làm gì hả con?”. Tôi nói, “Dạ, để mua một cây nến”. Ông ấy la, “Cây nến hôm qua đâu?”. Tôi đáp, “Dạ cháy hết rồi”. Ông ấy la mắng, “Cái thằng này, ngày nào cũng đòi 5 piaster”. Tôi nói, “Ba à, tối nay là Đêm của quyền lực, con phải thắp lồng đèn lên ạ”. Ba tôi vung rìu và tôi thét lên. Tôi bước lùi vài bước và lọt chân vào đống phân súc vật. Tôi thấy con bê con miệng ngậm núm vú, chân quay quanh những bầu vú của con bê mẹ đang bồn chồn. Tôi nghe ông tôi đứng ở gần cửa nói với ba tôi, “Có chuyện gì đó?” và ba tôi đáp, “Trời ơi, ba lại làm cho tụi con nhức đầu. Nó muốn có một cây nến”. Tôi thấy ông tôi lấy cái bóp màu nâu ra và mở nút. Tôi có thể nghe tiếng lách cách của các đồng tiền đang chạm vào nhau và thấy rất vui sướng. Ngay khi thấy đồng năm piaster, tôi đã đưa tay chộp lấy. Tôi nghe ba tôi thét, “Ba lại làm hư nó rồi!”. Tôi đi khắp các tiệm tạp hóa trong xóm để hỏi mua nến, từ các tiệm trên ngõ ven sông đến các tiệm bên kia sông, từ vùng đất thấp cho tới khu đất của nhà Marees. Trong lòng mình, tôi bực dọc nói, “Thiệt là một ngày tồi tệ!”. Tôi trở về nhà và thét lên với mẹ tôi, “Con muốn có một cây nến!” rồi lấy chân đá đất bụi và quẳng đá lên cửa sổ tầng trên. Mẹ tôi ngừng nhào bột và mắng, “Mày sao vậy Abdul Mawla? Câm miệng đi. Tao biết kiếm ở đâu một cây nến cho mày hả?”. Chú Ahmed quát tôi, “Quỷ thật, mày không lúc nào mà không đòi hỏi. Lên trên phòng sát mái mà tìm cây đèn thiếc đúng cỡ lồng đèn. Chùi cho nó sạch rồi luồn tim vào, sau đó đổ dầu lửa vô và để cho các chú của mày yên với các đòi hỏi điên khùng kia”.

Tôi đi lên cầu thang và mở cửa căn phòng sát mái. Tôi tìm trên bậu cửa sổ và thấy một cây đèn. Tôi thấy nó cũ kỹ và lấy tay đập đập nó cho tới khi nó bè ra như một con ếch lớn. Nó bị sét gỉ, phủ đầy bụi do bị bỏ quá lâu, lẫn trong những chiếc muỗng gỗ, một cuộn dây đàn, những con dấu mà tên người đã phai và những hợp đồng mua bán đất cũ mèm. Tôi còn thấy có một con dao găm có lưỡi lấp lóa nằm trong bao da. Tôi thì thào, “Dao găm và lồng đèn”. Tôi lấy bông se lại thành tim đèn, chùi rửa bụi bặm bằng dầu lửa rồi đổ dầu và gắn tim vào.

Đêm xuống tôi thắp lồng đèn, tụ tập bọn trẻ lại và đi về phía ngọn đồi của người Gypxi. Chúng tôi rời ngôi làng, đi vào vùng tối đen bằng ánh sáng của đèn lồng. Lửa của lồng đèn làm khói bốc lên và làm đen nó. Chúng tôi đi qua nhà bà Umm Bilal vô tích sự và không có ai là họ hàng. Tôi thấy bà ấy đi gần trụ bơm nước sát nhà. Tôi chào bà ta và bà ấy chào lại rồi hỏi, “Tụi mày đi đâu vậy?”. Chúng tôi cùng đáp lại, “Đi lên ngọn đồi của dân Gypxi”. Người đàn bà cười bằng thứ giọng làm chúng tôi sợ hãi. Bà ta khoát tay và nói to, “Lên đồi của dân Gypxi à? Chúng mày quả là một đám tào lao, không bình thường. Đi về lại đi, lũ hư hỏng, đừng lên đó. Nếu lên đó, họ sẽ bắt cóc và thiến chúng mày như thiến dê. Họ còn mổ bụng tụi mày, lấy ruột ra, bỏ muối vào rồi ướp xác, treo tụi mày lơ lửng ở cửa”.

Chúng tôi nghe vậy rất sợ, chân như bị chôn xuống đất. Bóng tối xung quanh chúng tôi như đang kéo dài ra vô tận. Thằng Said Badr vội quay đầu chạy về, thằng Madi chạy theo sau nó. Tôi và lũ trẻ còn lại mạnh bước xuyên qua đêm tối. Khi chúng tôi bước đi, ánh đèn bên trong những tấm kính phủ bụi đen của lồng đèn sáng lập lòe. Gió thổi đều, cây cối rung rinh. Xa trong nghĩa trang, có tiếng chó sói tru. Trên bầu trời, các vì sao nhấp nháy. Chúng tôi lặng im, vừa đi vừa sợ sệt nắm chặt bàn tay lại.

“Tụi mày ơi, cái tệ hại nhất đã qua, ngọn đồi đã ở trước mặt”, tôi nói nhưng không có tiếng trả lời. Lửa ở tim đèn chấp chóe rồi tắt hẳn. Bóng tối đen ngòm bao phủ. Thằng Shafika khóc và nói, “Tao sợ quá”. Tôi nâng lồng đèn lên và nói, “Thượng đế sẽ ban ánh sáng thiêng cho mặt đất”.

“Tao muốn đi về”.

“Tao muốn cầu Thượng đế cho ông nội tao sống lâu. Mày có cầu gì không Shafika?”.

“Tao muốn đi về”, đứa nhỏ nhất trong bọn chúng tôi là thằng Othman nói. Nó van nài thằng Mongi, “Đi về với tao Mongi. Má tao sẽ đánh tao chết”.

Bọn trẻ bỏ tôi lại, vội vã đi về hướng ngôi làng. Tôi đi một mình tới nơi cần đến. Tôi cầm chiếc lồng đèn ở tay phải nhưng không còn có thể nhìn thấy màu sắc của nó nữa. Tôi thì thầm, “Dù cho mặt đất đầy quỷ dữ, mình vẫn cứ đi”, nhưng khi nói tới quỷ, tôi thấy rùng mình. Những đồng đất đang ở cạnh tôi và tôi thấy cây cối chĩa cành về hướng tôi. Tôi nghe trong các đám cỏ có tiếng sột soạt. Tôi mạnh mẽ nói với tôi, “Quỷ đã bị nhốt lại trong tháng chay Ramadan. Cứ bình tĩnh”. Tôi nghe một con chim dẽ kêu như muốn nói, “Thượng đế là của cậu. Thượng đế là của cậu”. Tôi thấy thư thả và nói với mình, “Mình đã nhầm lẫn. Ánh sáng lồng đèn là số mệnh của mình đã tắt và làm mình bị lạc lối”. Nhưng tôi vẫn bước tiếp dưới ánh sáng của sao trời. Tôi muốn đi trở lại nhưng đã không còn có thể được nữa. Có tiếng trống đánh từ xa xa theo gió bay tới. Mặt trăng có hình lưỡi liềm trông như một lát dưa hấu đang nằm xa tít tắp trên bầu trời. Tôi thì thào, “Ngọn đồi hãy còn xa mà mặt trăng không phải là người dẫn đường”.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Cuối cùng, ngọn đồi có cây cối nằm rải rác hai bên sườn hiện ra. Có ba cái lều có đèn treo trên cột sáng nhấp nháy do đó cho thấy những cái lều này nằm san sát bên nhau. Tôi đi lên ngọn đồi. Vì mệt, tôi ngồi lại trên một tảng đá. Tôi thấy dân Gypxi đứng thành vòng tròn, đánh trống và hát theo tiếng nhạc của các ống sáo làm bằng thân cây sậy. Điệu nhạc thân thiện làm tôi thấy êm ả. Tôi tiến tới gần hơn và thấy thủ lĩnh của người Gypxi là Mawawi đang đứng dưới một cây đèn to. Khi nhìn rõ hơn, tôi thấy ông ta để tóc tết, tai trái đeo khuyên bạc, trên cái khuyên này có gắn một cái chuông nhỏ. Khi ông ta đưa tay lên, tôi thấy trên các ngón tay ông ta có đeo nhẫn và trên mặt các chiếc nhẫn này có hình các con bọ hung. Trên mắt ông ta có vẽ thêm mắt của đại bàng, răng có đính hình những vương miện vàng. Chúng sáng lấp lánh khi ông ta cười.

Một người Gypxi lùn tịt cầm một cái chĩa sắt đi tới chọc vào đống lửa làm nó sáng bùng lên. Trên cánh tay một người đàn ông khác có một con rắn quấn quanh, đầu ngẩng lên, răng nhe ra, đưa qua đưa lại, mà mắt vẫn không chớp. Một con khỉ nhỏ lặng lẽ đứng trên vai anh ta, khuôn mặt biểu lộ sự khôn ngoan của người già.

Nhìn ngắm một hồi, tôi thấy mệt mỏi, như thể là đang gà gật ngủ. Phải chăng tôi đã bị giấc ngủ chế ngự hay ánh lửa, tiếng trống, tiếng cười của thủ lĩnh Mawawi đã bỏ bùa tôi, làm tôi thấy ánh sáng thiêng mở ra, thiên thần có cánh bay xuống nơi này, mang theo hương thơm của thiên đường? Tôi thì thào, “Mình sẽ cầu nguyện cho ông nội mình. Trong Đêm của quyền lực, lời cầu khẩn nào cũng được đáp lại”. Tôi thấy một người Gypxi đánh trống chào đón các thiên thần trong khi thủ lĩnh Mawawi rẽ bước đi tới vòng tròn người đang đứng nắm lấy tay một cô gái Gypxi trẻ có gương mặt chân chất, dáng vóc xinh đẹp, mặc áo lụa, eo thắt dây nịt xanh mà đầu của dây này thòng dài tới đùi. Cô ấy đứng ở giữa vòng người và nhảy theo tiếng trống. Phía sau cô ấy là một cánh cổng đang mở ra dẫn vào một vườn hoa có các thiên thần cũng đang đứng thành hình vòng tròn.

“Chị Galeela, chị Galeela”, tôi gọi và ông Mawawi biết là tôi đang có mặt. “Cậu cũng tới à?”, ông ta cười nói. “Vâng”, tôi đáp. Ông ta lấy tay kéo tôi và tôi ngả xuống một cái bàn. Ông ta đặt tay phải lên ngực tôi và một phụ nữ người đầy những hình xăm, tai mang khuyên hình bán nguyệt bưng tới một cái chén sắt đựng nước ấm, hơi bốc lên nghi ngút. Tôi kêu lên yếu ớt, “Chị Galeela”. Ông Mawawi bảo đem nước hoa hồng, gừng, nghệ, long não, bột gỗ đàn hương trắng tới và ông ta trộn tất cả vào chén nước. Tôi nghe ông ta lẩm bẩm “Văn tự là nguồn gốc của lời nói và Ngài đứng trên văn tự” nhưng tôi không hiểu gì cả. Khi ngửi hương thơm của chén nước pha, tôi nhắm mắt lại và nói, “Nước hoa”. Tôi thấy ông ta rút dao ra và khắc một cái dấu trên ngực tôi làm tôi sửng người. Tim tôi đập thình thịch dưới bàn tay ông ta. Máu rỉ ra từ chỗ có vết khắc. Tôi nghe ông ta nói với tôi, “Cậu đang được nhìn thấy con tim của cậu đó”. Tôi cố đứng dậy nhưng ông ta cản lại. Ông ta nói, “Hãy giữ lấy bí mật của cậu!”. Tôi nói “Tôi khát quá”. Ông ta nói với xung quanh, “Đem cái gì đó tới cho cậu ta uống”. Ông ta đặt quả tim tôi vào trong một cái hộp và nó phập phồng đập. Ông ta rửa rồi chùi khô nó và lấy một cây viết làm bằng sậy viết chữ lên đó. Khi tôi hỏi ông ta đang viết gì, ông ta nói ông ta biết ông ta đang làm gì. Tiếng trống, tiếng sáo vẫn tiếp tục. Côn trùng tụ tập quanh đống lửa của người Gypxi và ngọn đồi trở nên rực rỡ tuyệt trần.

Ông ta đặt trái tim tôi lên ngực tôi. Những vì sao chiếu mệnh mà tôi phải đuổi theo suốt đời đang nằm rải rác trên trời. Ông nội tôi đóng khố màu và đội khăn xếp rộng, tay cầm vương trượng cũng đang có mặt. Tôi nói với ông tôi, “Nhìn kìa ông nội, chúng là những ngôi sao chiếu mệnh của con”, nhưng ông ấy không nhìn. Ông nói, “Yếu ớt quá. Khi đi xa, quả tim bao giờ cũng bị trừng phạt”. Nói rồi ông dúi vài quả chà là vào tay tôi và trước khi biến mất, ông nói, “Ăn cho đỡ đói đi con”.

Ông Mawawi lắc người tôi và hỏi tên tôi. Không hiểu sao, tôi quên mất tên tôi. Bà chị người Gypxi nói, “Cậu ta là Abdul Mawla” và thủ lĩnh Mawawi nói, “Abdul Mawla, cậu đã đi quá xa”. Ông ta lau chùi lồng đèn rồi đặt nến vào và một lần nữa, lửa nến lại lan tỏa. Ông ta nói với tôi, “Coi chừng đá cuội và những cái rãnh trên lối mòn. Quẹo phải ở chỗ khúc cua và cậu sẽ về lại được ngôi làng vào lúc bình minh”.

Tôi đi xuống đồi và bước giữa các cây bách và cây bạch đàn, mũi ngửi hương đêm, tai nghe tiếng hát và thấy bên phải tôi có một dòng suối có nước vọt ra.

Said al-Kafrawi sinh năm 1939 tại vùng châu thổ sông Nile, Ai Cập. Ông đã xuất bản 12 tập truyện ngắn, chủ yếu đề cập đến đời sống của người nông dân. Truyện ngắn của ông đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ý.

SAID AL – KAFRAWI (Ai Cập)

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
Dịch từ tiếng Anh, trong Arabic Short Stories, Bantam Books, 2006.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Sơn Trần

Ngày trở về, cái cò không còn đậu cọc cầu ao
Sung chát đời sung… mọi chuyện đã thành cổ tích
Tôi thấy mình hóa thành trẻ con hồn nhiên, tinh nghịch
Bên cánh võng  trưa hè thao thiết lời ru.

Nhà thơ Văn Trọng Hùng

Cũng như kịch, thơ Văn Trọng Hùng khá thành công ở cách mượn các nhân vật, các vấn đề lịch sử để nói chuyện thế sự. Gần đây, thơ ông trĩu những buồn vui nhân thế…

Bài học của Sẻ em

Hai chị em chim sẻ mồ côi cùng sống trên một ngọn cau. Sáng nào chúng cũng thức dậy từ sáng sớm hót ríu rít vài câu rồi sà xuống ăn thóc gạo cùng đàn gà…

Lửa tháp

Nàng không biết mình phải bắt đầu từ đâu trên hành trình này. Đọng lại trong ký ức chỉ là một đốm đỏ nhói lên giữa chiều mù sương…