Đến với thế giới trẻ thơ

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học dân tộc, từ đầu thế kỉ XX đến nay, văn học viết cho/ về thiếu nhi vẫn không ngừng chuyển biến, đổi mới, đa dạng, phong phú về nội dung lẫn nghệ thuật, với một lực lượng đông đảo như: Đoàn Giỏi, Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Định Hải, Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Đoàn Thị Lam Luyến, Vũ Quần Phương, Tô Hoài, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Ân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Nhật Ánh, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Ngọc Phú, Hoàng Vũ Thuật, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Hồng Thiện, Mai Văn Hai, Phùng Ngọc Hùng, Lệ Bình, Đặng Hấn, Trương Hữu Lợi, Hoài Khánh, Dương Thuấn, Lò Ngân Sủn, Nông Quốc Chấn, Y Phương, Inrasara, Nguyễn Hoàng Sơn, Mai Văn Hai, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần, Hoàng Dạ Thi, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Lãm Thắng, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê… Và đặc biệt, có sự xuất hiện thế hệ 9x, 10x như: Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, Đỗ Nhật Nam,… Nhưng, viết về thiếu nhi mà để bất kì lứa tuổi nào đọc cũng thấy hay, hấp dẫn như thấy chính mình trong đó không hề dễ dàng. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là một “chiến lược lớn”, là sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi người viết.

Đòi hỏi về góc nhìn
Người viết phải thực sự làm chủ nghệ thuật “tắm” và “bơi” trên dòng sông tuổi thơ. Viết “hồn nhiên” quá thì tác phẩm không đảm bảo được tính thẩm mĩ và ý nghĩa giáo dục. Viết mà “cứng” quá, từng trải quá cũng dễ đánh mất cái trong trẻo, thơ ngây vốn có của trẻ thơ. Do vậy, yêu cầu bắt buộc khi viết cho thiếu nhi, người viết cần đảm bảo tính thơ ngây, hồn nhiên, tếu táo, cần cảm quan đồng lứa, cái nhìn ngang bằng, hòa hợp. Ngang bằng, hòa hợp chứ không phải nhái giọng, giả giọng. Nhái giọng, giả giọng tức là chọn điểm nhìn từ trên cao nhìn xuống, bao giờ cũng hàm chứa trong đó sự phân cấp, thiếu sự ăn khớp, quý trọng. Viết cho/về trẻ phải cạo xóa tối đa bóng dáng của người lớn, thủ tiêu mọi áp đặt của người lớn; nhập vai tự nhiên, kiến giải được cách nhìn, cách nghĩ thơ trẻ trước các sự vật, hiện tượng; đặt ra con đường tiếp nhận văn học thiếu nhi, có cấu trúc nghệ thuật riêng, xuất phát từ mĩ học ấu nhi. Đành rằng, người lớn viết cho thiếu nhi, hẳn nhiên không thể không có bóng dáng, tiếng nói, suy ngẫm của người lớn, nhưng những kinh nghiệm, trải nghiệm và kể cả sự tượng tưởng cũng phải đảm bảo sự hợp nhất với lứa tuổi trẻ thơ.

Tuổi thơ là thức quà vô giá của tâm hồn. Khi đến với thế giới trẻ thơ, người viết phải cất giấu cho mình một bí kíp, mê hoặc, lôi cuốn, dẫn dụ trẻ vui vẻ, hào hứng đi vào khai phá tác phẩm. Những gợi mở, dẫn dắt khéo léo, tinh tế của người viết sẽ khơi vẫy cảm xúc, trí tưởng tượng biệt lạ, cho trẻ thêm đôi cánh bay đến miền tri thức. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ nghe ngỡ là đủ nhưng không có nghĩa tùy tiện, cẩu thả, dễ dãi, mà đòi hỏi sự sâu sắc về mặt nội dung, giá trị về mặt nghệ thuật, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với câu chuyện ấu thơ.

Viết cho trẻ, càng rút ngắn các “vân tay” của người lớn trên văn bản trẻ thơ thì tác phẩm càng chân thực và lôi cuốn. Nếu không sự xâm nhập ý thức của người lớn quá nhiều, tác phẩm tạo cảm giác răn dạy cứng nhắc. Viết cho thiếu nhi đâu chỉ phục vụ nhu cầu của trẻ mà còn đáp ứng nhu cầu của người đọc đủ mọi lứa tuổi, cho nên, phải cho người đọc có được cảm giác đang tận hưởng, tắm táp, bơi lội trong không gian ấu nhi. Vì thế, viết cho/ về thiếu nhi đòi hỏi người lớn vừa bay về miền kí ức sống động, truyền đạt tư duy, tình cảm của trẻ, vừa biết vượt ra khỏi rào cản, barie, kiếm tìm một giọng điệu, một cá tính. Những cảm xúc hồn nhiên, thuần khiết, những cảm hứng ngẫu nhiên, bất ngờ cùng lối tư duy phi logic, đột phá mà người viết nhập vai, hóa thân luôn tạo đà cho những mơ mộng, ngộ nghĩnh của trẻ vươn xa.

Lấp lánh bài học
Với ước ao bày biện món ăn tinh thần hấp dẫn, cuốn hút nhất, người viết phải luôn ý thức đặt mình trong tâm thế kiếm tìm, làm phong phú thêm sắc hương văn học thiếu nhi. Cho trẻ một không gian giải trí nhưng cũng vì trẻ, vì tương lai của đất nước, chơi mà học, học mà chơi. Sự cài cắm các bài học, nhẹ nhàng mà sâu sắc, cụ thể mà khái quát để trẻ vươn tới những điều thánh thiện, tốt đẹp cũng là một đặc trưng không thể thiếu trong tác phẩm. Thông qua cách sử dụng hình ảnh dân dã, ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, thông qua những trò chơi, câu chuyện, người viết đưa các bài học vào một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, hình tượng.

Bài học được gửi gắm trong tác phẩm phải uyển chuyển, tự nhiên, tạo hứng thú. Trong nhận thức của trẻ, từ thế giới thiên nhiên bao la cỏ cây hoa lá, hiện tượng tự nhiên đến loài/ đồ vật, đều ẩn chứa sự thú vị, hấp dẫn, vui nhộn, ly kì, thúc giục trẻ tìm hiểu, khám phá. Trẻ xem thế giới ấy như những người bạn thân, có tiếng nói, có sự giao hòa, chia sẻ. Chính trong sự cọ sát với thực tiễn, cụ thể là trong các trò chơi, trẻ đã tự nhận ra bài học và vận dụng bài học vào sinh hoạt. Nhưng trẻ còn non nớt, chưa đủ kiến thức suy luận, nhận diện những gì xảy ra xung quanh mình, người lớn phải là “người làm vườn” cần mẫn, biết nâng niu, lắng nghe và trân trọng; phải có câu trả lời thích đáng với tư duy trực giác, cảm tính của trẻ; phải có ngôn ngữ, kênh giao tiếp riêng; phải bồi đắp, hướng đạo trẻ phân biệt đúng sai, tốt xấu, không bị sốc, ngỡ ngàng trước những góc cạnh, biến cố của cuộc sống; tránh những lời răn dạy khô khan, gượng ép, tránh nhồi nhét kiến thức; thay vào đó là hình thức chơi cùng, trò chuyện cùng; có như vậy, ý nghĩa tác phẩm, hình tượng nghệ thuật mới được mở rộng, vẫy gọi bạn đọc.

Bài học thuở ấu thơ trong tác phẩm là hành trang vô giá để trẻ tự bước tiếp và làm chủ số phận mình.

Trở về ấu thơ để nhìn lại mình
Thế giới của trẻ là thế giới của sự tưởng tượng, bay bổng, huyền ảo, thế giới của sự tự do tuyệt đối. Trẻ thường đặt những sự vật hiện tượng cách xa bên cạnh nhau để tha hồ tung tẩy, thỏa thích sáng tạo trong bầu trời lung linh, đầy sắc màu do mình tưởng tượng và vỡ òa khi tìm ra mối liên hệ mới lạ giữa chúng. Trái tim trong veo và lăng kính biệt lạ ấy của trẻ cho người lớn những quy luật kiến tạo, lí giải về thế giới ấu nhi. Tư duy trực cảm, sự ngạc nhiên, lý thú và những tri nhận kì lạ của trẻ trước các hiện tượng muôn màu muôn vẻ của cuộc sống nhiều khi làm người lớn chột dạ, sửng sốt, ngỡ ngàng, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sự tưởng tượng, liên tưởng tự do, trong sáng của trẻ đã rộng mở hơn tình bè bạn, kéo những điều huyền bí, khác lạ về gần hơn, thân tình hơn giúp người lớn đánh thức bản năng tinh khôi, biết rung động trước những gì ngỡ đã cằn cỗi, xơ cứng, biết ngẫm suy, chất vấn, phán xét lại chính mình.

Những cuộc đối thoại của trẻ bao giờ cũng tạo ra các tình tiết bất ngờ, nhất là các cuộc đối thoại với người lớn. Trẻ rất nghiêm túc, minh bạch, thật thà trong mọi chuyện. Cho nên, những điểm chênh, lệch, trái ngược, bật ra từ sự hồn nhiên, tinh khôi, không hề có sự sắp đặt của trẻ không chỉ tạo ra chất hài hước, hấp dẫn người đọc mà thậm chí như là sự giễu nhại lối sống, suy nghĩ của người lớn. Mọi sự dàn xếp, chủ ý của người lớn đã bị bọn trẻ “lật tẩy” một cách bất ngờ. Dù người lớn có chấp nhận hay không chấp nhận lời của bọn trẻ nhưng chí ít tự bản thân người lớn đã có những nghi hoặc về bản thân trước cái “lỗi” đầy đáng yêu của chúng.
Như vậy, đặc thù mĩ cảm ấu nhi vừa giúp trẻ nhìn thấy được sự tự chủ, cá tính, tuổi thơ sống động của mình trong tác phẩm vừa giúp người lớn giao lưu, đối thoại, đồng hành với trẻ và tự cho mình những giây phút ấm áp, hạnh phúc nhất, làm mềm những nhọc nhằn, giông bão của cuộc đời.

Trẻ con đều nghịch ngợm, ham chơi, ham khám phá, tìm hiểu và có lối nghĩ vô tư, thơ ngây, trong veo. Cảm quan yêu ghét cũng hết sức giản đơn, chủ tâm không đến từ sự ác ý. Vì thế, chỉ khi nào người viết khéo kéo khoảng cách, đảm bảo sự nhập vai tinh tế giữa đứa trẻ – ấu thơ với đứa trẻ – người lớn thì mới cảm thấy “dễ dàng”, “thoải mái” với mảng văn học thiếu nhi.

* Ảnh minh họa: NXB Kim Đồng

HOÀNG THỤY ANH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.