“Không có vùng cấm” trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng

(VNBĐ – Đọc sách). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) là cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa hoàn thiện và ra mắt người đọc đầu năm 2023. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, được Nhân dân hoan nghênh. Cuốn sách hầu hết đúc kết lại những bài phát biểu, bài nói chuyện, những chỉ đạo của Tổng Bí thư, thể hiện rõ được ý chí, nguyện vọng, đường lối mà Đảng ta đã, đang và sẽ triển khai trong công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng đảng trong sạch vững mạnh. Sách gồm 03 phần chính: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; Nhất quán phương châm: phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.

1.

Phần thứ nhất cuốn sách gồm bài tổng quan Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!; Bốn bài phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022; nội dung phát biểu kết luận tại các phiên họp Ban Chỉ đạo và thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do Tổng bí thư làm Trưởng ban.

Cuốn sách cung cấp những số liệu cụ thể, thẳng thắn nhìn vào những sai phạm: Trong 10 năm qua (2012 – 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Tham nhũng, tiêu cực ngày càng có nhiều hình thái tinh vi, không chỉ xảy ra trong các hoạt động thuộc khu vực Nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực Nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ thoái hóa, biến chất trong khu vực Nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư vạch ra: “Do đó, phải từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực Nhà nước thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đồng bộ, hiệu quả. Mặt khác, tội phạm tham nhũng có tính quốc tế, là vấn nạn của các quốc gia; phải đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài”.

Nhận diện rõ đối tượng, cái lõi vấn đề để có giải pháp thích hợp trong việc phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.

2.

Phần hai của sách tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu gương người đảng viên phải biết rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên – căn nguyên, cái gốc, cái cơ bản cần phải phòng ngừa.

Trong bài viết “Bài học lịch sử vô giá”, Tổng Bí thư thẳng thắn: “Một vấn đề hết sức quan trọng là phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đọa, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”.

Hay trong bài viết “Tăng cường xây dựng Đảng – yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến yếu tố chiến đấu. Chiến đấu ở đây không phải là “đấm đá”, đây là đấu tranh chống lại những tiêu cực, những cản trở sự phát triển trong Đảng và trong xã hội, trong mỗi con người. Tổng Bí thư cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, chi bộ: “Bây giờ liên hệ trong từng chi bộ, từng con người xem tính chiến đấu đã đủ mức chưa. Nói là tự phê bình và phê bình chứ vẫn ca ngợi nhau là chính, chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa dám nói thẳng, cũng e dè, nể nang với trăm thứ lý do, nhất là sợ bị trù dập, cho nên cứ bùng nhùng thế thôi, đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh, “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”.

3.

Phần thứ ba của sách tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của Tổng Bí thư.

Sách đã dẫn ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa (Đăng trên báo Vtc.vn, ngày 27.01.2020): “Thời điểm này, có hai việc quan trọng nhất mà người dân trông chờ ở Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đó là chống giặc nội xâm và ngoại xâm để giữ yên đất nước. Chống giặc ngoại xâm phải cốt giữ yên được chủ quyền biển, đảo của đất nước ngoài Biển Đông; giữ yên biên giới cả phía Bắc lẫn phía Nam. Chống giặc nội xâm cốt phải dọn cho sạch nạn tham nhũng đã tới mức báo động”. Hay như ý kiến của nhà văn Nguyễn Hiếu, từng đăng trên báo VOV (ngày 19.02.2018): “Lò lửa chống tham nhũng đang ngùn ngụt cháy, đúng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Chiếc lò đó đã bắt đầu và sẽ liên tục thiêu ra tro những củi gộc mối mọt, độc địa. Ngọn lửa nghìn độ đó không chỉ được nuôi bằng lương tâm, dũng khí mà còn bằng trí tuệ, tài thao lược bài bản, có lớp lang của một sĩ phu có tâm, có tài, có dũng. Nhờ có chiếc lò và ngọn lửa hợp lòng dân như vậy nên chưa bao giờ cuộc chiến đấu chống tham nhũng lại quyết liệt, công bằng và có kết quả như lúc này”.

Công tác phòng, chống tham nhũng đang được đẩy mạnh rốt ráo, xóa mọi ranh giới rào cản để xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Cuốn sách này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như là một cẩm nang trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề rất cốt lõi để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, sách có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, để tự soi mình, lọc gạn những tạp niệm toan tính vụ lợi để hướng đến sự phát triển bền vững đất nước.

THIÊN VĂN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.