Cô bé bay

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Bạn bè đều gọi My là My Bay. Bởi My luôn kể cho các bạn nghe rằng mình đã bay thế nào. Câu hỏi chờ sẵn My mỗi buổi đến lớp là: “My ơi, hôm nay đã bay chưa?”. Mặc dù các bạn hỏi chỉ để chọc phá cười nhạo My, nhưng My lại kể rất thật thà. Ôi con bé thật ngốc, làm sao con người có thể bay cơ chứ? Chỉ có cái Hà ngồi cùng bàn là mở to mắt lắng nghe một cách chăm chú, tin là cô bạn biết bay.

Thấy My vẽ tranh không có đường chân trời, cô giáo bèn bảo:

– My, em vẽ đường chân trời vào nào.

– Dạ, vì sao phải vẽ đường chân trời hả cô? – My hỏi.

– À, đó là đường phân ranh giới giữa bầu trời và mặt đất.

– Tại sao bầu trời và mặt đất lại phải có ranh giới ạ? Như bạn thỏ này này, không có đường chân trời, bạn ấy có thể bay bổng lên mây, thích hơn nhiều á cô.

Cô giáo không trả lời, đúng hơn là cô không biết trả lời cô học trò nhỏ sao mới phải. Những bức tranh của My đều rất đẹp, nhưng thế nào cũng có gì đó sai sai. Không chỉ tranh không có đường chân trời, mà dưới nét vẽ của cô bé thì vật nào cũng bay được, dù là thỏ, hay là chim là gà, là bò là cá, My đều cho chúng bay bổng lên mây. Có lần cô nhắc khẽ: “My, cá không biết bay” thì My ngước đôi mắt tròn xoe trong suốt lên nhìn cô và hỏi lại: “Sao cá lại không bay được hả cô?”. Cho đến một lần, cô thấy trong tranh My một cô gái cột tóc, hai dải áo dài màu trắng xòe ra vừa như mây vừa như đôi cánh mềm uốn lượn, cô cười hỏi: “Em đấy hả My?” thì nghe My trả lời: “Em vẽ cô đấy ạ!”. Thật kỳ lạ là lúc ấy, cô bỗng thấy tim hẫng đi một nhịp, mình nhẹ bẫng lâng lâng như bay lên thật. Đêm cô nằm mơ thấy mình bay lên ngồi giữa những đám mây, bên dưới cảnh vật trải ra đẹp đẽ khôn xiết. Hình ảnh quen thuộc lắm, dường như cô đã từng có giấc mơ ấy ngày còn nhỏ, nhưng lâu lắm rồi quay cuồng với công việc cô cũng quên bẵng nó đi.

Minh họa: Trần Hồng

My bảy tuổi, người nhỏ xíu. My hay ngồi bó gối, với cách ngồi như vậy trông cô bé như thu lại nhỏ xíu hơn nữa, có cảm tưởng là có thể thu gọn lại trong một chiếc bong bóng bay. Hay My muốn ngồi tròn xoe như một chiếc bong bóng, như vậy thì có thể bay lên nhỉ?

Người ta thường thấy My vắt vẻo trên nóc ụ rơm. Cô bé buộc một con diều vào đó, ngồi chăm chú say mê ngó theo cánh diều. Mấy đứa bạn My thấy cũng ngồ ngộ hay hay, nhưng không dám leo, bèn chỉ ngửa cổ ngó theo và hỏi:

– My ơi, My lại bay à?

– Ừ.

– Trên đó có gì?

– Nhiều lắm! Dòng sông. Núi. Cánh đồng. À, có cả mấy con bò đang gặm cỏ nữa – My đáp.

Lần khác, mọi người thấy My vắt vẻo trên cây khế. Hôm khác nữa thì thấy cô bé ngồi trên nóc nhà. Nóc nhà My lợp ngói, cô bé trèo lên cây khế, rồi từ cây khế bò qua mái nhà, leo lên chóp đỉnh cao nhất. Hàng xóm đi qua thấy, bèn la:

– Xuống đi My, coi chừng té đấy.

Nói thế chứ My chưa té bao giờ. Bằng một cách nào đấy mười ngón chân cùng mười ngón tay của My giữ rất chắc những thứ cô bé bám vào, lại còn leo thoăn thoắt. Tính ra những gì cao cao có thể leo được trong xóm My đã leo hết rồi.

Ba mẹ My thường xuyên vắng nhà vì công việc. Trường gần nên My tự đi bộ đi học, tan học thì chơi trước nhà đợi ba mẹ về. My tự học, tự chơi, thỉnh thoảng ba mẹ mới hỏi chuyện học hành của My. Những khi My điểm thấp thế nào cũng bị mắng. Ba mẹ cãi nhau miết, mỗi lần như thế hai người không để tâm My đã bỏ ra ngồi thu lu dưới gốc cây trước sân nhà. Đôi mắt đen của cô bé ngước lên bầu trời thăm thẳm. Ban đêm, nhà ở quê đóng cửa sớm, ít người lại qua nên không ai hỏi, cũng không biết cô bé có bay không và bay tới đâu. Có lần cô giáo gọi điện phàn nàn lên lớp My không chép bài, ba đã tát My một cái. My nổ đom đóm mắt, như cái cách cô bé đang đu trên sợi dây diều thì dây đứt phựt và cứ thế mà té nhào xuống đất. My không có cách nào giải thích rằng lúc đó cô bé lỡ bay ra ngoài cửa sổ, mà lỗi là tại một con chim sẻ. Con chim sẻ ấy làm thế nào lại đậu ngay trên cửa sổ lớp học, mắt như giọt nước ngó nghiêng vào đúng mắt My, sau đó bay lên, ngậm một sợi rơm vàng óng rực rỡ trong nắng. Các bạn trong lớp đang nhìn lên bảng, không biết lúc chim bay lên My cũng đu theo sợi rơm bay lên đọt cây bàng óng nắng rồi.

Những cuộc cãi nhau của ba mẹ My ngày càng thường xuyên hơn, càng ngày họ càng không để tâm My đang ở đâu vào những lúc ấy, cũng không buồn hỏi My có chép bài không nữa. Cho đến một ngày, mẹ dẫn My đi. Buổi học cuối cùng, lũ bạn nhìn My với ánh mắt không biết gọi tên thế nào mới phải. Mặc dù trước giờ vẫn trêu My Bay, nhưng lần này tụi nó đều nghĩ là My bay thật rồi, bay thật xa và không biết bao giờ trở lại. Tụi nó muốn nói với My gì đó, nhưng chẳng đứa nào nói được. Tan học, cái Hà chạy tới, giúi vào tay My con thú bông hình chim cánh cụt rồi chạy vụt đi như sợ My thấy nước mắt giàn giụa trên mặt mình. My chầm chậm ra khỏi lớp. My đi rất chậm, cái cặp dường như quá nặng với đôi vai bé nhỏ của My, lưng cô bé hơi còng xuống. Cô bé ôm khư khư chim cánh cụt vào ngực mình, như thể sợ lỏng ra nó sẽ bay đi.

– My ơi.

Một giọng gọi My thật dịu dàng. My dớn dác ngó quanh.

Sân trường lúc này đã thưa vắng. Những bóng cây đang sậm màu dần. My nhìn thấy cô giáo. Cô đang đứng dưới gốc cây, dường như đã đợi My từ lâu. Bóng cô cũng lặng lẽ như một cái cây.

– Dạ? – My đáp, đôi mắt đen trong suốt nhìn cô chờ đợi.

Cô lại gần My, ngồi xuống. My bé quá, cô phải ngồi xuống mới đối diện được với cô bé. My chưa bao giờ ngắm cô ở khoảng cách gần vậy. My thấy những giọt mồ hôi lấm tấm, những sợi tóc lòa xòa bết vào trán, cả một nốt ruồi đen, rất bé thôi, ngay dưới khóe mắt cô. Khi cô chớp mắt, nốt ruồi cũng khẽ động đậy, có lẽ nó muốn bay thì phải.

Cô lấy từ trong cặp ra một hộp bút màu. Hộp bút đẹp quá, chưa bao giờ My được thấy một hộp bút nhiều màu như vậy.

– My này, cô tặng em. Em mang theo để nhớ cô nhé.

My mân mê hộp bút trên tay. Hộp bút đẹp quá, nhưng không hiểu sao My lại muốn khóc.

– Cô muốn nói là… cô rất thích tranh em vẽ. Nhất là bức em vẽ cô. Cô đã giữ nó, để nơi góc bàn cô làm việc. Em… hãy tiếp tục vẽ, nhé My.

Lúc này nước mắt đã nối nhau rơi trên gương mặt My. Cô bé khóc. Mắt cô giáo cũng đỏ hoe. Cô rút chiếc khăn trong túi áo, lau mặt cho My, đoạn ôm chặt cô học trò, lẫn chim cánh cụt bé nhỏ vào lòng. Bóng chiều mỗi lúc một sẫm lại trên sân trường đã vắng ngắt.

Ít năm sau, khi đang lướt web, một bài viết về một cuộc vẽ cho thiếu nhi thu hút sự chú ý của cô. Một bức tranh đoạt giải cao, khiến mắt cô không rời ra được. Nét vẽ quen thuộc làm tim cô hẫng đi một nhịp. Bức tranh vẽ cảnh mùa hè trên mây, giữa những đám mây trắng xốp bồng bềnh, bò nhởn nhơ gặm cỏ, thỏ nhấm nháp cà rốt, cá quẫy đuôi. Và cả, chú chim cánh cụt đang vẫy vẫy đôi cánh nhỏ đến là cưng. Những tia nắng rực rỡ chiếu sáng như ôm các bạn trong vòng tay ấm. Màu tranh tươi sáng lạ lùng. Trong tranh của cô học trò nhỏ trước đây, ngôn ngữ sắc màu chưa từng được khai thác phong phú như vậy.

Bức tranh không có đường chân trời, tất cả đều có thể bay.

MỘC AN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhà thơ Trần Kim Hoa

Kể từ tập thơ đầu tiên “Nơi em về” đến nay, nhà thơ Trần Kim Hoa đã có hơn 30 năm nặng nợ với thơ. Thơ chị neo vào lòng người đọc bởi những chiêm nghiệm, trăn trở đầy xúc cảm…

Thơ dự thi của Huỳnh Minh Tâm

Nhiều đêm ròng, tôi thao thức
Ai thêu dệt vẻ đẹp của đời sống?
Ánh trăng trải thảm vàng trên cánh đồng lúa
Hay đồng lúa đã dâng hiến tình yêu cho ánh trăng trú xứ?

Thơ dự thi của Trần Kế Hoàn

Sóng cúi đầu, biển dâng một tuần hương
Đảo chắp tay trước Quốc Công Tiết Chế
Ngọn bút sắc khảm vào đáy biển
đợi hịch truyền Tổ quốc lại bay lên.

Thơ dự thi của Nguyễn Tấn On

Nhiều khi núi đứng lặng thinh
Một chiếc lá rớt – giật mình – nhớ quê
Rưng rưng lỗi hẹn cuộc về
Thương từng vạt cỏ, bờ đê sông gầy.