(VNBĐ – Đọc sách). Đọc trường ca Phủi bụi thế giới phẳng (NXB Hội Nhà văn, 2019) của nhà thơ Lê Ân.
Thế giới phẳng mà anh đề cập trong tập trường ca này đầy những tiện ích hiện đại, đầy những hào nhoáng. Nhưng xem chừng, con người đang chạy theo những ồn ã xô bồ một cách vội vã mà vô tình “đánh rơi” đi những chân giá trị trong cuộc sống. Đó là những giá trị sống chân thành nguyên sơ từ tình cảm gia đình, từ chắt chiu lòng mẹ, từ đất đồng ngàn năm mộc mạc nhân cách con người…
Với Lê Ân, quê hương là cội nguồn của yêu thương. Bởi nơi ấy có hơi ấm gia đình, sự chân thành hiện hữu. Nên, vì một lẽ nào đó mà quê hương bị giày vò, những người quê tha phương lưu lạc thì nỗi đau xót càng khiến cho đứa con quê thêm quay quắt, xót xa. Nhà thơ luôn dành cho quê hương niềm trân trọng, lằng lặng một tình yêu nhưng cũng đầy quyết liệt với mong ước bình yên nơi cố xứ: Những linh hồn hồi hương/ Nhắc nhở cháu con mình/ đừng đứa nào cắt chia dòng sông bến nước/ nhạo báng lửa hương/ cầm cố quê nhà/ Đừng đứa nào dành riêng lời ru cánh đồng/ thuở chung nhịp võng hương mùa/ nuôi nấng cánh diều bay/ Phủi bụi thế giới phẳng/ Ta nhận ra ta/ từ đóm lửa phục sinh/ mẹ ủ qua đêm/ tro tàn/ thầm nơi góc bếp.
Lê Ân soi vào sự tĩnh lặng của lòng mình, phản biện xã hội, phản biện những điều được xem là văn minh, tiến bộ đã kéo theo những hệ lụy đáng tiếc. Anh có nhiều dòng thơ hay giàu chất nghiệm sinh, soi chiếu vào hiện thực đời sống: “Có dấu ấn văn minh nào nơi di ảnh một em bé mưu sinh bằng những mảnh đạn lạnh lùng xé xác hoàng hôn sau một tiếng nổ vu vơ từ những tàn dư nặng mùi phấn son khai hóa…/ Văn minh gì một thế giới đảo điên/ ngập ngụa muôn lằn roi bạo quyền/ luôn hào phóng những chiếc loa bảo an cứu trợ.// Văn minh gì những quyền lực nhân danh trù dập tuổi loài người./ Phủi bụi thế giới phẳng/ Gặp tổ tiên loài người/ Lom khom/ nhưng không biết quỳ./ Người văn minh tạo ra kẻ ăn mày/ từ khi tuyên ngôn/ mình đi thẳng…”. Câu thơ “Người văn minh tạo ra kẻ ăn mày/ từ khi tuyên ngôn/ mình đi thẳng…” mở ra nhiều không gian suy tưởng, là câu thơ “đắt giá” của Lê Ân, lột trần những giả lả phấn son, tuyên ngôn hình thức để rọi thấu vào những phần mờ khuất bên trong thế giới được gọi là “văn minh”.
Có lúc, thi sĩ đầy khắc khoải và “cảnh báo”: “Mặt đất văn minh khánh kiệt lắm rồi/ Phương Đông/ khát hồn thiêng sông núi/ Bạc lắm rồi/ miền phù sa luống tuổi/ úp mặt/ ru mầm văn hiến mấy nghìn năm”. Và có khi, Lê Ân cụ thể bằng một hình ảnh. Lầm lụi. Xao xác. Chát mặn nỗi niềm. Như khi thơ anh phác tạc hình hài một người mẹ bên một đứa trẻ mồ côi. Người phụ nữ xa xót cho đời mình, cho những bình yên mà mình đã từng có, nhưng giờ đã vuột mất. Nỗi đau của người phụ nữ nghe quặn thắt trong sự cảm thán của chính nhân vật: “Con ơi…/ quá nhiều tháng ngày buồn/ Làm sao bòn mót gia sản/ mấy ngàn năm lưu lạc/ chất lưng trâu// Về đâu…/ Tạm canh gì/ để sống/ Chờ bản quán quê hương được giá đền bù/ Mẹ sẽ dẫn con đi học/ Đi học làm người…//…Con ơi/ đời mẹ lắng buồn/ muôn lớp trầm tích tha hương/ thầm gửi đáy sông trầm tích quê nhà/ Cầu mong mấy vẫn trôi nước vẫn chảy/ dù sỏi mòn/ nuôi ý nguyện phù sa”.
Thơ Lê Ân dường như cũng như con người anh, không phù hợp với những ồn ã đua chen. Anh đồng cảm thân phận với những góc đời oan trái, khó khổ. Anh tìm sự tĩnh tại trong thế giới tinh thần riêng của mình, nhận diện cái cốt lõi tinh thần trong sự sống mà thương mà quý những điều bình dị nguyên sơ: “Nơi góc bếp tồi tàn/ những thao thức cũ/ vẫn thường hằng/ đóm lửa đầu ngày/ vẫn âm ỉ/ tàn lửa cuối ngày/ Mẹ/ vui buồn ở đó/ như bóng khói/ hiện sinh lặng lẽ…/ Thơm lựng chiều đồng dao”. Hay: “Sự sống/ không cần chốn quyền ngôn ngụy ngữ/ Về thôi…/ Về cúi đầu/ Ôm cát bụi/ Nghiệm sinh”. Sau tất cả, Lê Ân trở về để thám phá những chiều kích trong tâm hồn mình, kiếm tìm mình trong dòng máu người con đất Việt và vô lượng kiếp người: “Tự biết mình/ phôi thai từ giọt sương cõi Phật/ nhập thế và chan hòa nhân sinh/ nơi chớp bể mưa nguồn/ Hơn nghìn năm giữ mình/ trước muôn lằn roi/ ngu dân ngạo ngược/ Đi qua vô vàn/ cơn lốc xoáy hiện sinh/ vẫn lặng thầm nuôi đóm lửa tre gai// âm ỉ/ và đượm nồng/ hào khí muôn dân/ non – nước – Việt”.
Với tập trường ca này, Lê Ân đã bước chậm lại để nhìn ngắm thế giới, cất lên tiếng nói thi nhân trong sự soi chiếu tương quan với hiện thực đời sống. Có lúc, đôi chỗ trong thơ anh tạo cảm giác cầu kỳ, còn tồn tại những trùng lặp thi ảnh. Nhưng nhìn chung, tập trường ca cho thấy một nội lực sáng tạo với chất thơ giàu hình ảnh và sự chiêm nghiệm. Có thể khẳng định, đây là một trong số ít những trường ca nổi bật của thơ Bình Định đương đại, tạo nhiều đồng cảm với bạn đọc.
Trước Phủi bụi thế giới phẳng, Lê Ân đã in hai tập thơ Nghe phù du hát (2007) và Ru thai (2015). Tập trường ca Phủi bụi thế giới phẳng đã đạt giải B giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020), dự kiến giải thưởng sẽ được trao vào tháng 4.2023.
VÂN PHI