Bản sắc nhiếp ảnh Bình Ðịnh vươn mình

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). LTS: “Nhiếp ảnh Bình Định trên hành trình hội nhập” là chủ đề của buổi tọa đàm do Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Bình Định và Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định phối hợp tổ chức, diễn ra ngay sau lễ trao giải và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật “Bình Định những sắc màu” năm 2023. Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu LLPB Nhiếp ảnh, các NSNA, các văn nghệ sĩ, nhà báo quan tâm đến lĩnh vực nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh Bình Định.
Với 13 tham luận cùng nhiều ý kiến của đại biểu trao đổi trực tiếp tại tọa đàm đã ghi nhận những thành tựu của nhiếp ảnh Bình Định qua 33 năm (tính từ năm 1990, thành lập Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định – đến nay); những hạn chế, tồn tại của nhiếp ảnh Bình Định và những giải pháp, đề xuất về chính sách, về tổ chức các hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm cũng như sự nỗ lực, sáng tạo, luôn tự làm mới mình của các NSNA trong hành trình đi tìm cái đẹp.
Văn nghệ Bình Định trân trọng giới thiệu tham luận của Nhà nghiên cứu – Lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng gửi đến tọa đàm.

Để xây dựng và phát triển nhiếp ảnh, thực tế nhận thấy cần có những nền tảng cơ bản – những điều kiện “cần và đủ” mà trước hết “đủ” là con người, cụ thể là đội ngũ cầm máy và “cần” là truyền thống lịch sử văn hóa, cảnh sắc địa lý thiên nhiên, con người và nền kinh tế, xã hội phát triển. Thật đáng ngạc nhiên khi nhận thấy mỗi tỉnh, thành hay địa phương trong cả nước đều hội tụ một số yếu tố trong đó nhưng Bình Định lại là một trong số ít tỉnh có hầu như tất cả. Điều này nói lên lợi thế của Bình Định trong phát triển nhiếp ảnh. Hiện tại, đội ngũ nhiếp ảnh của tỉnh có 12 hội viên Hội NSNA Việt Nam, 52 hội viên nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng cộng đồng yêu thích nhiếp ảnh.

Tọa đàm“Nhiếp ảnh Bình Định trên hành trình hội nhập”. Ảnh: V.P

Với góc nhìn chung, nhiếp ảnh Bình Định có thể tạm chia thành ba loại hình. Thứ nhất, Bình Định là một tỉnh có truyền thống lịch sử hào hùng, tự hào là quê hương nhà Tây Sơn, đứng đầu và sau này là người “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ (vua Quang Trung). Điều này tạo cảm xúc sáng tác mạnh mẽ cho những ai cầm máy chụp về các đề tài lịch sử, tái hiện lại một giai đoạn lịch sử anh hùng của dân tộc thông qua những hoạt động văn hóa như hát Bội, võ cổ truyền… Ngoài ra, nhiều thế kỷ trước Bình Định là vùng đất xưa thuộc vương quốc Champa. Chất liệu văn hóa, kiến trúc, âm nhạc xưa và những điệu múa mềm mại uyển chuyển của những cô gái Chăm duyên dáng luôn mang lại cảm hứng bất tận cho những người cầm máy. Ngắn gọn lại, có thể nói đây là loại hình .

Thứ hai, lịch sử kiến trúc văn hóa Champa trên đất Bình Định hiện còn lưu giữ bảo quản đưnhiếp ảnh văn hóa lịch sửợc 07 cụm, 14 tháp. Đó là những di sản vô cùng quý giá và độc đáo của miền đất này. Có thể nói, không ai đến Bình Định mà không ghé thăm được ít nhất một vài trong những tháp hay cụm tháp đó, nhất là cụm tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên… Hình ảnh tháp Chăm cổ cùng các làn điệu múa dân tộc Chăm luôn là điểm nhấn thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước đến với mảnh đất này. Loại hình nhiếp ảnh thứ hai là nhiếp ảnh kiến trúc gồm những tháp Chăm cổ, những công trình kiến trúc văn hóa tâm linh và những công trình hiện đại phục vụ du lịch luôn đóng vai trò xứng đáng là “người dẫn đường” đối với khách trong nước và cả khách quốc tế đến với mảnh đất đậm nét lịch sử và văn hóa Bình Định.

Thứ ba, cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu tuyệt vời non xanh nước biếc cùng con người hiền hòa, chăm chỉ của Bình Định qua ống kính nhiếp ảnh được thể hiện ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Hình ảnh những người dân bám biển khai thác thủy hải sản, những bờ biển hoang sơ, những bãi cát phủ đầy nắng ấm, những khu du lịch nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, thu hút hàng năm cả vạn người đến với mảnh đất này. Nhiếp ảnh gắn với phong cảnh, ẩm thực, vui chơi, văn hóa giải trí phát triển song song theo du lịch và cùng du lịch. Đây chính là loại hình nhiếp ảnh du lịch. Trong thời gian tới, loại hình nhiếp ảnh này ngày càng cần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

Với tất cả những loại hình trên, nhiếp ảnh đòi hỏi những nghệ sĩ nhiếp ảnh, những người cầm máy sống trên đất Bình Định cần nỗ lực cung cấp một lượng lớn hình ảnh cho các phương tiện thông tin báo chí, các trang mạng, quảng cáo trong và ngoài nước, các doanh nghiệp du lịch thuộc tỉnh. Đây là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức với nhiếp ảnh Bình Định.

Trải qua gần nửa thế kỷ kể từ ngày thống nhất đất nước 30.4.1975, nhìn lại hoạt động nhiếp ảnh của tỉnh, chúng ta vui mừng nhận thấy đội ngũ cầm máy ngày càng phát triển. Chỉ tính riêng số lượng hội viên Hội NSNA Việt Nam, kể từ 2015, Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Bình Định chỉ từ 07 người, đến 2021 đã có 09 người và đến năm 2022 đã có 12 người. Trong số những hội viên “sáng giá” của Chi hội, đầu tiên phải nói đến NSNA Đào Tiến Đạt. Anh đạt tước hiệu E.VAPA/G, được tặng hơn 2.000 giải thưởng trong nước, quốc tế tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 330 Huy chương Vàng các loại, được phong 42 tước hiệu cao quý trong nước và tổ chức nhiếp ảnh thế giới. Một “gia tài” đáng kính nể, một hành trang cá nhân đáng trân trọng. Bên cạnh anh, nhiếp ảnh Bình Định còn có tay máy trẻ và tài năng Trần Bảo Hòa. Ngoài những huy chương và giải thưởng, điểm vượt trội của Bảo Hòa là sự tiến bộ rất nhanh trong quá trình cầm máy. Chỉ sau hai năm kể từ khi bắt đầu cầm máy, anh đã trở thành hội viên Hội NSNA Việt Nam với hàng loạt huy chương và giải cao. Góc ảnh của Bảo Hòa thật sự sáng tạo, trẻ trung, hiện đại và đặc biệt, bám chặt hơi thở và sự chuyển mình của cuộc sống. Ngoài ra, Bình Định cũng còn không ít những hội viên như thế.

Hội VHNT tỉnh Bình Định hiện có 52 hội viên nhiếp ảnh, mội đội ngũ cầm máy đông đảo, hứa hẹn nguồn bổ sung dồi dào cho Hội NSNA Việt Nam sau này. Sự phát triển mạnh mẽ kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đang mở ra những cơ hội mới, chắc chắn “lượng” sẽ chuyển thành “chất”. Hoạt động nhiếp ảnh Bình Định đang hứa hẹn những bước chuyển biến vượt bậc.

Trong những năm trước 2018, khi so sánh giữa yêu cầu của nền kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh với sự đáp ứng của đội ngũ nhiếp ảnh, có thể thấy phần nào còn chưa tương xứng từ phía nhiếp ảnh. Nói cách khác, nhiếp ảnh Bình Định thời điểm đó phần nào chưa theo kịp sự khởi sắc vươn mình của kinh tế xã hội, nhất là kinh tế du lịch.

Tuy nhiên kể từ 2018, tỉnh nhà khởi động cuộc thi triển lãm ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật “Bình Định – điểm đến cuốn hút” được tổ chức với 541 tác phẩm của 35 tác giả dự thi. Tiếp theo là cuộc chọn ảnh đẹp du lịch Quy Nhơn – Bình Định năm 2019 với gần 500 tác phẩm từ 23 tác giả. Sau đó, cuộc thi ảnh “Hoài Nhơn – đổi mới và phát triển” đã nhận được 334 ảnh dự thi và trong đó 11 ảnh/ bộ ảnh đoạt giải cùng 75 ảnh triển lãm vào tháng 3.2020. Gần đây nhất, thật đáng mừng khi vào cuối năm 2022, tỉnh đã tổ chức cuộc thi ảnh mang tên “Quy Nhơn, Bình Định – điểm đến lý tưởng”. Những hình ảnh đẹp về phong cảnh, sinh hoạt cuộc sống, phong tục tập quán, làng nghề và những công trình kiến trúc lịch sử, các loại hình du lịch, lễ hội, văn hóa, văn nghệ dân gian đã được các tác giả thể hiện rất thành công qua cuộc thi. Qua cuộc thi, chùm ảnh Đoàn tàu ra khơi của Lê Quang Hưng đã giành giải Nhất; hai giải Nhì dành cho NSNA Nguyễn Tiến Dũng với chùm ảnh Thành phố không ngủ và Đinh Quốc Thích với chùm ảnh Cồn chim Bình Định. Và, sáng 14.3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Hội VHNT Bình Định đã trao giải thưởng và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật “Bình Định những sắc màu” năm 2023. Cuộc thi được phát động vào tháng 11.2022, Ban tổ chức đã nhận được 503 tác phẩm của 66 tác giả, trong đó có 38 ảnh bộ. Qua các vòng chấm, Ban tổ chức đã chọn 75 tác phẩm của 31 tác giả trưng bày triển lãm; trong đó có 11 tác phẩm xuất sắc để trao giải, gồm: 01 Nhất, 02 Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích.

Như vậy, có thể thấy hoạt động sáng tác, thi ảnh nghệ thuật của tỉnh khá sôi nổi với đề tài cuộc sống và con người mà trực diện hướng vào văn hóa du lịch. Hy vọng trong thời gian tới những cuộc thi ảnh về Bình Định sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, không chỉ trong phạm vi tỉnh mà còn lan rộng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, có một chút băn khoăn, đó là số lượng ảnh tham dự các cuộc thi chưa nhiều, trung bình chỉ khoảng dưới 500 ảnh trở lại và số tác giả dự thi chưa tới một trăm người mỗi cuộc. Bằng các biện pháp khác nhau làm tăng số lượng ảnh và số lượng tác giả tham gia, chúng ta có thể có cơ hội làm tăng thêm số lượng và chất lượng ảnh các cuộc thi.

Nhìn chung hoạt động nhiếp ảnh của tỉnh đang có những bước tiến đều đặn, vững chắc. Điều này thật đáng mừng nhưng không phải không có những vấn đề đáng để ta suy ngẫm, dù rất nhỏ. Chúng ta tôn trọng định hướng sáng tác và sở trường cá nhân của từng người cầm máy vì chính điều này làm nên sự phong phú, muôn màu muôn vẻ trong sáng tạo của nghệ thuật nhiếp ảnh. Thật tốt khi sở trường sáng tác của người cầm máy trùng hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Khi đó, sự cống hiến của người nghệ sĩ sẽ được xã hội trân trọng hơn và đánh giá cao hơn. Tuy nhiên trong số những góc nhìn chung cũng có những góc nhìn riêng, chưa thật theo sát tiêu chí này. Có nghệ sĩ chụp khá nhiều thể loại nhưng một phần không nhỏ trong đó là loại hình chân dung, theo “gu” mang đậm phong cách nước ngoài. Nếu so sánh với âm nhạc, có thể ví phong cách sáng tác nghệ thuật nhiếp ảnh theo phong cách này có nét gì đó giống như thể loại nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng – những thể loại âm nhạc kén người nghe. Một phong cách không dành cho tất cả, đặc biệt đối với những người dân lao động bình dị mưa nắng miền Trung và phần nào đó chưa thật sát với nhu cầu hình ảnh của tỉnh nhà. Khâm phục sở trường và tài năng của từng người cầm máy nhưng có lẽ sự cống hiến của người đó sẽ được xã hội đánh giá cao hơn khi tác phẩm được sáng tác trọn vẹn dành cho số đông, đặc biệt khi công chúng nhận ra dáng dấp hình ảnh của chính mình, của cộng đồng và cảnh vật quanh mình trong tác phẩm của người nghệ sĩ. Không cần phải thay đổi gì nhiều nhưng nếu ống kính của các nghệ sĩ được “nới rộng” hơn, hướng tới số đông quần chúng và focus tập trung hơn vào những vấn đề của xã hội thì chắc chắn nhiếp ảnh Bình Định sẽ có thêm nhiều tác phẩm giá trị hơn về con người, cuộc sống nơi đây.

Là một trong số ít tỉnh hội tụ đủ mọi yếu tố để phát triển nhiếp ảnh, tuy nhiên giới nhiếp ảnh cả nước chưa có nhiều may mắn được đến với mảnh đất xinh đẹp này dưới hình thức các tour sáng tác, trại sáng tác tại Bình Định và được các nghệ sĩ, những người cầm máy tỉnh nhà hướng dẫn sáng tác. Hy vọng trong thời gian tới vấn đề này sẽ được giới hoạt động nhiếp ảnh tỉnh nhà quan tâm và được đặt lên bàn làm việc của các cấp lãnh đạo.

Một vấn đề nữa, nhiếp ảnh Bình Định có những loại hình, những chủ đề rõ rệt đã được đề cập ở trên, đó là nhiếp ảnh lịch sử văn hóa, nhiếp ảnh kiến trúc và nhiếp ảnh du lịch. Thật xứng đáng nếu trong tương lai nhiếp ảnh tỉnh nhà có những chuyên đề nhiếp ảnh nhằm tạo dựng, bảo tồn lâu dài những bộ hình ảnh các loại hình văn hóa liên quan đến lịch sử.

Tiềm năng phát triển nhiếp ảnh còn lớn lắm, Bình Định xứng đáng không xa sẽ là dấu son đỏ trên bản đồ nhiếp ảnh cả nước.

Nhà NC- LLPB Nhiếp ảnh TRẦN QUỐC DŨNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…