Hai mảnh ghép

(VNBĐ – Truyện ngắn). Căn nhà gỗ chàng đang ở nằm trên sườn đồi, một dạo không ai dám bén mảng. Nghe nói chủ nhân của nó là một họa sĩ độc thân. Anh ta vượt biển sang Hoa Kỳ sau tháng Tư năm 1975. Chính quyền thu hồi căn nhà giao cho đơn vị kiểm lâm làm trạm gác. Hồi đó, Đà Lạt thông ngút ngàn. Thông chưa bị con người khai thác tùy tiện như bây giờ. Hai kiểm lâm viên đêm đầu tiên chong đèn nằm trò chuyện tự dưng đèn phụt tắt. Họ bật dậy bấm đèn pin soi tìm nguyên nhân khiến đèn tắt. Chiếc đèn bão, bóng đèn ràng bằng dây kim loại chặt khừ, kín bưng, dầu đầy ắp, tim đèn còn mới cứng, nhà không trống gió. Hai chữ “đèn bão” nói lên công năng của đèn là chống bão. Lạ thay! Không có gió, can cớ chi đèn tắt nhiều lần. Tiếng sột soạt như thế giới của loài chuột. Trong bóng đêm hiện hình ma quái chập chờn khiếp đảm. Hai chàng canh rừng vấu víu nhau ôm súng bước thẳng ra ngoài tìm gốc thông mắc võng, trời gần sáng họ mới chợp mắt. Chuyện trạm canh rừng số hai có ma được giữ kín như hũ nút. Tuần sau, rồi tuần sau nữa. Các kiểm lâm thay ca đổi gác. Cảnh tắt đèn khó hiểu và những bóng ma bí ẩn lặp đi lặp lại như một lập trình. Không ai dám hé răng chuyện căn nhà gỗ có ma. Họ tự hiểu duy vật là như thế nào. Người cán bộ phải có lập trường tư tưởng kiên định. Họ sợ bị tổ chức kiểm điểm khi phát hiện ra ai đó tung tin bịa đặt gây hoang mang trong xã hội.

Những tưởng câu chuyện hoang đường kia mãi giữ kín trong im lặng rồi chìm vào quên lãng. Có ngờ đâu trong cuộc họp cơ quan, hạt trưởng Vũ Hòe, hùng hổ tuyên bố chắc như đinh đóng cột: “Đêm nay, một mình tôi sẽ đến ngủ lại ở trạm gác số hai xem con ma như thế nào!”. Hòe nói là làm. Đêm đó, anh ta ôm mền gối đến trạm gác số hai. Không ai biết đêm ấy, hạt trưởng Hòe có thấy đèn tắt không? Ma quái có hiện hình không? Và nếu hiện hình thì anh ta đối phó như thế nào? Những người từng một lần ở đêm trong căn nhà gỗ phát hiện hôm sau hạt trưởng Hòe đôi mắt đỏ ngầu, thần sắc bợt bạt, không nói, không cười như thường ngày. Đặc biệt là anh ta không hơn một lần nhắc chuyện ma tà trong căn nhà gỗ. Trạm gác số hai bỏ hoang sau nhiều năm cho đến khi có sự hiện hữu của chàng.

Chàng họa sĩ cao dong dỏng, tóc bồng bềnh, đầu đội mũ bê rê nâu, núp dưới vành mũ là đôi kính trắng, gọng đen, hai mắt kiếng tròn vo toát lên vẻ trí thức được trẻ con quanh chợ Đà Lạt mê tít vì tích tắc chúng được chàng ký họa, tặng ngay cái ảnh chỉ vẽ mấy đường nét nhưng giống y chang. Khách du lịch vây quanh xin ký họa chân dung tấm tắc khen, thích thú rồi tự trả tiền. Chàng không ngờ năng khiếu và sở thích ký họa của mình lại được mọi người yêu chuộng, đền đáp hậu hĩnh đến vậy. Mỗi buổi sáng chàng thu về số tiền khá lớn.Thấy chàng đi đi, về về chỗ trọ xa lắc, ông Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố ỡm ờ: “Chú em có muốn tá túc căn nhà gỗ trên sườn đồi kia chăng? Nếu thích, anh sẽ nói giúp!”. Chàng không bỏ lỡ cơ hội: “Nếu được anh chiếu cố thì còn gì bằng!”. Trong lúc chàng cảm ơn ông trưởng phòng rối rít, mấy cậu bé lại kéo chàng đi, nói nhỏ: “Chú ơi! Căn nhà đó có ma, ghê lắm!”. “Đúng vậy chú! Đó là căn nhà bỏ hoang lâu rồi, chú không nên ở”. Chàng cười, xoa đầu lũ trẻ: “Ma là do mình tự nghĩ ra chứ không có thật. Nay mai chú sẽ đến ở căn nhà gỗ, các cháu có dám đến chơi với chú không?”. Lũ trẻ đứa co đầu rụt cổ, đứa thè lưỡi, lắc đầu. Chàng âu yếm nhìn chúng, cười trừ…

***

Chàng đứng dạng chân, vòng tay nhìn từ xa, căn nhà gỗ giống như chiếc ca nô chồm lên ngọn sóng. Khá khen cho người thiết kế có óc tưởng tượng tuyệt vời. Đến gần, săm soi, chàng mới cảm nhận hết căn nhà vật liệu duy nhất bằng gỗ thông nguyên chất. Tám cái trụ gỗ được tán trên tám trụ bê tông vững chãi. Căn nhà hao hao giống kết cấu của loại nhà sàn vùng cao biến tấu lối kiến trúc thời hiện đại. Chàng không ngờ gỗ thông lại bóng loáng như đánh vecni vậy. Trải qua bao mùa mưa nắng, không có bàn tay con người bảo quản vậy mà căn nhà vẫn còn mới nguyên. Có lẽ từ lời đồn thổi căn nhà có ma nên từ lâu không có dấu chân người. Chàng mang theo kìm, búa và cưa sắt. Chỉ một nhoáng là chiếc ổ khóa rơi xuống đất. Chàng tần ngần những bước chân không quen khi lọt thỏm vào nhà. Bức tranh đối diện cửa chính khiến chàng khựng lại. Một cô gái có suối tóc dài óng ả. Ơ kìa! Sao chỉ một nửa thân hình? Chắc là anh chàng họa sĩ chủ nhân căn nhà có ẩn ý chi đây? Chàng lẩm bẩm. Bao năm rồi cô nàng xinh đẹp chỉ bán thân. Còn một nửa thân kia đâu nhỉ? Có ai sống một nửa trên cuộc đời gió bụi? Nhìn kỹ đúng là chất liệu sơn dầu. Bức tranh được vẽ chồng lên vách tường. Vả lại nếu anh chàng họa sĩ kia vẽ tranh rời để treo tường thì cũng chẳng ma nào dám lấy trộm. Căn nhà có ma. Bức tranh một nửa người ta, hỏi ai dám lấy? Phải công nhận anh chàng kia phát họa dáng đứng và cách nhìn độc chiêu. Người con gái bán thân có vẻ đẹp quý phái và “một nửa tâm hồn” đẹp não nùng!

Tiếc thay, cái đẹp chưa hoàn hảo. Chàng vắt óc suy nghĩ. Phong cách sáng tạo của bức tranh có điều gì đó làm anh ngờ ngợ như đã quen từ lâu, ngặt nỗi không lý giải được.

Chàng mở tung các cửa sổ. Ánh sáng tràn vào nhà vui vầy. Một chút mùi ẩm mốc thoảng qua. Tuyệt nhiên không có hơi hướm của nhựa thông. Lại một bức tranh đối diện với cửa phòng ngủ khiến chàng như bị thôi miên. Cũng suối tóc mượt mà, cũng mắt lá răm say đắm nhưng dáng đứng cứng cáp như chấp nhận thương đau, khắc khoải. Hai cô gái trong hai bức tranh tường, chàng đoán chỉ là một người. Và chàng họa sĩ cách nửa vòng trái đất mới giải mã được ký ức của riêng mình hiện hữu bằng tranh.

Gần một ngày tổng vệ sinh, sắp xếp lại nơi ăn, chốn ở, chàng thở phào, phấn khích lao ra chợ mua thực phẩm và các thứ đồ dùng với ít hương hoa, bánh trái cúng nhà mới (cũ người mới ta). Chàng khấn: “Tôi là Khương Duy, họa sĩ tự do. Tôi mang cái đẹp đến cho mọi người để cuộc sống này thi vị hơn. Xin tri ân ngũ phương đất đai và người đã tạo dựng căn nhà. Kẻ khuất mặt hãy xót thương phù hộ cho tôi được tá túc nơi đây bình an, khỏe mạnh!…”. Chàng tự tin nghĩ rằng mình có lòng thành biết khuôn phép thì không ai nỡ quấy phá. Đêm đó đèn vẫn sáng. Chàng không thấy ma mị chi hết. Chàng ngủ một lèo đến sáng, vươn vai choàng dậy nghe lòng thư thái vô cùng!
Anh chàng trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố dân gốc mỹ thuật là vị khách đầu tiên đặt chân đến thăm chàng, giọng nói rổn rảng từ ngoài cửa: “Anh Duy ơi! Tôi đến vấn an anh đây! Đêm qua anh thế nào?”. Từ trong nhà vang ra giọng cười khanh khách: “Nghe anh dùng từ vấn an, tôi cứ ngỡ mình một đêm làm người xưa cốt cách. Tôi có thể nhậu với anh suốt ngày hôm nay”. Cửa bật mở. Hai người siết chặt tay nhau. Chàng được người cán bộ văn hóa gợi ý làm vật lưu niệm bằng gỗ thông để bán cho khách du lịch. Những chiếc xe song mã, xe thổ mộ, đầu máy tàu hỏa, hình tượng cây thông… dưới khối óc sáng tạo và bàn tay điêu khắc tài nghệ của chàng tiêu thụ chóng vánh, đem lại cho chàng nguồn thu nhập khiến cho giới hội họa ở thành phố ngàn hoa phải ghen tỵ.

Một hôm. Buổi trưa. Trong cơn mơ ngủ, chàng thấy người con gái xinh đẹp đến ngồi bên giường khóc thút thít: “Mấy năm rồi em phải sống với nửa thân hình đau đớn khôn cùng. Những tưởng chàng đến đây sẽ thêm một nửa mảnh ghép để em được lành lặn như bao người. Đâu ngờ, chàng cũng vô tình như chàng họa sĩ đã sanh ra em một nửa người dị hợm”. Chàng giật mình thảng thốt. Nhìn kỹ cô gái hao hao giống người trong tranh. Chàng ú ớ định nói một câu nhưng cô gái bất chợt biến mất. Chàng ngồi dậy, dụi mắt thì ra một giấc mơ vừa đẹp, vừa buồn. Đúng là chàng có ý nghĩ dành thời gian để vẽ thêm cho bức tranh được hoàn hảo. Hôm sau chàng đi mua sơn nước về pha màu. Người họa sĩ, ngoài kỹ năng họa, pha sơn cũng là một nét độc đáo riêng. Sau một hồi đắn đo, chàng quyết định sơn chồng lên nét vẽ cũ rồi vẽ tiếp phần nửa thân còn lại của cô gái. Hai tranh tường vẽ chân dung cô gái hoàn hảo đến mức không chê vào đâu được. Đêm ấy, chàng nằm mơ thấy cô gái đến ngồi một bên, mặt tươi như hoa. Nàng cảm ơn rối rít. Sáng dậy, chàng thấy người nhẹ bẫng…

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Từ ngày chàng đến ở căn nhà gỗ thông trên đồi, lũ trẻ lần lượt kéo nhau đến chơi, chuyện trò rôm rả. Không khí trở nên ấm cúng. Trong số trẻ con thân với chàng, bé Nam bộc lộ năng khiếu hội họa khiến chàng bất ngờ. Cậu tận dụng phần gỗ thông chàng cưa bỏ để đục đẽo thành con thỏ, con nai xinh xắn. Có hôm còn đưa chị gái đến giới thiệu với chàng. Chị của Nam như một siêu mẫu chân dài. Nàng có thân hình đẹp mạnh mẽ, gương mặt sáng như trăng rằm và nụ cười mê hoặc. Lần đầu gặp nhau, chàng nhìn nàng sửng sốt. Cô gái tự tin nhìn chàng, nở nụ cười đẹp nao lòng. Chàng nghe tim mình thổn thức. Một ánh nhìn sét đánh. Cô bé dạn dĩ ướm lời ngọt như mía lùi: “Em chào anh! Em là Ngọc Lan, giáo viên sư phạm mỹ thuật. Em trai của em thần tượng anh lắm luôn! Thằng bé muốn học nghề của anh. Anh có vui lòng chỉ dạy không nhỉ?”. Chàng không bỏ lỡ cơ hội làm quen với người đẹp: “Được chứ! Đúng là em Nam có năng khiếu điêu khắc. Anh sẽ dành thời gian để hướng dẫn nhưng muốn nắm được lý thuyết thì em Nam cần phải học chữ cho đến nơi đến chốn mới được”. Cô bé mừng quýnh: “Được anh chiếu cố thì còn gì bằng”. Quay sang em trai, giọng nói của nàng nhẹ như gió thoảng: “Mau cảm ơn anh Duy đi em!”. Cậu bé bật dậy trịnh trọng: “Dạ! Em cảm ơn thầy!”.

Từ dạo được làm quen với người đẹp, chàng yêu đời và giàu mơ mộng. Sản phẩm của chàng làm ra ngày càng nhiều. Tiếng thơm vang xa. Công ty Du lịch Lâm Đồng hợp đồng bao tiêu sản phẩm mỹ nghệ của chàng. Mấy năm sau chàng trở nên giàu có. Bao nhiêu lần chàng tỏ tình với Ngọc Lan đều bị nàng khước từ khéo léo. Rồi nàng lấy chồng ngoại quốc, sang định cư ở Hoa Kỳ. Chàng chênh chao một thời gian dài. Một pho tượng gỗ được chàng điêu khắc sống động tới mức khách du lịch mê mẩn. Pho tượng có nét hao hao giống Ngọc Lan. Niềm an ủi còn lại đối với chàng là Nam bây giờ đã là một họa sĩ thành danh, hợp tác với chàng sản xuất hàng lưu niệm. Chàng đã mua được biệt thự sang trọng. Căn nhà gỗ trở thành địa chỉ du lịch trưng bày nhiều tác phẩm nói về đất và người Đà Lạt.

Một hôm, chàng đang ăn sáng thì có cuộc gọi từ số máy lạ. “A lô! Xin lỗi! Có phải số điện thoại này của họa sĩ Khương Duy không ạ?”. Chàng từ tốn: “Dạ! Đúng rồi ạ! Tôi là Khương Duy”. Bên kia đầu máy có tiếng reo mừng: “Tao đây! Minh đây, Duy ơi! Mày có nhớ thằng Minh bạn mày hồi học chung Trường Đại học Mỹ thuật Huế không?”. Chàng lạc giọng: “Trời ơi! Làm sao tao quên mày cho được mà hỏi. Mày ở Hoa Kỳ cơ mà!”. Giọng cười trong trẻo: “Tao đang chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm của mày trưng bày tại căn nhà gỗ đây nè! Mày đến mau lên!”.

Khi chàng bước vào căn nhà lưu niệm trên đồi cao, đã thấy một người đàn ông cao lớn, mái tóc phủ bờ vai, đang chăm chú xem bức tranh tường vẽ hình cô gái. Nghe tiếng động, anh ta quay lại nhìn chàng. Một thoáng ngỡ ngàng, chàng ào tới ôm chầm lấy bạn: “Ôi, Minh! Mày về nước hồi nào? Sao mày lại đến đây?”. Đôi bạn ôm nhau trong sự xúc động trào dâng. Khi vừa buông tay, chàng Việt kiều liền hỏi: “Duy ơi! Có phải mày đã vẽ thêm một nửa chân dung cô gái? Một nửa mảnh ghép?”. Chàng sực nhớ ra, thảng thốt: “Có phải mày đã vẽ nửa chân dung cô gái?”. Chàng Việt kiều xúc động mạnh: “Đúng rồi! Đây là căn nhà của tao ngày xưa lên Đà Lạt lập nghiệp trước khi vượt biển”. Chàng ngớ người ra: “Chao ôi! Tao đã từng ngờ ngợ cái nét vẽ, trường phái trông quen quen nhưng không nghĩ ra mày!”. Họ lại ôm nhau chặt hơn. Ngôi trường, thầy cô, bè bạn hiện về từ ký ức…

Ngoài kia, tiếng ve trên hàng thông râm ran. Mùa hạ đã về!

TRẦN QUỐC CƯỠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Bá Duy

Tháng Mười mưa trắng núi Tình
biết phương ấy mẹ một mình dưới mưa
buồn theo cơn bão cuối mùa
phận người mỏng mảnh hơn thua được gì

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…