50 năm Văn học Bình Định: Bề rộng và chiều sâu

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Lấy mốc lịch sử từ 1975 – khi đất nước hòa bình thống nhất sau những cuộc chiến dai dẳng, khốc liệt – đến nay, 2025, vừa tròn 50 năm, là mốc thời gian lớn cho một giai đoạn văn học. Thử điểm lại những thành quả mà nền văn học tỉnh nhà đã gặt hái được trong nửa thế kỷ qua.

1. Các thể loại văn học
Có thể nói đến thời thành lập Hội VHNT Bình Định những năm 1990 đến nay, văn học Bình Định đã phát triển bền vững, phong phú các thể loại và nhiều thành tựu.

a.Thơ, trường ca:
Sau 1975, thơ Bình Định nổi trội hơn so với văn xuôi. Có thể bắt đầu từ nhà thơ Lệ Thu, người có công đầu trong xây dựng nền tảng Văn nghệ Bình Định. Trước sau, bà trung thành với tín niệm nghệ thuật của mình với thi pháp truyền thống, cẩn trọng từ tiết tấu, nhịp điệu đến ngôn từ. Sau Xứ sở loài chim yến, Hương gửi lại…, những tập thơ tiếp theo của bà đáng chú ý gồm Nguyện cầu, Chân dung tình yêu, Điềm đạm Việt Nam, Mây trắng, Khói mỏng nhẹ bay… Ở tuổi ngoại bát tuần, bà vẫn đều đặn sáng tác và thơ “trĩu nặng tâm tư, ẩn đầy triết lý trước thế sự cuộc đời, nhưng vẫn nồng hậu một tấm lòng, đầy trách nhiệm công dân” – (Mai Thìn).

Năm 1986, Lê Văn Ngăn đoạt giải thưởng thơ báo Văn Nghệ, được văn giới cả nước biết tiếng. Nhưng ông làm thơ không nhiều. Những sáng tác mới sau 1975 gồm 2 tập Viết dưới bóng quê nhàGiữa cơn mưa lưu hoàng đổ (được in khi ông đã qua đời). Thơ ông thiên về thơ văn xuôi, không vần, câu dài ngắn thoải mái nhưng gắn bện bằng nhịp điệu; và hồn thơ trầm lắng, nhiều tự sự kín đáo, lắng sâu chất thế sự.

Sau 3 tập thơ chưa nhiều ấn tượng Bậc thềm mùa hè, Chứng chỉ thời gian, Điệu luân vũ, đến Sóng và khoảng lặng, nhà thơ Từ Quốc Hoài đã thay đổi hoàn toàn bút pháp. Thơ thênh thang tự do, không vần, không nhịp điệu, thoải mái kết hợp cảm xúc tự nhiên với những trải nghiệm, đưa thơ đến rất gần với đời sống. Tập thơ đã được trao giải Hội Nhà văn năm 2010 – 2011.

Nguyễn Văn Chương là nhà thơ thế hệ chống Mỹ có thơ in báo Văn Nghệ sớm nhất: 1963. Nhưng thơ ông không nổi trội, đặc sắc, không tạo dấu ấn mạnh với bạn văn, bạn đọc. Bù lại, ông chăm chỉ, cần cù. Với hơn 30 đầu sách để lại (gồm nhiều thể loại: thơ, trường ca, truyện ký, tiểu luận, và 17 tập thơ, truyện cho thiếu nhi), ông là một mẫu hình đáng quý trọng về nỗ lực không mệt mỏi trên dặm dài văn chương.

Nhà thơ Văn Trọng Hùng với tên các tập thơ: Dạo khúc nhân tình, Bóng trúc, Hầu chuyện tiền nhân, Ngửa mặt hỏi trăm năm, Tiết trúc, có thể hình dung một phần chất thơ ông. Thơ ông mạnh ở tứ, nhất là những lật xoay, luận xét suốt trăm năm nhân thế, nghìn năm thời cuộc; qua các nhân vật lịch sử, những anh hùng, tội đồ, những hưng vong thành bại mà chiêm nghiệm các chân giá trị, rạch ròi yêu ghét, dù vẫn lãng đãng thi sĩ.

Nguyễn Thanh Mừng là thế hệ trưởng thành sau năm 1975. Tập thơ đầu tay Rượu đắng đã hiển lộ ngôn ngữ tài hoa, đắm say cảm xúc. Nhưng phải đến Ngàn xưa, tập thơ thuần lục bát, viết về cuộc xưa, về vùng đất nhiều trầm tích văn hóa Bình Định, nhuần đượm hồn ca dao, cổ tích dân tộc. Cùng một hình thức câu chữ, nhưng tập thơ không hề nhàm nhạt mà vẫn cuốn hút ở những đúc kết ấn tượng. Sau này Nguyễn Thanh Mừng còn in nhiều thơ nữa nhưng thành tựu nhất vẫn phải nhắc đến Ngàn xưa.

Sinh thời Quang Vĩnh Khương chỉ in được 2 tập thơ Tạ ơn nỗi buồnTự bạch của đàn ông. Sau khi nhà thơ này mất, bạn bè và gia đình lục lại di cảo, in tập Trăm năm một giấc mơ buồn. Nhà thơ đoản mệnh xuất hiện như ánh chớp, lấp lánh nỗi buồn nhân thế và sự quẫy cựa khôn nguôi, một thắc thỏm bất an, bất trắc trước cuộc đời, cả với tình!

Xét tiến trình thơ đến giờ, Mai Thìn là người kiên trì hiếm thấy về đề tài và chất thơ. Đồng đất quê hương vùng thành Hoàng đế với giọng điệu điềm đạm, cô đọng những suy nghiệm, hồi cố và bay bổng. Những tập thơ: Đồng quê, Khúc sơn ca, Thiên đường thơm rèm cửa nhà mình, Tiếng chim về cũ… đã làm nên chất thơ đặc hữu ấy của anh. Năm 2024, sau khi đoạt giải thưởng cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ, nhà thơ ra mắt cùng lúc 2 tập: Tạ lỗi với mây xanhTiếng của thiên lương, tiếp tục tạo dấu ấn mới. Tiếng của thiên lương kiệm lời, cô đọng đến tối giản, gợi hơn là bày, những mơ mộng bay bổng trước đó bị tước bỏ hoàn toàn: nhà thơ không ngừng tìm tòi sau những định hình tưởng đã ổn cho một đời thơ!

Có thể nhắc đến một Khổng Vĩnh Nguyên cả đời cho thơ, đọng lại trong trí nhớ bạn đọc những vần lục bát vừa dân dã vừa nhấn sáng bất ngờ. Lại có Trịnh Hoài Linh rặt cách cảm cách nghĩ, cách buồn đau và hạnh phúc của người nông dân, thơ chân chất, nhọc nhằn quê kiểng: anh là nhà thơ nông dân thứ thiệt. Và những Trần Viết Dũng, Triều La Vỹ, Lê Ân… hoặc lãng đãng thi sĩ hoặc ngọt lừ xúc cảm hoặc tung tẩy siêu thực…

Nhiều nữa, khó thể điểm hết những gương mặt thơ có những thành tựu, định hình nhất định trên vùng đất thi ca này 50 năm qua.

b. Văn xuôi:
Phải đến giai đoạn sau 1990, trong sự phát triển chung của Văn nghệ Bình Định, văn xuôi mới dần tương xứng với thơ.

* Truyện ngắn:
Sau tập truyện ngắn Khoảnh khắc giữa ngày và đêm đề tài xã hội những năm 80 không mấy ấn tượng, nhà văn Nguyễn Thanh Hiện bất ngờ cho in Khúc rọ rưa với không gian tít xa quá khứ và một vùng đất được xây dựng để các nhân vật xưa cũ hoặc huyền hoặc hiện hữu, khóc cười; một bối cảnh hư cấu mà đâu đó khơi gợi những trắc ẩn, nỗi đau đời: nhà văn đã tìm thấy lối mở cho hành trình sáng tạo của mình. Và các tiểu thuyết Trở lại Xương Quơn, Người đánh cắp sự thật cũng với không gian ấy, bút pháp ấy mà diễn trình, tung tẩy. Ông có tất cả 16 tiểu thuyết, 18 trường ca, 7 tập truyện ngắn, nhiều thơ…, phần lớn tác giả tự xuất bản dưới dạng bản thảo và in trên các trang văn học mạng. Ông coi văn chương như một thánh đường của nhân sinh và thực sự tận hiến cho tín niệm này.

Trần Thị Huyền Trang là một tên tuổi được biết đến khá đa dạng trong sáng tác. Ngoài những tập thơ Những đêm da trời xanh, Muối ngày qua, Trong tĩnh lặng… còn có tập truyện ngắn Một lứa bên trời,…; lại là cây bút biên khảo về đất và người Bình Định với Nhạn thần cô, Huyền tích kinh xưa… Thơ Trần Thị Huyền Trang vững chãi cấu tứ và xúc cảm; giản dị cách thể hiện mà sắc sảo, đằm sâu thiên tính nữ. Truyện ngắn nữ nhà văn này, mảng đề tài lịch sử với các nhân vật triều Tây Sơn mang hơi hướng kính ngưỡng, sùng mộ, gắn với các truyền thuyết, dã sử trong tâm thức người Bình Định.

Chuyên tâm hẳn cho văn xuôi có Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Quang Lộc, Trần Văn Bạn, Phạm Hữu Hoàng, Trần Như Luận, Lưu Thị Mười, Nguyễn Anh Nhật…

Nhà văn Trần Quang Lộc đã in: Trăng 16, Một thoáng bông hồng đỏ, Làng ven sông ngày ấy, Làng Krona. Anh viết nhiều đề tài: về các nhân vật văn hóa, lịch sử, về chiến tranh, về hồn cốt quê hương, chuyện người sống người chết…, bao giờ cũng lồng vào đó một chuyện tình. Dù viết về người hay ma, hiện thực nào của Trần Quang Lộc cũng ngui ngút thời gian, vẻ đẹp trong văn anh là hoài niệm: chừng như điều đẹp đẽ nhất đã vụt mất, đã lùi xa… Đọc Trần Quang Lộc là đọc vẻ đẹp ấy.

Nguyễn Mỹ Nữ với: Những câu kinh chấp chới, Tiếng hát liêu điêu, Thế gian không phút thứ sáu, Góc phố ba người. Các nhân vật của chị có thật đâu đó ngoài đời, thường là tầng lớp lam lũ, nhọc nhằn kiếm sống, cả say sưa, cờ bạc, nghiện ngập… Bằng sự mẫn cảm, nhân hậu của mình, lớp sinh linh động cựa nơi những con phố nhỏ, xóm nhà ổ chuột ấy, vẫn hiện lên đúng nghĩa một thế giới người, có niềm vui, niềm hạnh phúc đơn giản nhất con người được quyền có.

Trần Văn Bạn viết không nhiều, chỉ với 2 tập: Khuôn mặt người, Lửa, đã nhanh chóng góp một giọng điệu, một tìm tòi về kỹ thuật truyện ngắn mới, hiện đại. Các vấn đề xã hội qua những hư cấu, tình huống độc lạ, đan xen các yếu tố huyền ảo, siêu thực, truyện ngắn Trần Văn Bạn tạo nên nhiều chiều cảm nhận, liên tưởng.

Lưu Thị Mười thực sự mặn mà với văn chương mười năm qua, với Trăng khóc, Âm ỉ tàn tro. Hai tập truyện chỉ một đề tài duy nhất: thân phận người nữ với muôn mặt đời sống… Chị có thế mạnh về phân tích tâm lý, văn thường cuộn xoáy những cao trào, xúc cảm.

Phạm Hữu Hoàng với Vương pháp, Đêm ảo huyền, Nguyệt cầm, Bóng hoa, đề tài chủ yếu dựa vào các sự kiện, nhân vật lịch sử những triều đại xa xưa. Nhưng bóng dáng các nhân vật này chỉ xuất hiện để kèm theo đó là các nhân vật hư cấu, một nam một nữ: thiên diễm tình này cùng những ánh chớp đường gươm, lưỡi kiếm, nhuốm màu kiếm hiệp. Rồi truyện cũng hướng về một đúc kết, suy gẫm nào đó, về thời cuộc, về cái thiện, ác trong đời.

Nếu Phạm Hữu Hoàng mượn bối cảnh xa xưa để dàn dựng một cuộc tình có màu cổ trang, thì chỉ tập Bóng rồng với 13 truyện ngắn, Triều La Vỹ đưa người đọc “gặp lại” các nhân vật lịch sử và văn hóa: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Nguyễn Trãi, Thị Lộ, Võ Tánh, Lê Đại Cang, Nguyễn Diêu… Cả những nhân vật trong huyền sử hoặc khuất lấp, mơ hồ trong lịch sử… Tác giả nhập vai những nhân vật phụ cận, tiếp xúc với nhân vật chính, để sống cùng thời, để chứng kiến mà cảm thông, yêu thương, căm thù, phẫn nộ; hòa vào họ mỗi cung bậc, trạng thái tình cảm, tâm hồn mà khao khát và tiếc nuối – bi kịch muôn thuở của nhân sinh. Truyện ngắn lịch sử là thế mạnh của nhà thơ này.

Có thể kể thêm những cây bút văn xuôi Phạm Kim Sơn, Nguyễn Anh Nhật, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Mị Dung, Thụy Hân, Ngô Văn Cư, Bùi Tấn Phước, Hương Văn…, những người đã có bước đầu. Họ còn đủ kiên trì, thử thách mình trong tương lai hay không, chờ xem.

* Tiểu thuyết:
Sau những tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện, tác giả có cuộc dấn bước dài hơi đáng kể là Trần Như Luận. Anh đã công bố hai tập truyện ngắn: Tuổi của tình yêu & 13 truyện ngắn khác, Thái Bạch đêm ấy & 13 truyện ngắn khác, nhưng đáng kể là 3 tiểu thuyết: Thầy Gotama và 8000 đệ tử, Đời vớ vẩn, Gương mặt loài homo sapiens. Đã có Đường xưa mây trắng rất hay của Thích Nhất Hạnh, nhưng cuộc đời hành đạo, thành đạo của đức Phật và các đệ tử qua ngòi bút của anh đời hơn. Đời vớ vẩn viết về lứa tuổi sinh viên thời 4.0. Gương mặt loài homo sapiens lại là một đào sâu khám phá về bản ngã con người, những khao khát và dục vọng. Tiểu thuyết kết hợp nhiều lập thuyết có từ thời Lão Tử cùng những thành tựu, khám phá của thế giới khoa học đương đại, khơi gợi những thông điệp, triết lý về nhân sinh. Anh là số ít nhà văn hiện sáng tác ở Bình Định giúp văn chương tỉnh nhà không “trắng” về tiểu thuyết.

* Tản văn, các thể ký:
Lực lượng viết và in tản văn, các thể ký thật nhiều. Tản văn để lại dấu ấn vẻ đẹp ngôn ngữ, cảm xúc, ý tưởng, phong phú cách thể hiện, có thể nhắc tên: Nguyễn Mỹ Nữ, Mai Thìn, Ngô Văn Cư, Bùi Duy Phong, Lê Hoài Lương… Các thể ký cũng nhiều dấu ấn với Thu Hoài, Xuân Mai, Lệ Thu, Trần Quang Khanh, Huỳnh Kim Bửu, Bùi Tấn Phước, Trần Duy Đức… Đây là mảng trực tiếp về diện mạo một vùng đất, từ chiến tranh đến dựng xây, đến các vỉa tầng lịch sử, văn hóa.

Với Nơi con sông Côn chảy quaTrong như tiếng hạc bay qua, Huỳnh Kim Bửu đã gây ấn tượng mạnh: ông là người kể chuyện làng, kể chuyện phong hóa một vùng đất. Ấn tượng ở chỗ, ông tạo cảm giác các vấn đề, câu chuyện tự nó đến với bạn đọc. Nếu ông không đột ngột dừng lại, những lan man của Huỳnh Kim Bửu sẽ mang hình vóc một bách khoa thư về phong hóa một vùng đất. Cái duyên riêng trong cách kể của ông đã thành phong cách.

Mảng ký về đề tài chiến tranh, bất ngờ có những thành tựu đáng trân trọng sau thời gian ngưng đọng: Thu Hoài với Bình Định – Những năm tháng chiến tranh (ký, 2 tập,1.350 trang khổ lớn); Ở lại với dòng sông (hồi ký của Nguyễn Trung Tín, 2 tập, Xuân Mai ghi); Lệ Thu với Nhật ký nữ nhà báo chiến trường.

Một số tác phẩm của hội viên trưng bày tại Hội thảo “Văn học, nghệ thuật Bình Định 50 năm xây dựng và phát triển”. Ảnh: H.N

Là nhà báo, Thu Hoài đã gặp, đã nghe, đã ghi chép hàng ngàn trang giấy. Cái lõi xuyên suốt của Nhân dân Bình Định là Nguyễn Trung Tín, người được tin cậy giao trọng trách ở lại quê hương chăm lo phong trào cách mạng, trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến đằng đẵng suốt 20 năm. Và Nhân dân, một Nhân dân vĩ đại, bản lĩnh và mưu trí, trong gian khổ hy sinh vẫn một lòng vững tin vào cách mạng, góp phần cho thắng lợi sau cùng. Bộ sách là tư liệu quý lưu giữ sử liệu bi thương và anh hùng, dù thời gian rồi dần khỏa lấp các sự kiện, ký ức chiến tranh.

Ở lại với dòng sông là những lời kể, hồi tưởng của vị lão thành cách mạng – ông Nguyễn Trung Tín. Xuân Mai đã có gần ngàn trang sách rất thành công, rất văn chương dù viết theo tạng hồi ký. Giả dụ không phải ghi theo hồi ức của một nhân vật, sự kiện có thật, chỉ cần đổi tên, thay các chương mục có tính lịch sử, thêm một số hư cấu nữa, thì Ở lại với dòng sông là một tiểu thuyết đúng nghĩa về chiến tranh cách mạng. Đây là đóng góp đáng kể của bà, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai.

Với Nhật ký nữ nhà báo chiến trường, cuốn sách được cho in sau 40 năm hòa bình thống nhất đất nước. Chủ thể nhà báo, nhà thơ Lệ Thu hầu như trầm ẩn hẳn, để trội lên hình ảnh Nhân dân, một Nhân dân kỳ diệu với lòng thủy chung với cách mạng, sự hy sinh lớn lao, kiên cường bất khuất. Mỗi việc làm giản dị đều có dấu ấn của những anh hùng. Cuốn nhật ký hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối, là một đóng góp bất ngờ của nhà thơ Lệ Thu vào văn chương Bình Định.

c. Nghiên cứu, lý luận phê bình:
Thực tế sáng tác phát triển mạnh mẽ ở Bình Định như một tác động, đòi hỏi mảng phê bình phải dần tương ứng. Nhiều cây bút sáng tác đã cố gắng đáp ứng nhu cầu này rồi dần chuyên chú hơn như Lê Hoài Lương với các đầu sách: Văn nhân Bình Định – một góc nhìn, Những vẻ đẹp thơ I, Những mùa xuân hoa cỏ; hoặc yêu thích mà bình thơ như Tuệ Mỹ, có Nẻo về tinh khôi; hoặc viết tạng giới thiệu sách trên báo, tạp chí năng nổ như Vân Phi. Đáng chú ý Bình Định có nhiều giảng viên ở Đại học Quy Nhơn viết mảng nghiên cứu, phê bình: TS. Lê Nhật Ký chuyên sâu mảng văn học thiếu nhi, với Từ bước chân dế mèn; TS. Võ Như Ngọc có chuyên luận Trường thơ Loạn – Thi pháp tượng trưng đa ký hiệu; TS. Võ Minh Hải có Ngôn ngữ Truyện Kiều dưới góc nhìn văn hóa; ThS. Trần Xuân Toàn với Dạo bước vườn văn xứ Nẫu. Tuy chưa dành nhiều thời gian cho mảng này nhưng TS. Châu Minh Hùng ở những tham luận các hội thảo về Văn học Bình Định, đã góp tiếng nói phê bình rất có nghề…

Đặc biệt nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn dành một đời cho Đào Tấn, Nguyễn Diêu và hát Bội Bình Định với các bộ sách kinh điển về Đào Tấn và Nguyễn Diêu (Đào Tấn – Thơ và từ, Đào Tấn – Tuồng hát Bội, Đào Tấn – Qua thư tịch), Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – Ông đồ nghệ sĩ, tập nghiên cứu Góp nhặt dọc đường, tập ký nhân vật Kẻ sĩ đất Thang Mộc về những danh gia Bình Định thế kỷ XIX: Đào Phan Duân, Nguyễn Trọng Trì, Hồ Sĩ Tạo, Nguyễn Bá Huân…

Nhà sưu tầm, biên khảo, dịch chú Lộc Xuyên Đặng Quý Địch cũng để lại một di sản phong phú với các biên khảo về những nhân vật Bình Định: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Trần Đức Hòa,… Ông cũng phiên dịch, chú giải nhiều văn bản Hán văn, tư liệu cổ về văn học, văn hóa Bình Định.

Dù đã “thích ứng” phần nào với sự phát triển của mảng sáng tác, nhưng nghiên cứu, lý luận phê bình của Bình Định vẫn chưa xứng tầm.

d. Văn học dịch:
Sau tập sách dịch đầu tiên năm 1988 Những điều kỳ lạ ở xứ Ozơ, từ các năm 1999 đến 2014 dịch giả Trà Ly in cấp tập mười mấy đầu sách nữa. Có những cuốn ông mất nhiều năm để dịch chưa kịp in như Bạch Lộc nguyên, Con quạ… Dịch giả Trà Ly (chuyển ngữ tiếng Trung) hoàn toàn tự học bởi niềm yêu thích, đam mê của mình. Ông góp mặt vào “bản đồ dịch thuật” miền Trung, với: Vĩnh Quyền (Quảng Nam – Đà Nẵng), Trà Ly (Bình Định), Đào Minh Hiệp, Triệu Lam Châu (Phú Yên), Đào Thị Diễm Tuyết (Khánh Hòa)…

Mấy năm nay nhà văn Trần Như Luận vừa sáng tác vừa tích cực chuyển ngữ. Các truyện ngắn hay của Âu Mỹ đã được dịch, in trên các diễn đàn quan trọng như Văn nghệ Quân đội và in thành sách. Có vẻ Trần Như Luận đã vào guồng và sẽ trường lực với mảng chuyển ngữ này?

e. Văn học thiếu nhi:
Một mảng thành công của nhà thơ Nguyễn Văn Chương là viết cho thiếu nhi. Với 17 đầu sách (có cuốn được tái bản nhiều lần như Kiến nâu và hạt gạo, Cây chăm làm, Tiếng gọi vịt…), ông là cây bút đáng kể của văn học thiếu nhi Bình Định, lúc ấy. Lặng lẽ viết và lai rai in, cùng những tập truyện ngắn, tản văn, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ cũng đã có loạt sách cho thiếu nhi, nhiều lứa tuổi: Mắt núi, Món quà của mùa hè, Theo một người về biển, Nhặt, Nào cùng nhón chân. Là nhà văn thành danh ở truyện ngắn, chị vẫn dành một góc riêng cho văn học thiếu nhi, vậy là quý.

Gần đây, nhiều cây bút trẻ tham gia viết cho lứa tuổi này: Mộc An, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Mai Đậu Hũ, My Tiên… Mộc An thành công hơn cả khi năm năm qua, chị đã in Đậu Đậu, Sâu Sâu và Bé Bé (in chung với Nguyễn Đặng Thùy Trang), Cây cầu lấp lánh, Ở một nơi có rất nhiều rồng (Giải Khát vọng Dế mèn lần 4-2023), Nếu một ngày chúng tớ biến mấtNhạc sĩ đường phố (Giải B sách quốc gia, 2024), Chú bán cà rem & Quyển sách thần kỳ. Thùy Trang có thêm Xương cá biết nói. Mai Đậu Hũ với Lá, Khu vườn của mẹ… Văn học thiếu nhi Bình Định đã khởi sắc và còn nhiều hứa hẹn.

2. Những thành tựu đáng khích lệ
Không kể rất nhiều giải thưởng văn học các báo, tạp chí văn nghệ các địa phương, chỉ riêng những diễn đàn tầm “trung ương”, 50 năm hình thành, xây dựng và phát triển của Văn học Bình Định có rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Từ giải các báo, tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam: Văn Nghệ, Nhà văn và Tác phẩm đến tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải thưởng Hội Nhà văn đến Giải Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải sách Quốc gia…, các thế hệ cầm bút Bình Định được xướng danh khá đông đúc, có người đến 4, 5 lần đoạt giải. Đó là những nhà văn, nhà thơ: Lê Văn Ngăn, Từ Quốc Hoài, Văn Trọng Hùng, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Thanh Mừng, Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Mai Thìn, Triều La Vỹ, Trương Công Tưởng, Vân Phi, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Lưu Thị Mười, Trần Quang Lộc, Mộc An, Trần Quốc Toàn…

Với “Giải thưởng Nhà nước về VHNT” danh giá, trừ nhà thơ lớn Yến Lan được truy tặng năm 2007, Bình Định có 02 tác giả được vinh dự trực tiếp nhận giải thưởng này: Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (2012) và nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng (2023).

3. Đã có làn sóng mới của văn học Bình Định
Mươi năm nay, Bình Định xuất hiện một lực lượng sáng tác trẻ tài năng đang dần được bạn đọc cả nước ghi nhận. Họ thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn văn học uy tín: Văn Nghệ, VNQĐ, Tiền phong Chủ nhật, Sông Hương, Văn nghệ TP. HCM… Và đoạt nhiều giải thưởng văn học. Đó là những Trương Công Tưởng, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Lê Văn Đồng, My Tiên, Mẫu Đơn, Nguyễn Anh Nhật, Thụy Hân… Mới đây, Trương Công Tưởng và Vân Phi được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam ở tuổi ngoài ba mươi! Họ là lực lượng trẻ tràn đầy năng lượng và văn chương Bình Định hy vọng sẽ có sức bật mới – một nối tiếp xứng tầm.

Dù còn một số mảng chưa tương xứng nhưng có thể khẳng định: văn học Bình Định đã phát triển bền vững cả bề rộng lẫn chiều sâu.
17.3.2025
LÊ HOÀI LƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khúc đoạn trường của chiến tranh

Bằng những hình ảnh thật chân thực và xúc động, bài thơ “Má tôi và những tiếng chuông” mang đến một giải tỏa tâm linh, một ám ảnh xa xót từ vết thương do chiến tranh để lại…

Sắc màu của tình bạn

Truyện đưa chúng ta vào thế giới của loài rồng, một loài vật ngỡ chỉ có trong huyền sử xa xôi, mơ hồ trong những tô vẽ tưởng tượng của loài người…