Giọt lệ nàng An Nhiên

(VNBĐ – Truyện ngắn). An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn. Đêm Nguyên tiêu, Chúa mở yến tiệc ở vườn ngự uyển. Nàng được phụ mẫu dẫn tới dự. Trong tiệc, nàng gặp Tôn Thất Quyền, một chàng trai anh tuấn, khí chất mạnh mẽ, phong thái nho nhã, nói năng lịch thiệp. Tôn Thất Quyền xuất thân thuộc hàng danh gia vọng tộc, văn võ toàn tài, được Chúa tin dùng, phong chức Chưởng cơ, chỉ huy đội Vũ lâm quân bảo vệ kinh thành. Trai tài gái sắc, cả hai cảm mến nhau ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Duyên tình ngày càng thắm đượm. Những tháng ngày hoa mộng đó, rảnh rỗi, khi chiều xuống, cả hai thường ngồi bên nhau trên bờ sông Hương, ngắm dòng nước xanh biếc êm đềm xuôi về hạ bạn. Hoặc những đêm trăng tỏ, dưới ánh vàng huyền diệu, ngồi trên thuyền nghe ca Huế réo rắt khúc Nam Ai, Nam Bình… xao động lòng người. Rồi được sự chấp thuận phụ mẫu đôi bên, Tôn Thất Quyền và An Nhiên nên nghĩa phu thê. Hạnh phúc đong đầy tưởng chừng không bao giờ vơi.

***

Bấy giờ ở Đàng Trong, tình hình hết sức rối ren. Quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, tham lam vơ vét của cải, sách nhiễu Nhân dân, làm điều bạo ngược, gây bao tội ác, lòng dân ta thán. Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ở đất Tây Sơn, thế lực ngày càng lớn mạnh. Chúa Nguyễn Phúc Thuần sai tướng đem quân vào đánh dẹp nhưng thất bại. Trong lúc cuộc chiến với Tây Sơn đang diễn ra thì tháng Mười năm Giáp Ngọ (1774), ba vạn quân Trịnh Đàng Ngoài dưới sự chỉ huy của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc bất ngờ vượt sông Gianh tiến đánh. Lực đã suy yếu, không đủ sức chống cự, quân Nguyễn liên tiếp lui quân. Đến tháng Chạp, không chịu nổi sức ép của quân Trịnh, Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ kinh thành dẫn các hoàng tôn và bề tôi trung thành chạy vào dinh Quảng Nam. Chưởng cơ Tôn Thất Quyền đem đội Vũ lâm quân theo hộ giá Chúa. Lệnh ban ngày mai lên đường.

Đêm đó, trong gian phòng leo lét ánh đèn, chàng trầm ngâm nghĩ ngợi. Xa An Nhiên lúc hương lửa đang nồng, chàng không đành lòng. Còn đưa nàng đi thì vô vàn khó khăn. Con đường phía trước đầy bất trắc, hiểm nguy. Làm sao một tiểu thư khuê các như nàng có thể chịu đựng nổi cảnh thân gái dặm trường. Chàng quyết định kể vắn tắt cho vợ nghe sự tình rồi ngậm ngùi:

– Ta không thể đưa nàng đi cùng. Ở lại, nàng cố gắng bảo trọng.

An Nhiên đỏ mắt đáp:

– Chàng nỡ lòng nào bỏ thiếp. Kinh thành rơi vào tay giặc, loạn lạc khắp nơi, lỡ có bề gì, thiếp biết xoay trở sao đây?

Nàng nằng nặc:

– Xin được theo chàng, gian lao đến mấy thiếp cũng chịu được.

Tôn Thất Quyền biết, một khi An Nhiên đã quyết lòng thì không gì thay đổi được. Với lại, lời vợ nói cũng có phần đúng. Thời buổi ly loạn, tai họa rình rập khắp nơi, không có chàng, ai là người che chở cho nàng. Đắn đo một lúc, chàng thuận theo ý nàng.

***

Tháng Giêng năm Ất Mùi (1775), Chúa Nguyễn Phúc Thuần đến Quảng Nam. Tại đây, theo lời tấu của các cận thần, tình hình Quảng Nam lúc này rất nguy hiểm vì lưỡng đầu thọ địch. Phía Bắc, quân Trịnh thắng như chẻ tre, khí thế bừng bừng. Phía Nam, quân Tây Sơn mạnh mẽ không kém. Chi bằng vượt biển rút về Gia Định. Cả vùng đất đai trù phú, màu mỡ phương Nam sẽ là hậu phương vững chắc. Còn phủ Quảng Nam hãy giao cho một Hoàng tôn trấn giữ. Chúa chuẩn y. Nhưng vẫn còn phân vân, trong số các Hoàng tôn bên mình hiện giờ, ai có thể gánh vác trọng trách lúc dầu sôi lửa bỏng này. Cân nhắc một hồi, Chúa gọi Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lại ôn tồn dụ:

– Nay ta phong Hoàng tôn ngôi Thế tử, ở lại trấn giữ Quảng Nam. Ta để các tướng Tôn Thất Quyền, Nguyễn Cửu Thận, Tôn Thất Tĩnh, Tôn Thất Chí… giúp sức. Hoàng tôn tùy nghi hành động. Ta vào Gia Định ổn định xong, sẽ đem quân từ phương Nam đánh ra. Hoàng tôn phối hợp đánh vào từ mặt Bắc. Quân Tây Sơn bị kẹp giữa hai gọng kìm, nhất định phải thua.

Chúa bảo Tôn Thất Quyền:
– Ta để khanh cùng đội Vũ lâm quân ở lại hộ giá Thế tử. Khanh phải lo chu toàn đấy.

Tôn Thất Quyền vòng tay cung kính:

– Thần xin vâng mệnh!

Phân phó đâu đó, hôm sau, Chúa lên thuyền giong buồm vào Nam. Nguyễn Phúc Dương nhận lệnh mà lòng hết sức lo lắng. Phía Bắc, quân Trịnh đã đến đèo Hải Vân. Phía Nam quân Tây Sơn đang chuẩn bị tiến công, phần mình, binh ít, thế cô lấy gì chống cự. Thế tử trao đổi với các tướng kế sách đối phó. Chưởng cơ Tôn Thất Quyền thưa:

– Bẩm Thế tử! Giặc mạnh, ta yếu, khó mà đối địch. Phải tính kế lâu dài. Trước hết, hãy chọn nơi hiểm yếu xây dựng căn cứ phòng thủ. Khi tình thế cấp bách có thể rút về đó bảo vệ lực lượng. Phía Tây các phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn rừng núi hiểm trở, có thể tìm được một nơi thích hợp.

Thế tử ưng thuận. Nhưng tìm được địa thế mong muốn giữa mênh mông đại ngàn không dễ dàng. Thế tử sai người tâm phúc chia nhau đến các huyện thuộc hai phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn khôn khéo, kín đáo dò hỏi các quan lại, thổ hào vùng sơn cước. Tháng Hai năm Ất Mùi, một người được sai phái trở về dẫn theo một thổ hào ở huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn xin bệ kiến Thế tử. Người thổ hào ấy vốn là thợ săn giỏi, từng lặn lội khắp các ngọn núi phía Tây huyện Bồng Sơn nên rất am tường địa thế trên đó. Theo bẩm báo của người thổ hào, trên dãy núi xa mờ kia có một ngọn núi cao ngất trời. Đường vào núi hiểm trở, phải luồn rừng, băng suối, vượt hết con dốc này đến con dốc khác. Lên núi, chỉ có một lối mòn duy nhất vừa vặn một người đi. Đó là cửa sinh. Khi lên phải đánh dấu. Xuống núi phải theo dấu đó. Vì sơ suất là lạc vào cửa tử, đó là lối dẫn tới các khe đá trơn trợt. Giữa bạt ngàn cây lá khó tìm được lối ra. Tối đến, trong bóng tối mịt mù, lạnh rét thấu xương mà cứ loay hoay trên các mỏm đá, bất cẩn là rơi xuống vực. Trên núi có những trảng đất bằng phẳng có thể trồng trọt, luyện quân…

Nghe người thổ hào nói, Thế tử hết sức hài lòng, ban thưởng rất hậu. Đó là chỗ thuận lợi cho việc dùng binh, dễ thủ khó công, rất phù hợp cho tình thế khó khăn lúc này. Thế tử gọi Chưởng cơ Tôn Thất Quyền tới tư dinh dặn riêng:

– Ta tin cậy giao nhiệm vụ này cho ngươi. Ngay lập tức, hãy dẫn đội Vũ lâm quân theo người thổ hào đến đó xem xét tình hình. Nếu thấy ổn, thì lập căn cứ đồn trú rồi cấp báo cho ta.

Tôn Thất Quyền nói với An Nhiên:

– Ta vâng mệnh Thế tử phải rời đi. Ta không yên tâm để nàng lại nơi này. Phủ Quảng Nam sớm muộn cũng trở thành bãi chiến trường. Lúc đó, tên bay đạn lạc, khói lửa mù trời, ai bảo vệ nàng? Thôi thì nàng theo ta, gian nan cùng chịu, sống chết có nhau.

Chàng dẫn đội Vũ lâm quân bí mật xuất phát. Trải qua biết bao vất vả, lội suối, trèo đèo, sáng hôm ấy, đoàn người lên tới một cao nguyên bạt ngàn, mênh mông. Khí trời ở đây mát mẻ, dễ chịu. Người thổ hào nhìn dãy núi hùng vĩ, trùng điệp trước mặt nói:

– Ngọn núi ấy kia kìa.

Nhìn hướng tay người thổ hào chỉ, ai nấy đều kinh ngạc, không ngớt tiếng trầm trồ. Ngọn núi lừng lững giữa trời, đỉnh núi chọc vào mây xanh. Trong ánh ban mai, lũng sâu dưới chân núi, tầng tầng sương trắng dày đặc che phủ. Phía trên, những làn sương la đà lướt qua sườn núi như một dải lụa mềm mại thướt tha. Thấp thoáng sau làn sương là màu xanh mượt mà của cây lá, vẻ đẹp đầy sức sống của núi rừng. Trên chóp núi như cái bát úp, những đám mây hình thù kì lạ lượn lờ vờn quanh làm tăng thêm sự bí hiểm và quyến rũ. An Nhiên quên cả mệt, nàng sững sờ trước vẻ đẹp kì vĩ của tạo vật. Lần đầu tiên trong đời nàng nhìn thấy cảnh thiên nhiên tráng lệ như cõi thần tiên huyền ảo. Nó khác xa với không gian chật chội lầu son gác tía, quanh quẩn trong dinh thự nguy nga tráng lệ mà một tiểu thư như nàng đã từng sống. Lòng nàng bỗng dưng rộn lên cảm giác hào hứng lạ lùng, cảm giác nàng thường có khi đón nhận những điều thú vị, mới mẻ.

Lên núi, Tôn Thất Quyền quan sát một lượt, hết sức vừa ý, liền cho chặt cây rừng làm chỗ ở, nhà kho, tích trữ lương thực, tổ chức phòng bị chu đáo. Người thổ hào cũng góp phần không nhỏ trong buổi đầu ổn định cuộc sống mọi người. Xong đâu đấy, Tôn Thất Quyền sai người đưa thư về bẩm báo cho Thế tử biết.

***

Tháng Ba năm Ất Mùi, người đưa thư do Tôn Thất Quyền sai phái chưa kịp đến gặp Thế tử thì thì quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy chia làm ba mũi vây đánh quân Nguyễn quyết liệt. Quân Nguyễn đại bại. Thế tử Nguyễn Phúc Dương bị bắt. Các tướng Nguyễn Cửu Thận, Tôn Thất Tĩnh, Tôn Thất Chí đều tử trận. Nhưng quân Tây Sơn làm chủ dinh Quảng Nam chưa được bao lâu thì quân Trịnh đã vượt đèo Hải Vân tiến vào Quảng Nam. Quân Trịnh và quân Tây Sơn giao chiến ở làng Cẩm Sa, phủ Điện Bàn. Quân Tây Sơn thua trận rút về giữ hai phủ Quảng Nghĩa và Quy Nhơn. Phủ Điện Bàn và Thanh Hoa thuộc quyền quân Trịnh.

Ở trên núi tách biệt với cuộc sống dưới xuôi, Tôn Thất Quyền vẫn theo dõi tình hình quân Trịnh và Tây Sơn và âm thầm luyện tập quân sĩ, vỡ đất trồng lúa, rau quả, ngô khoai… Còn trồng một vườn cam nữa. Uống và tưới thì có dòng suối trong vắt nước chảy quanh năm. Một hôm, sau buổi luyện quân, Tôn Thất Quyền ngồi nán lại trên tảng đá quen thuộc. An Nhiên ra từ lúc nào. Nàng bước lại ngồi bên cạnh chàng. Đây đó những khóm hoa mua, hoa sim khoe sắc tím thắm tươi, muôn ngàn bông cỏ may lay động nhẹ nhàng theo làn gió thoảng qua, những đám mây trắng bàng bạc trên bầu trời xanh lơ… Nhưng cả hai hoàn toàn dửng dưng trước cảnh sắc hữu tình chung quanh. Tôn Thất Quyền trầm ngâm, mắt nhìn xa xăm, nhỏ nhẹ nói với vợ:

– Chúa giao cho Thế tử trấn giữ Quảng Nam, chờ ngày phối hợp đánh giặc. Nay tin tức phương Nam mù mịt. Còn Thế tử bị giặc bắt không biết sống chết thế nào. Còn ta thì sao? Ta không thể buông bỏ mọi thứ, sống an nhàn rồi chết già trên ngọn núi này. Nhà ta nhiều đời hưởng lộc Chúa. Ta phải báo đáp. Phải chiếm lại Quảng Nam. Lòng người Quảng Nam ắt hẳn còn nhớ Chúa, sẽ ủng hộ. Nếu thất bại vong thân thì cũng làm tròn phận sự của một thần tử tận trung báo quốc.

An Nhiên buồn bã đáp:

– Chàng cứ thực hiện bổn phận của một tôi trung lúc vận nước nghiêng ngả. Đừng lo cho thiếp. Chỉ mong chàng mã đáo thành công, phu thê đoàn tụ là thiếp mừng rồi!

Tôn Thất Quyền khẽ nâng cằm nàng, lấy khăn lau mấy giọt lệ trào trên bờ mắt. Rồi ôm chầm lấy nàng…

***

Đến tháng 11 năm Ất Mùi, tính ra thời gian ở trên núi đã được mười tháng. Tin tức mật báo về, Chúa Trịnh chấp nhận giảng hòa với Tây Sơn, phong Nguyễn Nhạc chức Tây Sơn trưởng Hiệu Tráng tiết tướng quân làm tướng tiên phong đánh quân Nguyễn. Quân Trịnh đi xa bấy giờ đã mệt mỏi, quân sĩ nhớ nhà, lại gặp bệnh dịch hoành hành. Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc bèn ra lệnh rút quân khỏi hai phủ Điện Bàn và Thanh Hoa về Phú Xuân. Tôn Thất Quyền hết sức vui mừng, đây là cơ hội trời cho, phải nắm bắt kịp thời. Lệnh truyền xuống, tướng sĩ chuẩn bị xuất phát. Tôn Thất Quyền nắm tay An Nhiên nhỏ nhẹ:

– Ta đi chuyến này, chưa biết kết quả thế nào. Nếu may mắn chiến thắng, sẽ đưa nàng về đoàn tụ. Còn như thất bại, nàng cứ ở yên đây, chờ ngày Chúa ta trở về, sẽ có người đến đón.

Rồi quay sang người thổ hào gửi gắm:

– Việc trên này trăm sự nhờ ông. Ân tình sâu nặng của ông, tôi nguyện khắc cốt ghi xương, mong có ngày được đền đáp.

Người thổ hào ứa nước mắt:

– Tôi sẽ dốc hết tấm lòng thành. Ngài cứ yên tâm mà đi.

Tôn Thất Quyền dẫn đội Vũ lâm quân lặng lẽ xuống núi. Ban ngày ém quân thật kĩ, đêm tối khẩn trương mà đi. Lợi dụng yếu tố bất ngờ đánh chiếm hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa do quân Trịnh bỏ lại mà không gặp sự kháng cự nào đáng kể. Các tướng Tây Sơn trở tay không kịp. Họ không thể tin được những gì diễn ra trước mắt. Vì từ lúc Thế tử Nguyễn Phúc Dương bị bắt, dinh Quảng Nam không một bóng quân Nguyễn. Các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa do Quân Trịnh cai quản nghiêm ngặt. Còn các phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn thuộc quyền kiểm soát chặt chẽ của Tây Sơn. Vậy ở đâu ra một đội quân Nguyễn quân dung kiêu hùng, cờ xí phất phới, trang phục chỉnh tề, vũ khí đầy đủ. Đội quân này như từ trên trời rơi xuống. Đội quân ấy đang làm chủ một vùng đất đai rộng lớn một nửa dinh Quảng Nam. Lại đang phô trương thanh thế, ra oai thách thức. Nguyễn Nhạc vô cùng tức giận, phải nhanh chóng diệt trừ mối họa này. Không chút chậm trễ, Nguyễn Nhạc sai viên dũng tướng Đặng Xuân Phong dẫn một đạo quân tinh nhuệ gấp rút ra đánh. Đội Vũ lâm quân chưa kịp củng cố vị trí chiếm đóng đã phải giao chiến. Trước sức mạnh của quân Tây Sơn và tài điều binh khiển tướng của Đặng Xuân Phong, đội Vũ Lâm Quân thảm bại. Tôn Thất Quyền tử trận.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Tin thất trận và cái chết của Tôn Thất Quyền về tới căn cứ. Không còn tiếng cười nói vui vẻ như ngày nào. Một bầu không khí u ám, tang tóc bao trùm tất cả. An Nhiên và những người lính già yếu, tật bệnh ở lại trên núi lầm lũi như chiếc bóng. Hễ chiều xuống, An Nhiên một mình lê bước ra bờ suối, ngồi âm thầm lặng lẽ. Nàng nhìn mải miết dòng nước trôi xuôi, lòng đau đớn tột cùng. Nàng oán trách cao xanh tạo ra oan nghiệt để phu thê nàng phải âm dương cách biệt. Người nàng yêu thương nhất trên đời đã phơi thây nơi chiến trường, còn nàng vò võ cô đơn, ôm nỗi nhớ thương tím tái cả người nơi góc núi đìu hiu. Nỗi buồn lại trào dâng. Giọt lệ tràn bờ mắt. Tiếng khóc ấm ức bi thương của nàng làm não lòng cảnh vật: gió như ngừng thổi, côn trùng như ngừng kêu, mây như ngừng trôi, cỏ cây như kém xanh… Đến một ngày kia, tiếng khóc ai oán ấy vắng bặt. Nàng đã lìa đời. Thi hài được mai táng bên bờ suối. Những người lính già tật bệnh cũng không rời đi. Họ cũng nằm lại nơi đó khi trút hơi thở sau cùng.

***

Người thổ hào là người duy nhất rời núi. Nhờ vậy, chuyện cảm động về Tôn Thất Quyền với nàng An Nhiên được ghi vào lòng người dân bản địa và truyền lại từ đời này sang đời khác. Không chỉ vậy, trên ngọn núi hùng vĩ, hoang sơ như từ thuở khai thiên lập địa, qua lớp lớp trầm tích thời gian, những dấu tích lịch sử vẫn còn nguyên đó. Vườn cam với một ít cây cam còn sót lại gợi nhớ bàn tay ai chăm sóc, vun trồng. Bãi luyện quân phẳng phiu gợi nhớ dấu chân lớp lớp tướng sĩ thao luyện, tiếng hô điều khiển, tiếng kèn hiệu lệnh như vẫn còn vang vọng đâu đây. Vẫn còn một tảng đá đã mòn nhẵn luôn nhớ hơi ấm của vị chủ tướng năm nào, ngày ngày ngồi ngẫm việc quân cơ. Và mây trời, cỏ cây, hoa lá trên núi vẫn thế, vẫn xinh tươi, phơi phới lãng mạn, mộng mơ làm say đắm lòng người như bóng dáng yêu kiều của nàng tiểu thư quốc sắc thiên hương đã từng lưu lại nơi này…

Vẫn chưa hết những chuyện lạ lùng về ngọn núi ấy. Về sau, theo lời kể của những phu trầm, thợ săn, lúc chiều tối, đến dòng suối chỗ yên nghỉ ngàn thu của nàng An Nhiên, trong sắc trời sâm sẩm âm u, họ rùng mình khi nghe từ đâu vọng lại tiếng thở dài não ruột, tiếng thiếu phụ khóc nỉ non đến nao lòng, tiếng nấc thổn thức nghẹn ngào như nhớ tiếc, buồn tủi, cô đơn… Lại thêm thoang thoảng mùi hương trầm từ thân mục của những cây dó bầu. Bầu không khí linh thiêng, rờn rợn, lạnh lẽo, thê lương đó chỉ diễn chỉ trong khoảnh khắc rồi tan biến đi mất.

***

Ngọn núi vẫn uy nghi, kiêu hãnh như một đế vương quyền uy tột đỉnh giữa những chóp núi nhấp nhô, trập trùng. Trên núi, những giọt lệ thương sầu của nàng An Nhiên thuở nào vẫn lấp lánh như những vì sao lung linh trên vòm trời đen thẫm mênh mông chốn đại ngàn…

Ngày 16 tháng 8 năm 2024
PHẠM HỮU HOÀNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Mưa về tháp cổ

Mẹ từng nói tháp cũng biết buồn. Chỉ là nó không thể nói ra. Dáng đứng trầm mặc suốt nghìn năm là minh chứng rõ nhất cho nỗi buồn miên mải đã ngấm sâu vào lòng tháp…

Già Saval và niềm hối tiếc

Saval thức giấc khi trời đang đổ mưa. Tiết thu ảm đạm kéo rơi hàng vạn chiếc lá tạo thành một cơn mưa khác. Dày đặc và chậm chạp. Điều này khiến lão không vui…

Bọ Rùa đi chợ Tết

Đây là lần đầu tiên Bọ Rùa được đón Tết. Năm nay Tết đến sớm. Tết đến sớm thì càng vui chứ có làm sao đâu?

Tết quây quần

Tối qua bà ngâm gạo nếp
Sáng nay đã nở nụ cười
Đỗ vo ửng màu vàng óng
Thịt nêm gia vị ngon tươi