“Xé rào” vì dân

(VNBĐ – Thời đàm). Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Từ “xé rào” và câu chuyện “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” đã xuất hiện từ rất lâu trong quá trình đấu tranh xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Câu chuyện “khoán chui” của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú từng bị cho là một cách làm “phá vỡ quan hệ sản xuất XHCN, đẩy lùi tiến bộ khoa học kỹ thuật”… từ những năm 1968 để sau này thành chủ trương “khoán 10”; rồi câu chuyện đốt hủy tem phiếu của ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành năm 1984; hay như câu chuyện bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP. HCM vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người “nổ phát súng đầu tiên” vào thực hiện bán gạo một giá, góp phần xóa bỏ chế độ bao cấp… Trong số những người “cầm đèn chạy trước ô tô”, có không ít người phải chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng” nhưng rồi theo nguyên tắc “không thể coi một việc làm là sai khi nó mang lại nhiều lợi ích hơn cho dân, cho nước” và công trạng của họ được xét lại!

Thực tế mấy tháng qua, trong công cuộc chống dịch Covid-19 vô cùng khắc nghiệt tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện nhiều thủ lĩnh dám “xé rào” để cứu dân. Bởi trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” nếu chỉ một chần chừ là phải đổi đi bao nhiêu sinh mạng. Trước tình trạng số ca F0 tăng chóng mặt trong một thời gian ngắn kéo theo sự quá tải trong khu vực cách ly, rồi F0 trở nặng nhanh không kịp đưa lên tuyến trên, Bí thư Quận 7 đã chỉ đạo thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, rồi chuyển đổi thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ, vừa và một phần chuyển nặng. Đây được coi là bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh! Rồi Bệnh viện dã chiến cần nguồn oxy, vậy là lãnh đạo Quận 7 lại phải tìm mọi cách, cả việc thuê, mua, xin… thậm chí quan hệ với một doanh nghiệp đặt bồn oxy lỏng vốn dùng cho công nghiệp để thiết lập hệ thống oxy tập trung cho bệnh viện. Chính nhờ cách làm năng động này, bệnh viện dã chiến đã mở rộng lên 600 giường điều trị giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Quận 7 cũng là nơi thành lập Trung tâm an sinh xã hội sớm nhất và dưới mỗi phường đều có các ban an sinh, các đội shipper tình nguyện; cứ bình quân 100 hộ dân hình thành một tổ an sinh địa bàn giúp phát hiện các hộ dân khó khăn để hỗ trợ… Do đó, khi có nguồn hỗ trợ từ TP. Hồ Chí Minh thì Quận 7 đã thực hiện đợt hỗ trợ thứ 6 cho người dân!

Một cách làm “xé rào” khác ở Quận 6 từ cuối tháng 7.2021 là việc phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 tự điều trị tại nhà. Không ai là không thấy sự mạo hiểm khi mà ngành y tế thành phố còn chưa cho chủ trương. Nhưng hãy nghe cô Bí thư quận, 44 tuổi, tâm tình: “Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong. Mình chần chừ thì đâu kịp!”. Tất nhiên sự mạo hiểm bắt nguồn từ cơ sở là F0 trong bệnh viện và khu cách ly đang được chỉ định dùng các loại thuốc này với sự theo dõi, hướng dẫn của bác sĩ bởi nó chống chỉ định đối với một số trường hợp. Cách làm của Quận 6 đến giữa tháng 8 mới có sự hướng dẫn chính thức của Sở Y tế để thành túi thuốc B cho F0 điều trị tại nhà! Song song với việc điều trị bệnh nhân F0, Quận 6 còn tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, cả việc tiêm cho các điểm phong tỏa vốn người dân còn rất e dè.

Không chỉ có TP. Hồ Chí Minh, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, đối mặt với những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ, nhiều vị lãnh đạo địa phương dám “xé rào” đưa ra những quyết định táo bạo như lãnh đạo tỉnh Kiên Giang giải quyết bài toán lưu thông hàng hóa thiết yếu; lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề xuất hỗ trợ tiền điện, nước cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Nhưng dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là làm liều, làm ẩu, “tiền trảm hậu tấu”… để mang lại lợi ích cho bản thân và nhóm lợi ích… Thực tiễn các vụ án kinh tế lớn thời gian qua cho thấy, không ít lãnh đạo địa phương, nhất là các thành phố lớn bị xử vì tội “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Không nói ra là tham nhũng, là hối lộ nhưng ai cũng thấy trong các vụ án đó đều có “bóng dáng” của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Ngay ở Bình Định một vài cá nhân là cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, bị đình chỉ công tác đều do thiếu cái tâm vì dân mà chống dịch hoặc lừng khừng trong quyết định để dịch lan tràn!

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện. Và khi đó nếu cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì mới được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm!

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” đó là mong mỏi của Bác Hồ đối với mọi cán bộ trong mọi thời kỳ cách mạng. Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung càng vô cùng cần thiết trong điều kiện đất nước đang nỗ lực trên con đường tiến tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045!

DƯƠNG HIẾU

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chống hoạt động IUU bao giờ kết thúc?

Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản…