Vững tin, bước vào nhiệm kỳ mới…

(VNBĐ – Tiêu điểm). Hội VHNT Bình Định hiện có 8 chi hội chuyên ngành, một chi hội VHNT địa phương và các đơn vị trực thuộc. Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, BCH các chi hội đã chủ động, đổi mới trong hoạt động VHNT; hội viên không ngừng nỗ lực sáng tạo, in ấn và phổ biến tác phẩm; tích cực tham gia các hoạt động triển lãm; workshop, thực tế sáng tác; tham gia và đoạt giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác VHNT, giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam…

Cuối năm 2021, các chi hội trực thuộc đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2022 – 2027, tiến tới đại hội đại biểu Hội VHNT Bình Định lần thứ VI. Nhân sự kiện này, đại diện các chi hội đã dành cho tạp chí Văn nghệ Bình Định những chia sẻ về thành tựu của chi hội cùng những định hướng, kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới…

NĐK LÊ TRỌNG NGHĨA (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật)

Từ 5 năm trở lại đây Mỹ thuật Bình Định có nhiều chuyển biến khởi sắc. Nhìn từ các cuộc triển lãm khu vực thường niên, Bình Định luôn có một số lượng tác phẩm đáng kể được chọn tham dự. Mặc dù số lượng tác phẩm tham gia ở mức trung bình so với các tỉnh bạn nhưng năm nào chi hội cũng gặt hái được thành tích giải thưởng. Có hai năm đạt giải cao. Cũng cần nói thêm, giải thưởng mỹ thuật khu vực mỗi năm thường khoảng 7 giải cho 9 tỉnh. Có tỉnh nhiều năm không có giải.

Ngoài những thành tích thường niên trong khu vực, có họa sĩ đạt thành tích cao ở cấp quốc gia. Có thể nói đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy Mỹ thuật Bình Định có sự chuyển biến hòa nhập vào môi trường mỹ thuật trong nước.

Các hoạt động giao lưu sáng tác cũng được mở rộng phạm vi. Nhiều họa sĩ được mời dự các trại Hội Mỹ thuật Việt Nam, các workshop mỹ thuật quốc tế. Hoạt động tọa đàm, giao lưu với các đoàn mỹ thuật tỉnh bạn cũng được duy trì và để lại những hiệu ứng, kết nối tích cực.

5 năm qua các họa sĩ Bình Định đã có nhiều nỗ lực. Mỗi người một cách tiếp cận lao động sáng tạo để lại dấu ấn riêng. Vài cá nhân rất năng động kết nối sáng tạo và gặt hái được nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy phát triển vị thế Mỹ thuật Bình Định trong khu vực. Tuy vậy, số hội viên hoạt động sôi nổi trong 5 năm qua chỉ khoảng trên dưới 10 họa sĩ. Số còn lại không mặn mà sáng tác, ít sinh hoạt. Một vài hội viên trẻ có nỗ lực cố gắng nhưng chưa thấy những điểm sáng đột phá. Chưa thấy nhiều người sáng tác trẻ đủ tiêu chí xin gia nhập vào Hội. Hoạt động thực tế những chuyến đi sáng tác của Hội tổ chức còn nặng về hình thức, chưa hiệu quả thiết thực.

Ngoài cuộc Triển lãm Mỹ thuật khu vực mở rộng năm 2017, chúng ta chưa hội tụ được một cuộc triển lãm quy mô, hay triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân nào trên quê hương.

Rất cần trong những năm tới lãnh đạo Hội VHNT cùng BCH Chi hội Mỹ thuật sẽ có những bước đột phá và khởi sắc trong tổ chức hoạt động. Hy vọng các họa sĩ đàn anh luôn duy trì nhiệt huyết, tiếp lửa sáng tạo. Các họa sĩ trẻ cần tích cực và nỗ lực hơn nữa để tạo dựng dấu ấn nghệ thuật cá nhân. Chúng ta rất cần một tập thể đoàn kết, hứng khởi giúp đỡ nhau để vượt lên những khó khăn, để duy trì, bước tiếp, tiến xa hơn nữa trong sáng tạo mỹ thuật.

Nghệ sĩ LÊ VĂN CẢNH (Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định)

Trong nhiệm kỳ, chi hội tiếp tục giữ vững và duy trì chế độ sinh hoạt, phát triển hội viên, tạo sự đoàn kết nhất trí trong toàn thể hội viên. Chi hội đã kết nạp mới 14 hội viên, trong đó 4 hội viên được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam.

Ban Chấp hành chi hội tham mưu cho lãnh đạo Hội tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất nước – con người Bình Định”; phối hợp tổ chức 8 cuộc thi ảnh cấp tỉnh: “Bình Định – điểm đến cuốn hút”; “Đất và người An Lão”; “Lăng kính xanh” và “Đa dạng sinh học”; “Triển lãm và bình chọn ảnh đẹp Quy Nhơn – Bình Định”; “Hoài Nhơn đổi mới và phát triển”; “Phù Mỹ, 45 năm xây dựng và phát triển”; “Phụ nữ Bình Định tôn vinh áo dài Việt”… thu hút nhiều tác giả tham gia, nhất là lực lượng nhiếp ảnh trẻ. Các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh đã tích cực tham gia sáng tác, phổ biến tác phẩm, đạt giải thưởng nhiếp ảnh cấp quốc gia; nhiều huy chương và ảnh triển lãm cấp khu vực; hàng trăm giải thưởng cấp tỉnh và huy chương, Bằng danh dự tại các cuộc thi ảnh quốc tế… Trong 5 năm đã có 6 hội viên tổ chức triển lãm ảnh cá nhân, 7 hội viên đạt giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu về VHNT lần thứ V,…

Nhiệm kỳ tới chi hội tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào tự sáng tác, thực tế sáng tác, trại sáng tác, tự nâng cao năng lực sáng tạo để có nhiều tác phẩm đạt chất lượng tốt, vươn lên xứng tầm trong khu vực. Khuyến khích và hỗ trợ hội viên tổ chức các cuộc triển lãm ảnh cá nhân, triển lãm nhóm nhằm phổ biến tác phẩm, đưa nhiếp ảnh đến với công chúng; đồng thời quan tâm phát triển hội viên mới, có năng lực thực sự, tăng về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lực lượng nhiếp ảnh trẻ.

Tôi kỳ vọng và rất tin tưởng Đại hội đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 sẽ thành công rất tốt đẹp.

Nhà văn LÊ HOÀI LƯƠNG (Chi hội trưởng Chi hội Văn học)

5 năm qua, Chi hội Văn học có những thành tựu nổi bật về mảng sáng tác của hội viên. Đây là thời kỳ văn học Bình Định khá thăng bằng các thể loại. Ngoài thơ, văn xuôi (truyện ngắn, tản văn) khá ổn định, các mảng thưa vắng trước đây, cũng có những chuyển động tích cực: những nghiên cứu văn học, chuyên luận của Lê Nhật Ký (sáng tác đồng thoại), Võ Như Ngọc (Trường thơ Loạn); phê bình – tiểu luận của Lê Hoài Lương, Tuệ Mỹ…; văn học thiếu nhi của Nguyễn Mỹ Nữ, Thùy Trang; kịch bản sân khấu của Văn Trọng Hùng, tiểu thuyết của Trần Như Luận; mảng văn học dịch bước đầu có Trần Như Luận, Trần Minh Nguyệt…

Ngoài đóng góp chính cho thành công của tạp chí Văn nghệ Bình Định và trên các báo, tạp chí khác, bạn đọc cả nước còn quen thuộc tên tuổi các cây bút Bình Định trên những diễn đàn văn chương lớn: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nhà văn & Tác phẩm… Hội viên đã góp mặt đầy đặn, chất lượng cho các tuyển tập sang trọng của Hội VHNT Bình Định: Văn Trẻ, Thơ Bình Định 10 năm, Văn xuôi Bình Định 10 năm, Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định.

Ở các cuộc thi truyện ngắn, thơ trên các diễn đàn lớn: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nhà văn & Tác phẩm, nhiều cây bút Bình Định tham gia, có tác phẩm vào chung khảo; về đích đoạt các giải thưởng có Triều La Vỹ, Lê Hoài Lương, Mai Thìn. Cây bút trẻ Trần Quốc Toàn cũng có giải thưởng tản văn, thơ trên báo Thanh Niên, Cuộc thi thơ online của Văn nghệ Thái Nguyên… Giải thưởng hàng năm của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam: Trương Công Tưởng, Nguyễn Đặng Thùy Trang (2019); Trần Quang Lộc (2020); Lưu Thị Mười, Vân Phi (2021).

Cuộc thi văn học (mở rộng) của Hội VHNT Bình Định (2018 – 2019) cũng khá uy tín khi thu hút sự tham gia bạn văn nhiều tỉnh thành; cuộc “đọ sức” này nhiều hội viên chi hội cũng đạt giải thưởng xứng đáng: Nguyễn Thường Kham, Vân Phi, My Tiên, Trần Quốc Toàn, Ngô Văn Cư…

Nhiều trại sáng tác Văn nghệ Quân đội, Nhà văn & Tác phẩm quy tụ nhà văn cả nước, Bình Định cũng nhiều cây bút góp mặt: Triều La Vỹ, Lưu Thị Mười, Phạm Hữu Hoàng, Lê Hoài Lương, Trương Công Tưởng, Lê Văn Đồng, Hương Văn… Văn học Bình Định đang hòa vào dòng chảy cả nước ngày càng ấn tượng nhiều mặt. 4 năm 2017 – 2021, Bình Định có 3 hội viên Hội nhà văn Việt Nam mới: Phạm Ánh, Triều La Vỹ, Trần Quang Lộc; còn nhiều “ứng viên” xứng đáng sẽ tiếp tục gia nhập tổ chức văn chương lớn này.

Năm 2020, Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định được thành lập, do nhà thơ Lệ Thu làm Chi hội trưởng. Bắt đầu một giai đoạn mới, mở ra những hoạt động, sáng tác hiệu quả hơn nữa cho các cây bút tỉnh nhà.

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 6.2022 tại Đà Nẵng, Bình Định có đến 5 đại biểu (trong tổng số 119 cả nước) được mời dự: Vân Phi, Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Nguyễn Anh Nhật!
5 năm qua, trong phát triển chung đáng mừng, điểm nhấn là sự xuất hiện chững chạc một thế hệ cầm bút mới, rất trẻ. Chúng ta có thể đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ này, cho tương lai văn chương Bình Định.

Nhà nghiên cứu TRẦN XUÂN TOÀN (Chi hội trưởng Chi hội VNDG)

Nhiệm kỳ 2017 – 2022, Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) hoạt động tích cực trong 3 năm đầu tiên, còn những năm 2020, 2021 do điều kiện khách quan, dịch Covid – 19 kéo dài, nên những hoạt động thường xuyên và thường niên không được tiến hành. Hiện nay, chi hội có tất cả 25 hội viên, trong đó có 14 hội viên Trung ương, 11 hội viên cấp tỉnh. Nhìn vào cơ cấu về tuổi tác, số hội viên trẻ dưới 40 chiếm 1/3 chi hội.

* Về hoạt động nghiên cứu, công bố tác phẩm VNDG của hội viên: Chi hội vẫn giữ được nhịp độ sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến tác phẩm VNDG một cách đều đặn. Hàng chục tác phẩm được xuất bản, đặc biệt là của hội viên Yang Danh. Có thể nói thành tựu xuất bản trong năm nhiệm kỳ qua của chi hội là việc xuất bản công trình tập thể: tập sách Văn hóa dân gian Bình Định, 2011 – 2020, sưu tầm và nghiên cứu vào cuối năm 2020. Tập sách tập hợp 39 bài viết của 29 cây bút, nhà nghiên cứu thể hiện nhiều lĩnh vực VNDG của Bình Định trong 10 năm qua.

* Về việc truyền dạy và phổ biến văn nghệ dân gian: Chi hội VNDG đã làm nòng cốt trong việc phối hợp của Hội VHNT Bình Định với Hội VNDG Việt Nam cùng trường ĐH Quy Nhơn tổ chức Lớp tập huấn về văn hóa, văn nghệ dân gian tại Bình Định từ ngày 14 – 17.9.2018. Lớp tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản về sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn về văn hóa, VNDG; góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các loại hình văn hóa, VNDG ở Bình Định.

* Về tọa đàm chuyên môn: Chi hội đã tổ chức thành công các buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề giới thiệu các công trình nghiên cứu về văn hóa, VNDG vùng miền, về văn hóa các dân tộc hoặc phương pháp điền dã sưu tầm như: Lí thuyết giải huyền thoại và việc nghiên cứu văn nghệ dân gian hiện nay; Sáng tác đồng thoại ở Việt Nam; Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn với di sản Hán Nôm Bình Định…

Trong nhiệm kỳ, nhiều hội viên được giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam; Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu…

Trong nhiệm kỳ đến, chi hội sẽ sẽ mở rộng giao lưu, nghiên cứu, sưu tầm VNDG trong mối quan hệ vùng, miền; gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kết quả, kinh nghiệm nghiên cứu, sưu tầm với các chi hội bạn (Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi) nhằm mục đích: giới thiệu, trao đổi công trình, kết quả nghiên cứu, bàn biện pháp phối hợp nghiên cứu về VNDG liên vùng Nam Trung bộ (Nam – Ngãi – Bình – Phú – Khánh) để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch trong vùng. Và, đương nhiên chi hội phải có kế hoạch tìm kiếm cộng tác viên, để bồi dưỡng để xem xét kết nạp hội viên mới, bổ sung và trẻ hóa lực lượng hội viên của chi hội trong thời gian sắp tới.

Nhà nghiên cứu VHDG YANG DANH (Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật các DTTS)

Chi hội Văn học Nghệ thuật các DTTS hiện có 16 hội viên, đa số là con em đồng bào Bana, H’rê và Chăm. Trong nhiệm kỳ, chi hội đã tổ chức được 03 đợt đi thực tế nghiên cứu, sưu tầm trên một số địa bàn cư trú của huyện Vĩnh Thạnh. Nhân kỷ niệm 60 năm khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (06.2.1959 – 06.2.2019), chi hội đã tổ chức gặp mặt, trao đổi về cuộc khởi nghĩa, qua đó thấy thêm vai trò quan trọng của hội viên trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa cũng như lịch sử đấu tranh Cách mạng của đồng bào các dân tộc trong huyện và trong tỉnh.

Trong nhiệm kỳ, một số hội viên, dù tuổi cao, nhưng đã tích cực hoạt động trong nghiên cứu và sưu tầm, gìn giữ các giá trị truyền thống. Tiêu biểu, NNND Đinh Chương, hội viên người Bana ở xã Vĩnh Sơn đã vận động bà con xây dựng được một nhà văn hóa truyền thống tại làng Kon Blo (K8). NNƯT Yang Danh đã sưu tầm, viết được 03 tác phẩm, hằng năm nhận được các giải thưởng cao của Hội VNDG Việt Nam. Nghệ nhân Đinh Thị Đem, người có bàn tay khéo léo, dệt, thêu được nhiều thổ cẩm Bana Kriêm, góp phần gìn giữ nghề thổ cẩm truyền thống. v.v… NNND Đinh Chương, nghệ nhân Đinh Kim và một số hội viên khác đã củng cố và phát triển thêm các đội văn nghệ, câu lạc bộ cồng chiêng. Hội viên Đinh Kim, tuổi đã gần tám mươi vẫn thường xuyên xuống các làng, xây dựng 03 câu lạc bộ cồng chiêng, truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa, hát dân ca, chế tác nhạc cụ…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, các hội viên Đoàn Văn Téo (dân tộc Chăm, huyện Vân Canh), Đinh Văn Thành (dân tộc H’rê, huyện An Lão) và 02 hội viên Yang Danh, Đinh Y Nam đã phối hợp với một số cán bộ Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, lần đầu tiên biên soạn, giảng dạy tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cho các cán bộ, viên chức là người Kinh đang công tác trên địa bàn 03 huyện miền núi của tỉnh.

Trong thời gian tới, tôi đề nghị lãnh đạo Hội VHNT tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện và giúp đỡ về mọi mặt để chi hội hoạt động tốt hơn nữa trong công việc nghiên cứu, sưu tầm, có được nhiều công trình, tác phẩm có giá trị cao.

Nhạc sĩ VŨ THÀNH (Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc)

Nhiệm kỳ qua, hội viên Chi hội Âm nhạc đã sáng tác trên 400 tác phẩm gồm các ca khúc, nhạc múa, phối khí và khí nhạc, sưu tầm dân ca Tây Nguyên… Trong đó, có một số tác phẩm đã được đăng, phát trên sóng VTV, Đài tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Bình Định, Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Định và các tác phẩm dự thi khác… Nhiều hội viên tích cực tham gia dự thi nhiều tác phẩm cho nhiều ngành nghề theo các cuộc vận động sáng tác ca khúc của Trung ương, địa phương như: NS Vũ Trung, NS Đào Minh Tâm, NS Thế Tuyên, NS Khắc Hùng, NS Thanh Hùng, NS Vũ Thành, NS Võ Văn Vinh, NS Hoàng Dũng… Chi hội Âm nhạc Bình Định đã phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định phát động viết ca khúc về phòng chống dịch Covid – 19. Sau gần một tháng phát động, các nhạc sĩ đã cho ra mắt tập nhạc Giữ trọn niềm tin gồm 22 ca khúc.

Trong nhiệm kỳ, NS Vũ Thành và NS Võ Văn Vinh đã vinh dự được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam; 05 hội viên mới cũng được kết nạp vào Chi hội Âm nhạc Bình Định.

Trong nhiệm kỳ mới 2022 – 2027, chúng tôi tiếp tục kiện toàn và nâng cao trách nhiệm công tác của BCH Chi hội Âm nhạc Bình Định, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Quy chế hoạt động của Hội VHNT và của Chi hội Âm nhạc để từng bước đi vào hoạt động nền nếp và hiệu quả.

Mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Hội quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo chỉ đạo hoạt động sáng tác âm nhạc, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên đi thực tế sáng tác. Tôi cũng kỳ vọng, nhiệm kỳ 2022 – 2027 này, BCH và lãnh đạo Hội sẽ làm tốt công tác nhân sự, chọn đúng người có tâm có tầm xứng đáng làm lãnh đạo Hội, cùng đoàn kết nhất trí cao, kết nối hội viên, tránh chọn nhầm người thụ động không có tư duy sáng tạo.

Biên đạo múa HOÀNG VIỆT (Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Múa)

Nhìn chung hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, làm trì trệ mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật biểu diễn múa nói riêng cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc, nhất là các địa phương không có đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, vì hầu hết các chương trình biểu diễn đều dựa vào lực lượng diễn viên của phong trào.

Các hội viên chi hội đã tham gia phối hợp, dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ cho các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh. Tham gia đạo diễn, dàn dựng các chương trình, sự kiện, ngày kỷ niệm và lễ lớn trong năm như: Ngày thơ Việt Nam; Lễ đón Giao thừa; Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; Liên hoan quốc tế võ cổ truyền; Chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ Phố Văn hóa – Nghệ thuật…

Chi hội đã đề xuất Hội VHNT tổ chức chương trình báo cáo tác phẩm múa kết hợp tọa đàm chuyên đề về Nghệ thuật múa dân gian, Múa đương đại và hội nhập, Nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay – thực trạng và giải pháp… Trong nhiệm kỳ, nhiều hội viên đạt các giải thưởng cao trong Liên hoan múa toàn quốc; kết nạp thêm 02 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 14 người.

Trong nhiệm kỳ mới 2022 – 2027, Chi hội tiếp tục kiện toàn, nâng cao trách nhiệm công tác của BCH chi hội; triển khai có hiệu quả các hoạt động của Hội VHNT; nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác biểu diễn và sáng tác múa.

Mong rằng, Hội tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo chỉ đạo hoạt động múa và sáng tác múa; tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên Chi hội Nghệ sĩ Múa đi thực tế, giao lưu sáng tác tại các tỉnh bạn; tạo điều kiện tập huấn chuyên đề về công tác múa và biên đạo phong trào để cho các hội viên chi hội cùng lực lượng tham gia nghệ thuật múa trong tỉnh được tiếp thu về lý luận sáng tác múa để nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực biểu diễn và nhận thức sâu sắc về sáng tác.

NSND HÒA BÌNH (Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu)

5 năm qua, chi hội đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Chi hội Sân khấu khóa V đề ra. Hội viên của chi hội khá đông với 92 người, là lực lượng chủ lực trong việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao hàng năm và biểu diễn phục vụ Nhân dân. Chi hội tham gia tích cực các chương trình nghệ thuật, ngày lễ lớn như: Vinh danh nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2019 và Cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch Bài chòi tổ chức năm 2020 tại Bình Định; tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam; Ngày Thơ Nguyên tiêu… Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, 02 đơn vị nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đã tham dự 03 đợt Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tại hội diễn năm 2022, vở diễn Cô thần đạt HCV, ngoài ra BGK còn trao giải tác giả suất sắc cho nhà viết kịch Văn Trọng Hùng, đạo diễn xuất sắc cho NSND Hoài Huệ, biên đạo xuất sắc cho Kim Tiễn. Bên cạnh đó, các đoàn tuồng không chuyên Bình Định đã tham gia Liên hoan nghệ thuật tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018, tổ chức tại Bình Định. Đợt này, hội viên của Chi hội đã đạt 5 HCV, 1 HCB. Trong nhiệm kỳ, đã có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND, NNƯT, NNND; đã phát triển được 22 hội viên mới. Chi hội được Chủ tịch Hội tặng Giấy khen 2018, 2020 và giai đoạn 2017 – 2022.

Tiến tới nhiệm kỳ 2022 – 2027, Chi hội Sân khấu quyết tâm phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết, khắc phục những yếu điểm còn tồn tại, chấn chỉnh chặt chẽ về tổ chức, sát cánh cùng các chi hội bạn góp phần xây dựng Hội VHNT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ mới, lãnh đạo mới sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ thực tế, giao lưu để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn thêm vững chãi, lãnh đạo Hội sẽ có những định hướng mới, cụ thể và thiết thực để hết thảy các chi hội đều phát triển.

P.V (thực hiện)

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

 

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Đại bàng” và chiếc “tổ to”

Mục tiêu, tầm nhìn phát triển của Bình Định là đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ…