Vọng tiếng trống Tuồng

(VNBĐ – Ghi chép). Hát Bội ngỡ như thiếu vắng khán giả, nhưng đâu đó ở những vùng quê, người mộ điệu vẫn còn đăm đắm với loại hình nghệ thuật này. Từ sân khấu nhỏ được dựng ngoài trời, tiếng trống chầu như gõ vào lòng người nghe thanh âm rộn rã xưa cũ…

Sự trở lại
Những ngày tháng Giêng, các đoàn hát Bội lại rong ruổi về các miền quê với những đêm sáng đèn sân khấu. Cái hoang vắng của một thời dịch dã như không còn vết tích. Mấy hồi đầu Giêng, nghe cô bác xóm giềng râm ran, đi coi hát đi, tối nay có đoàn hát Bội về diễn, tôi cũng dắt con gái đi theo, như muốn tìm về một hồi ức nào đó. Đêm khẽ xuống, già trẻ rảo bước trên con đường bê tông hướng về phía khu vực An Lộc (Nhơn Hòa, An Nhơn) để được xem đoàn Trần Quang Diệu diễn. Tôi gặp cụ Lâm Văn Dần (quê ở Phú Sơn, Nhơn Hòa, An Nhơn) đi cùng đứa cháu nội lên xem hát. Ông kể vanh vách những tuồng tích cũ như Thoại Khanh – Châu Tuấn, Phạm Công – Cúc Hoa, Hộ Sanh Đàn, Tiết Nhơn Quý chinh Đông… Rồi ông nhắc đến những kép, những đào ngày trước, đã như là huyền thoại của làng tuồng xứ Nẫu như kép Văn Chinh, Long Trọng, Tư Cá…, đào Mộng Thu, Ngọc Cầm, Lệ Siềng… Hiểu Tuồng thì mới thích Tuồng, mới thấy cái hay, tính ước lệ trên sân khấu, mới tỏ nét tài hoa của các cụ ngày xưa. Nhắc về Tuồng, cụ Dần như bị kéo về một vùng ký ức nào đó. Rồi cụ như nuối tiếc: “Giờ nhiều tiện ích quá. Mấy đứa cháu nhỏ mở phim chưởng suốt ngày, nhưng mình vẫn thích những tuồng xưa, răn dạy nhiều bài học”. Nói rồi, ông hướng mắt nhìn về sân khấu, bảo: “Đoàn Trần Quang Diệu diễn vở Ngũ hổ bình Nam hay, nét nào ra nét ấy. NNND Hà Thị Hạnh, NNƯT Kim Chung, mỗi người mỗi nét, kế tục được tài hoa của người xưa”.

An Nhơn là nơi có truyền thống hát Bội. Đến hiện tại, thống kê sơ bộ cũng có 03 đoàn hát Bội đang hoạt động. Nhớ cái hôm mùng 5 Tết, một người bạn ở Lý Sơn nhắn tin cho tôi đầy hào hứng: “Người An Nhơn quê mầy đang ở Lý Sơn này”. Ngay sau đó, cậu bạn ấy chuyển qua nhiều ảnh các nghệ nhân đang biểu diễn. Bạn bảo: “Đoàn Tuồng An Nhơn 2 ấy. Ở đây, mọi người mê xem hát Bội lắm. Cả nhà tao cũng đang xem”. Chẳng hiểu vì lẽ gì, khi nghe như thế, lòng tôi bỗng nhen lên niềm vui ấm áp. Sau đó ít lâu, trong một lần về lại quê nhà An Nhơn, tôi có duyên gặp lại chị Lê Thị Oanh, Trưởng đoàn Tuồng An Nhơn 2. Nhắc nhớ lại chuyến đi Lý Sơn của đoàn, chị còn xúc động: “Đó là chuyến đi hết sức ý nghĩa và nhiều kỷ niệm đối với tôi và anh em trong đoàn. Bà con nơi ấy rất yêu thích hát Bội, quý trọng nghệ nhân. Lịch trình ban đầu ra đảo tầm 10 ngày, nhưng kế hoạch bị phá vỡ, vì bà con quá nhiệt tình, yêu mến giữ lại nên đoàn lưu lại Lý Sơn đến mười tám ngày”.

Ngọc quý
Mùa xuân là “mùa vàng” mà nghệ thuật hát Bội như được tiếp thêm sức sống. Một chiều giữa tháng Giêng, anh Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống gọi điện cho tôi, bảo đi qua Nhơn Lý xem đoàn nhà hát bên anh diễn, đêm nay, diễn lại một vở rất hay của cố NSƯT Tư Cá, vở Viên ngọc quý. Chẳng mảy may suy nghĩ gì nhiều, tôi đồng ý ngay. Vậy là đi. Xe qua đến nơi, chúng tôi được anh Kim Chức kéo tay vào chỗ đoàn diễn viên nhà hát đang được ngư dân trong vùng mời dùng bữa trước khi biểu diễn. Ông Đinh Văn Quang, chủ nhà đang mời cơm chiều nhắc nhớ lại lần lỡ hẹn với đoàn hát. Năm 2020, nhân lễ hội cầu ngư, phía Nhơn Lý đã mời Nhà hát Tuồng Đào Tấn về, nhưng khi đoàn sắp sửa biểu diễn thì nhận được tin không được tụ tập đông người vì sợ dịch bệnh Covid. Cuối cùng, đành hoãn lại trong sự nuối tiếc của bà con ngư dân. Năm nay, UBND xã Nhơn Lý đã mời Đoàn Tuồng Đào Tấn về biểu diễn. Nhiều tuồng cũ nổi danh một thời được diễn lại. Anh Kim Chức phấn khởi: Mấy nay, nhà hát về diễn, bà con vui lắm. Đêm nay, thêm đặc biệt khi nhà hát diễn lại vở Viên ngọc quý.

Được biết, lần này có hai Nghệ sĩ Nhân dân của nhà hát thủ vai, nên bà con càng phấn khởi, cứ trông ngóng đến đêm diễn để xem cho thỏa gan thỏa ruột.

Đoàn Tuồng Đào Tấn biểu diễn vở Viên ngọc quý tại Nhơn Lý. Ảnh: P.N

Chiều muộn, bên phía cảng ở vạn đầm Xương Lý, dưới chân đền thờ thần Nam Hải, sân khấu được dựng lên bên mép sóng. Các nghệ sĩ tự hóa trang, giúp nhau tề chỉnh trang phục. Tôi gặp NSND Xuân Hợi sau cánh gà khi ông vừa hoàn thành công việc hóa trang. Ông vào vai Mã Công, cha của Mã Khắc Sinh. Ông tâm sự: “Vai này cũng ít cảnh diễn. Mình tham gia, vì nhớ nghề, muốn đồng hành cùng anh em nghệ sĩ”. Bên cạnh, NSND Minh Ngọc cũng đang kẻ chân mày, lên những nét cuối cho khuôn diện của nhân vật vua Hung Nô. Tôi lặng nhìn hai NSND cùng các nghệ sĩ khác, họ đang giữ lửa hát Bội, một lòng đắm say với nghề mặc bao truân chuyên. Hành trình họ đi, có lẽ cũng giống như hành trình Mã Khắc Sinh đi tìm ngọc quý, đầy những trở ngại. Nhưng đến cuối cùng, công sức ấy đã được đền đáp khi con người ta đủ chân thành, đủ tâm huyết và yêu thương. Hóa ra, ngọc chẳng ở đâu xa, ngọc đã ở trong tâm mỗi người…

Tôi nhớ như in hình ảnh bà cụ ngoài tám mươi tuổi, đã đến từ rất sớm, mang theo chiếc ghế nhỏ để ngồi xem hát. Bà tên Trần Thị Hoa ở thôn Lý Hòa mà dân xứ này hay gọi là bà Ấm. Cử chỉ còn nhanh nhẹn, lời nói toát ra sự khỏe khoắn của dân biển, giọng bà ấm rõ, hào sảng: “Từ hôm đoàn Đào Tấn diễn đến giờ, tui chưa bỏ lỡ bữa nào. Muốn có sức khỏe để xem hết tất cả các tuồng mà đoàn Đào Tấn diễn, rồi đi sang các vùng khác xem nữa mới đã”. Sáu giờ tối, phía trước sân khấu đã ních chật người xem. Những đứa trẻ hiếu kỳ vây quanh sân khấu. Nhiều đứa lẻn ra phía sau, dõi mắt tròn xoe thích thú với những gương mặt đã được điểm tô, kê kẻ. Tiếng trống chầu vang lên, vở diễn được khai màn. Tiếng pháo tay vang lộng. Sân khấu ngoài trời như gia tăng sự tương tác giữa diễn viên và công chúng. Sau mỗi trích đoạn hay, những thẻ tre được người cầm chầu ném rào rào lên sân khấu tỏ ý tán thưởng, những tràng pháo tay giòn giã một góc làng chài. Ngoài kia, gió vẫn ràn rạt thổi về…

Cho tiếng trống Tuồng vang mãi
Hiện tại ở Bình Định, ngoài Đoàn Tuồng Đào Tấn thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống thì còn hơn mười đoàn nghệ thuật Tuồng không chuyên đang hoạt động. Những nghệ nhân chân đất chịu phần thiệt thòi nhưng trong họ vẫn luôn giữ một tình yêu, ý thức nghề. Nhiều lần gặp NNND Hà Thị Hạnh, khi nhắc lại một thời vàng son các gánh hát trước đây, chị luôn xúc động. Chị bộc bạch: “Lúc tôi còn nhỏ, có lẽ thời điểm tôi được 10 tuổi, đã rất mê xem hát Bội. Có lần, các đoàn hát về Phong An, Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định biểu diễn, trong lòng xôn xao khó tả, tất cả công việc phụ giúp gia đình tranh thủ làm cho xong để đến sớm, chọn vị trí ngồi cho thích hợp xem trọn vẹn vở tuồng hát Bội. Xem hóa trang, nghe giọng hát ngọt ngào, diễn xuất sâu lắng của các nghệ nhân như hút hồn tôi. Khiến tôi lúc nào cũng mơ màng lời ca điệu múa của hát Bội, lúc thảnh thơi hay trong giấc ngủ. Rồi từ đó, nghệ thuật hát Bội cứ dần dần thấm sâu vào máu thịt tôi. Vì đam mê hát Bội nên đã xin ba mẹ cho học hát. Rồi gắn bó đến giờ”. Tôi nhớ đến cô gái Nguyễn Thị Bé Phi quê ở Lý Sơn, Quãng Ngãi. Một lần xem đoàn Ngô Mây diễn ở quê, cả nhà Phi đều mê. Gia đình cho em theo đoàn học nghề. Lần gặp gần nhất với em là ở hội diễn Liên hoan các CLB Bài chòi Bình Định mở rộng cuối năm 2022, thấy em hóa thân làm hiệu với đoàn Phù Cát hát diễn, luyến láy điệu đàng mà hình dung sự trưởng thành của em khi đã theo đoàn hát Bội Ngô Mây 05 năm nay. Tuổi đôi mươi, với Bé Phi, mọi thứ còn dài phía trước. Em nói, muốn nét diễn mình dày dặn, chín chắn hơn nữa, để mai này về lại quê nhà, được diễn cho bà con ở đảo xem. Mỗi thời một khác, nhưng đâu đó, vẫn còn nhiều người phải lòng với hát Bội, đem lòng say mê rồi gắn bó. Và hành trình họ đi, không đơn độc.

Sự thiếu vắng sức hút từ khán giả, nhất là khán giả trẻ là một thực tế hiện nay mà sân khấu truyền thống đang đối diện. Điều đáng mừng, là mỗi đơn vị, đoàn nghệ thuật hát Bội nhận diện rõ điều ấy để có những điều chỉnh, hướng đi phù hợp. Cuối năm 2022, Hội nghị chuyên đề “Công tác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại TP.HCM và Bình Định” đã được tỉnh Bình Ðịnh phối hợp Sở VH & TT TP.HCM tổ chức, đã có nhiều ý kiến, thảo luận về nghệ thuật Tuồng từng địa phương, từ đó gợi mở về giải pháp bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. NSND Hòa Bình thẳng thắn: “Đoàn Tuồng Đào Tấn cũng như các đoàn Tuồng không chuyên khác trong tỉnh hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa bàn hoạt động và tiếp cận với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Các chương trình kịch mục biểu diễn chưa thực sự đa dạng về đề tài và phong phú về màu sắc để thu hút công chúng mộ điệu. Thực trạng nữa, đó là nghệ thuật Tuồng đang thiếu những kịch bản hay. Kịch bản thì nhiều nhưng chất lượng chưa cao, nhiều kịch bản mang tính nhặt nhạnh, chi tiết hoặc cường điệu hóa quá mức. Mặt khác, một số kịch bản tuồng còn có những dị bản gây không ít khó khăn cho thế hệ sau trong công tác nghiên cứu, dàn dựng phục hồi vở diễn. Thêm vào đó là chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước chưa xứng đáng với mồ hôi, công sức của người nghệ sĩ nên một số diễn viên, nhạc công Tuồng vì cuộc sống mưu sinh chưa toàn tâm, toàn ý với nghề”.

Nhận diện để gỡ bỏ những nút thắt, cơi nới không gian hoạt động của các đoàn nghệ thuật, đưa hát Bội tiếp cận môi trường học đường, bổ sung các kịch bản mới. Đặc biệt, là kết hợp giữa nghệ thuật hát Bội và dịch vụ du lịch hiện tại. Đã có những hướng đi cụ thể, và đang được sự chú tâm thực hiện từ đơn vị quản lý văn hóa và các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên trong tỉnh. Những điều ấy đã mở ra những cánh cửa, cho người yêu hát Bội có quyền hy vọng, để tiếng trống Tuồng còn mãi…

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cho giai điệu cất lời

Mô hình cà phê nhạc hát cho nhau nghe đang ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại. Dù ở phố hay về huyện, ta không khó để tìm ra những quán với mô hình này…

Những khát vọng xuân

Những ngày cuối năm, phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng các tác giả văn học đang sinh sống hoặc có nhiều gắn bó với Bình Định…

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…