Viết cho quê hương mình thì bao nhiêu mới đủ…

(VNBĐ – Chân dung Văn nghệ sĩ). Cả đời chắt nhặt những hồn xưa nếp cũ từ quê nhà An Nhơn, Trần Duy Đức yêu quê hương theo cách riêng của mình. Dù sáng tác thơ, tản văn hay ký, hình ảnh của đất và người nơi chôn nhau cắt rún luôn hiện hữu, nhất quán một dòng chảy trong những trang viết của ông.

1.

Năm 2017, tôi được nhà văn Trần Duy Đức tặng cuốn sách ông mới xuất bản lúc bấy giờ – Chân dung làng quê An Nhơn xưa. Có sách trên tay, tôi đọc ngay. Thú thật, ngón tay tôi đã dừng lại nhiều lần trên một trang sách nào đó, bởi bắt gặp điều gì đó rất đỗi gần gụi, thân thương. Đó là những bữa sáng đi học vội nhưng ấm lòng vì món cơm chan đường mật, hay thuở khó khổ bữa cơm độn sắn khoai nhưng gia đình ấm áp quây quần. Đó là những đêm soi ếch nhử lươn, bắt dế cơm mùa nước lũ, bắt cá đồng lấm lem bùn đất, là những ngày đắm mình trên dòng sông Côn ngọt mát nghe tiếng bủa lưới rì roạp, tiếng chuông chùa xa ngái vọng về…

Đọc tản văn, bút ký của Trần Duy Đức, những điều rất đỗi bình dị, chân quê ùa về một cách chân thật, tỉ mỉ. Ví như, chuyện đuổi muỗi ngày xưa, hiện lên chi tiết, hình nét, ấy là “lấy rơm vun như cái thúng hoặc cái nón úp giữa sân hoặc gần chuồng bò nơi có nhiều muỗi, rưới lên ít nước có trộn muối, rồi đốt lửa, lấy cái nón hoặc cây quạt lúa quạt qua quạt lại để khói tỏa ra nồng nặc xua đuổi muỗi”. Hay từ trong ký ức, miền quê xưa hiện lên gợi bao thương nhớ: “Thời đó, sông Côn rất sâu và trong xanh, vô số loài cá trú ngụ và sinh sản, không chỉ ngư dân chuyên nghiệp mà rất nhiều người biết bắt cá bằng bủa lưới, vãi chài, giăng câu, câu bộ, đơm dẹp, đơm đó, úp nơm, đứng nhá… Tiếng gọi đò đêm khuya của khách lỡ đường hoặc người đàn bà trở dạ, rồi tiếng khua dầm gõ nhịp của ngư dân, tiếng kẽo kẹt của guồng xe nước, âm thanh ấy thật khó quên” (Chân dung làng quê xưa). Dễ thấy, hồn cốt nét xưa, cảnh quan, con người, phong tục, phong thổ của An Nhơn một thuở đang nhòa nhạt dần ở đời thực nhưng lại hiện lên rõ mồn một trong trang sách của Trần Duy Đức. Nếu không có vốn sống, vốn văn hóa, độ dày trải nghiệm, không gắn bó máu thịt với quê hương thì khó lòng có những trang viết như thế.

Sau này, tiếp xúc nhiều hơn với ông, được đọc nhiều hơn những tập sách của ông, tôi lấy làm thú vị bởi vì hầu hết những điều ông viết, đều hướng về vùng đất An Nhơn. Lý giải điều này, ông trải lòng: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê Hòa Phong – Nhơn Mỹ, cái nôi cách mạng của An Nhơn. Cả cha mẹ đều là liệt sĩ. Trong kháng chiến, tôi hoạt động từ căn cứ An Trường ra đồng bằng, làm Bí thư – Đội trưởng vũ trang công tác xã Nhơn Mỹ từ năm 1974 – đầu năm 1975. Gắn bó với quê hương từ nhỏ đến ngày nay, nên trong mỗi bài viết đều hướng về đồng quê, làng mạc, lũy tre, dòng sông, bến nước, con đò…”.

2.

Năm 2008, Trần Duy Đức in tập sách đầu tay, tập truyện ký, tản văn Góp nhặt phù sa. Sách gồm 3 chương: An Nhơn – Đất và người; Làng – xã, nơi lắng đọng tích tụ nguồn lực; Tản mạn việc làng việc nước. Năm 2014, cũng trên mạch chảy đó, ông in tập ký, tản văn Tìm lại dấu xưa, tiếp tục khắc họa đậm nét về vùng đất An Nhơn. Không chỉ có bề dày trầm tích văn hóa, An Nhơn còn là vùng đất cách mạng với bao mất mát, hy sinh. Trần Duy Đức đã có nhiều bài viết sẻ chia, nhất là những trang viết về những người mẹ mất con làm người đọc lằng lặng xúc động. Như khi Trần Duy Đức viết về mẹ VNAH Lê Thị Chiểu (ở thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ) có chồng tập kết và 3 con trai đều tham gia cách mạng và hy sinh mà vẫn chưa quy tập đầy đủ hài cốt về nghĩa trang xã trong bài Nước mắt chưa khô, người đọc rưng rưng trước mong ước của người mẹ mất con: “Trước khi nhắm mắt xuôi tay, mong ước cuối cùng của mẹ là được nhìn thấy mấy người con được quy tụ về nằm bên mẹ, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Nhơn Mỹ”. Nhắc nhớ chuyện xưa, ông kể rành rẽ từng chi tiết về đất và người An Nhơn, vùng đất mà cả tuổi thơ ông, những năm tháng thanh niên tham gia hoạt động cách mạng, cho đến sau 1975 đến giờ, ông gắn bó máu thịt. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông ôn tồn, kể: “Thời kỳ kinh tế khó khăn, tôi từng đan giỏ tre, chẻ nan hom tre chở xe đạp đến chợ Bình Định bán. Một hôm, đang đốt lửa thui nan hom, bị gió Nam lửa quất vào mặt cháy cả hai hàng lông mày và sém cả tóc, làm tôi một phen hốt hoảng. Giai đoạn khó khổ ấy cũng là thời điểm tôi cảm nhận rõ hơn hết những giá trị của gia đình, sự yêu thương, san sẻ của cha mẹ, anh em. Những ký ức đó mỗi khi nhớ lại, tôi rất xúc động. Có những bài viết in đậm một phần kỷ niệm của tôi và người thân, nhất là bài Nhớ bến sông xưa và tiếng gọi đò, Ngọn đèn dầu, Thương lắm đôi vai… ”.

Đầu năm 2021, Trần Duy Đức cho xuất bản tập tản văn, bút ký Điều không thể quên. Hơn 50 bài viết với gần 500 trang sách, vẫn những trang viết về quê hương An Nhơn, ông tái hiện lại một vùng đất lịch sử còn in dấu vương triều Tây Sơn, một vùng kinh đô Champa với thành, tháp, gốm; những thương đau trong thảm sát Kim Tài, những lắng đọng hồn quê, tình người, những đắn đót các giá trị mộc mạc mà ân tình, nhân nghĩa người quê đang bị bào mòn, tàn phai theo thời gian. Ông lưu giữ lại như một sự giằng giữ những giá trị, nét đẹp xưa cũ trước bao biến thể khắc nghiệt thời hiện đại.

3.

Ngoài mảng tản văn, ký, Trần Duy Đức còn sáng tác thơ. Ông đã in 2 tập thơ Hoài niệm (2011) và Giọt nắng (2015). Thơ của ông bình dị, mộc mạc. Và ở mảng này, quê hương, những ân nghĩa với người xưa hiện lên đầy trân trọng. Không có thế mạnh như mảng văn xuôi, nhưng thơ của Trần Duy Đức cũng đã tạo những đồng cảm với người đọc bởi sự đôn hậu và cái tình mà ông gửi vào trang viết. Tôi thích những câu thơ xúc động như thế này của ông: “Nghĩa trang xa gần trăm ngàn cây số/ Bên sườn đồi, mẹ leo dốc tìm con/ Đôi chân mẹ với chứng đau thấp khớp/ Vẫn kiếm tìm từng dãy mộ có tên/ Vẫn lần dò từng bia mộ vô danh/ Mỗi ngôi mộ một linh hồn đang ngủ/ Mong con thức để hiện lên dòng chữ/ Mộ có tên – mộ ấy chính là con” (trích Liệt sĩ vô danh trong tập Hoài niệm).

Bên cạnh mảng văn hóa văn học, Trần Duy Đức viết nhiều về lịch sử địa phương. Ông tham gia biên soạn hơn 20 tập lịch sử, truyền thống cách mạng trong và ngoài thị xã An Nhơn. Ông tâm sự “Trong các bài viết của tôi, hai mảng văn hóa, văn học và lịch sử đều gắn chặt với nhau. Như trong nhiều bài ký của tôi sử dụng nhiều dữ liệu lịch sử về vùng đất và con người An Nhơn”. Dù viết ở mảng nào, Trần Duy Đức vẫn luôn nhất quán một dòng chảy về nguồn cội bản quán, trân trọng từng chút một những giá trị người xưa mộc mạc chân thành đồng thời dang mở đón nhận những thay đổi tích cực của quê nhà.

Trần Duy Đức sinh năm 1945, quê ở Nhơn Mỹ, An Nhơn. Hiện đang sinh sống tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn; hội viên Hội VHNT Bình Định. Sách đã xuất bản: Góp nhặt phù sa (truyện ký, tản văn, 2008), Hoài niệm (thơ, 2011), Tìm lại dấu xưa (tản văn, ký, 2014), Giọt nắng (thơ, 2015), Chân dung làng quê An Nhơn xưa (tản văn, ký, 2017), Điều không thể quên (tản văn, ký, 2021).
Giải B giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu về VHNT dành cho tác phẩm: Tìm lại dấu xưa.

Nhiều lần gặp ông tại tư gia ở phường Bình Định, trên căn gác nhỏ lại thấy ông cặm cụi bên trang sách, dò dẫm những tư liệu về vùng đất An Nhơn. Ông bộc bạch: “Viết cho quê hương mình thì bao nhiêu mới đủ. Tôi là người gắn bó nhiều với kháng chiến, nhất là những người mẹ, người chị đã nuôi giấu tôi. Và như một sự tri ân, tôi đang viết tập sách Còn đó nỗi đau, về một số mẹ VNAH tiêu biểu, anh hùng LLVT nhân dân, một số thương binh đã từng vào sinh ra tử, cống hiến sức trẻ cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhất là những anh chị em bị phơi nhiễm chất độc da cam ở chiến trường, hậu quả đau thương không chỉ một thế hệ. Dự kiến tập bản thảo sẽ hoàn thành vào năm 2022. Hạnh phúc nào hơn khi được viết cho quê hương mình với bao yêu thương, tự hào”.

ĐỨC LINH

(Văn nghệ Bình Định số 99 tháng 7.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…