(VHDG BĐ 2011-2020). 1. Thủ tục tế lễ đình làng Xương Lý
Đình làng Xương Lý có tục lệ Xuân kỳ, Thu tế. Lễ tiết Xuân kỳ vào ngày tiết Thanh minh trong tháng 3 âm lịch. Lễ tiết Thu tế vào ngày lập thu. Trong đó, Lễ tiết Thanh minh được tổ chức nghiêm trang, rầm rộ hơn.
Việc tế lễ đình làng do Ban Lễ nghi đảm nhiệm. Ban này gồm có: Thủ xướng lễ (dẫn chương trình), học trò gia lễ (8 người xếp 2 hàng), ban khởi chinh cổ (trống chiêng 2 người), ban nhạc, ban phục vụ nội tẩm (2 người) và đọc chúc viên (người đọc văn).
Diễn biến như sau:
Học trò lễ: – Mọi việc chuẩn bị xong xuôi.
Xướng: – Củ soát tế vật (xem lại vật tế đủ chưa).
Xướng: – Chấp sự giã cát tư kỳ sự (người trách nhiệm ai vào việc nấy).
Hai người ban khởi chiêng trống bước ra trước điện, cầm ngang dùi trống dùi chiêng bái 3 bái.
Học trò gia lễ xướng: Khởi chinh cổ.
Chiêng đánh trước 3 hồi dài, trống đánh sau 3 hồi dài, chiêng đánh 3 tiếng một lần (9 tiếng), trống đánh 3 lần, một lần 3 tiếng (9 tiếng), gọi là tam lao cửu chuyển.
Nhạc xổ 3 hồi.
Xướng: – Chánh lễ tựu vị (Ra trước án tiền).
– Tả ban hữu ban tựu vị (Ra trước án tiền)
Xướng: – Nghệ quán tẩy sở (chức chánh tế, chức tả ban, hữu ban rửa tay ở thau nước đặt sẵn tại quán tẩy).
Xướng: – Quán tẩy (lau mặt lau tay).
Xướng: – Phục vị (trở lại vị trí cũ).
Xướng: – Nghệ hương án tiền (người phục vụ bưng lư hương có trầm xông đem cho chánh lễ dâng lên).
Xướng: – Giai quỵ (tất cả quỳ xuống).
Xướng: – Phần hương (trầm lư).
Xướng: – Cẩn cáo (chánh tế cáo lễ trước thần linh).
Xướng: – Thượng hưng (đưa lư lên bàn thờ).
Xướng: – Phủ phục (lạy 4 lạy) theo nhịp hô bái (đứng lên, bái lạy xuống).
Xướng: – Sơ hiến lễ (rót tuần rượu đầu).
Xướng: – Châm tửu (rót rượu).
Xướng: – Hiến tửu (dâng rượu).
Xướng: – Phủ phục hưng bình thân (tất cả đứng dậy).
Xướng: – Nghệ độc chúc vị (đọc văn tế chuẩn bị) – (Nhạc đệm theo câu, chấm câu, nghỉ, đứt).
Xướng: – Giai quỵ (tất cả đều quỳ).
Xướng: – Độc chúc (đọc văn tế).
Xướng: – Phủ phục hưng nhị bái (lạy 2 lạy).
Xướng: – Nghệ thân vị tiền (học trò lễ vào điện tế lễ).
Xướng: – Quỵ châm tửu (học trò quỳ rót rượu).
Xướng: – Hiến tửu (dâng rượu).
Xướng: – Phủ phục hưng bình thân (tất cả đứng lên).
Xướng: – Sơ hiến trà (chuẩn bị trà châm rót lên bái).
Xướng: – Chung hiến tửu (rót tuần rượu thứ 3).
Xướng: – Giai quỵ châm tửu, hiến tửu.
Xướng: – Phủ phục hưng bình thân (tất cả đứng lên).
Xướng: – Á hiến trà (rót châm trà lần thứ 2).
Xướng: – Nghệ ẩm phước vị (chánh tế ăn miếng lòng và uống chén rượu lộc).
Xướng: – Quỵ ẩm phước tộ (ăn trước án tiền lộc tiền ân huệ trên cho).
Xướng: – Phủ phục hưng chánh lễ nhị bái (chánh lễ lạy 2 lạy).
Xướng: – Phần chúc (đốt tờ văn tế).
Xướng: – Chung hiến trà (rót trà lần cuối).
Xướng: – Từ thần cúc cung tứ bái (tất cả bái lạy 4 lạy).
Xướng: – Phanh thối (Hoàn mãn cuộc tế).
2. Văn tế Ông Nam Hải ở đầm Hưng Lương
Đầm Hưng Lương tế Ông Nam Hải vào ngày 10 tháng 5 âm lịch thường niên. Dưới đây là bài văn tế còn giữ được:
“Duy tuế thứ năm… tháng 5 ngày mùng mười, Bình Định tỉnh, Quy Nhơn thành phố, Nhơn Lý xã, Đông Đầm thủy sở, Hưng Lương thôn.
Chánh tế (họ tên):……………………………
Bồi tế Tả ban (họ tên):……………………….
Bồi tế Hữu ban (họ tên:……………………….
Hiệp đồng bào, ngư dân tịnh nghiệp hộ chư nghệ: đại tiểu đẳng cẩn dĩ hương đăng, trà tửu, kim ngân, hoa quả, sinh tư, trầm trà thứ phẩm, thiết đại lễ tế thần. Điện Nam Hải nguyên lâm thường niên hiệp kỵ chư vị Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần cập lễ hội cầu ngư truyền thống Đầm Hưng Lương.
Cảm cáo vu viết cung duy tôn thần:
Cung thỉnh Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần công đức từ tế chương linh tôn thần.
Cung thỉnh Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tước phong trợ thuận trừng trạm Dực Bảo Trung Hưng tôn thần.
Cung thỉnh Nam Hải Ngọc Lân quyền trị thủy giới chức thuộc hải trào thủy mẫu Long cung thần nữ nương nương tôn thần.
Cung thỉnh Nam Hải Lính ông tôn thần.
Cung thỉnh Nam Hải Lịnh cô tôn thần.
Cung thỉnh Nam Hải Thái tử tôn thần.
Cung thỉnh sắc phong phục ma trung nghĩa Nhơn dõng Quan Thánh Đế quân đại thiên tôn.
Cung thỉnh sắc phong Trung Kiệt Vương Quân thánh tứ tử đại thiên tôn.
Sắc phong oai tiểu Trung Dõng Châu Thương tướng quân Đại thiên tôn.
Cung thỉnh lệnh ái thần nữ nương nương tôn thần.
Cung thỉnh tam đầu cửu vĩ ngư ông tôn thần.
Cung thỉnh thanh, huynh, hắc, xích, bạch ngư ông tôn thần.
Cung thỉnh Hà Bá thủy quan cập bộ hạ nương nương tôn thần.
Cung thỉnh ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ thần nữ nương nương tôn thần.
Cung thỉnh Tiên sư, tổ sư, thánh sư, tam giáo đạo sư tôn thần.
Cung thỉnh Thiên Y A Na, Diễn Ngọc Phi tôn thần.
Cung thỉnh Hải khẩu thần ngư tổn thần.
Cung thỉnh Nguyên Hải Thủy Vận thủy Thiên chi thần.
Cung thỉnh Tuần đu Hải ngoại chi thần.
Cung thỉnh Lý ngư Lý lực nhị vị Đại tướng quân.
Cung thỉnh Ông tròn Ông dài chi thần.
Cung thỉnh Ngao Khâm, Ngao Quản, Ngao Thuận, Ngao Nhuận, Ngao Bính ngũ vị Đại tướng quân.
Cung thỉnh Tam hiền, Thập Thánh, tứ phủ vạn linh hộ pháp chư tôn đồng thùy chứng giám.
Cung thỉnh Thượng giới, Trung giới, Hạ giới, Hội đồng liệt vị chư thần đồng thủy chứng giám.
Cung thỉnh tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai khẩn lai lâm chứng giám.
Cung thỉnh cập bộ hạ chư vị thủy giới chứng đẳng thùy lai đồng thùy chứng giám.
Cung thỉnh Thần hoàng bổn xứ, thổ địa tư mạng táp quân đồng thùy chứng giám.
Cung thỉnh thập nhị loại cô hồn, âm hồn đồng thùy chứng giám.
Cung thỉnh ngài gò trường hướng Tây Bắc lai lâm chứng giám.
Cung duy tôn thần
Đức phối hạo nhiên
Ân trùm chấn hải
Thủy tộc tối linh
Nhơn thinh Đại Đức
Cõi tốc khuôn diêng chi tế
Hựu quan lập kiến ư tư dư
Tòng chân hạo đảng chi thời
Trợ thuận mỗi thùy ư điếu phái
Hữu chi nội, hải chi ngoại
Ngư hà nhựt tụ ư phương đầm
Nghệ chi tinh, nghệ chi thô
Điếu võng hưng hòa du mãn tải.
Tư tắc:
Lễ tế cầu ngư ông Nam Hải
Cung thỉnh thính du ca vũ công tuần khánh đản cẩn tiến hinh hương
Hựu tương tửu quả
Lễ tế cụ trần
Sinh duy dĩ vãng
Đơn tâm nguyện tố
Dĩ biểu thôn thành
Cảm cách u minh
Giám quan chứng chiếu.
Phục nguyện:
Hoằng ân tôn kính thiên thu
Nhơn Lý – Hưng Lương cọng thể
Hải hội ba bình thủy tịnh
Ngư dân dầm nội thương xương
Thiên thời võ thuận phong hòa
Bá tánh đồng bào đồng triêm ư lộ nhuận
Ngưỡng mong thôn xã an khang
Bảo hộ thuyền nghề lợi lạc
Ngưỡng lai tôn thần
Chi gia huệ dã
Phục duy cẩn cáo.
3. Cầu Bà
Ở vùng Bãi Ngang có hai ngôi miếu là Tây Lương miếu và Lý Hòa miếu thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ và Bà Chúa Tiên cùng năm vị ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) được người dân địa phương truyền rằng rất linh hiển.
Vào những đêm tối trời, khi nhìn thấy luồng ánh sáng từ trên cao bay thẳng về phía miếu, nhiều người nói đó là Bà giáng hạ. Thế là ngày hôm sau, có người đến miếu cúng Bà, cầu Bà phù trợ về gia sự cũng như chữa bệnh tà ma…
Phụ đồng ở Tây Lương miếu có các ông Nguyễn Hạ, Nguyễn Bình. Phụ đồng ở Lý Hòa miếu có các ông Nguyễn Bằng, Nguyễn Đồng và Nguyễn Thường. Khi cầu cúng các Bà, gia chủ phải thiết hương án, nhang đăng trà quả, bày tỏ lòng thành. Tất cả đệ tử lạy Bà và đọc bài cầu:
Tán:
Trần gian hữu sự thiết ba diên
Đệ tử kiền thành thỉnh
Thánh tiên Hạc giá long xa thừa cấp cấp
Linh cơ đồng phụ phán liên liên
Tự vũ ngâm nga thông Đỗng phủ
Hương yên phảng phất thấu Đào Nguyên
Nhân tình vị ẩn phàm nan biện
Thế sự u minh Thánh giác tiên.
Cầu:
Chốn bồng lai là nơi thanh tịnh
Thú chiều vươn tăng cảnh nhuộm màu
Gió thanh quét sạch bụi trần
Tình trong sơn thủy cuộc ngoài càn khôn
Lần qua khỏi chốn hầu môn
Công danh biệt dạng cầm tôn dư ngằn
Gậy lê dò chốn Quảng Hàn
Dấu kiều còn tạc Minh Hoàng thuở xưa
Rượu đào một cuộc say sưa
Mê man chín tám ngàn thừa xuân thu
Trường sanh có thuốc nhiệm màu
Lá vàng sấn có một bầu đơn sa
Nghêu ngao vui thú yên hà
Sớm vào biển Thánh tốì ra non Thần
Trải qua mấy cuộc phong vân
Tay nâng bầu cúc chân lần đám mây
Tùng reo vì gió lắt lay
Giọng đờn thấp thoáng bên tai đưa vào
Trải qua một cuộc ba đào
Cuộc cờ vô sự anh hào chỉn mê
Mượn chơi ba thảo làm đề
Tiếng vàng ấm áp thêm ghê anh hùng
Lữ Đồng cũng muốn theo chơi
Vì người thuở trước mắc lời nguyền xưa…
4. Cầu Thánh
Hiệp Thiên tự là ngôi chùa thờ Quan Thánh Đế Quân rất linh hiển. Trước năm 1946, chùa Thánh chưa bị phá hoại. Các ông Lê Minh, Nguyễn Kim Tấn, Nguyễn Đồ… là đệ tử của Thánh, được Thánh khải ngồi phụ đồng phụ cơ.
Thời trước, mỗi khi cầu Thánh, gia chủ sắm lễ vật đem đến Hiệp Thiên tự xin cầu. Những năm chiến tranh, xuất phát từ hoàn cảnh chung và nhu cầu của bá tánh, gia chủ thỉnh Thánh tượng về và mời đệ tử Thánh tới tư gia cầu cơ.
Trước tiên, nhà cửa phải sạch sẽ, thiết lập bàn thờ hương án giữa căn bổn mạng nhà chính, hương đăng trà quả đầy đủ, mọi việc chuẩn bị chu tất. Gia chủ cáo Thánh, đệ tử lớn cáo Thánh, nói rõ lí do xin cầu. Nơi án tiền, tất cả lạy Thánh; tả đồng ngồi bên trái, hữu đồng ngồi bên phải, tấm ván linh như bàn cờ tướng ở giữa. Cơ cầu đan bằng mây như chiếc nón bẹp, tra cán từ đường kính cơ dài thêm 30cm, đầu cán cơ thay ngòi bút, Thánh nhập cơ viết chữ trên ván lịnh. Thánh viết chữ Hán, đệ tử đọc, có người nghe nhắc lại, một người chép lời Thánh phán.
Bài cầu có hai phần: tán và cầu. Tất cả đệ tử đều phải học và đọc theo:
Tán:
Trần gian hữu sự thiết ba diên
Đệ tử kiền thành thỉnh thánh tiên
Hạc giá long xa thừa cấp cấp
Linh cơ đồng phụ phán liên liên
Tự vũ nguy nga thông Đổng phủ
Hương yên phưởng phất thấu Đào Nguyên
Nhân tình vị ẩn phàm nan biện
Thế sự u minh Thánh giác Tiên.
Cầu:
Vườn Đào nổi sắc rồng mây
Định phân tôi Chúa vì cây Thương tòng
Bỗng nghe Viên Thiệu hết lòng
Vì quân Đổng Trác vòng gian nguy
Anh hùng kiến nghĩa bất vi
Ra tài tá quốc nhứt thì hưng công
Nào hay Lã Bố tiên đồng
So như tài gã cũng thông binh quyền
Thanh long kiếm, Xích thố Tiên
Tài năng bá đẩu nhứt thiên qui kỳ
Cùng nhau tranh lực bất di
Cũng vì đại dõng Hoàng Phi gia trì
Lữ Đồng mới xuất binh lỳ
Hoàng Hậu tam cố đoạt kỳ chi lai
Vó câu về chốn sơn nhai
Tóc chàng quấn quít mà hài chung chinh
Quan Hầu đắc thắng đoạn kình
Lữ Đồng thác liễu huy tinh bõ lài
Tuy là còn giặc chưa hài
Nhưng mà đã dứt tác tài điệt tôn
Đồng lòng về chốn Hớn môn
Trừ loài lang bối hãi hồn nép gan
Ra tài trảm tướng quá quan
Tạc danh trung nghĩa muôn ngàn xuân thu.
Nghe thôi khiếp vía Châu Du
Tích bồi đã đáng cái mưu gian thần
Vang đồn Bắc ngụy, Ngô Đông
Xa gần cung kính Quan Ông trung thần
Từ tiền xa gác bụi trần
Để danh ghi tạc phụng thờ xuân thu.
Khi Thánh nhập cơ tả đồng, hữu đồng nâng cơ lên viết chữ trên ván lệnh:
Hà sự cấp cấp!
Gia chủ thưa Thánh: người nhà có bệnh muốn xin thuốc. Thánh ra toa thuốc, có người đọc theo cơ trên ván lệnh, một người ghi.
Nếu hỏi về gia sự, Thánh ứng cho người phụ đồng.
Không phải lúc nào cầu Thánh cũng được. Nếu đọc tới ba lần rồi mà Thánh không hiển linh thì người ta sẽ không cầu tiếp nữa.
Việc thánh thần linh hiển ở vùng Bãi Ngang như thế, trước đây ai cũng biết.
5. Cúng con gỏi – Cúng bộ thủ vĩ
Cúng con gỏi – cúng bộ thủ vĩ chỉ diễn ra khi nào có hứa, có khấn, vì nó đột xuất trong phút giây nào đó mà thôi.
Sinh hoạt nghề biển vốn có nhiều kiêng cữ, bắt buộc phải chấp nhận. Chẳng hạn, khi ra biển, gặp cá nục, cá cơm thì gọi là cá nục, cá cơm; nhưng gặp cá chù, cá dưa gang thì nói là “rau” thay cho tiếng cá vì chưa bắt được nó.
Nhiều chuyện có thực song vẫn chưa lý giải được.
Nghề lưới đăng cá ồ ra tới cung mà chẳng chui vào rọ, bủa lưới thưa cá ở trong cung, trong chốc lát cá hút bay chì lưới thưa ra ngoài. Mọi người chỉ biết kêu trời ngó theo món cá đang sôi.
Bác thợ hai ra lệnh nhổ lưới thưa. Bác tịnh tâm khấn vái. Món cá rập sâu không thấy bóng dáng, độ chừng 5-7 phút sau, các sôi trong cung rồi ra rọ, ghe lưới bửng chận ngang rọ găm hai mé thật kỹ dằn thêm đá chì lưới bửng. Mẻ cá ấp rút cả ngày, tới ba bốn lần mới hết.
Thật khó diễn tả hết nỗi vui mừng của thợ bạn khi được bữa biển. Niềm vui lan tỏa tới từ chủ gia đầu nậu đến chủ lò kho, chị em đưa cá cũng như nhiều người, nhiều nhà khác.
Ông bà cho bữa biển đâu phải dễ. Do đó, lời hứa được món cá cúng ông bà con gỏi được thực hiện liền vào ngày hôm sau.
Có lần mẻ cá ồ ép ngang nổi thấy rõ, người ngồi trên dốc cao ai cũng thấy. Vậy mà, mấy đôi lưới cao ngoài biển cứ như không. Ông cụ cột chiếc chiếu vào cây gậy giơ cao chỉ về hướng cá đang di chuyển, lưới cao bủa được tới mấy muôn cá ồ. Thế là, lễ tạ con gỏi y như lời ông cụ khấn hứa với thần linh.
Khi cúng lễ, ghe đậu tại bến. Con gỏi là con heo, đó là nói trại cho lễ phép. Con heo trói chặt, tắm rửa sạch sẽ. Sau khi khấn cáo tổ, chủ nghề đem chén rượu rửa cổ con heo rồi mới khai đao. Nếu huyết ra một mạch có bọt nổi trong chậu thì được xem là điềm tốt, có thần ứng.
Cúng bộ thủ vĩ gồm: đầu, nọng, bốn chân, cả bộ lòng huyết, bao tử, gan tim cật và đuôi con heo kèm theo tấm mỡ sa phủ đầu heo.
Lời khấn trước tiên phải nói rõ lí do “được bữa biển xin cúng bộ thủ vĩ”.
Người dân biển giữ lời hứa khấn vái như đinh đóng cột. Ai ai cũng nghĩ là nhờ ông bà mới trúng được bữa biển.
6. Lễ rước vong
Một thời gian dài, cả dân tộc lo chống ngoại xâm, do bộn bề thế sự nên đã bỏ qua nhiều tập tục cổ xưa. Sau ngày nước nhà độc lập, nhất là sau đổi mới, nhiều tập tục, lễ hội được phục hồi một cách có chọn lọc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong số đó có lễ rước vong.
Trước Tết Nguyên đán, người Việt có ngày chạp mả (hay dẫy mả), là làm cỏ, dọn dẹp sạch sẽ cho các ngôi mộ để chuẩn bị mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Vào những ngày ấy, con cháu tự nguyện đến với ông bà tổ tiên, dòng tộc, với anh em bà con thân thuộc: “Dù đi buôn bán đâu đâu/ Đến ngày chạp mả mau mau trở về”.
Đó là dịp mọi người được gặp nhau sau một năm dài lao động vất vả. Cho nên, dù làm ăn ở đâu, lập nghiệp ở đâu thì đến ngày tảo mộ là con cháu đều tụ về quê hương bản quán để tự tay chăm sóc mồ mả ông bà tổ tiên.
Từ xưa đến nay, có biết bao nhiêu người lâm cảnh tha phương cầu thực, gặp phải tên bay đạn lạc, lúc chết đi thì con cháu không biết đâu mà tìm. Biết bao cảnh xiêu mồ lạc mả, không được ai chăm sóc, đoái hoài. Những ngôi mộ lạc chủ ấy dân gian gọi là mả âm hồn. Theo dân gian, linh hồn những kẻ ấy không được cúng giỗ, quanh năm đói khát, lạnh lẽo, cô quạnh. Cho nên, mỗi làng xây dựng một nơi thờ phụng, gọi là chùa Âm Hồn.
Chùa Âm Hồn ở làng Hưng Lương, xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn) được xây bằng đá ong, mái lợp ngói như vẩy con cá. Theo các cụ Phạm Văn Chơn (sinh năm 1925), và Nguyễn Nhạn Hồng (sinh năm 1930), không có ghi chép hay truyền tụng về thời điểm chùa được xây dựng. Khi lớn lên, các ông đã thấy có chùa Âm Hồn rồi.
Chùa Âm Hồn làng cá Hưng Lương mỗi năm có hai ngày lễ hội lớn là ngày Tết Thanh minh và ngày giỗ ông Lỗi (12.10 âm lịch).
Vợ chồng ông Lỗi là người địa phương, không có con cháu, không người thân thích. Vợ chồng ông dành dụm tiền mua được 5 sào ruộng tại làng Phương Thái, đã xin ký tự rằng sau khi chết sẽ nhờ làng thu hoa lợi từ ruộng phối cúng giỗ tại chùa Âm Hồn.
Vào ngày Tiết Thanh minh, dân làng và hương chức tổ chức rước vong linh từ nghĩa địa cô hồn về chùa cúng giỗ. Cái tình, cái nghĩa đồng bào giữa người sống và kẻ khuất mặt, giữa người dương và kẻ âm chưa một lần quen biết trước đây đã được thể hiện rõ nét ở giờ phút thiêng liêng này. Đó là đạo lý, là nhân nghĩa ở đời, đẹp đẽ biết bao của người Việt nói chung, của người dân Bãi Ngang nói riêng!
Tại làng cá Vũng Nồm, vào ngày Tiết Thanh minh hàng năm, lễ rước vong có đủ nhã nhạc bát âm, có kiểu thỉnh vọng. Gần đây, vào ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7), làng còn có thêm lễ rước vong từ nghĩa trang liệt sĩ về đình làng, tổ chức lễ cúng gọi là rước lục (rước vong hồn người chết lên bờ). Tại miếu Lý Hòa (thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý), dân làng rước cả vong thủy lẫn vong lục, nên gọi là rước thủy lục.
Đối với rước thủy, Ban tế đưa một chiếc thuyền ra cách bờ 100m, làm lễ thỉnh vong với đủ hương đăng trà quả. Chánh tế và hai Bồi tế cùng thỉnh vong từ dưới nước lên thuyền. Khi đưa vong vào gần bờ, Ban tế sẽ dùng một dải lụa đào giăng từ kiệu rước ra thuyền. Khi rước vong, thỉnh vong đều có đội kèn trống phục vụ. Có năm, làng thỉnh thầy chùa về cúng rước vong. Bộ phận tại miếu khi nghe tiếng trống từ ngoài bãi biển đưa kiệu về thì bát âm tiếp ứng, trống chầu, thanh la, trống cán đánh gióng 3 (mỗi lần đánh 3 tiếng, cứ thế tiếp tục khi kiệu vào miếu thì nhã nhạc bát âm bên trong tiếp rước).
7. Tế hiệp
Tế hiệp còn gọi là hiệp tế, có từ lâu đời và mỗi nơi tổ chức một khác. Ở vùng Bãi Ngang, mấy nhà giàu thời trước có ruộng hương hỏa cũng như đa số ngư dân làm ăn đắp đổi, nhiều họ tộc đông con, đông cháu, ba bốn thế hệ ở quây quần trong làng trong xóm, hàng năm cũng tế hiệp.
Ngày tế hiệp là ngày đông vui nhất, con cháu đi làm ăn xa đến ngày tế hiệp là hội tụ đông đủ về tại từ đường họ. Ông tộc trưởng lo tiếp anh chị em bà con cô bác ở xa về, lo bữa cỗ tiên thường mời ông bà về trước một ngày hiệp tế, sau xin cái tàn để dọn cơm…
Hôm sau là ngày chính lễ, vật phẩm dâng lên cúng tế ông bà tổ tiên được đặt trên bàn thờ. Ngoài hè nhà, tộc trưởng thiết lập một bàn thờ đầy đủ hương hoa trà quả như bàn thờ tổ. Khi lên đèn thắp hương, nhà dưới sẽ thôi động dao thớt.
Con cháu sắp hàng đứng thứ tự theo hệ chứ không theo tuổi, hệ chánh phái, thứ phái, vai trên, vai dưới, bên nội, bên ngoại, cô, dì, chú, bác… Trật tự gia tộc thể hiện ở ngày tế hiệp. Ông trưởng tộc thắp hương khấn trước bàn thờ tổ tiên, một người đọc văn tế, sau 4 lạy của trưởng tộc, con cháu tiếp tục dâng hương lạy tổ tiên.
Ông trưởng tộc cúng bàn thổ địa, thổ thần nội gia viên trạch, ngoại gia viên trạch, mời vong linh hữu danh vô vị, hữu vị vô danh cùng chung cộng hưởng. Phần tiếp theo, hộ nào có gia phả thì đọc kể cho con cháu biết. Người nhiều tuổi trong họ kể cho con cháu nghe ông bà từ đâu về đây lập nghiệp, từ đời vua nào. Lịch sử dòng họ có sao nói vậy, biết nhiều kể nhiều… Khi giới thiệu, người nhiều tuổi trong họ dẫn giải tên ông cao, bà cao, ông cố sinh hạ nội ngoại cho tới liên hệ, trực hệ với con cháu đời này, ngày kỵ giỗ, mồ mả v.v… Nghe chuyện, con cháu ai chưa biết thì hỏi và nhìn nhận nhau vai trên, vai dưới, cháu ông kia, con bà nọ mà bấy lâu chưa được biết. Cây hương trên bàn thờ vừa tàn là lễ bái tất.
Các cụ ngồi vào bàn, con cháu đã được phân công trước phần ai nấy lo. Ông trưởng tộc đem chén rượu tàn mời các cụ vai vế trong họ tổ tiên mỗi người một ly. Thời trước, dọn cỗ trải chiếu dài trên nền nhà, ngồi theo vai vế chứ không theo tuổi tác, chén chú, chén anh vui vẻ đầm ấm thật là ý nghĩa hai chữ đồng bào ruột thịt. Tuy vậy, nhiều họ tộc không tổ chức được lễ tế hiệp, vì thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
Mỗi năm có ngày tảo mộ, tổ chức kha khá thêm mâm thêm bát cúng tổ tiên, bà con cô bác tề tựu đông đủ cũng vui không kém.
Vùng Bãi Ngang còn lưu truyền câu đối chẳng biết từ đời nào rằng:
Có Tổ có Tông, có Tông có Tổ, Tổ Tổ Tông Tông, Tông Tổ cũ,
Còn Non còn Nước, còn Nước còn Non, Non Non Nước Nước, Nước Non nhà.
8. Tế Xuân Thủ
Tế Xuân Thủ diễn ra sau ngày Tết Nguyên đán, dành cho ông bà nhiều đời, nhiều kiếp mồ mả thất lạc, có người sinh thuận tử an, có người bất đắc kỳ tử. Ngày Tết có cúng rước, cúng đưa, nhưng sợ sơ suất, ông bà về bắt con cháu, nhất là những vong hồn tuyệt tự, các bà tổ cô nên người xưa đặt tiệc tế này gọi là Lễ Tế Xuân Thủ vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch.
Lễ vật có 2 con gà cồ có cựa, lông màu trắng hoặc màu vàng càng tốt; được nhốt cẩn thận, không cho đạp mái.
Bộ đồ Xuân Thủ (áo mão, hia, giày bằng giấy xanh đỏ) để trên mâm thau, kèm với một mâm giấy vàng bạc xếp tròn theo mâm. Đặt ba bàn cúng giữa nhà, nếu nhà chật thì đặt ngoài hè hoặc ngoài sân.
Bàn giữa lớn có đủ lư hương, bát nước, đèn thau, hương đăng trà quả.
Hai bàn tả hữu đặt bộ đồ Xuân Thủ, mâm vàng, mâm bạc và vật phẩm cúng. Mỗi bàn đều có đĩa gạo muối, một vò nước sạch, có gáo múc nước đậy vung.
Đến giờ cúng, hai con gà sống được rửa sạch. Chủ tế rót rượu cáo bàn thờ trong nhà trước, cáo bàn thờ Xuân Thủ sau, đem rượu cáo rưới trên đầu gà trước khi cắt cổ. Khi làm thịt con gà, người ta sẽ lấy huyết riêng từng con, nấu chín rồi chặt riêng đầu, mình, cổ cánh từng con một. Tất cả đặt trên ba bàn, có chè, xôi, cháo trắng. Mỗi cặp giò gà đựng riêng mỗi đĩa, để sau khi cúng sẽ coi giò xem tài lợi trong năm ra sao.
Gia chủ cáo các vong linh ông bà thất lạc. Thầy cúng đọc bài cúng, văn sổ (thầy Pháp, thầy Thủy); cúng xong, đốt bộ Xuân Thủ và vàng bạc giấy, vãi gạo mỗi 4 hướng gọi là hóa. Gia chủ làm chiếc thuyền mo cau hoặc bẹ chuối, lấy mỗi vật phẩm cúng một ít, đem thuyền thả ngoài biển hoặc thả thuyền ngoài sông.
Dư âm ngày Tết vẫn còn nên ngày Tế Xuân Thủ con cháu vui vẻ.
9. Am Cô, am Cậu
Truyền rằng ở vùng Bãi Ngang, có hai cái am linh hiển lắm, đó là am ông Xác Ngó thờ Cậu và am bà Xác Hưu thờ Cô. Chẳng ai biết Cậu tên gì, Cô tên gì; chỉ thấy nơi thờ Cô Cậu treo đèn kết hoa đủ hình thù kì dị, lủng lẳng. Dán vào vách núi nào bùa chú, nào hình nhân trong cảnh tối om ngọn đèn leo lét hơn chục lọ hương và bình hoa lúc nào cũng có hoa, lúc nào cũng có mùi hương nồng gay gắt. Có hai hình nhân trước bàn thờ nhe răng, nhe vuốt như trừng, như trợn chăm chăm với người đối diện.
Người nhà con bệnh tới am cầu phải tương lễ cặp đèn, thẻ nhang, cốc rượu. Gia chủ trình thưa Cô, thưa Cậu nói rõ sự tình. Ông Xác Ngó, bà Xác Hưu sẽ cáo Cô cáo Cậu. Thế là, hồn Cô nhập vào xác bà Hưu, hồn Cậu nhập vào xác ông Ngó. Đến đây, bắt đầu là lời Cậu phán, Cô phán chứ không phải là lời ông Ngó, bà Hưu… Nào là động cô Kim, nào là mắc đàng dưới, nào là gặp kẻ khuất mặt không chào, muốn mau lành bệnh thì phải có lễ tạ Cô, lễ tạ Cậu. Cậu có bùa, Cô có nước phép cho đem về uống. Cúng hoài, vái hoài mà bệnh càng ngày càng nặng, có người mách đi mời thầy về tại nhà cúng mới linh.
VÕ NGỌC AN
(Văn hóa dân gian Bình Định 2011-2020, NXB Văn hóa – Văn nghệ 2020).
VÕ NGỌC AN
Năm sinh: 1934.
Nơi sinh: Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định.
Quê quán: Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định.
Điện thoại: 0937140503.
Hội viên Chi hội VNDG Bình Định
(Hội VHNT Bình Định).
Tác phẩm xuất bản gần đây: Bãi Ngang xưa và nay, Văn hóa vùng biển Bãi Ngang tỉnh Bình Định (viết chung với Hà Giao), Văn hóa dân gian bán đảo Phương Mai (viết chung với Đinh Bá Hòa).