Vài ý kiến về góp phần bảo tồn và phát triển Bài chòi dân gian

(VNBĐ – Tiếng nói Văn nghệ sĩ). Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến ở vùng Nam Trung bộ. Trong từng câu ca của Bài chòi phần nào cho thấy sức lôi cuốn của diễn xướng đối với người dân lao động. Chơi – đánh – hô – hát là những thuật ngữ để diễn tả loại hình nghệ thuật Bài chòi. Đây là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng, là ký ức văn hóa vì nó lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Môn nghệ thuật dân gian này chứa đựng những giá trị văn hóa nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ được gìn giữ qua bao thế hệ. Chính vì vậy, vào thời khắc 17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút, giờ Việt Nam) ngày 07.12.2017, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ – Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội Bài chòi Bình Định. Ảnh: Phan Đình Trung

Những năm gần đây tại khu vực Nam Trung bộ, hoạt động biểu diễn Bài chòi diễn ra thường xuyên trong các dịp lễ, Tết cổ truyền, sinh hoạt cộng đồng dân cư,… Hội Bài chòi là một trong những hoạt động biểu diễn có ý nghĩa và thu hút đông đảo người dân tham gia nhân dịp Tết đến, xuân về. Lực lượng nghệ nhân Bài chòi cũng dần được trẻ hóa, các thế hệ đi trước đã dành nhiều tâm huyết để sáng tạo, vun đắp cho thế hệ sau. Đến nay, nhiều lớp nghệ nhân, diễn viên Bài chòi không chuyên từng bước nâng lên về số lượng và chất lượng nghệ thuật. Đây là thời điểm thuận lợi để các địa phương phát triển và duy trì nghệ thuật Bài chòi. Các dự án phục dựng nghệ thuật Bài chòi dân gian từ cấp tỉnh, thành đến cơ sở, đồng thời nhiều lớp tập huấn truyền dạy, nhằm nâng cao vốn kiến thức Bài chòi và khả năng diễn xướng của anh/ chị hiệu hô, hát Bài chòi dân gian đã được tổ chức thường xuyên. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi trong thời kỳ hội nhập chắc hẳn đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu và mỗi địa phương cần phải tìm ra hướng đi phù hợp.

Như chúng ta biết, nghệ thuật Bài chòi là tiếng nói, là hơi thở dân gian của người dân các tỉnh, thành Nam Trung bộ. Nhưng thực tế, chỉ một số địa phương duy trì hoạt động theo cách riêng, chủ yếu vào các dịp lễ Tết, hội hè hoặc theo xu hướng du lịch, như: Hội An – Quảng Nam, Quy Nhơn – Bình Định, Tuy Hòa – Phú Yên, Nha Trang – Khánh Hòa,… số địa phương còn lại đã và đang tìm hướng đi cho mình.

Phát triển theo xu thế du lịch là một hướng đi thuận lợi, nhưng làm sao giữ được cái gốc của nghệ thuật Bài chòi mới là mấu chốt quan trọng. Ở lĩnh vực du lịch thì nghệ thuật cần “làm mới” mình để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nói cách khác, khán giả thưởng thức đến đâu thì nghệ thuật đáp ứng nhiều hơn đến đấy. Chính vì vậy, kiểu hô của Bài chòi hiện nay đã chuyển từ hô Bài chòi cổ sang Bài chòi mới có giai điệu âm nhạc, có tiết tấu, hoặc vay mượn các điệu lý để thêm phần sinh động và phong phú, thu hút người nghe kể cả du khách người nước ngoài. Tuy nhiên, hướng phát triển quá đà phần nào làm mất đi giá trị đích thực của Bài chòi cổ, làm thay đổi xuất xứ của Bài chòi dân gian. Hô, hát Bài chòi hiện nay của một vài địa phương có sự vay mượn lẫn nhau theo cách “nhảy rào”, chính là do bất cập về “chọn sư để tầm”, nói cách khác là chọn nghệ nhân địa phương khác để nhân rộng mô hình địa phương mình, chứ không theo hướng tự nhiên lan tỏa của nó.

Có thể nói, Bình Định là một trong những địa phương đại diện đi đầu trong việc nghiên cứu và phục dựng Bài chòi cổ dân gian. Đơn giản và cũng dể hiểu vì Bình Định được xem là nơi hình thành và lan tỏa nghệ thuật Bài chòi dân gian. Nếu không nói là cách hô, hát của Bài chòi Bình Định phát triển theo tự nhiên, từ kiểu hô phôi thai đơn giản là “đọc nhịp” gieo vần thơ bốn chữ, đến cách hô khó hơn theo vần điệu lục bát, sử dụng và chuyển nhiều làn điệu trong câu như điệu: Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò quảng; kiểu hô Hò cán, hát Nam xuân (điệu tuồng) trong dâng thưởng, nên Bài chòi Bình Định đa dạng về trình thức, phong phú về làn điệu.

Vì vậy, nếu hô hát theo cách hiện nay thì chúng ta đang sân khấu hóa văn hóa đời thường, dần dần sẽ biến nghệ thuật Bài chòi dân gian theo hướng hoạt động văn hóa văn nghệ hiện đại, chứ không còn giữ cái hồn cốt mà bản thân của nó đã tồn tại hơn mấy trăm năm. Ví như, hô, hát Bài chòi dân gian lại có dàn dựng múa phụ họa hiện đại; hô, hát đối đáp giao duyên mà diễn hài, thô kệch quá đà; trang phục cách tân, đi giày tây, giày cao gót, áo dài cách điệu, mang đồng hồ, đeo lắc vàng tay… Qua đó cho thấy để giữ gìn văn hóa dân gian là thách thức đầy cam go cần được định hướng đúng đắn.

Vì vậy, việc cần nhất là bảo tồn và làm giàu giá trị di sản chứ không nên lấy nó để “làm giàu” bằng mọi cách. Ví như, hình thức “bài tới” để được dâng thưởng mang ý nghĩa là “cầu lộc, cầu may”, nên tiền đổi thẻ và tặng thưởng chỉ nên mang tính tượng trưng chứ không nên biến nó thành hình thức doanh thu chênh lệch từ việc bán thẻ. Thực tế cho thấy, trong những năm lần đây có hội Bài chòi vì danh thu mà mỗi ván bài phát hành đến 3 hoặc 4 bộ thẻ bài, rồi hô cho nhanh bài tới, dẫn đến việc chất lượng nghệ thuật diễn xướng sơ sài, chưa nói đến việc có trường hợp anh/chị Hiệu rút thẻ bài ưu tiên để người chơi được trúng thưởng… Để thay đổi cách nghĩ, cách làm thì trong đó, chủ thể vẫn là lớp nghệ nhân trẻ cần nên hiểu rõ ý nghĩa của giá trị văn hóa cốt lõi, để cho dòng sông di sản chảy đúng mạch nguồn trong sạch và mang ý nghĩa đích thực của nó.

Cần phải có chính sách phát triển và quan tâm hỗ trợ kịp thời đối với các nghệ nhân. Các nghệ nhân dân gian đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ, trao truyền nghệ thuật Bài chòi nhưng đôi khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn phải lo “tìm kế mưu sinh” đề giữ nghề. Với các nghệ nhân dân gian đã được hưởng các chính sách của Nhà nước, vấn đề không chỉ là trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hằng tháng mà quan trọng là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao? Thiết nghĩ, cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, môi trường hoạt động nghệ thuật, mở rộng hình thức truyền dạy, để họ có thể cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi, một Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

NNƯT NGUYỄN PHÚ (Chi hội Sân khấu)

(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hướng về đồng bào vùng bão lũ

Ngày 11.9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ phát động kêu gọi cán bộ và Nhân dân cùng chung tay góp sức hỗ trợ cho người dân vùng bão lũ…