(VNBĐ – Truyện ngắn). Lời tục truyền rằng hơn năm trăm năm trước, thời vua Chiêm còn ngự ở Đồ Bàn, thì X là nghĩa địa của họ.
Ba cái tục truyền rằng này, nói thiệt, nó năm thực năm hư nghe thì nghe vậy thôi chứ tin thì… Thế kỷ này chuyện vua Chiêm đổi đất lấy giai nhân còn nghe được, chứ biết cả nơi chôn cất của họ nghe sao mà huyền thoại quá. Đúng không?
Ủa vậy chớ dân Chiêm chết rồi chôn ở đâu? Biết bao nhiêu công cuộc khảo cổ đã đổ ra, người ta truy ra nhiều thứ lắm về một quốc gia từng tồn tại hơn năm trăm năm trước. Một số mả bằng đá ong mà dân gian vẫn gọi mả Chàm cùng những ngọn tháp bằng gạch đứng cô đơn trên những ngọn đồi thách thức cùng gió sương tuế nguyệt. Đẹp đến độ mà ông Văn Cao đã xuất thần rằng “Từ trời xanh rơi vài giọt Tháp Chàm”. Nhưng tháp hay mả chi cũng đếm được trên đầu ngón tay, mà mả chưa chắc đã của dân Chiêm. Dân nhà giàu xưa dụng mật đường, vôi và đá ong vẫn ra mả đá như thường.
Lại tục truyền rằng người Chiêm chết là hỏa táng. Bằng chứng là công chúa Huyền Trân nếu không có thượng tướng Trần Khắc Chung thì hài cốt đựng trong bình chứ không có cơ hội về quê cha mà táng trong hàng họ. Nhưng hỏa thiêu là dành cho bậc vua chúa quan quyền, còn lê thứ? Chả có sử sách nào ghi rằng toàn bộ dân Chiêm chết là hỏa táng. Mà nếu hỏa táng hết trọi thì đâu là nơi giam chứa những hũ tro cốt ấy? Nó phải có trong đền thờ miếu mạo. Chưa nói đến dân đầu bờ cuối bãi bụi đời. Thời nào mà không có kẻ vô gia cư và vô đủ thứ vô. Ai hỏa táng cho họ? Vậy chí ít phải có chỗ để vùi cái xác mang cái Vô ấy. Đúng không?
Vậy lời tục truyền rằng Long Mỹ là nghĩa địa của dân Chiêm kể cũng có lý.
Nhất là khi ông nhà nước phát động phong trào đi kinh tế mới.
Lính cộng hòa vừa buông súng trong tay không có cục đất chọi chim. Nghe kinh tế được cấp nhà cửa đất đai liền lên đường. Những tưởng ngon lành như đã định. Rằng thì là chỉ một năm tay cuốc tay cày ta sẽ cơm no và áo ấm. Ngờ đâu đất không đãi người. Chả hiểu làm sao thất mùa liên tục. Dân kinh tế mới bỏ vườn tược lên rừng kiếm ăn. Năm 1978 mới thiệt là thảm thê. Đã thế còn đánh nhau với Khơ me Đỏ và bá quyền. Của cải làm ra phải tất cả cho tiền tuyến. Dân phố còn vàng mắt nói gì kinh tế mới. Mà đã đói thì vô vàn cái ba láp phát sinh.
Thiếu đói lâu quá đương nhiên suy dinh dưỡng, mà đã suy thì bệnh tật tấn công. Chao ôi thuở ấy thuốc men hiếm lắm. Thiên hạ ra đi vì sốt là thường. Dân kinh tế mới nhiều người về đất mẹ vô cùng ảm đạm. Như bà Ngò chẳng hạn. Bà này có hai con trai và một con gái. Thằng lớn đi cải tạo về tội trộm cắp tài sản công dân. Đói rách quá, cả tháng toàn khoai lang củ mì ông con thèm thịt nên thò tay vào chuồng gà bắt trộm. Lần đầu trót lọt. Lần thứ hai bị bắt tại trận. Hai con gà thì chả đáng là bao nên chả có án tích gì, chỉ cải tạo chừng nào tốt thì cho về. Bà Ngò ở nhà qua đời vì bị uốn ván.
Sốt rét rừng khi đã quen nó biến ra nhiều chứng lắm, xơ gan, vàng da, thiếu máu và ghẻ ruồi. Ghẻ chi mà độc ác, gãi đến đâu nó lấm tấm chấm đen đến đó. Bà Ngò đi gặt lúa thuê ngứa quá mới dùng lưỡi hái mà cào. Ngờ đâu bị tê tơ nốt nó quật cho vong mạng. Chết chả nói làm chi vì đời ai chả chết, với lại thiếu đói quá sống vật vờ thì chết quách cho khoẻ thân. Mấy tay liều mạng nói vậy đó. Cái thời ấy giờ nói lại bầy trẻ làm chi tin. Riêng làm không ra cái ăn chúng đã hồ nghi rồi nói gì chết mà không có lấy cái hòm thì lại càng phi lý tợn. Bầy trẻ hỏi rằng Long Mỹ là xứ rừng, dân kiếm ăn bằng than củi vậy gỗ đâu có thiếu mà không ra được cái áo quan? Chúng không hề biết rằng kiếm cái ăn còn không ra thì lấy đâu mà tậu hòm cho người chết. May thay nhà bà Ngò ván ép nhiều lắm. Chả là thời chiến nhà cửa chủ yếu gỗ thông tấp ván ép nên khi lên kinh tế mới người dân tháo mang theo. Bầy trai tráng lột ván ép vá víu cho ra cái hộp nhốt cái xác. Đại khái cũng có cái gọi là hòm. Chả phải bện rơm lại người ta vẫn gọi là hòm rơm đó sao?
Bà Ngò chết nhằm tháng Mười gió Bấc. Mưa đang ngay mùa nên con suối dâng cao cả năm mét nước và chảy bạo cuồng không cách chi khiêng ra cái nơi gọi là nghĩa địa được. Vậy là bọn thanh niên trong xóm hè nhau đào một cái huyệt ở đám đất vô chủ. Thuở ấy đất đai nhiều lắm, đất cát trắng cho còn không thèm nói chi giành. Muốn chôn đâu đó thì chôn. Lúc đào thì trời quang mây tạnh, bắt đầu khiêng đi thì mưa. Xứ nầy không mưa thì thôi đã mưa mù mịt cả tiếng đồng hồ. Dứt hạt thì cái huyệt đã chìm trong nước. Không cách chi tát được để cho áo quan xuống, cả bọn trai tráng đành phải định vị rồi nhảy lên đè xuống. Thiệt là thảm thiết. Thảm lắm. Hai đứa con bà Ngò khóc như ri khi nước ộc vô mấy cái lỗ bên hông áo quan. Ộc ộc ộc, ộc ộc ộc…Đứa con gái tên Thảo khóc rằng răng mà thảm ri mạ ơi… Cái giọng Huế khóc ma giữa mùa mưa gió Bấc nghe sao mà thê thảm quá trời ơi.
Còn nhiều cái chết khác thê lương hơn, thảm thiết hơn và thiên hạ cho rằng họ đang sống ở một vùng đất mà hơn năm trăm trước là nghĩa địa của một dân tộc đã bị diệt vong. Thiệt là ba láp hết sức. Nhưng cái đói, cái bần cùng và sự mê tín đã khiến người ta tin vậy. Rồi họ suy diễn rằng nơi đây ắt có nhiều của nả như bạc vàng châu báu khi chết được táng theo.
Mấy tay lính cộng hòa thất cơ lỡ vận có ba sợi vô bàn rằng:
– Dân Chiêm họ sành bùa ngải như dân Miên vậy. Khi chôn cất của cải họ ếm bùa để thần linh giữ. Mình dân súng đạn đâu biết chi mà mơ được vàng Hời. Thần may mắn đâu có chơi với dân khố rách. Với lại tao nghe nói vàng Hời non tuổi lắm.
– Mày biết gì về vàng mà non hay không non?
– Ba cái vụ đá đồng hay bạc vô vàng để từ hăm bốn còn mười tám hay mười bốn cara con nít còn biết nói chi người lớn.
– Khà khà khà… vậy ra năm trăm năm trước đây dân Chiêm đã biết thế nào là axit clohydric để làm công việc phân kim. Mày nói đếch có khoa học tí nào hết.
– Không phân kim để tách tạp chất thì non tuổi đúng rồi.
– Vậy theo mày tụi Mỹ gắn cái gì trong chân cha Thạch Mun?
Thạch Mun là người Miên đi lính Cộng hòa bị thương ở chân. Ở bệnh viện chả biết người Mỹ làm cái giống gì mà Mun ta đi lại được không cần tó. Mun kể rằng:
– Tao tưởng phải cầm cây ghi ta gắn thêm cái ca trên cần đàn mà hát tôi trở về đây với đôi nạng cây làm kiếp du ca kiếm ăn, ngờ đâu họ xếp xương rồi nẹp lại cả bánh chè cũng thay luôn. Công nhận tụi Mỹ văn minh thiệt.
– Vậy chớ họ nẹp bằng cái gì vậy kìa?
– Thì hợp kim chớ chi.
– Sao tao nghe nói bạch kim?
Kẻ giải thích ra vẻ rất hiểu biết:
– Tụi mày chả biết cái gì cứ nói bừa. Hợp kim là một kim loại đặc biệt, phải công nghệ cao siêu như Mỹ và Liên Xô mới chế tạo được. Nói cho nhanh là nó dùng để làm vỏ mấy con tàu bay vô vũ trụ như Apolo. Người ta cũng dùng nó để nẹp… như nẹp cái chân của cha nội Thạch Mun. Hiểu chưa mấy ông con?
– Vậy mà tao tưởng bạch kim.
– Bạch cái con khẹc. Bạch kim quý hơn vàng. Bọn bây biết nó được chế tạo từ đâu không?
– Dzô cái đi rồi cho anh em biết vụ bạch kim.
– Khà… Rượu đắng quá… bà mẹ nó… toàn mì không.
– Vậy là quý rồi. Gạo không có nấu cơm lấy đâu nấu rượu. Nói vụ kim bạch bạch kim đi.
– Bạch kim là hỗn hợp của kim cương và vàng hai bốn ca ra.
– Mày xạo ke rồi. Bộ bị khùng hay sao mà đem kim cương trộn chung với vàng? Người ta đâu có điên mà xay kim cương ra bột?
– Để con nói cho ba nghe nè. Có hai loại kim cương. Một loại được nhặt ra từ các hầm mỏ trên thế giới. Loại kim cương này sẽ được mài gọt cho ra thành phẩm. Cái còn lại sau mài giũa người ta sẽ cho ra bột hiểu không ông nội? Loại thứ hai là kim cương nhân tạo. Đại khái là người ta luyện thứ trang sức quý giá này, trước để quý phu nhân quyền quý làm đẹp sau phục vụ cho khoa học. Thí dụ như cái chân của cha nội Thạch Mun là một.
– Sao lúc nãy mày nói hợp kim?
– Tao chưa nói hết. Tức là hợp kim dát mỏng ra và bó cái chân sau khi đã xếp xương về vị trí cũ. Cuối cùng dùng vít nẹp chặt. Và mấy con vít đó mới thiệt là bạch kim và cả cái cục bánh chè cũng bạch kim luôn. Cha Mun không có gạo nấu cơm chứ trong chân chả là một gia tài. Cứ mỗi con vít là một chỉ vàng chứ không ít. Nghĩ có của mà không xơi được cũng tức há? Riêng cái cục bánh chè to bằng viên chè xôi nước, bọn mày nghĩ coi nó bao nhiêu lượng vàng?
– Nghe mày nói tự nhiên tao muốn xin cái chân cha Mun quá.
– Quan trọng là bán ở đâu? Ai mua? Thời buổi này ba cái tiệm vàng dẹp hết rồi mấy con. Ai cũng bần nông với bần cố nông. Tư sản bói không ra một mống ai dám mua vàng nói gì bạch kim.
– Mày thiệt là đại ngu. Vậy mấy thằng đi kiếm xác máy bay Mỹ bị rớt trong giao tranh bán bạch kim và vàng ở đâu? Mấy thằng đi đào mả Hời bán của nả ở đâu? Có đầu ra hết mấy ông con ơi.
– Nghe nói trong máy bay Mỹ có vàng và bạch kim hả Bình?
Bình là tên của tay có vẻ hiểu biết. Hắn ta là trung sĩ thời Cộng hòa. Cấp bậc này bắt nguồn từ câu Rớt Tú tài anh đi trung sĩ. Chà. Rớt Tú tài thì trình độ không kém đâu nghe:
– Tụi mày biết không tao đi kiếm xác máy bay và xe tăng với bọn Tí Bờm cũng khá rành vụ này. Nghe nói cái trục nối cách và thân máy bay làm bằng bạch kim. Xạo. Làm chi có. Đó chỉ là hợp kim mà tao đã nói cho tụi bây nghe.
– Bọn mày đục được cái nào không?
– Không. Khi mình đến thì đã có người khác ăn sạch rồi, chỉ còn lại một đống sắt vụn. Đâu có mang về được mà bán ve chai. Xa chết mẹ luôn. Tao có gặp mấy thằng lấy được cục hợp kim đó, nhưng mà xứ mình ai biết dùng vào việc chi, cuối cùng là bán sắt vụn hết ráo.
– Còn vàng ở đâu trong máy bay?
– Nó trong cái bảng chỉ dẫn điện tử chớ đâu. Đại khái là mạ hơi đậm vàng một tí chứ thực ra là đồng thau chiếm đa số.
– Vậy cũng như không… Vậy mày tin mấy con vít trong chân cha Mun là bạch kim thiệt hả?
– Chắc luôn.
– Chả mà chết dám chắc có thằng đi đào mả lên quá.
– Mẹ… nói bậy đi con. Có chuyện là công an còng đầu con à.
Chuyện tưởng giỡn chơi, ai ngờ thiệt mới thấy ông bà cố tổ bọn lắm chuyện. Thạch Mun chết vì sốt. Và ngày mở cửa mả cả thiên hạ kinh tế X tá hỏa.
***
Ở X người ta sợ chết vào mùa mưa lắm. Con suối mùa lũ hỗn như gấu ngựa đâu có khiêng ra nghĩa địa được. Thạch Mun chết vào tháng Năm nắng cháy da người nên được chôn trên đất cao. Nằm ở đó thì đại hồng thủy cũng không sợ ngập. Kẻ còn sống nào cũng mong khi về đất được nằm ở đây. Nghĩa là chớ có dại mà chết vào đông giá.
Riêng Thạch Mun thì quá xá dại khi ra đi vào tháng hạn.
Bọn đào mả trộm kể cũng gan cóc tía. Tối nào xóm giềng cũng đốt mả cho Mun đó chớ. Tập tục mà, ba đêm đầu phải cho linh hồn kẻ về âm cảnh ấm một chút tình. Đêm thứ ba mỏi mệt quá, và cũng hết rượu nên cả tốp đi về, họ nói cũng gần sáng rồi… Vậy mà tám giờ thầy bà và cả người thân của Mun vắt giò lên cổ mà chạy, không phải sợ mà vì thúi quá. Nghĩ mà xem. Mun chết ba ngày mới đi chôn, thêm ba ngày dưới mộ thì không thúi sao được? Chao ôi là cái mùi người chết. Nó kinh khiếp không bút mực nào tả xiết. Tội nghiệp cho mấy ông pháp y. Họ găng tay và khẩu trang cho cái xác trở lại quan tài. Yên rồi bọn trai tráng mới xối rượu lên đầu, lên áo quan, tu ừng ực cả hơi dài thòng mới cho xuống huyệt trở lại. Thật kinh khủng.
Ngay đêm đó mọi đoàn thể từ thanh niên nông dân phụ lão vân vân được họp khẩn cấp. Bí thư Đoàn thanh niên mặt nghiêm trọng như xâm lược đang đến sát bên đít:
– Tốt nhất là anh em nào đó (tất nhiên là chả có chị nhúng tay vô vụ nầy) nên gặp riêng tôi thú nhận để hưởng khoan hồng, nếu không, các anh có lên trời cũng không lọt lưới. Công an hình sự đã rải bột để lấy dấu vân tay tội phạm…
Nhưng lính thua trận đã không sợ thì chớ còn luận:
– Bọn trộm đâu có ngu mà không sử dụng găng tay.
Chả hiểu làm sao mà trung sĩ rớt Tú tài Bình bị triệu tập lên công quyền. Rồi từ Bình thòi ra Sang Méo và Nam Mổ Bụng. Sang và Nam sở dĩ có cái đệm sau tên quái chiêu vậy là do đi lính Sang bị một viên đạn làm vỡ xương quai hàm. Nam thì lủng bụng phải mổ để thay ruột cao su. Ba tay này là những thầy bàn trong vụ cái chân Thạch Mun có bạch kim. Bị mời lên mời xuống cả tuần làm cả chục tờ tường trình mới yên vì ba ông vào cái đêm mả bị đào say khướt nằm nhà không đi đâu.
Cho hay cái lời đồn nó ghê gớm lắm. Thiên hạ Long Mỹ chả biết bọn trộm có lấy được chi trong chân của Thạch Mun không. Ngồi đâu cũng nghe ta bà nói về lòng tham, về sự nhẫn tâm của con người. Và kết luận rằng do đói mà ra vậy, chứ no ai đang tâm đào mả người chết. Nhưng ai là thủ phạm? Trong hay ngoài kinh tế mới ra tay tàn độc vậy? Chắc là ngoài, bởi vì sau đó cả năm tháng dân kinh tế chả thấy ai lên đời. Ai cũng khoai lang củ mì như cũ, ai cũng mơ được một bữa cơm trắng cá tươi.
Đùng một phát Tưởng Lùn loan tin Bình nhặt được một pho tượng cổ.
***
Cũng đùng một phát, lần này như sét nổ giữa trời quang mây tạnh. Chỉ sau ba tháng nhặt được cổ vật, Công an tỉnh đánh xe u oát về tận X cả Bình cả Tưởng Lùn và cả tay Bí thư Đoàn bị còng tay gô lên xe.
Ta bà xứ X chả hiểu chi ráo trọi. Chính quyền X cũng bó tay.
Thêm ba tháng thằng Minh con bà Ngò, còn gọi Minh Ngò trở về sau mười tám tháng cải tạo vụ bắt trộm gà, thiên hạ ở X mới từ bỏ nghề đi đào cổ vật.
Ủa. Sao lại có vụ đào cổ vật ở một miền kinh tế mới vậy kìa? Và sao Minh Ngò về thì họ bỏ?
À… là vầy. Sau khi lượm được một pho tượng cổ trên núi, nghe đâu, lại nghe đâu, pho tượng là một thần nữ Chiêm Thành. Chả biết được bao nhiêu mà đời Bình từ đó sang trang, bảnh như một tư sản chính hiệu con nai vàng. Vì vậy cho nên lời tục truyền rằng X là nghĩa địa Chiêm Thành được củng cố vô cùng vững chắc. Không ai chịu ngồi yên để thần may mắn đến mà đổ xô đi tìm. Thần không tìm mình thì mình tìm thần chứ ngồi đó cho chết à? Ngày nào, người nào cũng cuốc xẻng xà beng đi moi móc. X khi Mỹ còn ở Việt Nam có lập một căn cứ dã chiến, thiên hạ chăm bẳm vô căn cứ này để đào, họ cho rằng đây chính xác là nơi người Chiêm làm nơi chôn cất, không vô cớ mà Mỹ chọn, có mưu đồ hết. Chắc chắn là họ biết dưới đất này có vàng Mỹ có lấy thì cũng sót tí chút, chả phải thằng Bình lượm được đó sao? Vậy là đào. Vàng tuy chả thấy ai được nhưng mà rác thải sinh hoạt thì có. Rác cũng có tiền. Có tiền là có cái đút vào mồm để tiếp tục kiếm cổ vật.
Minh Ngò về là cả X đến chia vui, buồn cũng chia luôn. Mẹ chết hai đứa em bỏ X về quê không buồn sao được? Tù về thì vui rồi. Đại khái là trong vui buồn lẫn lộn. Minh nâng chén rượu vừa chửi thề vừa kể như vầy:
– Tao gặp thằng Nhàn bí thư, thằng Tưởng Lùn và thằng Bình trên K.
– Tụi nó làm chi trên đó?
– Ngó vậy mà ngon lắm nghe. Thằng Bình tham gia tổ mộc nên cũng nhàn nhã. Thằng lùn Tưởng nhờ cái miệng ba hoa xích thố nên trưởng phòng khoái lắm. Đêm đêm nó kể chuyện nên không đến nỗi cực còn thằng Nhàn chung tổ lao động với tao. Ba thằng nầy không ngờ đều là kinh hồn cốc chủ hả tụi bây?
– Kinh sao? Biết thì biết vậy chứ bị bắt về tội gì bọn tao bù trất. Thật không hiểu nổi thằng Nhàn vì sao bị bắt. Đang là Bí thư đoàn cơ hội leo lên cao là có quá.
– Toàn cái thứ cơ hội chủ nghĩa thôi mày ơi. Tao nói thiệt thằng Nhàn biết gì về chủ nghĩa xã hội và con người xã hội chủ nghĩa. Nó bố láo, không nhờ cha nó hồi trước giải phóng đi kiếm ăn trong rừng với cỗ xe bò, tiếp tế cho mấy ông giải phóng để yên mà khai thác lâm sản. Về sau ổng vỗ ngực khoe cách mạng nầy nọ. Sau thống nhất không tình nguyện đi kinh tế mới dễ chi nó được vào đoàn để làm bí thư… Nhưng mà thôi… chuyện đó không phải là vấn đề. Bộ ở đây tụi bây không biết ba thằng nó bị bắt về tội gì à?
– Không.
– Ba thằng nó đào mả ông Thạch Mun.
– Trời đất ơi. Ở đây đâu ai biết gì đâu. Nhưng vì sao bị bắt vậy kìa?
– Để kể cho nghe. Ba thằng nói với tao chả có hợp kim hay bạch kim chi ráo trong chân của ông Mun. Toàn là inox cán mỏng, tức là lời tục truyền rất chi bá láp. Thất bại quá cả ba mới hợp đồng bày ra trò lượm được tượng cổ. Thằng Bình có hoa tay trong việc lấy đất sét tạo hình một pho tượng, nó từng mơ ước trở thành điêu khắc gia mà. Tạo hình xong nó bỏ vô lò than nung cho khô. Sau đó sơn son thếp vàng rồi nhúng xuống bùn là ra cổ vật. Thằng Tưởng uốn ba tấc lưỡi đi tuyên truyền. Bọn mua cổ vật lậu bò lên X là thằng Nhàn bí thư ra mặt liên hệ. Tụi mày nghĩ coi tụi nó dàn cảnh trong ấm ngoài êm không?
– Nhưng tụi buôn cổ vật lậu đâu phải tầm thường?
– Vậy mà vẫn bị lừa. Và tụi nó vô lao là một bằng chứng. Thằng Bình kể với tao…
Tạo hình xong pho tượng bằng đất sét, Bình lấy mấy miếng inox trước đây nằm trong chân của Thạch Mun cắt cho pho tượng một vòng bụng. Hai bắp tay cũng hai miếng. Hai cổ tay của bà thánh mang hai vòng đồng cắt lại từ cái vòng trên thân đạn B40, cần cổ cũng một cái. Trên đầu bà thánh đội cục… bánh chè. Móng tay cong vút được đắp bằng đồng dát mỏng. Đồng nầy là trong cái bảng điện tử của máy bay trực thăng bị rơi trong chiến tranh mà Bình có trong thời gian đi kiếm xác máy bay. Khi luyện qua sức nóng của lò than suốt một tuần, cả đồng cả inox bám chặt vô đất sét. Bình nghiên cứu rất kỹ mấy loại tượng nầy nên chữ nghĩa ngoằn ngoèo như giun bò cũng có luôn. Quan trọng nhất là mấy ký tự biểu hiện niên đại, tuy nhúng qua bùn nhưng vẫn… thấy được. Và đó là một pho tượng từ thế kỷ mười lăm.
Đầu nậu đến tìm bởi lời tục truyền xa lắm. Tưởng đề nghị mấy tay buôn nên quan hệ với Nhàn bí thư cho yên những giao dịch loại bất hảo. Vậy là Nhàn và Tưởng được mời đi quán xá đầu tiên. Bọn mua cổ vật lậu sộp lắm, họ biết mua con người, nhất là dân đói khổ chẳng chi qua tiền nên chả ngại phong bao. Hết thằng này đến thằng khác đến nhưng Bình chỉ cho coi chứ không cho sờ. Vậy mới kích thích, bằng mắt thường thì ai luận được giả chân? Cả ba cứ tàn tàn nhặt hoa rơi. Chủ yếu hoa rơi thôi chứ bán coi chừng chết với bọn buôn cổ vật. Bình nhá xèng rằng có người đòi mua với giá mười lăm cây vàng nhưng anh ta chưa chịu. Trong giới này có lắm thằng liều mạng. Một hôm có thằng được Bình cho mục kích bằng kính lúp. Xem xong nó ra giá chục cây vàng. Đồng ý là tiền trao cháo múc. Mua rồi khỏi trả lại.
Tối mắt vì vàng. Tiền còn tối nói chi vàng. Tay buôn là hình sự trá hình. Cả ba bị lôi về để điều tra.
Không sợ bởi giao dịch tuy thành nhưng chưa nhận xu ten nào. Cùng kiệt lắm thì bị phạt về tội lừa. Tội nầy thì cũng chẳng nặng nhọc chi:
– Vậy sao tụi nó lên K?
– Thì vụ đào mả Thạch Mun.
– Chắc bị thoi nên phải khai chứ gì?
– Thằng Bình nói nó không bị thoi cú nào, nhưng mấy tay điều tra chơi một đòn còn độc hơn thoi.
Họ cho cả ba chung một phòng rồi cột hai tay bằng dây dù treo vào một cái móc trên trần phòng, chỉ đầu ngón chân chạm nền. Mới một tiếng đồng hồ Tưởng Lùn chịu không nổi nên xin khai. Mỏi quá. Tưởng khai mấy miếng inox từ đâu mà có.
Nhàn và Bình cũng khai luôn cho rồi.
NGUYỄN TRÍ