(VNBĐ – Bút ký dự thi). Những ngày mưa gió, chứng kiến những con sóng bạc đầu lừng lững ập vào bờ biển Quy Nhơn, bất giác tôi lại hướng mắt ra khơi xa, nơi có ngọn hải đăng thao thức trên đảo Nhơn Châu, để nhớ những câu chuyện về chiến sĩ Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh, hình dung lại những khuôn mặt rắn rỏi, sạm đen vì nắng gió, lại bồi hồi …
Mùa mưa bão, khi những con tàu tải trọng lớn cũng phải vội vã tìm nơi trú ẩn, thuyền nhỏ và tàu đánh cá phải neo chặt nơi tránh trú an toàn, thì những khó khăn của quân và dân xã đảo Nhơn Châu lại tăng lên bội phần. Trong buổi gặp gỡ đầu năm tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tôi đã cố tìm mà không gặp được “người quen” từ Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh. Hỏi thăm mới biết do sóng lớn biển động, thuyền không thể vào bờ nên anh em đành vắng mặt trong buổi lễ mừng công.
***
Chuyến đi này là lần thứ hai tôi đến cùng xã đảo Nhơn Châu. Chuyến trước, cũng rất lâu rồi, khi đó tôi còn là cậu phóng viên trẻ lơ ngơ, ngồi trên tàu biên phòng tháp tùng các vị lãnh đạo tỉnh Bình Định ra thăm xã đảo để khảo sát các lợi thế có thể khai thác ở nơi đây. Cảm giác đầu tiên sau hơn một tiếng lênh đênh trên biển để rồi được đặt chân trên dải cát Cù Lao Xanh thật là khó tả khi mặt đất chao đảo dưới chân mình. Xã đảo với diện tích khiêm tốn này lại có mỏ đá granite. Tuy nhiên, câu chuyện về khai thác tiềm năng ấy mãi mãi không thành hiện thực vì phải giải bài toán khó về đường vận chuyển và nguồn tiêu thụ. Nên kỷ niệm của chuyến đi năm ấy trong tôi chỉ là những mái tôn nóng hầm hập, những bãi cát mênh mông và dự án làm kinh tế dang dở.
Lần này, tôi đến với Cù lao Xanh, chọn đi trên đò dân sinh, để trải nghiệm trọn vẹn hơn hành trình thường ngày của bà con nối kết đảo với đất liền. Sóng yên biển lặng thì đò cũng chạy mất hai giờ mới đến nơi. Đón chúng tôi là đơn vị bộ đội của Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh.
Xã Nhơn Châu giờ đã bê tông hóa toàn bộ khu cầu cảng và nhà cửa đã khang trang hẳn, có dàn xe đưa đón khách du lịch và rất nhiều xe máy, hoàn toàn khác với một xã đảo hoang sơ năm xưa… Cảnh vật biến đổi, khách du lịch đã rộn ràng trên xe đưa rước. Chỉ có ngọn hải đăng trăm năm vẫn nguyên đó.
***
Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh ngoài những quân nhân chuyên nghiệp là người con gắn bó nơi xã đảo “thâm niên” hàng chục năm, thì Ban Chỉ huy đại đội gắn bó với đảo ít nhất cũng 3 – 4 năm trời. Sĩ quan chỉ huy lớn tuổi nhất cũng mới qua tuổi 30, nghĩa là khi tôi ra Nhơn Châu lần đầu tiên cách đây 35 năm, các em còn chưa sinh ra!
Tôi thật bất ngờ với sự khang trang và ngăn nắp trong khuôn viên đơn vị. Khu vực từ cổng vào tòa nhà trung tâm của Ban Chỉ huy đại đội rợp bóng cây xanh, chủ yếu là bàng – loại cây có sức chịu đựng gió cát và sự khắc nghiệt của vùng biển. Các dãy nhà hai bên là nơi đóng quân của các trung đội bộ binh, trung đội hỏa lực, tiểu đội thông tin… nhìn rất sạch sẽ, ngăn nắp. Ấn tượng đầu tiên về Ban Chỉ huy đại đội là sự trẻ trung năng động và chững chạc tác phong quân nhân. Có một điểm chung là từ chỉ huy đến chiến sĩ ai cũng có nước da rám nắng, tưởng như chất muối mặn và nắng gắt đã quyện vào làn da thớ thịt.
Những quân nhân chuyên nghiệp gắn bó với đảo hàng chục năm như thiếu tá Thương – thông tin, đại úy Thúy – chị nuôi là dân địa phương, làm cầu nối giữa đơn vị với Nhân dân. Thiếu tá Tuấn – quân y vốn là chiến sĩ quê Phù Mỹ, đã bén duyên với người xã đảo, tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội. Bởi vậy, Đại đội cũng thuận tiện trong việc nắm thông tin, biết rõ những hoàn cảnh khó khăn, những địa chỉ cần giúp đỡ. Mối quan hệ đặc biệt này khiến cho tình cảm của nhân dân với anh em trong đơn vị càng thêm bền chặt. Khi chúng tôi được đơn vị đưa đi tham quan ngang qua khu dân cư, được mọi người vồn vã chào hỏi thân tình như người nhà, vì từ lâu chiến sĩ đơn vị cũng được dân yêu quý như con cái họ.
Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh có sự hợp thành của nhiều bộ phận và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo. Trò chuyện cùng chỉ huy đơn vị, tôi hiểu thêm những gian truân của anh em nơi đầu sóng ngọn gió, cũng như những nỗ lực của toàn thể cán bộ sĩ quan chiến sĩ để xây dựng đơn vị vững mạnh, từng bước trưởng thành trong quân ngũ. Hàng năm, đơn vị luôn có sự biến động về quân số do các em ra quân và bổ sung nên Ban Chỉ huy cũng tiến hành phân loại chiến sĩ năm thứ nhất, năm thứ hai để có sự hỗ trợ lẫn nhau, quán triệt tình thương yêu đồng chí đồng đội.
Khác với các đơn vị đóng quân trên đất liền, việc thăm hỏi động viên của thân nhân rất hạn chế, chủ yếu là vào dịp hè do tránh mùa mưa bão. Chính trong điều kiện trắc trở như vậy, tình cảm đồng chí đồng đội càng thêm mật thiết. Chỉ huy các cấp nắm bắt từng đồng chí qua quá trình sinh hoạt, hiểu rõ tâm tư tình cảm từng cá nhân, đôn đốc nhắc nhở trong quá trình huấn luyện, sinh hoạt, lễ tiết tác phong, giúp anh em trưởng thành trong suy nghĩ và hành động.
Cái nóng ở Cù Lao Xanh phần nào được xoa dịu đi bởi không gian sóng nước, nhưng khuôn viên đơn vị lại nằm giữa thung lũng núi đá nên cứ hầm hập nung người. Chỉ cần bước ra ngoài là người nhớp nháp mồ hôi, da rin rít. Trung sĩ Trọn rất hồn nhiên kể với chúng tôi: “Tụi con đi tập về nhiều khi mệt không ăn nổi, nhất là với lính mới”. Trọn được đi học 6 tháng ở Đà Nẵng sau thời gian huấn luyện tân binh, rồi được phân công ra đảo, thuộc dạng lính cựu nên rất hiểu và thông cảm, chia sẻ cho các tân binh. Ngược với lính mới, có anh sút 4-5 ký, Trọn lại lên cân vì tập luyện quen rồi thì ăn khỏe, vả lại đơn vị có sẵn nguồn rau xanh tự tăng gia, mua thêm gà, lợn từ đất liền, còn các loại hải sản thì sẵn có ở vùng biển này rồi! Nắng nóng, sương muối, mưa dầm, hứng các cơn áp thấp, bão là chuyện tất yếu được nếm trải khi là lính đảo, nên gian khổ là khái niệm của người nơi khác đến, còn trải nghiệm lâu, chiến sĩ ta coi như bình thường! Người thân ban đầu ra thăm thì xót xa, lo lắng nhưng một thời gian sau lại mừng vì con cái rắn rỏi, khỏe mạnh hơn!
Trong không khí thân tình cởi mở, các sĩ quan chỉ huy không ngần ngại bộc bạch chuyện riêng tư, và tôi cảm nhận được niềm vui đời chiến sĩ từ chính những hé lộ thú vị! Câu chuyện của Trí có thể xem như một hướng lựa chọn khá lý tưởng với những quân nhân muốn gắn bó lâu dài trong quân đội. Ban đầu, cũng như bao thanh niên tốt nghiệp THPT, Trí đã theo học bốn năm Đại học TDTT, tốt nghiệp năm 2017. Năm 2018, nhập ngũ về Đại đội trinh sát, Trung đoàn 739. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, Trí đã được gia đình động viên và bản thân cũng trải qua sự cân nhắc lựa chọn tương lai. Lớn lên từ một gia đình quân nhân nên em hiểu rõ sự khắc nghiệt gian khổ của đời sống quân ngũ, nếu xác định tư tưởng không vững sẽ không theo nổi con đường binh nghiệp. Thời buổi kinh tế thị trường, muốn ổn định đời sống thì chắc chắn kinh tế gia đình trong và ngoài quân đội có khoảng cách lớn. Nhưng chính những ngày tháng chiến sĩ đã giúp Trí nhận ra tinh thần trong quân đội có sự gắn kết đồng chí đồng đội để vượt lên khó khăn gian khổ, dẫu ngoài công việc còn thêm trở ngại trong đi lại ăn ở, nhưng đó chỉ là vài gợn tâm tư không đáng kể. Vì vậy, Trí đã chọn lựa học văn bằng 2, được Bộ Chỉ huy tạo điều kiện ôn tập và đậu vào Học viện Lục quân 2 trở thành sĩ quan. Trở về Trung đoàn 739 làm trung đội trưởng tham gia công tác huấn luyện một năm thì đến tháng 7 năm 2021 ra đảo. Đáp ứng nhiệm vụ mới, một lần nữa Trí lại khăn gói lên đường học lớp Sĩ quan chính trị và vừa tốt nghiệp được một năm. Quá trình phấn đấu rèn luyện không ngừng của người chỉ huy trẻ tuổi thật sự tạo nguồn cảm hứng cho anh em chiến sĩ muốn phục vụ lâu dài trong quân đội.

Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh phần lớn trong độ tuổi thanh niên, vì vậy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên hết sức quan trọng để tìm kiếm, phát hiện những nhân tố tích cực phát triển phong trào thi đua. Tổ chức Đoàn trong quân đội có những đặc thù riêng, tạo môi trường rèn luyện lý tưởng cho chiến sĩ trưởng thành và thật sự có quãng đời thanh xuân tươi đẹp. Ban Chấp hành Đoàn đã triển khai mô hình tổ ba người trong hoạt động đoàn, phối hợp nhịp nhàng ăn ý trong mọi hoạt động của đơn vị. Chúng tôi rất ấn tượng với các công trình mang dấu ấn của Đoàn. Không chỉ là những công trình thanh niên phục vụ cho anh em trong Đại đội, mà còn gắn với phục vụ dân sinh, hỗ trợ Nhân dân và mang ý nghĩa tuyên truyền, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân. Mỗi năm một công trình: Vườn ươm thanh niên cây hoa giống, Giàn lan thanh niên, Khu vực hớt tóc cho thanh niên. Đặc biệt công trình Nhà chờ đò ở bãi Bấc năm 2023, xuất phát từ nhu cầu bà con Nhơn Châu vào mùa gió đò không vào bên Nồm được, nên đơn vị đã huy động tối đa nhân lực tạo thành nơi cho bà con trú tránh nắng mưa chờ đò.
Ở Đại đội có một phòng truyền thống mang tên Bác Hồ, là nơi họp giao ban, triển khai nhiệm vụ huấn luyện từ Ban Chỉ huy đến các trung đội, tiểu đội, cũng là nơi trưng bày các hình ảnh, pano tuyên truyền về truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, hoạt động của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Đồng thời cũng là thư viện với sách báo, tạp chí thường xuyên được anh em chiến sĩ trong đơn vị đọc. Ở đây, nhu cầu đọc là rất lớn vì không có các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng internet, wifi như đời thường. Nhiều hoạt động văn hóa tinh thần thường xuyên được duy trì, trở thành nền nếp của đơn vị. Ban Chỉ huy luôn tạo điều kiện cho anh em nâng cao trình độ, tìm hiểu thông tin qua các kênh chính thống. Buổi tối có các buổi sinh hoạt ở cấp trung đội, tiểu đội xem chương trình thời sự, quốc phòng. Ở đây, trong việc thực hiện điều lệnh, chấp hành nghiêm kỷ luật trong quân ngũ, nên trong các giờ nghỉ giữa giờ khi luyện tập, sách báo là nguồn thông tin quý báu. Một điều đáng mừng trong Đại đội, một số anh em có trình độ đại học, cao đẳng, có nhiều chiến sĩ quê ở miền núi, vùng sâu vùng xa nhưng trình độ chung đều đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, việc học tập nâng cao trình độ, tinh thông chiến thuật, nắm vững việc sử dụng vũ khí khí tài hiện đại rất thuận lợi. Bên cạnh đó, hàng năm Ban Chỉ huy nắm bắt nhu cầu phục vụ lâu dài trong quân đội, tạo điều kiện cho anh em đăng ký sĩ quan dự bị, thi vào các trường quân sự. Những dịp sinh hoạt trên thao trường, diễn tập bắn đạn thật, hành quân… luôn luôn có cán bộ động viên nhắc nhở, cùng chia sẻ.

Chúng tôi có dịp quan sát hoạt động của chiến sĩ trong thời gian cùng sinh hoạt và dễ nhận ra ở mỗi người đều có ý thức tự giác rất cao. Giờ nghỉ, luôn thấy có các chiến sĩ bận rộn quét dọn, nhổ cỏ, tưới cây. Chỉ tiêu đặt ra 8 kg rau/người, các trung đội, tiểu đội chia khu vực tăng gia sản xuất. Trồng trọt, chăn nuôi tận dụng mọi vị trí trồng tự cung tự cấp, bổ sung khẩu phần cho đơn vị. Thời gian tại ngũ của chiến sĩ chỉ có hai năm, nhưng những gì được học tập rèn luyện có thể nói là vốn quý quân đội tích lũy cho từng người. Bộ đội được bà con khen làm gì cũng giỏi, nhưng có ai biết đâu anh em vừa tự làm tự học hỏi từ dân, từ những người có kinh nghiệm. Nuôi heo, heo ốm heo chậm lớn cũng phải hỏi, phải tìm thuốc chữa. Gói bánh thì người trước dạy người sau để cùng làm ra những phần bánh chưng bánh tét vuông vức chắc tay tặng bà con ăn Tết. Thanh niên địa phương thì thường xuyên giao lưu thi đấu thể thao với các đơn vị quân đội, biên phòng, công an… thành phong trào.
Lính đảo nói chuyện thật thà chân chất, dù nắng mưa sương gió đã “lì đòn” nhưng khi được phỏng vấn lại bẽn lẽn rụt rè như mấy học trò lúc trả bài! Chiến sĩ Phạm Tố Bảo, quê Nhơn Bình, học đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh đến năm thứ tư thì nhập ngũ, ra đảo được 2 tháng sau thời gian huấn luyện tân binh đã tâm sự: “Hồi ở nhà con chỉ biết học, phụ giúp việc nhà. Ra với đơn vị, con rèn luyện được tính kỷ luật và học được nhiều thứ. Tham gia hoạt động đoàn tại đơn vị, qua một buổi sinh nhật đồng đội, con cảm nhận sâu sắc hơn tình đồng chí đồng đội…”. Bảo cao 1m81, nặng 70kg, dáng vẻ thư sinh, khi trở thành chiến sĩ đại đội hỗn hợp, đủ thời gian nếm trải nắng gió dầu dãi trên bãi tập, thao trường… Gia đình ra thăm cứ xuýt xoa vì con trai giảm đến 20kg so với lúc còn huấn luyện tân binh. Có năng lực ngoại ngữ, Bảo mơ ước sau khi hết nghĩa vụ sẽ hoàn thành trả nợ môn tiếng Nhật để có cơ hội phát triển, vì vậy anh chàng lính trẻ này tranh thủ thời gian rảnh rỗi nghỉ giữa giờ ở thao trường, những buổi lên thư viện để miệt mài học tập, luyện viết. Đơn vị cũng phát hiện ra năng lực, bố trí công việc đòi hỏi trình độ cao giúp Bảo nhanh chóng hòa nhập môi trường ở đảo. Chuyện của Bảo chỉ là một minh chứng tiêu biểu cho quá trình trưởng thành của anh em chiến sĩ, sự gắn kết cán bộ – chiến sĩ, ai cũng có điều kiện cơ hội phát huy phẩm chất năng lực, rèn luyện phấn đấu, an tâm cống hiến sức trẻ, hòa nhập nhanh chóng chiến sĩ cũ – mới…
Đi dạo trên những con đường bê tông quanh xã đảo, không khó nhận ra những dấu ấn công trình thanh niên có sự phối hợp giữa địa phương và đơn vị. Câu chuyện của đồng chí Phó Bí thư đoàn xã Nguyễn Xuân Hiển và của Thượng úy Nguyễn Minh Trí – Bí thư Chi đoàn Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh về sự phối hợp quân dân một ý chí có thể kiểm chứng bằng con đường lên Cột cờ đảo Thanh niên hoàn thành từ năm 2014. Tôi hình dung những khoảnh khắc chiến sĩ, sinh viên tình nguyện, thanh niên địa phương hào hứng chuyển từng bao cát, xi măng, can nước lên dốc cao để giờ đây du khách có thể dễ dàng lên tận Cột cờ, ngắm lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh bay phấp phới bên ngọn hải đăng sừng sững! Những con đường dẫn vào xóm có những bích họa tươi tắn tuyên truyền du lịch, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo. Sinh hoạt chính trị ở đơn vị có sự phối hợp tham gia ở địa phương, rộn vang lời ca tiếng hát, tiểu phẩm cây nhà lá vườn của những hạt nhân văn nghệ với những chủ đề tìm hiểu nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật thật sôi động làm chúng tôi như được truyền cảm hứng đậm chất thanh xuân từ những con người trẻ trung năng động.
***
Quy Nhơn mùa này, thời tiết thất thường, biển mới hiền hòa đã đỏng đảnh. Sóng vẫn cứ cuồn cuộn làm khó cho những chuyến du hành ra Nhơn Châu… Giờ trở về đất liền tôi vẫn đọc tin tức về đơn vị trên Fanpage, vui mừng khi thấy những gương mặt thân thương trong các hoạt động huấn luyện, sinh hoạt. Tôi thầm mong trời yên biển lặng để lại có dịp đến với Nhơn Châu. Có lẽ thời điểm ấy, đơn vị lại được bổ sung tân binh và có những chiến sĩ hoàn thành xong nghĩa vụ trở về địa phương. Sẽ lại có những buổi luyện tập miệt mài, những hoạt động đầy ý nghĩa trong một năm nhiều sự kiện lớn của đất nước. Bất chợt, tôi nhẩm theo giai điệu hào hùng Hành khúc Đại đội đảo Cù Lao Xanh được anh em trong đơn vị hát vang trong đêm diễn đàn của Đại đội, giờ lại vượt trùng khơi vang lên lần nữa trên trang “Lá chắn biển khơi” của đơn vị: “Ta là người chiến sĩ trên đảo Cù Lao Xanh, sóng biển gọi lòng ta dậy sóng mãnh liệt, gió đưa hồn ta qua từng đêm vắng, canh giữ bình minh trong biển cả bao la…”. Những cán bộ chiến sĩ vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, chắc chắn dù ở đâu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, xứng danh người lính trưởng thành từ đảo tiền tiêu!
TRẦN HÀ NAM