Triển lãm “Bình Định theo dòng lịch sử”

(VNBĐ – Tiêu điểm). “Bình Định theo dòng lịch sử” là chủ đề triển lãm do UBND tỉnh Bình Định và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp thực hiện, diễn ra vào ngày 28.8.2023 theo hình thức trực tuyến trên nền tảng internet. Triển lãm giới thiệu đến công chúng khoảng 400 tài liệu, tư liệu đặc sắc được lựa chọn từ hàng nghìn trang tài liệu, tư liệu sưu tầm của các lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng thuộc tỉnh Bình Định, các Viện Nghiên cứu và nguồn tư liệu quý do các cá nhân chia sẻ…

Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho biết năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, quản lĩnh 3 phủ, 9 huyện. Phủ Hoài Nhơn (Nhân) quản lĩnh ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

 

Triển lãm gồm ba phần:

Phần I: Từ cội nguồn văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa

* Sa Huỳnh: Năm 1934, nữ học giả Madeleine Colani được Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp phái đến tỉnh Quảng Ngãi tìm hiểu “một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven biển vùng Sa Huỳnh”. Sau đó, tiếp tục mở rộng địa bàn khảo sát sang vùng Hoài Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, bà đã phát hiện tại đây hai khu mộ chum phong phú, có giá trị về mặt nghiên cứu.

Từ đó đến nay, đã có nhiều di tích được phát hiện, dần hé lộ cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh (hình thành từ cách đây khoảng 3.000 năm) trên đất Bình Định.

* Chămpa: Bình Định là vùng đất cổ gắn liền với lịch sử của vương quốc Chămpa dưới thời Vijaya (999 – 1471). Đây từng là kinh kỳ, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc Chămpa ở miền Trung Việt Nam.

Hệ thống di sản văn hóa Chămpa ở Bình Định phong phú, đa dạng và độc đáo, gồm thành lũy, đền tháp, điêu khắc, cảng thị và các khu sản xuất gốm.

Dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đến nay vẫn còn đó trước thử thách của thời gian.

Sau những biến đổi bể dâu và những thăng trầm lịch sử, vùng đất hiểm yếu này trở thành phên giậu phía Nam của quốc thổ Đại Việt.

Châu bản triều Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) có nội dung: tập tâu của tỉnh Bình Định trình công việc đắp lại pháo đài Hổ Cơ đã hoàn thành. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Phần II: Từ phủ Hoài Nhơn đến trọng địa phía Nam Kinh thành

* Hào khí Tây Sơn: Hầu hết tài liệu thời Tây Sơn không còn, chỉ có những ghi chép rải rác trong sử sách. Điều đáng chú ý là, dù bị sử gia triều Nguyễn coi là “ngụy” nhưng Hoàng đế Quang Trung lại được mô tả và thuật lại như một con người phi thường. Bằng những lời lẽ không giấu sự nể phục, sử triều Nguyễn đã làm toát lên khí phách, mưu lược, tài năng của người anh hùng kiệt xuất Quang Trung Nguyễn Huệ.

Những năm gần đây, bên cạnh kêu gọi nhìn nhận về triều Tây Sơn một cách toàn diện, đa chiều, các sử gia trong nước và ngoài nước vẫn gặp nhau ở quan điểm thống nhất ghi nhận đóng góp lớn lao của triều đại này, vai trò của anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ, đặc biệt coi “hào khí Tây Sơn” là “di sản” quý giá cần được tiếp tục kế thừa, phát huy.

Lính Tây Sơn. Tranh của William Alexander, một thành viên của phái bộ Huân tước McCartney năm 1793. Hình vẽ cho thấy trang phục và vũ khí của binh sĩ Tây Sơn. Theo “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” của tác giả George Dutton, Lê Nguyễn dịch và giới thiệu.

* Trọng địa phía Nam: Với khối tài liệu lưu trữ đồ sộ hiện bảo quản tại các lưu trữ quốc gia, đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, diện mạo của vùng đất Bình Định được góp phần soi tỏ.

Kể từ khi Vua Lê Thánh Tông sáp nhập vùng đất Chiêm Thành vào cương thổ Đại Việt (1471) đến khi trở thành trọng địa phía Nam Kinh thành dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), trải qua gần 500 năm, vùng đất Bình Định đã qua nhiều biến thiên đồng thời tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Trong đó nổi bật là trường thi văn, trường thi võ; hoạt động giao thương; chính sách của triều đình đối với vùng đất này; biến động thời Pháp thuộc và phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX…

Phần III: Từ mảnh đất “thành đồng” duyên hải Nam Trung bộ đến điểm sáng hội nhập, phát triển

* Kháng chiến chống Pháp: Trong Kháng chiến chống Pháp, Bình Định là địa bàn chiến lược cả về kinh tế, quân sự, là tỉnh tự do trọn vẹn của Liên khu V, là vùng hậu phương quan trọng trong cuộc kháng chiến của miền Nam Trung bộ, trực tiếp là Gia Lai – Kon Tum. Bình Định thực thi song song nhiệm vụ chiến lược vừa chiến đấu, vừa xây dựng hậu phương. Guồng máy kháng chiến nơi đây luôn sôi động, hối hả. Trong hoàn cảnh chiến trường bị chia cắt, phong trào xóa nạn mù chữ, phong trào sản xuất “tự cấp tự túc” vẫn diễn ra sôi nổi, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và kịp thời cung ứng cho chiến trường khu V, đồng thời lập nhiều chiến công oanh liệt đánh bại các cuộc càn quét của quân Pháp lấn chiếm vùng tự do. Quân dân Bình Định đã bảo vệ vững chắc hậu phương và góp phần quan trọng cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc Kháng chiến chống Pháp.

* Kháng chiến chống Mỹ: Trong Kháng chiến chống Mỹ, Bình Định luôn là chiến trường nóng bỏng, có thời điểm ở Bình Định, cố vấn Mỹ được huy động tăng lên gấp đôi, tập trung mở các cuộc càn quét đánh phá dữ dội, cùng hàng loạt vụ tàn sát đẫm máu của quân Nam Triều Tiên. Tiếp nối truyền thống của mảnh đất “thành đồng”, quân dân Bình Định đã nỗ lực đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của địch (tố cộng diệt cộng, ấp chiến lược, tìm diệt, bình định…) và liên tục lập kỳ tích, lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần xuất sắc cùng miền Nam nói riêng và cả nước nói chung kết thúc thắng lợi cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

* Bình Định ngày nay: Những năm gần đây, Bình Định đã có sự bứt phá toàn diện. Phát huy “hào khí Tây Sơn”, tinh thần tự lực tự cường, tỉnh Bình Định đang vươn lên, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung và trở thành một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đồng thời, phát huy những giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc trưng của vùng “đất võ, trời văn” và bảo tồn giá trị tốt đẹp của người Bình Định.

Triển lãm bắt đầu diễn ra từ ngày 28.8.2023 tại:

– Website Trung tâm Lưu trữ quốc gia I: https://archives.org.vn

– Fanpage Trung tâm Lưu trữ quốc gia I: https://facebook.com/luutruquocgia1

– Website Sở Nội vụ tỉnh Bình Định: snv.binhdinh.gov.vn

– Website Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định: ttltls.snv.binhdinh.gov.vn

P.V

(Theo https://archives.org.vn)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…