Trên từng nhịp gõ T’rưng…

(VNBĐ – Bút ký). Đời tre nứa phụng sự, T’rưng đã là một phần ký ức của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh. Để rồi lặng vào đâu đó trong từng nhịp gõ, từ những thân tre, lồ ô thô mộc, qua đôi bàn tay tài hoa biến ảo, chúng đã cất cao giai điệu để chia sớt bao vui buồn, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.

Đời nứa đời người
Đàn T’rưng là loại đàn thuộc bộ gõ, được làm từ tre nứa, lồ ô. Người Bana quan niệm, cứ mỗi ống nứa, lồ ô trên cây đàn là có một vị thần trú ngụ. Các thần sẽ giúp xua đuổi những điều dữ. Không gian hay được trình diễn T’rưng là nơi thoáng đãng ngát xanh cây lá, để tiếng của T’rưng cộng hưởng với đất trời. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh cho hay, với người Bana Kriêm tại Vĩnh Thạnh, đàn T’rưng được sử dụng những dịp lễ hội, mừng lúa mới, hoặc những cuộc gặp với bạn bè, gắn kết cộng đồng. Nên những thập niên trước, người Bana hay dùng loại nhạc cụ này cùng với cồng chiêng mang ra trình tấu, hợp xướng lên những giai khúc tươi vui.

NNND Đinh Chương (làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) là “bậc thầy” về chế tác và biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ông giới thiệu cho tôi nhiều loại nhạc cụ mà người Bana hay sử dụng như đàn Blơng khơng, đàn Goong, đàn Hơ đong, Đing Dút, sáo Tà lía, sáo Ola… Thế rồi, ông dừng lại lâu hơn ở đàn T’rưng, chỉ cho tôi xem từng chi tiết một rồi cẩn thận gõ vào từng thanh lồ ô để xem lại âm thanh đã chuẩn hay chưa. Sau đó, ông lên khung, cân chỉnh các thanh và bắt đầu gõ đều trên những thân lồ ô kia. Tôi vô cùng thích thú với loại nhạc cụ thoạt nhìn được chế tác đơn giản này lại cho ra những âm thanh quyến rũ như vậy. Và thầm hiểu vì sao, cô gái Kumiko trong một câu chuyện tôi đọc được đã mê mẩn tiếng đàn T’rưng đến thế. Cô du học sinh người Nhật này đã dụng công học cách chơi đàn T’rưng để đưa nhạc cụ này về xứ sở hoa anh đào biểu diễn, chia sẻ cùng bạn bè và công chúng nước mình. Khi nghe tôi nhắc đến câu chuyện này, già Đinh Chương vui mừng: “Điều đó thật tuyệt vời. Vì người chơi đàn đã tìm thấy được sự đồng điệu với T’rưng. Chỉ cần chính người Bana cũng yêu thích T’rưng và chú tâm muốn học hỏi như cô gái người nước ngoài kia, thì thật đáng quý biết bao…”.

Nhớ tiếng T’rưng, nhớ những nghệ nhân làng, tôi nhiều lần về Vĩnh Thạnh. Lần trở lại này, tôi được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh đưa đến gặp Đinh Văn Đem (sinh năm 1970, ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), là nghệ nhân mà ông đánh giá là người chơi đàn T’rưng nhuần nhuyễn, truyền cảm hàng đầu hiện nay của Vĩnh Thạnh. Nhà Đinh Đem nằm ngay cạnh con suối Tà Má nơi có những dải cây bông trang chen nhau chật kín hai bên bờ. Lúc chúng tôi đến, Đinh Đem không có nhà. Con trai của anh gặp chúng tôi, lễ phép chào hỏi và chạy ù đi gọi cha mình. Chỉ mươi phút sau, Đinh Đem trở về. Anh di chuyển vào nhà bằng đôi bàn tay thô nhám gầy guộc. Đã mấy mươi năm nay, người đàn ông bại liệt hai chân ấy vẫn di chuyển như thế…

Cái dáng người mảnh khảnh kia có đôi mắt thật sáng, nụ cười đôn hậu hiền lành. Số phận đã lấy đi của anh đôi chân nhưng đã cho anh đôi bàn tay tài hoa khéo léo, cho anh cái tai thính nhạy, cái trí nhớ tốt để chỉ cần nghe bài hát nào đó đôi ba lần, anh có thể gõ lại bằng đàn T’rưng thuần thục, khiến người nghe say mê. Anh cũng chính là nhạc công T’rưng số một hiện nay mà huyện Vĩnh Thạnh tin tưởng lựa chọn tham gia Ngày hội VHTT các DTTS miền núi các năm. “Lần tổ chức Ngày hội các DTTS này tại Vĩnh Thạnh, mình cũng được Phòng VHTT&TT huyện giao nhiệm vụ làm nhạc công biểu diễn đàn T’rưng nên nhiều ngày nay mình cũng hay luyện tập thêm các bài nhạc”, Đinh Đem chia sẻ.

12 tuổi, Đinh Đem đã mê mẩn tiếng đàn T’rưng trong những lễ hội làng do cha và các nghệ nhân khác trình tấu. Tiếng T’rưng như làm dịu đi những nỗi đau thể xác, đưa anh vào thế giới của giai điệu và những tưởng tượng. Ngoài hai mươi tuổi, Đinh Đem đã có thể tự chế tác cây đàn T’rưng cho riêng mình. Tâm sự một lúc lâu, anh bảo con trai mang đàn T’rưng được cất kỹ ra, cười hiền, nói với tôi và nhà nghiên cứu Yang Danh: “Để mình gõ vài bản nhạc, cho ông già và em nghe”. Anh biểu diễn cho chúng tôi hàng loạt bài như Khai hoang, Chim gọi hai chị em lên rẫy, Em đẹp như hoa Pơ lang… Chảy theo tiếng đàn kia, tôi thấy nhà nghiên cứu Yang Danh ưng cái bụng lắm. Ông lắc lư theo điệu nhạc, tỏ vẻ tấm tắc. Ở nhà Đinh Đem, lắng nghe những thanh âm trong trẻo, thánh thót trong nhà nhưng chúng tôi ngỡ như mình đang đi trên đồng lúa non xanh mênh mang, theo gió gợn sóng và tắm mình dưới ánh mặt trời buổi sáng. Mỗi nốt nhạc ngân lên, như âm thanh của gió giữa đại ngàn, của nắng miền cao và hương lúa đang thì con gái… Cũng có lúc, không hiểu sao, tiếng T’rưng như gõ vào tôi những khoảng nào xao xác lắm. Có lẽ tôi nghĩ đến người đàn ông đi bằng hai tay kia hay mang chiếc đàn trên vai, bươn bả ra suối Tà Má, gõ lên những âm thanh khi chiều vàng vọt. Chính Đinh Đem cũng thổ lộ, ngày trước, mỗi khi buồn, anh cũng mang đàn T’rưng ra bờ suối, chơi một mình như thể, trút gửi bao nỗi lòng mình để thấy nhẹ nhàng, an bình hơn.

Vừa lắng nghe nhịp gõ T’rưng của Đinh Đem, nhà nghiên cứu
VHDG Yang Danh vừa hát theo lời hát cổ truyền dân ca Bana. Ảnh: V.P

Đinh Đem có thể trình tấu hàng trăm bài nhạc, từ dân gian Bana đến các bài nhạc hiện đại. Có những bài dân ca cổ truyền thật xa, không còn nhớ tên, anh chỉ nhớ giai điệu. Vậy mà tiếng T’rưng cứ ngân nga, ngọt ngào và hoang dại, khiến người nghe thích thú. Nghe tiếng T’rưng trong veo, lảnh lót ngân vang, người làng gần đó đến mỗi lúc một đông. Ban đầu Đinh Đem chỉ độc tấu. Sau đó, có những lời hát ngân nga theo. Là Yă Hoa, người phụ nữ Bana ngoài tám mươi tuổi có mái tóc như sương núi và giọng nói thật ấm dịu. Nhà bà ở gần ngay cạnh nhà Đinh Đem. Và đây, không phải là lần đầu tiên bà “hô ứng” đồng điệu cùng những tinh tế nhịp gõ T’rưng của Đinh Đem. Bà cất lời hát của bà ngọt như men rượu ghè ủ lâu năm. Giọng hát dường như không có tuổi. Trên nền nhạc T’rưng, tiếng của Yă Hoa như cao lên, cao lên, đi xuyên qua vách tường trắng lêu bêu, chảy tràn lên từng ngọn cây, ngọn gió. Tiếng đàn và lời hát đan lấy nhau như một hợp khúc khiến mọi người xung quanh im bặt lắng nghe. Yă Hoa nói, giai điệu của T’rưng thật hay. Những người thế hệ như bà trước đây mỗi lần nghe tiếng T’rưng là hay ngồi lại cùng nhau, vít rượu cần, múa xoang và hát khúc hát của dân tộc mình. T’rưng với bà hay với người nghệ nhân tài hoa Đinh Đem đã là một phần ký ức đẹp…

Chút gì để lại
Trong cộng đồng Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh, những người có khả năng chế tác, biểu diễn T’rưng không nhiều. Rời nhà Đinh Đem khi trời đã về khuya, tối ở lại nhà nghệ nhân Yang Danh, chúng tôi bàn nhau đi thăm vài người bạn cũ. Và cũng muốn nghe những nghệ nhân ở làng chơi lại đàn T’rưng. Chủ ý vậy, nên sáng sớm, tôi và Yang Danh đã thẳng hướng đến làng M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh để gặp NNƯT Đinh Y Băng. Với Đinh Y Băng, từ khi lên Gia Lai học múa năm 1964, ông đã nghe và ưng bụng ngay tiếng đàn T’rưng, để rồi trong hành trang của ông, đàn T’rưng vẫn luôn bên cạnh. Nhớ làng, ông lại mang đàn ra, gõ vài tiếng… Suốt những năm tháng chiến tranh, cả những năm hoạt động văn nghệ sau năm 1975, Đinh Y Băng vẫn luôn dành cho đàn T’rưng một sự nâng niu, trân trọng. “Khi chơi đàn T’rưng, tôi thấy lòng mình như ấm lại. Loại đàn này có thể độc tấu, hoặc “đi theo” được nhiều loại nhạc cụ khác. T’rưng có thể kết hợp cùng cồng chiêng, sáo Ola, đàn Blơng khơng… hoặc cả những nhạc cụ hiện đại khác, làm nhạc nền cho các điệu múa dân gian của người Bana, hoặc cả những bài hát múa”.

Đoạn, ông kéo tay tôi ra vườn sau, nơi có căn nhà nhỏ dường như nhiều năm không có người ở. Ông bắt một cây sào, rồi neo dây đàn T’rưng vào. Ông bắt đầu gõ những âm điệu của bài Nhớ làng cũ, một bài hát do chính ông sáng tác năm 1963. Ngày xưa, khi dọc dài tháng ngày tránh bom tránh đạn, có khi ông mang đàn ra, mắc lên thân cây tạm bợ như thế, rồi gõ vào đó như đang thủ thỉ cùng chính mình, cho khuây khỏa nỗi nhớ quê, nhớ người thân. T’rưng đã ăn sâu vào máu thịt những người làng thế hệ như Đinh Y Băng, để mỗi khi hồi tưởng hoặc gõ vào những lóng đàn, lại nghe vọng âm ký ức chảy về, yêu thương nồng ấm.

NNƯT Đinh Y Băng trình diễn đàn T’rưng ngay tại vườn nhà. Ảnh: V.P

Sau một lúc lâu nói chuyện, trình diễn đàn T’rưng, NNƯT Đinh Y Băng và nhà nghiên cứu Yang Danh hồ hởi nói về một cuộc hẹn, cùng nhau lên Vĩnh Sơn, vừa thăm lại bạn cũ Đinh Chương vừa tìm những cây lồ ô, cây nứa để mang về chế tác nhạc cụ. Để làm một cây đàn T’rưng, người Bana vào rừng đốn cây nứa róc sạch đầu lóng rồi đem xuống suối ngâm hai tháng mới vớt lên phơi. Theo nhà nghiên cứu Yang Danh, việc chọn lựa, xử lý nguyên liệu trước khi chế tác đàn khá quan trọng. Phải tìm được cây nứa, lồ ô ít nhất trên ba năm tuổi, khi cây đã ngả vàng để đảm bảo độ săn cứng. Nứa ở vùng đồng bào Vĩnh Thạnh hay ở bên các dòng suối. Để chọn nguyên liệu tốt, phải chịu khó vào rừng để săn tìm những cây nứa đẹp, thẳng, có từ 7, 8 đốt trở lên. Từ đó, chặt lấy đoạn giữa của cây nứa vì phần này ruột đảm bảo độ rỗng, tạo tiếng ngân. Ông Yang Danh cho biết: “Chọn nứa đâu đó xong xuôi, phải ngâm hai tháng rồi sau đó vớt lên đem phơi. Việc phơi nứa làm đàn cũng phải chọn nơi thoáng, ráo, có bóng râm. Không nên đem nứa phơi ở nơi có nắng, sẽ làm giòn, dễ gây nứt cây nứa”. Tiếp theo, dùng sợi mây rừng hoặc dây cước bện lại để nối các thanh nứa, lồ ô lại với nhau, khoảng cách giữa ống nọ với ống kia rộng chừng nửa phân. Để tạo ra những âm độ khác nhau khi gõ vào mỗi lóng đàn, người nghệ nhân đã cắt bằng sát mấu lóng tre nứa ở một đầu ống, đầu kia cắt vát để tạo chuỗi âm thanh cao thấp khác nhau. Các ống cho ra âm thanh theo nguyên lý, ống to dài cho ra âm trầm, ống ngắn nhỏ cho ra âm trong, ngân và cao. Khi xong xuôi, nghệ nhân đánh thử, nếu âm thanh của ống nào chưa chuẩn với bộ ống thì phải thay ngay ống khác.

Một số nơi ở Tây Nguyên, đàn T’rưng có 12 – 16 ống. Nhưng đàn T’rưng của người Bana Kriêm, lại khác. Cấu tạo của một cây đàn T’rưng mà người Bana Kriêm hay làm gồm 22 ống nứa, lồ ô được bện lại với nhau. Cùng với 1 giá đỡ và hai cây dùi được làm từ gỗ bọc vải hoặc sừng trâu được chuốt bóng lại. “T’rưng cấu tạo khá đơn giản như thế. Và cách chơi đàn cũng không mấy khó khăn. Nhưng để chơi hay, chơi nhuần nhuyễn, có thể dạy lại cách chế tác và biểu diễn nhạc cụ này hiện nay ở Vĩnh Thạnh rất ít”, ông Yang Danh chia sẻ. Khi đề cập đến vấn đề chế tác đàn T’rưng, NNƯT Đinh Y Băng thổ lộ: “Tôi từng chế tác nhiều đàn T’rưng, nhưng hơn 5 năm nay không làm thêm chiếc đàn nào vì tuổi cao, không đi về nơi những làng xa như Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn kiếm nguyên liệu được. Hơn nữa, làm rồi, trưng bày thì nhiều chứ người chơi T’rưng, ít lắm”.

Những năm gần đây, T’rưng ít khi được sử dụng. Những người trẻ cũng không mấy hứng thú với loại nhạc cụ này. Vừa rồi, gặp lại NNND Đinh Chương, ông trầm ngâm: “Ở Vĩnh Sơn, người chơi T’rưng hiếm lắm. Nhạc cụ này trông có vẻ dễ học, nhưng để chơi thành thục, chơi hay thì ngoài khả năng cảm âm phải chịu khó luyện tập, để cho tiếng của T’rưng như là tiếng lòng của người Bana đang muốn cất lên cùng bạn bè, cùng người thân vậy”. Khi tiếp xúc với một số bạn trẻ Bana, hỏi về đàn T’rưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu. Một số ít khác, dành sự quan tâm thì lại không được tiếp cận với loại nhạc cụ này. Em Đinh Thị Cươn (ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) bộc bạch: “Muốn tìm học cũng khó, vì ít người biết. Phần vì người còn đủ sức khỏe, có khả năng truyền dạy thì ở xa”. Tôi nghĩ đến tiếng đàn, những âm vang làm xao xuyến lòng người nếu một ngày không còn nữa thì đáng tiếc biết nhường nào. Ta sẽ chẳng thể giữ lấy một tình yêu, hay một sự kiêu hãnh nếu không quyết tâm, không nỗ lực để gìn giữ. Khi chia sẻ về đàn T’rưng cùng nhà nghiên cứu Yang Danh, ông đắng đót về thực trạng chung hiện nay về sự mai một của một số loại hình trình tấu nhạc cụ dân tộc chứ không riêng gì T’rưng. Ông giãi bày: “Không biết rồi mai này, sau những thế hệ như Đinh Đem, Đinh Chương, Đinh Y Băng… loại nhạc cụ từng gắn bó với đời sống tinh thần của người Bana Kriêm này có còn ai sử dụng. Những nghệ nhân chúng tôi đang bàn bạc với nhau để kiến nghị lên các ngành văn hóa mời những nghệ nhân thông hiểu T’rưng truyền dạy cách chơi đàn và cả cách chế tác cho các bạn trẻ yêu thích nhạc cụ này. Mong rằng, tâm ý của chúng tôi sẽ nhận được sự cộng hưởng, điều đó sẽ góp phần giúp cho tiếng đàn T’rưng được gìn giữ, nối dài sức sống”.

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Theo dấu di sản

Theo anh Lâm Trường Định – Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh, qua các chuyến điền dã, những tài liệu thu thập được tiến hành lập bản sao và số hóa để lưu trữ…

Ngọt lành cây trái Hoài Ân

Vùng đất trung du Hoài Ân luôn biết níu giữ phù sa và đón nhận hạt giống mới. Chừng mười năm trở lại đây, đất này xuất hiện ngày càng nhiều giống cây trái sinh trưởng tốt và cho năng suất cao…

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…