(VNBĐ – Truyện ngắn).
1.
Mùa đông nên trời tối sớm, giờ này hầu hết mọi người đều quây quần bên mâm cơm gia đình không ra ngoài đường như dạo hè. Ở làng Mòi, đã thành lệ, mọi người ăn tối từ rất sớm, sau đó vợ chồng con cái như gà lên chuồng, cả nhà chui vào trong chăn chỉ thò mỗi cổ ra coi tivi. Đất có lề quê có thói nên chưa đến chín giờ nhà nào cũng cửa đóng then cài, nhiều lúc nghe tiếng chó sủa báo hiệu khách đến chơi nhà, mọi người đùn đẩy nhau chui khỏi chăn để ra mở cổng. Trời về khuya đường làng không một bóng người, dưới ánh đèn vàng vọt người nào tinh mắt lắm mới nhận ra, thấp thoáng sau những cây rơm hoặc gốc cây lim cổ thụ là các đôi nam nữ, họ đều là người làng đang tìm hiểu nhau. Dù xã hội có nhiều đổi thay, luật ngăn sông cấm chợ vẫn được đám trai làng áp dụng triệt để, ở quê không nhiều chỗ đi chơi vì thế sau vài lần đưa nhau vào bụi rậm hay cây rơm, đến cuối năm nhiều đôi đã thành vợ chồng từ khi tuổi đời còn rất trẻ.
Ở làng Mòi có nhiều người tuổi chưa đến 45 nhưng đã lên chức ông nội. Hiến chột là một trong số những ông nội trẻ nhất làng, bởi y lấy vợ khi vừa tròn 17 tuổi còn lúc bước sang tuổi 42 đã có cháu gọi bằng ông. Nhà Hiến chột hôm nay có khách nên ăn muộn hơn mọi ngày, mâm bát ngồn ngộn thức ăn cùng hai chai cuốc lủi khiến cho cả chủ lẫn khách đều cười nói hỉ hả. Hiến chột vốn ma lanh nhất làng Mòi nên được bà con xưng tụng là quân sư một mắt. Thật ra, ngày trước y không có chiến tích gì ghê gớm, hồi còn tuổi thiếu niên Hiến chột nổi tiếng là kẻ mắc chứng thị dâm, hễ đi qua nhà nào có đàn bà con gái mà nghe tiếng nước dội, kiểu gì Hiến chột sẽ tìm cách leo trèo nhòm trộm cho bằng được mới ăn ngon ngủ yên. Người ta nói đi đêm lắm có ngày gặp ma không sai, trong một lần ghé mắt nhìn qua vách liếp để nhòm trộm vợ lão Tài mổ bò đang tắm, Hiến bị lão Tài dùng thanh nan hoa xe đạp vót nhọn xiên trúng con ngươi mắt, kể từ đó y mang danh Hiến chột. Sau khi cả đám nốc cạn hai chai cuốc lủi, lúc này Hiến chột bắt đầu lên tiếng:
– Hôm trước đám công nhân dùng máy xúc giải phóng mặt bằng làm đường vô tình phát lộ ra ngôi mộ cổ. Đây là loại mộ xây bằng hợp chất nên bình thường có dùng xà beng hay khoan bê tông vẫn còn khướt mới phá được, vì thế đây là cơ hội cho mấy anh em mình kiếm tí lộc của người âm.
Đám nhậu ngoài Hiến chột còn có Thuận còi và Vinh lợn, tất cả đều là những kẻ bất hảo thích ăn nhậu hơn làm việc. Dù tham tiền nhưng Vinh lợn vẫn thấy gờn gợn, y lắc đầu thông báo:
– Hiện nay họ Đỗ đã nhận đó là ngôi mộ tổ của dòng họ, do đám con cháu họ Đỗ kéo ra đông quá nên toán công nhân phải dừng lại. Chiều nay lúc ngồi hàng nước đầu làng, tao nghe nói bên công ty đang thi công sẽ thương lượng bồi thường một khoản tiền không nhỏ cho họ Đỗ.
Thuận còi tặc lưỡi đầy vẻ tiếc rẻ, y gật gù:
– Thôi đó là mộ tổ của người làng nên anh em mình kiếm ăn chỗ khác cho lành, tiền ai chả thích nhưng họ Đỗ đông như quân Nguyên, theo tao tránh là hơn.
Hiến chột rít lên:
– Lũ ngu biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Ở cái làng này, họ Đỗ bao đời chỉ trên răng dưới ca tút, ngày xưa quanh năm làm ruộng không đủ thóc nhét miệng lấy đâu ra tiền để xây ngôi mộ tổ to như thế. Chẳng qua chúng nó xập xí xập ngầu để tống tiền bọn doanh nghiệp.
Hiến chột hấp háy con mắt còn lại, y phân tích: Tao nhìn kiểu mộ này chắc của đám vương công quí tộc ngày xưa, hoặc bét ra cũng phải quan hàng Nhất phẩm triều đình. Thấy hai tên đàn em chịu căng tai lắng nghe, Hiến chột giải thích:
– Làng mình ngay gần kinh thành Thăng Long, ngày xưa đất rộng người thưa, phong thủy hữu tình, vì thế nhiều gia đình quyền quí chốn kinh thành đã chọn nơi đây để an táng thân quyến.
Nốc thêm chén rượu cho ấm bụng, Hiến chột tuyên bố:
– Thằng nào nhát gan hãy ở nhà rúc váy vợ, tao không thèm cản, nhưng lần sau cấm vác miệng qua đây ăn chạc rồi hút thuốc lào vặt đánh rắm rong, bố khinh.
Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, trước sự khích tướng của Hiến chột, ba gã nát rượu nâng chén thể hiện sự quyết tâm đào trộm ngôi mộ cổ. Để động viên tinh thần của hai gã còn lại, Hiến chột xòe tay ước tính mớ cổ vật thu được trong mộ, nếu bán rẻ cũng thu được cả chục cây vàng.
2.
Làng Mòi có cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, nó như ranh giới tự nhiên ngăn cách với làng Sủ gần đó, ngay giữa cánh đồng có một gò đất cao tương truyền gọi là gò ma ám, trên đỉnh gò ma ám có một ngôi miếu nhỏ được xây dưới gốc lim cổ thụ. Về nguồn gốc tên gò ma ám, theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày xưa có một người lái buôn từ kinh thành Thăng Long về quê ăn Tết, người đó đi cùng một người bạn đường mới quen vì hai người vừa đi vừa nói chuyện sẽ rút ngắn được thời gian về nhà. Lúc đi ngang qua gò đất cao, hai người mệt quá nên dựa lưng vào gốc lim ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Khi người lái buôn tỉnh giấc, người bạn đường đã biến mất, hắn không quên xách theo tay nải đựng toàn bộ số ngân lượng của người lái buôn kiếm được trong một năm qua. Dưới ánh hoàng hôn nhập nhoạng của những ngày cuối năm, người lái buôn giận mình chủ quan nên mất hết tài sản khi vợ con nheo nhóc ở nhà mong chờ, người đó hận kẻ tham lam gian trá khiến mình bước vào con đường cùng không lối thoát.
Sau mấy ngày ăn Tết tưng bừng, dân làng Mòi thấy đàn quạ ở đâu bay về cây lim ngoài gò đất kêu điếc cả tai, lúc mọi người ra kiểm tra thấy một người đàn ông treo cổ tự tử chết từ lúc nào, sợi dây thòng lọng được lấy từ chính dây lưng của ông ta. Thương cho kẻ xấu số nên dân làng đào một chiếc hố ngay dưới phía dưới, sau đó một trai đinh đã leo lên cây cắt sợi dây cho người chết rơi xuống hố, rồi lấp đất đắp thành ngôi mộ vô chủ. Đêm hôm đó trời quang mây tạnh bỗng có tiếng sét nổ đinh tai nhức óc, tia sét nhằm thẳng vào phần mộ của người lái buôn giáng xuống. Tia sét khiến mộ phần nứt toác làm cho nhiều người kinh hãi. Để tránh gặp phải tai ương ngay đầu năm, một thầy phù thủy trong làng liền dùng lá bùa trấn yểm ngôi mộ, sau đó dân làng góp công xây ngôi miếu cô hồn phía trên. Tuy nhiên kể từ khi người lái buôn treo cổ tự vẫn, lâu lâu ở gốc cây lim vào lúc nửa đêm người ta thấy có bóng người ngồi khóc ai oán, dân làng Mòi nghe thấy đều sởn gai ốc không dám ra khỏi nhà, tên gò ma ám ra đời từ đó.
Thầy phù thủy năm xưa đã yểm bùa ở ngôi mộ không ai khác chính là cụ nội của Hiến chột. Câu chuyện về gò ma ám y được nghe kể từ đời ông nội cho đến ông bố đẻ mình, chỉ đến khi phát lộ ra ngôi mộ cổ, y mới hiểu hết mọi chuyện. Nốc thêm một chén rượu cho ấm bụng, Hiến chột đoán ngay vì sao sét đánh trúng ngôi mộ của người lái buôn. Bởi vì dân làng Mòi không biết phía dưới có ngôi mộ cổ, họ đã mạo phạm khi chôn một kẻ chết đường chết chợ lên trên. Việc đào trộm mộ cổ để lấy của cải là một phần kế hoạch, bởi Hiến chột muốn thay mặt cụ tổ trấn yểm tiếp lá bùa thứ hai vào chính ngôi mộ cổ, nếu không hồn ma kẻ đó sẽ báo oán không tha, do luật đời có vay có trả.
3.
Đúng hai giờ sáng khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ, Hiến chột cùng Vinh lợn âm thầm rời làng nhằm hướng gò ma ám thẳng tiến, vừa đi y vừa chửi Thuận còi đã bỏ cuộc giữa chừng. Giữa đồng không mông quanh, gò ma ám bị san bằng gần hết chỉ còn cây lim cổ thụ vẫn đứng sừng sững như minh chứng cho những câu chuyện rợn tóc gáy. Do đám công nhân tạm thời ngừng công việc, vì thế những người con cháu họ Đỗ không còn cắt cử nhau ra canh gác ngôi mộ cổ như trước, họ về làng đợi nhận tiền đền bù di dời mộ phận còn bên thi công vẫn để lại hai xe máy xúc chờ lệnh mới. Đúng như quan sát của Hiến chột, ngôi mộ cổ xây theo kiểu “trong quan ngoài quách” nhưng phần quách đã bị máy xúc phá vỡ hoàn toàn, chiếc quan tài bằng gỗ dưới đống hợp chất chỉ cần dùng xẻng xúc đám vữa là quan tài phát lộ ra ngay. Vinh lợn thắp ba nén hương rồi lầm rầm khấn vái, y không quên lấy trong người ra thếp vàng mã để đốt trước khi chạm đến quan tài. Đang hì hục xúc đất, nhìn thấy Vinh lợn thành tâm cúng bái, Hiến chột bực mình chửi:
– Mẹ kiếp, đi đào trộm mộ chứ có phải cải táng cho ông bà cụ kị đâu mà bày vẽ. Mau lấy xà beng thúc đổ nốt góc này cho tôi nhờ.
Hai kẻ trộm mộ sau gần một tiếng làm việc cật lực, cuối cùng chiếc quan tài hiện ra ngay trước mặt. Dưới ánh sáng của hai ngọn đèn bão, cỗ quan tài nằm sâu dưới lòng đất nhiều năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn, dù màu sơn đỏ bên ngoài có nhiều chỗ đã phai màu. Để tiết kiệm thời gian, Hiến chột dùng cuốc chim bổ vào mặt tấm ván thiên sau đó dùng xà beng cạy bung ra, lúc nhìn thấy trong quan tài có xác ướp được ngâm trong một lớp nước sền sệt màu huyết dụ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, Vinh lợn hoảng quá chắp tay lạy như tế sao, còn Hiến chột lại bình tĩnh một cách lạ thường. Do có sự chuẩn bị từ trước, Hiến chột lạnh lùng nhấc xác ướp khỏi quan tài, y vứt xác ướp ngay trên mặt đất rồi đeo găng tay cẩn thận mò đồ tùy táng trong chỗ nước sền sệt ngập ba phần tư quan tài.
Không như dự đoán của hai kẻ trộm mộ, trong quan tài không hề có đồ tùy táng, hoặc đã phân hủy theo thời gian. Mặc cho Vinh lợn lộ vẻ thất vọng, Hiến chột lấy trong túi áo ra một lá bùa rồi dán ngay vào mặt của xác ướp, có lẽ do tiếp xúc với không khí nên xác ướp đổi màu đen thẫm nhìn như xác người bị sét đánh chết vậy. Trước lúc rời đi, Hiến chột phát hiện trên ngón tay có đeo một chiếc nhẫn vàng đính viên ngọc màu xanh lục, ngay lập tức y thò tay tháo chiếc nhẫn khỏi ngón tay người đã mất. Hiến chột đưa chiếc nhẫn cho Vinh lợn rồi dặn dò:
– Cầm về đặt trên bàn thờ làm lễ đủ bảy bảy bốn chín ngày, sau đó đem bán hay tặng cho con nào tùy thích, riêng thằng Thuận còi không công bất thụ lộc.
Hai kẻ trộm mộ thổi tắt đèn bão để tránh sự chú ý của người qua đường, tiếng quạ kêu trên đầu khiến cả hai hoảng hốt.
Khi Hiến chột bước xuống mặt ruộng y cảm giác bàn tay của xác ướp túm chặt lấy chân mình. Hiến chột mồ hôi toát ra ướt sũng cả chiếc áo bông, y há miệng định kêu Vinh lợn nhưng không nói thành tiếng, mất vài phút định thần Hiến chột cúi xuống tóm lấy bàn tay giật mạnh. Trong bóng đen của màn đêm, thứ ánh sáng duy nhất là ánh trăng ẩn trong đám mây nhưng Hiến chột thấy mình đã cầm cả cánh tay của xác ướp. Lấy lại can đảm vốn có, Hiến chột nhận thấy không có bàn tay nào níu chân, do ống quần mắc vào tay xác ướp nên y đã bị một phen hú hồn. Hít một hơi thật sâu, Hiến chột ném bàn tay ra giữa cánh đồng lúa mênh mông, thực ra bây giờ đã trở thành con đường rải đá dăm để dẫn vào khu công nghiệp.
Chiến lợi phẩm là chiếc nhẫn đã trả công cho Vinh lợn, không cam chịu quay về tay không nên Hiến chột bê tấm ván thiên về nhà, bởi y đoán ván quan tài cổ sẽ có giá trị trong nay mai. Khi bóng hai kẻ trộm mộ mất hút vào màn đêm, một cơn gió mạnh thổi tới khiến lá bùa dán trên khuôn mặt xác ướp bung ra rồi bay theo đám lá khô vàng úa.
4.
Giữa trưa nắng chang chang, thằng Cò cháu nội của Hiến chột vẫn mải mê nặn đất sét ở giữa sân, mặc dù bố mẹ nó nhiều lần đánh đòn nhưng chứng nào tật đó. Đối với thằng Cò, những hình thù đất sét do nó nặn ra là thế giới riêng chỉ mình nó hiểu được. Ngồi trên thềm nhà hút thuốc lào, Hiến chột ngắm thằng cháu đích tôn mà lòng dạ héo hon, bởi vì nó như ngày hôm nay một phần bắt nguồn từ đêm đào trộm ngôi mộ cổ. Sau khi vác tấm ván thiên về nhà, lúc đầu Hiến chột định xẻ ra rồi đóng cái máng lợn, bởi theo y được biết nếu có máng lợn làm bằng ván quan tài cổ, lúc đó đàn lợn sẽ hay ăn chóng lớn. Tuy nhiên tấm ván thiên chưa kịp làm máng, đàn lợn đang thời kỳ nuôi vỗ để xuất chuồng bỗng lăn đùng ra chết, báo hại cho vợ chồng đứa con trai phải bán rẻ cho lò mổ những con to, còn những con dưới 20 cân thì con dâu lão gạt nước mắt thuê người ta quay giòn rồi mang về Hà Nội tiêu thụ.
Món tiền to chuẩn bị cầm được dịp cuối năm bỗng tan thành mây khói, Tết năm đó nhà Hiến chột buồn hơn đám tang. Đầu năm nhìn tấm ván thiên dựng ở gốc cây, Hiến chột thấy bỏ thì thương vương thì tội, y liền vác ra bờ ao thay cho hai mảnh ván làm cầu đã cũ kĩ, hàng ngày cầu ao là nơi đứa con dâu hay mang quang gánh ra rửa hoặc giặt chiếu. Thằng Cò hay ra cầu ao rồi nhảy tùm xuống bơi lội vài vòng, do được bố dạy bơi từ nhỏ nên nó bì bõm cả buổi không chán. Một lần bước ra cầu ao, thằng Cò vấp ngã đầu đập vào tấm ván thiên khiến nó ngất lịm nằm trên tấm ván mặt ngửa lên trời còn nửa người ngâm dưới nước ao.
Lúc Hiến chột phát hiện thằng cháu đích tôn gặp nạn, y vội chạy ra bế nó vào nhà hô hấp nhân tạo. Phúc tổ bảy mươi đời nhà Hiến chột còn vượng, bởi vậy thằng Cò tai qua nạn khỏi nhưng kể từ đó hóa ngẩn ngơ, cả ngày nó chỉ nhảy xuống ao bất kể trời đông giá rét hay mùa hè nóng nực, sau khi moi được một đống đất sét, lúc đó thằng Cò nặn nhiều hình thù khác nhau. Nhiều đêm đang ngủ bỗng nghe thấy tiếng quạ kêu đầu ngõ, ngay sau đó là tiếng thằng Cò cười như ma làm ở trong màn khiến cho Hiến chột dựng tóc gáy, không nói ra miệng nhưng y hiểu rằng mình đang phải trả giá cho việc đào ngôi mộ cổ.
Vinh lợn cầm bọc thức ăn cùng chai cuốc lủi sang nhà Hiến chột, y tự vào bếp lấy chiếc mâm nhôm rồi dốc hết lòng dồi lợn đã luộc chín vào giữa mâm, mắm tôm được vắt chanh đánh sủi bọt đặt ngay bên cạnh. Hai kẻ trộm mộ cạn chén rồi bắt đầu nhồm nhoàm ăn như những kẻ chết đói, đúng như tuyên bố của Hiến chột, sau lần đào mộ gã Thuận còi đã bị từ mặt và cấm cửa sang nhà y. Lúc chai rượu gần cạn, Vinh lợn thông báo:
– Hóa ra đúng như bác nói, người nằm trong mộ không liên quan đến họ Đỗ, bọn đó nhận vơ nhưng nuốt không trôi, bởi vì bên công ty giải phóng mặt bằng đã chở tấm bia mộ đến viện Hán Nôm nhờ dịch lại. Mặc dù bia mộ đã mòn theo thời gian nên chữ còn chữ mất nét. Tuy vậy tuyệt nhiên không có chữ nào chỉ họ Đỗ, đây là mộ của một viên quan thái giám thời Hậu Lê được an táng tại quê nhà, chứng tỏ làng Mòi xưa đã có người nhập cung làm quan cao lộc hậu.
Hiến chột gắp miếng lòng non chấm đẫm vào bát mắm tôm, trước khi cho vào miệng y còn nhặt vài cọng rau sống ăn trước, một miếng lòng kèm một hớp rượu là cách để không bị tiêu chảy dù có ăn phải lòng lợn đã thiu. Ngồi trong nhà ngắm thằng cháu đích tôn ngây dại đang nặn đất sét ở ngoài sân, Hiến chột cay đắng lẩm bẩm:
– Mẹ kiếp, hóa ra là ma Thái giám. Thảo nào nó trả thù độc ác thế, đúng là thằng cháu nhà này sống không bằng chết, nếu bùa yểm không ăn thua sẽ phải dùng cách khác.
Vinh lợn mách ngay:
– Nhà họ Đỗ nhận vơ không được nên buông xuôi, bên thi công mua một suất trong nghĩa trang của làng rồi chôn ở đó, trên bia mộ chỉ ghi chữ CỤ NỘI THỊ chắc theo chữ dịch được ở bia mộ cũ.
Hiến chột im lặng không nói thêm câu nào. Y rót rượu cùng Vinh lợn nhắm hết chỗ lòng lợn. Ở ngoài sân, thằng Cò nghịch đất sét đã chán, nó lấy mấy sợi chun vòng rồi cột vào chim của mình, đây là trò chơi ưa thích của nó, trò chơi quái ác đó khiến nhiều lần chỗ đó sưng vù không đi đái được.
5.
Đêm cuối năm, ngoài trời có gió mùa đông Bắc thổi từng cơn, đây là đợt lạnh cuối cùng của năm trước khi bước sang năm mới. Đợi cả nhà ngủ say, Hiến chột cầm đèn pin nhẹ nhàng mở cửa, con chó già nhận ra người chủ nên chỉ rên ử ử, chắc muốn cho Hiến chột biết dù già nhưng nó vẫn chịu khó canh nhà, bởi vì nhiều lần y đã dọa sẽ mang nó ra thui rơm cái tội hay ngủ ngày và sủa hóng. Hiến chột cầm một thanh sắt phi 18 đã mài nhọn hoắc một đầu. Thanh sắt có chiều dài cỡ mét sáu đúng như chiều cao của y vậy. Nửa đêm nghĩa địa làng Mòi yên lặng đến rợn người, gã quản trang từ ngày lấy được vợ đã bỏ không ngủ tối ở đây nữa, khi trời vừa tắt nắng gã liền mò về nhà hú hí cùng cô vợ quá lứa nhỡ thì của mình. Hiến chột đã dành cả tuần ra nghĩa địa chơi cờ cùng gã đó nên hiểu rõ mọi việc. Y nhẹ nhàng đẩy cánh cổng sắt khép hờ rồi bước vào trong, dù không bật đèn pin nhưng Hiến chột nhớ rõ vị trí ngôi mộ của viên quan Nội Thị, y phăm phăm bước đến làm nốt công việc còn dở dang.
Đặt lá bùa nên nấm mồ đã mọc nhiều cỏ dại, Hiến chột dùng thanh sắt nhọn có chiều dài mét sáu xuyên qua lá bùa, y dùng búa đóng thanh sắt ngập sâu vào trong mộ, bởi vì có như vậy hồn ma sẽ không còn gây tai ương cho gia đình. Lúc Hiến chột nghe thấy tiếng cạch cạnh vang lên, y mừng thầm bởi đầu nhọn của thanh sắt đã chạm đến tấm ván thiên. Bầu trời không trăng không sao bỗng có chớp sáng lòe, kèm theo đó là tiếng sét vang lên kinh động cả làng Mòi. Tia sét nhằm đúng thanh sắt mà Hiến chột đang cầm để phóng nguồn năng lượng vào, đó là tất cả những gì Hiến chột cảm nhận được trong tích tắc.
Cả làng Mòi xôn xao tin Hiến chột bị sét đánh chết đêm qua. Xác của y cháy đen còn quần áo bay đâu mất. Điều khiến mọi người bàn tán xôn xao và kinh hãi, không biết đêm qua có tên trộm nào chứng kiện vụ sét đánh chết Hiến chột đã nhẫn tâm bẻ luôn cánh tay của y để làm bùa cho mình. Kẻ chết đường nên không được mang về nhà, quan tài của Hiến chột được kê ngay tại dưới gốc cây đại của nghĩa địa làng cho bà con đến viếng. Trước giờ hạ huyệt ít phút, bất ngờ thằng Cò xuất hiện trên tay là cánh tay được nặn bằng đất sét giống y chang cánh tay của ông nội nó. Dù thằng Cò không biết chữ nhưng ở cổ tay bằng đất sét, nó đã vạch hai chữ HẬN TÌNH giống hai chữ do ông nó đã xăm ở cổ tay. Lúc gã Vinh lợn mở nắp quan tài đặt cánh tay đất sét vào cạnh thi thể của Hiến chột, cánh tay do khô nước nên nứt toác nhìn vô cùng sống động. Giờ hạ huyệt mưa tầm tã khiến huyệt mộ ngập nước, quan tài của Hiến chột không sao chìm xuống được, khiến hai người phu mộ phải đứng hẳn lên mặt ván thiên.
Nhìn đống cát vàng cùng ba tạ xi măng có nguy cơ trôi theo dòng nước, trong giây phút quyết định con trai của Hiến chột dùng cuốc chim bổ một phát vào giữa tấm ván thiên, cố quan tài vốn mua loại gỗ bình thường, bởi vậy tấm ván thiên nứt toác khiến nước chảy vào ồ ạt. Ngay khi quan tài chìm xuống huyệt mộ, hai khối cát vàng trộn xi măng đã tạo thành lớp bê tông dày đặc đổ lên trên, việc đào sâu chôn chặt đều có nguyên do của nó, lão Hiến chột giờ đây có thể ngậm cười nơi chín suối, bởi lão vừa trả xong nghiệp chướng của mình.
BÙI NGỌC PHÚC
(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)