Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn nghệ sĩ

(VNBĐ – Thời đàm). Ngày 19.7.2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung và đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng. Ông là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà lý luận, nhà văn hóa và là một nhân cách lớn, luôn hết lòng vì Đảng, vì Dân… Với văn học nghệ thuật, ông luôn dành sự quan tâm sâu sắc và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào lực lượng văn nghệ sĩ nước nhà.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính học vấn chuyên sâu về văn học cùng vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa nên ông rất am hiểu văn học nghệ thuật và trân quý văn nghệ sĩ. Trong các bài viết, bài phát biểu, nói chuyện… ông đã có những đánh giá sâu sắc, những chỉ đạo quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với văn học nghệ thuật và lực lượng văn nghệ sĩ.

Luôn đề cao vai trò của văn học nghệ thuật

Nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng xác định: “Đó là nền văn hóa, văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước”. Mới năm ngoái, phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội học nghệ thuật Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  đã nêu bật thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”,  ông nhấn mạnh, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Ông nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hoá và trí thức phải làm” và coi việc đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp; chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Trước những xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng văn nghệ sĩ bị trói buộc, bị tước đoạt tự do sáng tác…, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay!”

 Quan tâm sâu sắc đến văn nghệ sĩ

Chính sự đề cao vai trò của văn học nghệ thuật từ các nghị quyết, các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã mở ra nhiều chính sách phát triển văn học nghệ thuật giúp khơi gợi sức sáng tạo mạnh mẽ trong giới văn nghệ sĩ. Trong những hội nghị, những cuộc gặp gỡ, đồng chí đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội; đồng thời khuyến khích họ sáng tạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các văn nghệ sĩ tiêu biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25.7.1948 – 25.7.2023), ngày 25.7.2023. Ảnh nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Ông luôn dành cho văn nghệ sĩ sự trân trọng từ những đóng góp trong quá khứ cho đến hiện tại. Ông nói: các thế hệ văn nghệ sĩ qua các cuộc kháng chiến đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… trong bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì độc lập, tự do, vì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và khát vọng chủ nghĩa xã hội… Hơn 30 năm qua, từ sức tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, văn học nghệ thuật đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của Nhân dân, bước đầu tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trong đó, một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên sự phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hóa về nội dung và phương thức biểu hiện… Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì những đóng góp to lớn của đồng chí, tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25.7.1948 – 25.7.2023), Hà Nội, ngày 25.7.2023. Ảnh nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sự cống hiến của các văn nghệ sĩ đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới; gìn giữ các giá trị văn hóa, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Tài năng và nhiệt huyết của văn nghệ sĩ đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới – yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước.

 Trăn trở và gửi gắm

Ý thức sâu sắc về vai trò của văn học nghệ thuật nên đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng luôn đau đáu trước những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này. Những bài nói, bài viết của ông đã chỉ rõ ra những “khoảng trống” của văn học nghệ thuật một cách thẳng thắn. Ông không ngần ngại khi nêu ra tình trạng một số văn nghệ sĩ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân thể hiện qua những tác phẩm xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của Nhân dân. Ông đặt thẳng vấn đề: có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục, nhận thức; nặng về tô đậm mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử; tiếp thu thiếu chọn lọc sáng tác, lý luận văn nghệ nước ngoài dẫn đến biểu hiện lai căng, chuộng ngoại, bắt chước, chạy theo thời thượng?

Và ông gợi ý: có phải những hạn chế đó đã dẫn tới tình trạng số lượng tác phẩm, tác giả thì nhiều, nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, làm suy giảm sức hấp dẫn và sự ham say của quần chúng đối với văn học, nghệ thuật? Cần có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Người viết bài này có dịp được nghe những lời phát biểu tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp Đại hội toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ IX vào ngày 09.01.2016. Và nhớ mãi những lời vàng của ông. “Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách đóng như mạch máu đập dưới làn da. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, những sáng tác văn học nghệ thuật cần góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của người Việt Nam; khơi dậy ở mỗi con người lòng tự hào dân tộc; lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào lý tưởng và đường lối của Đảng. Các hoạt động văn học, nghệ thuật mang đến cho nhân dân những tình cảm và tiếng nói nhân nghĩa, tri âm, động viên, cổ vũ con người tự hào và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, cùng nhau hướng tới mục đích chung, xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp”.

“Làm sao cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách đóng như mạch máu đập dưới làn da”. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi xa song đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ mãi thấm nhuần đường lối, tư tưởng chỉ đạo của ông đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật và coi như một bài học lớn: Đó là phát triển văn hóa phải gắn với con người. Văn hóa phát triển con người và trong con người, ngoài tài năng cần có nhân cách, có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn đối với sự phát triển của xã hội…

QUANG KHANH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN