(VNBĐ – Ghi chép). Trung tuần tháng 5.2023, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức tọa đàm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Tọa đàm góp phần làm rõ tên gọi, các giá trị lịch sử, văn hóa, giải quyết những vấn đề còn tồn nghi; đồng thời, gợi mở ra nhiều vấn đề cấp thiết xoay quanh việc ứng xử, bảo vệ và phát huy di sản trong giai đoạn hiện nay.
Làm rõ những giá trị
Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn ở Tuy Phước là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định, được tổ chức hàng năm, thường trong ba ngày: ngày cuối tháng Giêng Âm lịch, và hai ngày 01, 02 tháng Hai Âm lịch. Lễ hội được Bộ VH,TT&DL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04.8.2022.
Tuy Phước từng là nơi người Chăm sinh sống và kiến tạo một vùng văn hóa. Vẫn còn đó những vết tích Chăm trên đất này qua di tích thành Thị Nại, tháp Bình Lâm, phế tích Long Triều, Chày Cây, giếng cổ Chăm… Tọa đàm đã định giải xuất xứ lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, cho thấy điểm đan xen văn hóa Chăm – Hoa – Việt, nhất là qua tục thờ nữ thần. Nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm, Tiến sĩ Võ Minh Hải diễn giải: “Trên nền cũ của một vùng đất Chăm, bên bờ thương cảng Chăm, vốn là miếu Thiên Hậu, công trình kiến trúc này phản ánh thiết chế tín ngưỡng thờ nữ thần của người Hoa, Việt. Điều ấy cho thấy, sự hình thành và tồn tại của Chùa Bà Nước Mặn vừa là hệ quả của một quá trình tương tác văn hóa của các thế hệ cư dân Chăm, Việt và Hoa ở vùng Tuy Phước, Bình Định, vừa là một chứng nhân gắn liền với sự thịnh suy của thương cảng Nước Mặn”.
Về tên gọi của lễ hội truyền thống này, có nhiều ý kiến khác nhau. Sinh thời, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho rằng nên lấy tên “Lễ hội Cảng thị Nước Mặn” mà không gọi khác “vì Chùa Bà chỉ là một chứng tích của Cảng thị Nước Mặn mà thôi chứ không tượng trưng cho toàn bộ văn hóa Cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh”. Alexandre de Rodes và một số nhà truyền giáo cùng thời gọi là “lễ hội Nước Mặn”. Theo tóm lược của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc, từ năm 2011 đến 2022, Ban tổ chức lễ hội lại lấy tên “Lễ hội đô thị Nước Mặn” để làm tên gọi cho lễ hội này. Mùa lễ hội năm Quý Mão 2023, chính thức trên các hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội và chính quyền địa phương gọi là Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. “Như vậy là có nhiều tên gọi khác nhau để cùng chỉ về một lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trong quá trình bàn luận, thẩm định, được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất lấy tên gọi Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn ghi vào danh mục Di sản quốc gia cho Lễ hội truyền thống này ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ.
Đáng lưu ý, trong tham luận của mình, Tiến sĩ Nguyễn Công Thành (Khoa KHXH&NV, Trường đại học Quy Nhơn) đã đưa ra quan điểm cá nhân khi đánh giá về “tầm vóc” của Nước Mặn. Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến Nước Mặn với những quy mô khác nhau như thị tứ, đô thị, cảng thị… Trên nền cứ liệu thu thập được, TS. Nguyễn Công Thành đồng quan điểm với Đỗ Bang khi cho rằng Nước Mặn chưa vươn tới tầm “cảng thị”. Và ông đưa ra luận điểm của mình: “Vì thiếu yếu tố vai trò, tính chất hành chính – chính trị của một vùng hay một khu vực, đối chiếu với những tiêu chí mà Văn Tạo đưa ra, không thể xem Nước Mặn là “đô thị”. Sự tác động của điều kiện tự nhiên, xã hội, nhất là chính sách của nhà cầm quyền làm cho Nước Mặn không thể phát triển thành “đô thị”, “cảng thị”. Với những biểu hiện cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội Nước Mặn chỉ có thể là “thị tứ”, “phố cảng” hoặc gọi chung là “thương cảng”.
Những cộng kết
Một vấn đề thực tế hiện nay là nhiều nơi, việc ứng xử với di sản, quản lý và khai thác tiềm năng của di sản văn hóa, lịch sử chưa thực sự hiệu quả, khiến cho di sản chưa phát huy được vai trò cần thiết trong sự phát triển chung của địa phương. Vấn đề này, lần nữa được hâm nóng qua tọa đàm dưới sự soi chiếu cụ thể từ Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn.
Để nối dài sức sống cho di sản, gắn liền với việc phát triển du lịch là một tất yếu hiện nay. Nhà báo Trần Bá Phùng đưa ra những phân tích: “Chúng ta đã biết rất rõ nhưng tôi thấy vẫn cần nhắc lại rằng di sản ở đây là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn”. Có nghĩa là quanh quẩn trong 03 ngày – từ ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch đến ngày 02 tháng 02 Âm lịch thôi. Cứ cho là thêm mấy ngày trước và sau lễ hội thì nhiều lắm cũng chỉ 01 tuần. Không ai và không Nhà nước, doanh nghiệp nào lại đầu tư khai thác với mục tiêu sinh lợi mà cả năm chỉ trông vào mấy ngày diễn ra lễ hội. Nhưng nếu muốn khai thác với khung thời gian rộng hơn thì phải quy hoạch, lên chương trình, xúc tiến thu hút doanh nghiệp, mở tour… Trong khuôn khổ của một cuộc tọa đàm này có lẽ không thể nói hết được, nhưng điều có thể nói ngay là với cung cách làm du lịch như đang diễn ra, cá nhân tôi cho rằng ta sẽ phá hỏng tài nguyên quý giá của Tuy Phước. Đến nay hầu hết ngành kinh tế du lịch của tỉnh ta vẫn chỉ ăn sẵn vào của trời cho như biển, cảnh đẹp tự nhiên; ăn sẵn vào của thờ tự mà tổ tiên để lại như đền tháp, dựa vào tài nguyên lịch sử, tâm linh như hoàng đế Quang Trung… Chúng ta gần như chưa kiến tạo nội dung gì mới, xuất sắc”.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà giáo Trần Hà Nam (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) xót xa khi trầm tích văn hóa nhiều địa phương trong tình trạng “ngủ đông” dài hạn, chưa được đánh thức. Ông bộc bạch, mỗi khi dẫn học sinh về các di tích, nhà lưu niệm, bên cạnh việc “kín cổng cao tường” thì không có người thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu để cho các em hiểu về lịch sử, văn hóa bản địa. Nếu được cung cấp thông tin, thuyết minh kỹ càng, được sự quan tâm của văn hóa địa phương và các ngành văn hóa, thì các học sinh – thế hệ trẻ tương lai gìn giữ và phát huy di sản, sẽ tiệm cận hơn, bồi đắp hơn tình yêu với văn hóa, di sản của quê hương. Ông nhấn mạnh: “Nên có một sự gắn kết giữa các ngành văn hóa, du lịch và giáo dục”.
Dưới góc nhìn của một người làm giáo dục, Tiến sĩ Lê Nhật Ký bày tỏ quan điểm: “Nằm trong chuỗi lễ hội truyền thống tiêu biểu của địa phương Bình Định nhưng lễ hội Chùa Bà – Nước Mặn lại không có được cái may mắn “chọn giảng” như hầu hết các lễ hội khác như lễ hội cầu ngư, lễ hội chợ Gò, lễ hội Đống Đa – Tây Sơn… Phải chăng, người làm chương trình “bỏ sót” hay dành quyền “tìm kiếm”, “tùy chọn” cho giáo viên khi giảng dạy nội dung “Giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu ở Bình Định” (lớp 4) và “Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống ở Bình Định” (lớp 10)?”. Đồng thời, ông kiến nghị: “Nhà trường nên tổ chức cho học sinh đi thực tế tại Chùa Bà – Nước Mặn. Đó là hình thức học tập có tính khả thi, mang lại kết quả tích cực cả về nhận thức lẫn tình cảm. Trong hoạt động thực tế trải nghiệm này, Sở Giáo dục và Đào tạo nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền và Nhân dân địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật… Nếu làm được điều này thì môn Giáo dục địa phương sẽ thực sự hấp dẫn, thiết thực đối với học sinh”.
Gợi mở nhiều vấn đề trong quản lý, phát huy di sản…
Buổi tọa đàm đã gợi mở ra nhiều vấn đề cần thiết trong quản lý, sử dụng di tích, ứng xử với di sản hiện nay với không chỉ riêng Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn của Tuy Phước mà cả tỉnh Bình Định. Đề cập đến vai trò của địa phương, nhà báo Trần Bá Phùng bày tỏ: “Tuy Phước được lịch sử đãi một tiểu chủng viện Làng Sông, là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, là một trong những điểm cập bến sớm nhất của Công giáo, có Đào Tấn, Xuân Diệu, có tháp Chăm, có Cồn Chim, có võ cổ truyền… nhưng ngoài việc mở rộng vài con đường ra ta đã làm thêm gì; đã làm thêm gì để có thể nối dài câu chuyện, điều sẽ giữ du khách ở lại với mình lâu hơn. Tuy Phước đã ra đề toán nào để tour ở trọn lại với mình vài ba ngày?”.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Bà, 10 năm nay, gần như di tích Chùa Bà không có gì thay đổi, chưa được xây dựng, đầu tư cơi nới không gian, phát huy thế mạnh di sản trong sự kết nối, lan tỏa qua thúc đẩy du lịch. “Giờ đây, Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi mong rằng, lễ hội sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền để có những phát triển tương xứng với di sản này”, ông Chín cho biết.
Có nhiều ý kiến, tham luận nhấn mạnh đến việc bảo vệ, phát huy di sản qua sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch. Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố khoanh vùng, quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng văn hóa bản địa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc: “Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quan khách về trẩy hội, Ban Quản lý di tích Chùa Bà không chỉ bảo vệ, phục vụ du khách, biết gìn giữ mảng màu bản sắc mà còn phải có kiến thức tổng hợp về thiết kế, quản lý kinh doanh, tiếp thị, môi trường… mới có thể tồn tại và phát triển trong tình hình mới. Đồng thời đòi hỏi việc quy hoạch phát triển không gian lễ hội, cũng như các hoạt động dịch vụ trong lễ hội phải đáp ứng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Cảng thị Nước Mặn trong mỗi sản phẩm của lễ hội và đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách. Điều đó đòi hỏi chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng liên quan phải có sự phối hợp tốt để hỗ trợ cho những người thực hiện lễ hội, Ban Quản lý di tích Chùa Bà về phương pháp tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá thương hiệu, công tác quy hoạch, thiết kế xây dựng các dịch vụ khai thác tiềm năng du lịch lễ hội; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nghệ nhân thế hệ kế tục, hình thành các doanh nghiệp khai thác di sản văn hóa Cảng thị Nước Mặn làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm”.
Phát biểu kết luận tọa đàm, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định nhấn mạnh: “Tọa đàm đã giải quyết nhiều vấn đề, xác định giá trị lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, đồng thời có nhiều đề xuất giải pháp tâm huyết trong gìn giữ, phát huy lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Có nhiều ý kiến thảo luận lại, trao đổi lại về tên gọi, về quy mô cảng thị, thương cảng Nước Mặn… Tất cả những điều này, cần một hội thảo để tìm ra câu trả lời xác đáng, hướng đi đúng đắn trong gìn giữ và phát huy di sản này. Hội VHNT tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để tham mưu UBND tỉnh và các ban ngành liên quan có định hướng, giải pháp làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt gắn với phát triển du lịch của Bình Định”.
PHI NGUYỄN