Tổ chức lễ tưởng niệm 38 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu

(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Sáng 18.12, tại Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu (thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), UBND huyện Tuy Phước tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 38 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu (18.12.1985 – 18.12.2023). Đến dự, có lãnh đạo Sở VH&TT, Hội VHNT Bình Định, UBND huyện Tuy Phước, UBND xã Phước Hòa cùng đại diện các phòng, ban, đoàn thể, các văn nghệ sĩ, giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn huyện.

Chương trình thơ, nhạc với chủ đề “Xuân Diệu với quê hương” tại buổi tưởng niệm. Ảnh: V.P

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng ôn lại thân thế, sự nghiệp của thi sĩ đa tài Xuân Diệu; cùng dâng hương tưởng nhớ ông. Dịp này, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Tuy Phước tổ chức chương trình thơ, nhạc với chủ đề “Xuân Diệu với quê hương” qua phần diễn ngâm các tác phẩm thơ của Xuân Diệu như Phải nói, Thơ tình mùa xuân, Giọng nói, Biển… và các ca khúc viết về Xuân Diệu như Làng ven sông (thơ Lệ Thu, nhạc Lê Trung Tín), Dòng sông thương nhớ (nhạc Châu Đức Khánh), Thơ tình Xuân Diệu (nhạc Vicky Nhung)…

Nhà lưu niệm Xuân Diệu được xây dựng tại nền nhà ông bà ngoại của nhà thơ ở thôn Tùng Giản và đưa vào hoạt động từ năm 1995. Năm 2010, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xếp hạng Nhà lưu niệm Xuân Diệu là di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo thông tin từ ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, UBND huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà lưu niệm Xuân Diệu tại xã Phước Hòa với tổng kinh phí hơn 9,8 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2025. Theo đó, Nhà lưu niệm Xuân Diệu được xây dựng mới trên nền nhà lưu niệm cũ với diện tích lớn hơn, nhiều công năng hơn để thuận lợi cho việc phát huy giá trị của di tích và trở thành một điểm đến tham quan của du khách. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng trước ngày 18.12.2024.

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 02.02.1916, tại thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX. Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, sáng tác của ông chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Ông có những tập thơ nổi tiếng giai đoạn này, như: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945). Sau cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc, là Thư ký tòa soạn tạp chí Tiên Phong của Hội. Sau đó, ông công tác trong Hội Văn nghệ Việt Nam, làm Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc. Sau năm 1954, ông là Ủy viên thường vụ, Ủy viên Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II, III; Đại biểu Quốc hội khóa I… Ông mất tại Hà Nội vào ngày 18.5.1985. Ngoài gần 20 tập thơ, ông còn để lại nhiều tập truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, phê bình văn học cùng một số tác phẩm dịch. Năm 1996, nhà thơ Xuân Diệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Duyên An

Về ngồi dưới cây một chiều xanh ướt vai
trăm năm chảy trong thớ vỏ
thơm hoa đại trắng
uống dạt dào mạch nước Côn giang. 

“Thơ ngày tháng cũ” của Trần Xuân Toàn

Trần Xuân Toàn không chuyên chú với thơ. Nhưng chính sự am tường, đồng cảm là ngọn nguồn cảm xúc của anh với thơ, dù rời rạc nhưng nó bắt kịp sự đồng điệu giữa tâm hồn…