(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Đây là một trong những nội dung được đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức, diễn ra vào sáng 12.4 tại TP. Quy Nhơn.
Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; đại diện cơ quan Thường trực khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã trong tỉnh, Hội VHNT, các văn nghệ sĩ…
Trong 15 năm (2008 – 2023), cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới được nâng lên. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thẩm mỹ đa dạng của Nhân dân. Các hoạt động văn học, nghệ thuật tiếp tục duy trì, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được duy trì, triển khai hiệu quả, nhất là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được quốc gia, UNESCO công nhận. Công tác giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật tiếp tục được quan tâm và có những thành tựu nhất định.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh tuy có bước phát triển nhưng chưa đồng bộ; các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn ít; công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa ngang tầm với sự phát triển văn học, nghệ thuật; mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn thấp; việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật trên không gian mạng chưa theo kịp thực tiễn…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận để làm rõ thêm những kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn; nâng cao giá trị tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định; phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận hội nghị, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn nhấn mạnh: thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới… Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định; chú trọng giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời đảm bảo tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. Khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, của tỉnh, gắn bó với cuộc sống của Nhân dân, bảo vệ gìn giữ các giá trị truyền thống và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, sáng tạo các tác phẩm phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa, con người Bình Định; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, rà soát bổ sung các chính sách phát triển văn học, nghệ thuật phù hợp với thực tiễn, có sức động viên văn nghệ sĩ sáng tạo; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật; khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về du lịch, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh nhà…
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Hội VHNT Bình Định là một trong 15 tập thể được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen. Trong ảnh: Đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho Hội VHNT Bình Định. Ảnh: S.P
15 tập thể được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: 1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; 2. Ban Thường vụ Thị ủy Hoài Nhơn; 3. Ban Thường vụ Thị ủy An Nhơn; 4. Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thạnh; 5. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tây Sơn; 6. Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Lão; 7. Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh; 8. Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định; 9. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh; 10. Phòng Văn nghệ và Giải trí, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định; 11. Phòng Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Báo Bình Định; 12. Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn; 13. Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao thành phố Quy Nhơn; 14. Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Phù Mỹ; 15. Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Hoài Ân. 10 cá nhân được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: 1. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha – Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định; 2. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh – Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Bình Định; 3. Nhà viết kịch Văn Trọng Hùng – Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Định; 4. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Hòa Bình – Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Bình Định; 5. Nhạc sĩ Đào Minh Tâm – Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT Bình Định; 6. Nhà văn Trần Quang Khanh – Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định; 7. Nghệ nhân Phạm Hoàng Việt – Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Múa Bình Định; 8. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt – Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Bình Định; 9. Nghệ nhân nhân dân Hà Thị Hạnh – Hội viên Chi hội Sân khấu Bình Định; 10. Nghệ nhân ưu tú Lý Thành Long – Hội viên Chi hội VHNT Xứ Hoài. |
SƠN PHẠM