Thơ dự thi của Thanh Hà

(VNBĐ – Thơ dự thi).

Về đất Tuồng

Tôi đến đất Tuồng vào một ngày biển lặng,
Con sóng rì rào sâu lắng khúc nôi xưa.
Giữa xa vắng, tiếng trống vọng về,
Hồn Linh Tá không đầu bay theo gió.
“Chí đã lập, thân há sờn cơn nguy biến;
Nghĩa vẹn tròn, dạ nào ngại chốn tử sinh”.

Thầy tôi ơi, Đào Tấn tiên sinh,
San Hậu sáng ngời gương tiết nghĩa.
Nước mắt rơi theo lời Đổng mẫu,
Và tim rơi theo bước bà Nguyệt Kiểu quy y.
Thầy tôi ơi, đất Tuồng nhân kiệt địa linh,
Ngàn năm khắc nhớ tài hoa bậc Hậu Tổ.

Tôi lần theo tiếng trống.
Người nghệ sĩ già ngồi bên sân khấu,
Bàn tay nhăn nheo vuốt lại từng chiếc mặt nạ.
“Tuồng là Bình Định, Bình Định là Tuồng”
Giọng Đổng Kim Lân trầm hùng, rắn rỏi.
“Chúng tôi chăm Tuồng như chăm những cánh đồng
Hồn quê hương đâu dễ gì khô cạn”.
“Trời cao có thấu, huyết lệ sục sôi, nỗi đau mất mẹ,
Đất rộng còn ghi, tâm can tan nát, khắc đạo làm con.
Thù này quyết chẳng đội trời chung,
Máu giặc phải rửa oan khiên từ mẫu!
Dẫu cho thân xương tan thịt nát,
Thề đem gươm đền nợ nước tận trung!”

Người nghệ sĩ chợt bần thần.
Đôi mắt ông hoang hoải nhìn xa.
Hình như nhớ lại một thời phồn vinh cũ:
Chốn xe ngựa xa hoa, tiếng trống lạc rền,
Sân khấu mờ trong hàng ghế vắng.
Cờ phất phơ – vẫy gọi hay tiễn biệt?
“Ôi trời đất, nghĩa lớn còn đâu?
Một tiếng trống, ai người nghe thấu?”

Lặng im…
Sân khấu tối dần.
Ngọn đèn chao đảo như hơi thở sắp tắt.
Người nghệ sĩ nhìn xuống đôi tay mình,
Tay run run – vết chai sần của năm tháng.
Nhưng rồi… liệu có còn ai kế nghiệp?
Liệu một ngày kia, gió chỉ còn thổi qua những hàng ghế trống?

Không!
Đêm Tuồng đất võ lung linh quá.
Người nghệ sĩ đứng dậy,
Như tướng trận cuối cùng trên chiến địa.
Tiếng trống lại vang lên!
“Hỡi trời cao, cõi đời như khói mỏng,
Chí trung can, non nước mãi còn đây!”
Giọng hát ôm lấy cả trời mây,
Giữ hồn tôi cùng đất Tuồng sống mãi.

Tôi rời Bình Định,
Lòng mang theo ánh mắt người nghệ sĩ già,
Và giọng hát của những đêm diễn trăng khuya.
Miễn là Bình Định còn,
Tuồng sẽ còn.
Người dân nơi đây vẫn thổi hồn vào từng câu hát,
Tuồng vẫn sống
Như dòng sông chảy mãi giữa trầm luân.

 

Rượu Bàu Đá

Rượu Bàu Đá,
Rượu của nước giếng trong,
Của lửa hồng,
Của gạo quê thơm trong từng hạt.
Rượu của tay người làng,
Truyền từ đời cha sang đời con,
Như lửa giữ trong lòng đất mẹ,
Như dòng sông Côn mãi chảy về biển.

Rượu chảy,
Chảy từ lòng đất,
Chảy từ mồ hôi,
Chảy qua đôi vai gầy mẹ gánh,
Chảy giữa những lối nhỏ làng xưa,
Giữa biển Quy Nhơn xanh như giấc mộng,
Giữa tiếng trống Tây Sơn vọng vang một thời hào khí.

Rượu cay.
Cay như đất khô nứt giữa mùa nắng,
Cay như giọt mồ hôi nhỏ xuống bếp lửa hồng,
Cay như lời chia ly buồn bã.
Nhưng cay để nhớ,
Nhưng cay để thương.

Rượu nồng.
Nồng như tình làng nghĩa xóm,
Nồng như tiếng cười bạn bè sau ngày gặp lại,
Nồng như lời chúc xuân trên bàn tiệc Tết.
Nồng để sống,
Nồng để yêu.

Nhưng…
Còn ai nhớ rượu ngày xưa?
Khi bếp lửa nguội dần trong ngôi nhà cũ,
Khi những đôi vai gầy chẳng còn gánh gồng,
Khi phố thị lấp đi những mạch nước giếng trong?
Rượu có còn cay như lời chia ly buồn bã?
Rượu có còn nồng như tiếng cười bạn bè?

Không!
Rượu vẫn còn trong lòng đất,
Trong giọt mồ hôi,
Trong những trái tim chưa quên hồn cốt quê nhà.
Rượu Bàu Đá – không chỉ là rượu,
Mà là lời nhắc nhở,
Mà là một Bình Định không thể phai mờ.

 

Trăng chiếu Đồi Thi Nhân

Đồi Thi Nhân, trăng rắc vàng lặng lẽ,
Dốc đá buồn vọng bóng khách đường xa.
Gió ru sương, hương liễu vờn khe khẽ,
Em có còn mong đợi bước chân ta?

Sóng Ghềnh Ráng tựa bàn tay lay bóng nguyệt,
Vỗ đá xanh mà chẳng giữ dáng người.
Hồn thi sĩ lỡ trôi miền quạnh quẽ,
Mỗi lời thơ hóa tiếng vọng chơi vơi.

Tim ta cháy giữa vầng trăng huyễn mộng,
Mây lặng trôi ai thắp lửa cho thơ?
Suối đáy mắt thành dòng trăng đỏ bóng,
Thuyền lạc xa, thương ánh nước hững hờ.

Ta đứng lặng giữa trời đêm thao thức,
Muốn mua trăng, nhưng ai bán trăng đây?
Ai lần chuỗi, kết vầng trăng cô tịch,
Ru hồn thơ theo nhịp sóng vơi đầy.

Nhưng đêm nay trăng không còn lạnh lẽo,
Nghe dịu dàng trên lá cỏ lao xao.
Từng sợi ánh hóa thành muôn câu chữ,
Soi hồn thơ trong vĩnh cửu thanh tao.

Quy Nhơn ơi, ru đời câu hát mới,
Nhịp xuân vui rộn rã bước chân người.
Đồi Thi Nhân còn đó giữa trăng sáng,
Gọi tên ai trong gió thoảng xa xôi.

THANH HÀ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tháp cổ đổ bóng

Người canh tháp mơ ngủ, ú ớ gọi tên ai đó. Ông Tám thở dài. Đang thanh niên khỏe mạnh, tương lai rạng ngời, sau một đêm bỗng thành ngớ ngẩn. Người làng đồn nó bị đức vua và hoàng hậu quở trách…

Nhà thơ Đoàn Văn Mật

Nhà thơ Đoàn Văn Mật sinh năm 1980, quê ở Nam Định. Anh đã xuất bản 04 tập thơ: Giữa hai chiều thời gian; Bóng người trước mặt; Sóng trầm biển dựng và Ngoài mây trời đầy trống vắng…

Quy Nhơn ngày tập kết và ngày trở về

Đã 70 năm từ ngày chúng tôi lên đường “tập kết” và 50 năm ngày trở về giành lại quê hương, biển Quy Nhơn vẫn vậy, hiền hòa, trong trẻo và thân thiện như vòng tay, ôm cả cuộc đời này…

Thơ dự thi của Trương Công Tưởng

Bao giờ em về lại dòng sông
Cánh buồm ngày xưa giờ không còn nữa
Cha nằm lại ngọn đồi bên những thân cây đã ngã
Những vết cắt từng ứa trào nhựa đỏ
Giờ lên những chồi non