“Thắp lửa” văn hóa đọc

(VNBĐ – Ghi chép). Nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách, những người làm công tác thư viện trong tỉnh Bình Định đang nỗ lực từng ngày với những hoạt động thiết thực, từng chút một lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Bắt nhịp cầu với người đọc
Theo anh Trần Xuân Nhất, phó giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định, đến hiện tại toàn tỉnh đã xây dựng được 72 tủ sách, thư viện cấp cơ sở, trong đó phát triển cả tủ sách ở các đồn biên phòng. Thư viện tỉnh còn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc như phối hợp với trại giam Kim Sơn (Bộ CA) phát động phong trào đọc sách và tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách như Kể chuyện theo sách, Quyển sách của tôi, Viết cảm nhận về sách… thu hút hàng ngàn phạm nhân tham gia; phối hợp với Hội nông dân tỉnh mở thư viện các HTX Nông nghiệp… Đặc biệt, hình thức xe thư viện lưu động (Dự án xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” của Vụ Thư viện và Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup) được Thư viện tỉnh triển khai từ năm 2019 đến nay mang lại hiệu quả tích cực. Anh Nhất cho hay: Thư viện tỉnh phối hợp với các phòng GD&ĐT, trung tâm VH-TT&TT, đoàn thanh niên 9 huyện, thị xã (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh) tổ chức nhiều chuyến xe thư viện lưu động phục vụ học sinh ở 12 điểm trường, hầu hết là trường Tiểu học, THCS ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2021, phục vụ thêm 3 điểm trường mới. Mỗi điểm trường, xe phục vụ 3 đợt/ năm. Ở mỗi chuyến xe, cán bộ Thư viện tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em như vẽ tranh theo chủ đề, tô màu, đố vui có thưởng… Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tư vấn, giúp đỡ nghiệp vụ thư viện cho một số trường học, hỗ trợ cài đặt phần mềm quản lý thư viện…

Những ngày trung tuần tháng Tư, tôi có dịp theo chân các anh chị ở Thư viện tỉnh trên chuyến xe thư viện lưu động ngược về phía núi, phục vụ cho học sinh vùng cao tại điểm trường Tiểu học Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh. 5 giờ sáng, các cán bộ thư viện đã bắt đầu hành trình chuyến xe tri thức. Khi đến nơi, nhìn chiếc xe thư viện lưu động lăn bánh qua phía cổng trường, các em học sinh hò reo thích thú. Cán bộ thư viện nhanh chóng chọn một góc sân trường có tán lá rộng che nắng, mở khoang xe để bắt đầu hoạt động đọc sách. Ở nơi đây, tôi chứng kiến nhiều trạng thái cảm xúc của các em nhỏ. Lúc thì các em im lặng chăm chú khi thả mắt theo từng con chữ, theo từng mạch truyện, từng chi tiết mới khám phá. Lúc thì tươi vui rộn rã khi được tham gia các trò chơi đố vui nhận thưởng. Câu hỏi đố vui là nội dung trong những cuốn sách gần gũi mà nhiều em từng được đọc trong chương trình giảng dạy hoặc ở các thư viện trường. Với vẻ mặt rạng rỡ, em Lê Anh Khoa, học sinh lớp 2A, khoe: “Đây là lần thứ hai con được nhận thưởng vì trả lời đúng câu hỏi của các cô chú. Ở nhà, con hay đọc sách mà ba mẹ hay mua cho. Khi đến trường thì con hay vô thư viện trường để đọc truyện”. Lặng lẽ một góc nhỏ nhìn các học trò của mình tham gia các hoạt động về sách, thầy Trần Công Huynh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh, bộc bạch: “Các em rất háo hức trông đợi ngày xe thư viện lưu động trở lại. Ngoài việc được đọc những cuốn sách mới, các em được chơi trò chơi và xem phim 3D. Tôi thấy đây là mô hình rất hiệu quả, để khuyến khích, tạo thói quen đọc sách cho các em. Ở phía nhà trường, chúng tôi cũng tăng cường các hoạt động thư viện, bố trí thời gian hoạt động hợp lý phục vụ việc đọc sách, tìm hiểu tài liệu của các em học sinh và thầy cô giáo”.

Kết nối, lan tỏa văn hóa đọc…
Để nhen lên tình yêu đọc sách cho học sinh và giáo viên, đầu tháng 4.2021, trường THPT Quy Nhơn đã cho vận hành thư viện sách Learning Commons. Đây là hình thức thư viện tạo một không gian học tập mang tính cộng đồng, người đọc có thể tập trung, nghiên cứu có định hướng, kết hợp học tập và thư giãn; sự kết hợp giữa thư viện với CNTT và dịch vụ hỗ trợ nhằm đáp ứng tốt nhất cho người dùng. Điều đặt biệt, thư viện của trường đã dành một không gian cho sách văn học, lịch sử, văn hóa địa phương. Thầy Dương Văn Minh, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Tôi muốn lồng ghép việc đọc sách vào khóa học ngoại khóa, cho các em tìm hiểu hơn về văn học địa phương và dần tích lũy cho mình khả năng phân tích, nghị luận. Đây chỉ là một mô hình nhỏ. Trong tương lai, tôi muốn mở rộng hơn mô hình thư viện này. Hiện tôi đang liên hệ với phía thị xã An Nhơn để tiến hành mở rộng mô hình thư viện Learning Commons”. Thầy Minh không giấu được niềm vui khi thư viện của trường nhận được nhiều sự quan tâm từ các đơn vị, thư viện khác: “Biết tôi đưa thư viện vào hoạt động, Hội VHNT, trường ĐH Quy Nhơn và một số cá nhân đã tặng sách cho thư viện. Đặc biệt, việc mở thư viện từ phía nhà trường nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ phía Thư viện tỉnh”. Anh Trần Xuân Nhất cho biết: “Khi biết một cá nhân, tổ chức nào đó tâm huyết với sách, muốn góp phần phát triển văn hóa đọc, chúng tôi luôn hết lòng hỗ trợ. Ngoài tập huấn công tác thư viện, lắp đặt các phần mềm quản lý thư viện chúng tôi còn luân chuyển sách để kịp thời phục vụ nhu cầu tìm đọc sách mới từ thư viện địa phương”.

Từ năm 2003, để phục vụ tốt nhất thư viện cơ sở, Thư viện tỉnh tích cực luân chuyển sách. Ba tháng một lần, xe thư viện sẽ chở sách đến các thư viện cơ sở để đổi sách. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tích cực hỗ trợ cho các thư viện tư nhân như thư viện ở Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn), Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn). Hiện nay, hình thái thư viện tư nhân cũng được thành lập ở nhiều vùng quê, tạo một không gian đọc sách cho bạn đọc ở nông thôn. Mở thư viện tư nhân từ năm 1996 và duy trì cho đến nay, thư viện của anh Võ Duy Nam tại Nhơn Phúc trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn đọc. Anh Nam thổ lộ: “Cũng vì mê sách và muốn bà con ở quê có thêm sách đọc, giải trí, tìm hiểu tri thức nên tôi duy trì thư viện này. Hiện thư viện có hơn 3.000 đầu sách. Thật mừng khi thư viện nhận được hỗ trợ từ phía Thư viện tỉnh, luân chuyển sách để kịp thời phục vụ nhu cầu của bạn đọc”.

Sự bùng phát tài nguyên điện tử, công nghệ web, và năng lực số hóa thông tin in ấn, âm thanh và nghe nhìn đã làm thay đổi quan niệm về thư viện. Nhiều năm qua, Thư viện tỉnh đã nỗ lực thực hiện số hóa. Các thư viện địa phương cũng đã được bố trí các phòng đọc điện tử. Anh Lê Thanh Hải, giám đốc Thư viện đại học Quy Nhơn, chia sẻ: “Hiện tại, thư viện số của trường đã có 32.000 mục tài liệu. Riêng lĩnh vực xã hội và nhân văn có hơn 1.100 bản ebook. Thư viện số của trường đã có 15.000 tài khoản thành viên dành cho sinh viên và giảng viên trong trường. Trung bình mỗi ngày có gần 10.000 lượt truy cập. Trường đang tiến hành bổ sung, cập nhật nhiều hơn kho tài nguyên số đồng thời mở rộng, tạo sự liên kết giữa các thư viện. đặc biệt là mở rộng ra các đối tượng bạn đọc là sinh viên, học sinh phổ thông trong tỉnh”.

Sự phát triển vượt bậc của CNTT và các phương tiện giải trí hiện nay khiến văn hóa đọc bị lấn át. Chưa kể, một số xuất bản phẩm kém chất lượng hay lệch lạc về tư tưởng tạo nên ít nhiều hệ lụy. Anh Nhất trải lòng: “Chúng tôi có sự sàng lọc nghiêm khắc để mang đến cho người đọc những ấn bản chính thống, giàu nội dung tri thức, bồi đắp nhân cách con người. Từng chút một, chúng tôi tạo ra sự gắn kết giữa các thư viện, giữa thư viện và phía cơ sở địa phương, bạn đọc đồng thời tổ chức các hoạt động liên quan đến sách với hy vọng sẽ thắp lửa tình yêu đọc sách, tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng”.

Sáng 19.4, tại trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), Sở TT&TT phối hợp với Sở VH&TT và UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Lễ phát động Chương trình hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8. Tại đây, Thư viện tỉnh phối hợp cùng Thư viện huyện Vĩnh Thạnh và các ngành liên quan trưng bày khoảng 1.000 đầu sách theo các chủ đề về biển đảo, văn hóa truyền thống của địa phương, sách thiếu nhi… phục vụ bạn đọc.

PHI NGUYỄN

(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

An nhiên cùng mây chiều, lửa tối

Chúng tôi đến bãi cỏ Đồng Vuông – trung tâm cao nguyên xanh La Vuông – vào giữa buổi chiều hè. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đây là sự khác biệt về khí hậu…

Chạm ngõ La Vuông

La Vuông, cái tên đẹp như một bài thơ trữ tình. Vùng cao nguyên xanh với núi non trùng điệp này không chỉ có cảnh sắc thanh bình thơ mộng, mà còn lưu giữ bao điều thú vị trong làn sương…