Thập kỷ mới, niềm tin mới, kỳ vọng mới!

(VNBĐ – Thời đàm). Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có quyết định triệu tập Đại hội XIII của Đảng từ ngày 25.1.2021 đến ngày 02.02.2021 tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, định hướng tương lai của cả dân tộc.

Năm 2020 trôi qua, đất nước ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ ở miền Trung và đã ghi dấn ấn đặc biệt khi tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp theo đúng tiến độ, kế hoạch, mục đích, yêu cầu đề ra. Đến ngày 20.10, cả nước đã hoàn thành 100% đại hội đảng bộ ở cả 2 cấp; đến ngày 29.10, 100% đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội; bầu được 3.330 đồng chí vào Ban Chấp hành các Đảng bộ, 1.084 đồng chí tham gia lần đầu, đạt 32,5%. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Công tác nhân sự đại hội có nhiều đổi mới, đã chú ý phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị nhân sự cho Trung ương. Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn. Các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chất lượng cơ bản được bảo đảm. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, người dân tộc thiểu số nhìn chung cao hơn nhiều so với các nhiệm kỳ trước.

Kết quả này có được là sự nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, bởi chưa một kỳ đại hội đảng nào lại bắt đầu khác biệt như lần này. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tiến hành theo phương châm: Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển. Chủ đề của Đại hội là Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội XIII của Đảng không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất cao trong việc hoàn chỉnh và biểu quyết thông qua các văn kiện của đại hội, tạo cơ sở cho việc quán triệt, triển khai thực hiện thật tốt nghị quyết đại hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 cũng như mục tiêu tổng quát đã đề ra là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.

Trước thềm Đại hội, công tác chuẩn bị nhân sự được đánh giá là bài bản, chặt chẽ và tốt hơn so với nhiều đại hội trước, nhất là Đại hội XII. Trong nhiệm kỳ tới, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt có vai trò cực kỳ quan trọng cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương nắm bắt thời cơ, vận hội, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tăng cường lãnh đạo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Để làm được sứ mệnh cao cả này đòi hỏi nhân sự lãnh đạo chủ chốt của của Đảng phải có tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh vững vàng và chắc chắn phải thật sự là tấm gương đạo đức. Cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua (trong nhiệm kỳ Đại hội XII) đã có đến 3 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật đã là một bài học xương máu. Chính điều này mà trước Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác nhân sự đại hội đòi hỏi phải được tiến hành với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

“Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng 28.02, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tự tin phát biểu; cùng với những gì mà cả nước đang hướng về Đại hội XIII của Đảng, chúng ta hoàn toàn có thể đặt một niềm tin mới, kỳ vọng mới vào vận hội của đất nước trong thập kỷ mới!

DƯƠNG HIẾU

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chống hoạt động IUU bao giờ kết thúc?

Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản…