Tháng Chạp này ở Trường Cửu…

(VNBĐ – Ghi chép). Trường Cửu, một thôn nhỏ bình yên nằm bên dòng Côn giang thuộc địa phận của xã Nhơn Lộc, An Nhơn. Đó cũng là “cô nàng láng giềng” của quê tôi xứ Gò Sành (Phụ Quang, phường Nhơn Hòa). Hai thôn chúng tôi chỉ cách nhau một cây cầu nhỏ, vài bước chân đi. Tôi thích la cà đến Trường Cửu, nhất là những ngày tháng Chạp, khi cái se sẽ sang mùa khiến cho nắng vừa đủ ấm, những cây lúa trên đồng đang dậy thì xanh mướt và những hàng bánh tráng phơi dọc dài trên những con đường làng…

Tháng Chạp ở Trường Cửu. Ảnh: V.P

1.

Những ngày còn đi học ở trường THPT An Nhơn 3 thuộc xã Nhơn Thọ, thỉnh thoảng tôi lại đi theo đường Trường Cửu. Ngày ấy, đường đất chỗ gồ ghề đá sỏi, chỗ bùn bẫy lấm láp, chúng tôi đạp xe mà thom thóp sợ bùn đất văng lên quần áo. Trường Cửu nay khác quá. Sạch sẽ. Phong quang. Bê tông hóa. Năng động hơn xưa.

Lần trở lại này, tôi có dịp gặp thầy giáo hưu trí Trần Thế Vân. Vui hơn, khi biết ông cũng từng là giáo viên dạy môn Ngữ văn của trường THCS Nhơn Lộc. Giờ đây, ông đang là Bí thư Chi bộ thôn Trường Cửu. Ngồi bên chén trà nóng, ông say sưa nói về vùng đất mà mình gắn bó suốt một đời người. Giờ con cái đã phương trưởng, mỗi đứa một nơi vun xây ý hướng chăm chút cuộc sống riêng tư, thì ông vẫn thủy chung với đất đồng, bầu bạn với vườn nhà chăm cây chăm hoa, trồng lúa, ê a nói cười sảng khoái cùng những người bạn đồng niên chốn quê nhà. Xứ nầy ấy à, ông thuộc làu trong lòng bàn tay. Ông kể rành rẽ về cái làng nhỏ nhắn nằm bên dòng sông Côn này từng milimet một. Từ vết tích Champa với lò gốm cổ cho đến cây cầu tre bắc qua sông Côn năm nào mấy lần lũ cuốn, và cuộc sống muôn màu thay đổi hôm nay. Ông nạp cho tôi thêm một ít thông tin về Trường Cửu, chẳng hạn như, nơi này hiện có 1.100 nhân khẩu với 247 hộ. Bà con sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, làng có ngành nghề làm bánh tráng với 68 hộ đang theo nghề, thu hút hơn 200 lao động. Năm 2009, UBND tỉnh đã trao quyết định công nhận Làng nghề bánh tráng Trường Cửu… Tôi dò hỏi ông giáo về lý lịch làng nghề bánh tráng, ông chiêu thêm ngụm trà, giọng chậm rãi: “Theo các vị cao niên trong thôn, làng bánh tráng Trường Cửu có từ hàng trăm năm trước. Thời đó, nơi này chỉ có vài chục nóc nhà làm bánh nhưng đã cung cấp cho nhiều bà con lân cận. Cứ túc tắc đỏ lửa, khuấy bột vậy thôi. Thế rồi tiếng lành đồn xa. Cho đến hiện tại thì nhắc đến Trường Cửu, người ta nghĩ ngay đến bánh tráng”.

Đúng là xứ sở của bánh tráng. Nó dấy lên trong tôi những bước chân hiếu kỳ muốn khám phá tường tỏ. Khi tản bộ trên những con đường quanh ngõ xóm, tôi dễ dàng bắt gặp những vỉ liếp bánh đang “ăn” no nê con nắng giữa ngày. Nắng giòn giã. Nắng òa ập vào những chiếc bánh tròn hỉn, trắng phau đang nằm phơi mình. Bánh ăn nắng. Bánh được gió trời tháng Chạp hơ háp cho săn giòn lại. Đến mức, khi đến gần một vỉ bánh, tôi như mường tượng những chiếc bánh đang căng mình lên nung nẩy quẫy cựa rồi co cứng lại như sắp vỡ ra. Thì ra, đó chỉ là cảm giác. Vì bánh tráng ở đây, vừa săn giòn, vừa thơm dai. Cũng chính nhờ vậy, cái tên bánh tráng Trường Cửu cứ được người dân xứ Nẫu yêu thích vì độ ngon của nó.

2.

Trong lúc khám phá làng nghề Trường Cửu, thấy một cụ ông đang bưng những liếp bánh tranh thủ ra phơi, tôi bắt chuyện. Cái tên của ông cũng thật lạ – Thiệu Văn Tồn. Năm nay, ông đã bảy mươi lăm tuổi nhưng trông còn rất nhanh nhẹn với những động tác gọn hơ mang những vỉ bánh phơi trên khoảnh sân vườn nhà. Biết tôi có ý tham quan lò bánh, ông chỉ tay về phía hiên nhà: “Bà xã tôi đang tráng bánh ở đó”. Hướng theo cánh tay của ông, tôi thấy một người phụ nữ mảnh khảnh đang ngồi tráng bánh. Khói bánh phả lên còn nghe quyện trong hơi gió mùi thơm thơm của hương lúa nồng nàn, của bột chín được làm nên từ những tảo tần người quê một nắng hai sương. Vợ ông Tồn – bà Lê Thị My (nay đã 70 tuổi) đang lấy gáo dừa múc bột rồi tráng mỏng, xoay đều tay 3-4 vòng thành hình tròn như mặt trăng. Bàn tay bà dùng thanh tre lướt nhẹ đưa bánh ra vỉ. Bà My ôn tồn: “Ngày nắng ráo, đẹp như hôm nay ấy, thì cứ đều như vắt tranh mỗi ngày tôi làm một cây bánh 50 ràng. Mỗi ràng 20 cái. Làm suốt mà không kịp giao cho khách. Những ngày cận Tết, người ta gọi điện, rồi đến tận nhà đặt bánh, mà mình chỉ nhận những mối quen. Vì làm không xuể”. Nói rồi, bà lại đảo đều thùng bột gạo, múc bột lên khuôn đang hâm hấp nóng, đưa tay xoay đều, đậy nắp… Thao tác cứ lặp lại liên tục. Đều nhuyễn. Hình ảnh của bà My khiến tôi nhớ đến má. Nhớ những ngày hai mẹ con thức dậy thật sớm, đi máy bột rồi chở bột, chở những bao trấu to tướng đến lò bánh ở trong thôn. Ngày ấy, lúc má còn đang loay hoay đưa bánh ra vỉ, thì tôi đã nhanh nhảu thò tay cuốn lấy mấy cái bánh ướt còn hôi hổi nóng, chấm vào chén nước mắm giã ớt bay, hít hà ăn ngon lành. Thấy tôi nhìn những vỉ bánh mới ra lò, bà My cuộn lại hai ba chiếc bánh rồi xởi lởi: “Con ăn thử đi, loại này lúc còn nóng, chấm mắm gừng thiệt cay thì hết sẩy!”. Tôi cầm lấy chiếc bánh ướt, ăn ngon lành như một đứa trẻ. Cái vị ấm nóng ngọt ngọt, bùi bùi như quyện lấy hốc mũi. Nhớ má. Tự nhiên sống mũi cứ cay cay…

3.

Theo thông tin tôi biết được thì ở Trường Cửu này, phần đông bà con nơi đây tráng bánh theo phương thức thủ công. Mấy năm gần đây mới có một số hộ đầu tư mua sắm máy móc để sản xuất, người sắm máy cắt, người mua dây chuyền máy tráng bánh, người đầu tư dàn máy nướng bánh. Đến hiện tại, ở thôn đã có 7 hộ trang bị dàn máy. Sau một chặp hỏi thăm, tôi đã tìm thấy nhà anh Bùi Hiếu Dũng (46 tuổi), một trong những hộ đã đầu tư dàn máy vào sản xuất bánh tráng. Cả nhà anh Dũng ba người và hai nhân công do anh thuê đang tất bật các công đoạn làm bánh. Vì có sự can dự của máy móc nên các khâu làm bánh diễn ra khá nhanh và liên tục. Anh Dũng vừa đứng canh bột, vận hành máy vừa rôm rả nói về nghề truyền thống quê mình. Gia đình anh đã gắn bó với công việc làm bánh này từ lâu nhưng đến năm trước, anh mới mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu để mua dàn máy và vỉ bánh. Anh cho hay: “Nhờ có dàn máy, năng suất làm bánh gấp bốn gấp năm lần tráng bánh bằng thủ công. Chỉ 2 tiếng đã xong công đoạn làm bánh. Mỗi ngày, cơ sở tôi sản xuất tầm 600 vỉ bánh”. Bánh lên khuôn, được cắt theo mẫu rồi dịch chuyển theo dây chuyền đã có vỉ sẵn. Mọi thứ diễn ra chóng vánh. Chỉ vài phút, những vỉ bánh liên tục ra lò, được các nhân công xếp lên xe đẩy đưa ra khỏi sân phơi tranh thủ cái nắng giữa ngày. Được máy móc hỗ trợ, nghề làm bánh tráng giải phóng phần nào đó sức lao động của con người, năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm cũng đều hơn, thu nhập của người làm bánh cũng cải thiện đáng kể. “Những ngày cận Tết này, đơn hàng nhiều lắm. May mà có dàn máy hỗ trợ, nên công việc dễ xoay trở, đáp ứng được phần nào nhu cầu mua bánh tráng Tết của khách hàng”, anh Dũng bộc bạch. Lò bánh anh Dũng sản xuất nhiều loại mỏng dày theo đơn đặt hàng, nhưng phần nhiều lò của anh chuyên mặt hàng bánh tráng mè dày. Lò bánh của anh đã tạo công việc thường xuyên cho 3-5 nhân công. Khi rảo bước ra trước nhà anh, nơi có một sân phơi khá rộng và thoáng để xem cảnh phơi bánh, tôi đã gặp chị Trình Thị Cẩm Thu (59 tuổi) đang phơi những liếp bánh thẳng thớm trên sào tre. Sau một lúc trò chuyện, tôi mới hay chị vốn ở phía bên kia sông thuộc địa phận xã Nhơn Khánh. Sau một hồi hỏi han, người phụ nữ nước da ngăm, trông vẻ mặt rắn rỏi ấy bỗng rơm rớm nước mắt. Con gái chị ở tuổi hai chín vừa mất vì dịch Covid. Cuộc sống gia đình khó khổ, con gái mất chưa lâu, nỗi đau còn chưa liền sẹo chị đã phải nén lại nỗi đau bươn chải đi làm. Đôi mắt người mẹ như ráo hoảnh nhìn về khoảng nào xao xác phía cánh đồng đang gợn gió. Giá mà, cuộc sống của ai cũng đều bình yên như mái làng Trường Cửu, không bóng dáng dịch bệnh gây bao nỗi chia lìa thì hay biết mấy. Đưa tay gạt nước mắt, người mẹ thôn quê giọng run run: “Đi làm như thế này, sự bận bịu giúp mình dịu đi phần nào chuyện buồn. Mọi người cũng động viên mình nhiều nên cũng bớt suy nghĩ tiêu cực. Chỉ mong cầu bình an để không ai phải chịu cảnh đớn đau như thế”. Tôi chỉ biết an ủi người mẹ mất con cố gắng vượt qua nỗi mất mát này để hướng về phía trước, vì chị còn những người thân thương bên cạnh, còn chặng đường dài để tiếp nhận những yêu thương từ gia đình, bè bạn.

Công đoạn nướng bánh bằng máy của một hộ dân làng nghề bánh tráng Trường Cửu. Ảnh: V.P

4.

Tôi dùng dằng khá lâu ở Trường Cửu, thăm thú thêm một số nơi làm bánh ở đây. Ai nấy cũng đang tất bật với công việc làm bánh tráng cung cấp cho người tiêu dùng. Khung cảnh ấy, càng khiến tôi có cảm giác mùa xuân đang đến thật gần. Khi chiều dần xuống, tôi ghé lại nhà một người bạn thời học cấp 3. Bạn thết đãi tôi hai món ăn của làng nghề xứ Nhơn Lộc này là bánh tráng Trường Cửu cuốn thịt ba chỉ và rượu Bàu Đá. Chúng tôi hàn huyên, nhắc nhớ về chuyện thuở nào cho đến khi trời dát màn nhung lên cánh đồng phía xa, và ánh đèn đường rực lên phía đầu ngõ mới nói câu chào tạm biệt. Bạn hẹn lịch tương ngộ bằng một câu dí dỏm: “Tết lên chơi nhé! Ở đây thiếu gì chứ không thiếu rượu và… bánh tráng”. Nghe xong, cả hai chúng tôi cùng ồ cười sảng khoái. Không quên nhắc nhau cẩn thận giữa mùa dịch dã và thầm nguyện cầu những điều bình an nhất cho nhau.

Trường Cửu những ngày tháng Chạp, bước chân tôi như bịn rịn trước vẻ đẹp thôn quê yên ả. Gặp những con người thân thiện mộc mạc, chăm chỉ với đất với nghề, nghe bao câu chuyện được thổ lộ từ lòng mình của họ, sao thấy thương đến lạ. Tôi hẹn ngày trở lại với Trường Cửu, không xa đâu mùa xuân này…

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

An nhiên cùng mây chiều, lửa tối

Chúng tôi đến bãi cỏ Đồng Vuông – trung tâm cao nguyên xanh La Vuông – vào giữa buổi chiều hè. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đây là sự khác biệt về khí hậu…

Chạm ngõ La Vuông

La Vuông, cái tên đẹp như một bài thơ trữ tình. Vùng cao nguyên xanh với núi non trùng điệp này không chỉ có cảnh sắc thanh bình thơ mộng, mà còn lưu giữ bao điều thú vị trong làn sương…