Tái hiện lễ hội Thần làng của đồng bào Chăm H’roi

(VNBĐ – Thời sự). Ngày 30.11, tại Nhà văn hóa khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, Sở VH&TT, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Vân Canh tổ chức tái hiện lại lễ hội Thần làng của đồng bào dân tộc Chăm H’roi.

Trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, lễ hội Thần làng (Quai yang cham) là sự kiện văn hóa truyền thống quan trọng nhằm cầu nguyện cho các vị thần linh bảo vệ dân làng khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống Nhân dân buôn làng được ấm no, hạnh phúc.

Bà con Chăm H’roi thực hiện nghi lễ cúng Thần làng. Ảnh: N.N

Thời điểm tổ chức lễ hội Thần làng thường vào thời điểm từ tháng Hai đến tháng Năm âm lịch trong những ngày trời nắng đẹp. Đây là dịp để người Chăm H’roi thể hiện lòng tôn kính các vị thần và tổ tiên, đồng thời còn là dịp để cộng đồng cùng nhau sum họp, vui chơi và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Công đoạn tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo, trước ngày tổ chức lễ hội từ 01 – 02 tháng, các bậc phụ lão thông báo dân làng tụ họp đông đủ tại nhà rông để phân công nhiệm vụ cụ thể các phần việc trong quá trình tổ chức lễ hội, đồng thời cả làng sẽ cùng thỏa thuận với nhau để quyên góp những vật phẩm dâng lễ. Riêng phần lễ vật chính gồm một con heo và một con dê được cả làng chung tay đóng góp. Nghi lễ cúng Thần làng gồm 4 lần cúng: Cúng giỗ ông bà, cúng Thần núi, cúng Thần làng, cúng hú lấy hồn về. Trong khi cúng còn thực hiện các nghi thức khác như: Treo mỏ và giăng dây chỉ, đạp đất, xin keo… với ý nghĩa trừ tà khí, cầu thần linh phù hộ buôn làng như ý nguyện thỉnh cầu. Quy mô tổ chức lễ hội Thần làng tùy thuộc vào điều kiện của từng làng, nhưng không bao giờ thiếu vắng tiếng cồng, chiêng, trống kơ toang, tiếng xà reo, chập chõa hòa trong những điệu múa xoang. Đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Chăm H’roi trong những ngày hội làng.

Việc tái hiện lễ hội Thần làng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, góp phần gìn giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hướng tới xây dựng thành sản phẩm du lịch của địa phương. Dịp này, Sở VH&TT cũng đã trưng bày 103 bức ảnh với chủ đề “Văn hóa dân tộc thiểu số Chăm H’roi, Vân Canh – Bản sắc và tiềm năng” để phục vụ công chúng tham gia lễ hội.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phát huy bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia là góp phần gìn giữ di sản…