Sức xuân từ một hợp tác xã thanh niên

(VNBĐ – Bút ký). Trong khi nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) ở nước ta phải giải thể hoặc thu hẹp hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng thì ở huyện Hoài Ân lại thêm một HTX NN ra đời. Đó là HTX NN Thanh niên Hoài Ân do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Hoài Ân nhiệm kỳ 2017 – 2022 xin chủ trương thành lập và tổ chức Đại hội lần đầu vào tháng 10 năm 2020! Dồi dào sức trẻ năng động, sáng tạo, qua hơn 03 năm hoạt động HTX đem lại nhiều lợi ích và niềm tin lâu dài cho người dân. Mùa xuân này, nhiều thành quả do HTX mang lại đã hiển hiện trong đời sống xã viên, góp thêm phần tô thắm vào sắc xuân trên mảnh đất trung du này.

Dồi dào sức trẻ
Với số vốn điều lệ ban đầu khá khiêm tốn, HTX NN Thanh niên Hoài Ân đã tổ chức bộ máy quản trị, điều hành và kiểm soát thật tinh gọn với chỉ 5 thanh niên có trình độ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông phẩm.

Anh Thái Thành Việt – nguyên cán bộ Huyện đoàn, nay là Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Nhiều HTX NN ở địa phương nhưng không giúp gì nhiều cho bà con. Điệp khúc “được mùa mất giá” liên tục diễn ra khiến nhiều bà con, trong đó có không ít thanh niên rơi vào cảnh trắng tay. BCH Huyện đoàn chúng tôi thấy có trách nhiệm nên đã tổ chức nhiều cuộc họp và cuối cùng giải pháp mang tính khả thi được đề xuất: thành lập HTX NN Thanh niên, do chính thanh niên điều hành, quản lý. Nhiệm vụ chính của HTX là định hướng xã viên sản xuất theo quy chuẩn mới, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nhiệm vụ này đòi hỏi người điều hành phải trẻ, khỏe, có chuyên môn mới đảm đương được!”.

HTX tuy ít người nhưng mỗi người đều làm được nhiều việc. Có người trong ngày chu toàn cả ba, bốn phần việc: phân loại, đóng gói, giới thiệu sản phẩm, vận chuyển, bán hàng… Có người đầu buổi lo phân loại sản phẩm hoặc dẫn nhân công đến vườn xã viên lao động, giữa buổi đi giao hàng tận huyện xa, cuối ngày mới về. Nhân công lao động thường xuyên hoặc mùa vụ của HTX đều trẻ, khỏe, nhanh nhẹn và có kỹ năng. Sức trẻ đã tạo nên một hệ thống hoạt động nhịp nhàng từ vườn, trại đến kho, cửa hàng…

Gian hàng sản phẩm nông nghiệp của HTX NN Thanh niên Hoài Ân tại chợ Ân Nghĩa. Ảnh: B.T.P

Khác với những HTX NN trên địa bàn huyện chỉ tập trung vào việc sản xuất cây lúa, HTX NN Thanh niên Hoài Ân quan tâm đến tất cả các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên đất này. Đối với những loại cây đã trồng, HTX cung cấp kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa đậu quả trái vụ và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đối với đất trống, đồi trọc, HTX định hướng cho người dân nuôi, trồng những con, cây giống mới mà cuộc sống đang hoặc sẽ có nhu cầu tiêu thụ mạnh. Đi kèm với định hướng sản xuất, HTX thành lập nhiều nhóm Zalo, cung cấp nhiều thông tin bổ ích đến từng nhóm hộ xã viên; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và Hữu cơ; hình thành nhiều vườn cây hữu cơ – trang trại sản xuất theo quy trình khép kín; liên hệ với những công ty giống cây trồng vật nuôi uy tín để lấy con giống về hỗ trợ cho bà con; cử cán bộ đến tận vườn, trại để kiểm tra, hướng dẫn cho xã viên kỹ thuật phối, lai tạo giống mới.

Đối với những sản phẩm nông nghiệp truyền thống, như: gạo, bắp, đậu phộng, mè…, HTX thu gom rồi chế biến ra nhiều thành phẩm chất lượng, như: dầu ăn các loại, kẹo, bánh, mứt, bún khô, bún phở, bánh tráng. Đối với những sản phẩm tươi như: rau, củ, quả, chè xanh, HTX có kho bảo quản, đóng gói và làm đẹp bằng bao bì, nhãn mác trước khi xuất bán…

Nhờ cách làm mới mẻ này mà số lượng hộ dân tự nguyện gia nhập vào HTX NN Thanh niên Hoài Ân ngày một đông, đến nay đã có trên 150 hộ!

Quả ngọt đầu mùa
Theo chân anh Việt, chúng tôi ghé thăm đồi chè Gò Loi và những vườn dừa xiêm trĩu quả ở địa bàn xã Ân Tường Tây. Nhìn những trảng chè lấp ló chồi nõn dưới nắng xuân, chạnh nhớ đến thời vàng son của cây chè Gò Loi danh tiếng. Anh Việt cho biết: “Đồi chè này trước đây của Nông trường chè Gò Loi, đã có thương hiệu. Nông trường giải thể, cây chè chết rất nhiều. Mấy năm gần đây, người dân quanh vùng đã nhận chăm sóc và trồng dặm nên giờ mới được như thế này. HTX chúng tôi kịp thời giúp bà con kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn Hữu cơ và bao tiêu sản phẩm. Hiện, chè Gò Loi sấy khô – đóng gói bạc có gắn nhãn hiệu – kít chân không của HTX chúng tôi đã có mặt ở nhiều đại lý, siêu thị trong và ngoài tỉnh”.

Xã Ân Nghĩa là địa bàn có nhiều vườn, trại của xã viên HTX NN Thanh niên Hoài Ân đang hiển hiện thành quả trái vụ do HTX hướng dẫn xử lý kỹ thuật. Vào thăm khu vườn mãng cầu 0,5 ha của anh Nguyễn Phước Quan ở thôn Kim Sơn đang cho quả vào dịp Tết này, tôi phải buộc miệng trầm trồ vì cây, quả quá đẹp. Cây được trồng thẳng hàng, giống mãng cầu dai, xanh lá, tròn tán. Quả to, đồng lứa, bắt đầu nở gai, lủng lẳng, trĩu cành. Anh Quan cho biết vườn cây này do HTX NN Thanh niên huyện xử lý kỹ thuật vào giữa tháng 7 âm lịch năm nay để cho ra quả trái vụ và chín đều vào dịp Tết nguyên đán này. Hiện, anh đã ký hợp đồng bán quả cho HTX với giá ngang bằng thị trường. Khoảng 25 tháng Chạp họ hái và anh không phải tốn công, kinh phí vận chuyển…

Ghé thăm gia trại rộng gần 03 ha của anh Nguyễn Ngọc Thường, cùng thôn với anh Quan, tôi bị hấp dẫn bởi mô hình trồng ổi kiểu mới. Theo anh Thường, vườn ổi trong gia trại này do HTX NN Thanh niên huyện hướng dẫn trồng và chăm sóc theo quy cách Hữu cơ, không sử dụng phân vô cơ và thuốc trừ sâu. Họ hỗ trợ 50% kinh phí giống, công trồng và cử cán bộ đến vườn hướng dẫn kỹ thuật cắt cành, tỉa lá, bón phân đúng thời điểm nên giờ có quả sắp bán. Cắn một miếng ổi do anh Thường mời, nhai giòn rụm, tôi nghe trong chút vị chua có vị ngọt thanh đượm hương quyến rũ và cổ họng dịu trơn. Tôi gật đầu: “Ổi ngon và sạch đúng nghĩa! Có lẽ vì điều này mà nhiều lãnh đạo huyện, tỉnh đến thăm đều ăn ổi tại vườn không chút ngại ngần”. Đến trang trại anh Trần Đức Trạng ở thôn Phú Ninh, tôi thật sự ngỡ ngàng. Trong diện tích khoảng chừng một ha đất triền đồi, anh Trạng được HTX hướng dẫn xây một trại heo đen ở phần đất bằng. Bên trại, anh trồng chuối sáp bán trái rồi lấy lá, thân làm thức ăn cho heo. Phần đất trũng, anh móc ao, thả bèo lục bình, nuôi ốc bươu đen bán trứng. Bèo sinh sản nhanh, tạo môi trường tốt để ốc đẻ dày và bèo cũng là nguồn thức ăn sẵn có để anh nuôi heo. Phần đất triền, anh trồng bưởi da xanh. Hiện, lứa bưởi trái vụ đầu tiên mà HTX xử lý thí điểm cho 50 cây trong vườn anh đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Bưởi rất sai, quả tròn đều, mỗi cây cho trung bình từ 30 – 40 quả. Quả to, nặng từ 1,5 – 2,5 kg, sẽ chín rộ vào dịp Tết này. Chia sẻ với tôi về thành quả lao động của mình, anh Trạng phấn khởi: “Nếu tính theo giá thị trường hiện nay thì Tết này tôi sẽ thu được 50 triệu đồng từ việc bán bưởi trái vụ. Cảm ơn HTX NN Thanh niên huyện đã giúp đỡ gia đình tôi!”… Xuôi đường xuống trung tâm huyện, chúng tôi tiếp tục ghé thăm trại gà thả vườn của anh Nguyễn Thành Quang ở thôn Kim Sơn. Trại có tổng cộng 4.000 gà lớn nhỏ, trong đó có 1.000 con đủ trọng lượng xuất bán cho HTX NN Thanh niên huyện vào dịp Tết. Trại luôn duy trì việc nuôi từ 3.000 – 5.000 con thuộc giống gà ta: lông tía, mào lá, chân vàng do HTX hỗ trợ. Vì gà ngon thịt nên được các siêu thị đặt mua dài lâu.

Bưởi trong trang trại anh Trần Đức Trạng (xã Ân Nghĩa) cho quả vào dịp Tết. Ảnh: B.T.P

Nhờ năng động và tâm huyết với nông nghiệp nên dịp Tết này, HTX NN Thanh niên Hoài Ân có trên 50 tấn trái cây bán cho các siêu thị trong tỉnh, 55 sản phẩm trưng bày tại cửa hàng HTX và bán ra thị trường, trong đó có 37 sản phẩm đạt nhãn hiệu OCOP và 08 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. HTX NN Thanh niên Hoài Ân xứng đáng được UBND huyện Hoài Ân tặng nhiều Giấy khen và UBND tỉnh tặng Bằng khen vào năm 2022.

Tỏa hương, đượm sắc
Hiệu quả hoạt động của HTX NN Thanh niên Hoài Ân ngày càng lan tỏa rộng. Nhiều hộ dân trước đây làm ăn thua lỗ, được HTX cho gia nhập và hỗ trợ nhiều mặt nên đã nhanh chóng thoát nghèo, như hộ anh Thường, anh Quang… Anh Thường bộc bạch: “Cách đây ba năm, tôi dồn hết vốn và vay thêm ngân hàng để đầu tư trồng dưa hấu. Không may năm ấy dịch Covid 19 bùng phát, dưa bán không được, tôi mất trắng gần 300 triệu đồng. Tôi chán nản, không muốn gì nữa. Cũng may nhờ có HTX NN Thanh niên huyện ra tay giúp đỡ mà nay tôi đã trả được hết nợ và thoát khỏi hộ nghèo. Bạn bè tôi ở các xã: Ân Hảo, Ân Tín nghe vậy, mừng và nhanh chân gia nhập HTX. Giờ, họ rất vững tâm trong chuyện làm ăn”.

Gà thả vườn – mô hình chăn nuôi hiệu quả do HTX NN Thanh niên Hoài Ân hướng dẫn. Ảnh: B.T.P

Theo anh Việt, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn một số hộ dân nuôi trồng theo quy mô gia trại nhưng chưa gia nhập HTX. Sản phẩm họ làm ra thường không đạt chất lượng nên luôn bị thương lái ép giá. Để người dân nhận thấy lợi ích lâu dài khi gia nhập HTX NN Thanh niên huyện, thời gian tới, cán bộ HTX sẽ đi kiểm tra thực địa rồi xin ý kiến thành lập nhiều vùng nguyên liệu để phục vụ lâu dài và hiệu quả cho sản xuất; cử cán bộ kỹ thuật đến những vườn hồ tiêu, dâu, chôm chôm ở các xã Ân Phong, Ân Tường Đông chưa vào HTX hướng dẫn bà con cách chăm sóc theo tiêu chuẩn “sạch” và giúp xử lý ra quả, hạt trái vụ nhằm tăng giá thành sản phẩm. Thấy được hiệu quả từ những việc làm đó, bà con sẽ mạnh dạn gia nhập HTX.

Anh Nguyễn Ngọc Kiều – chủ cơ sở sản xuất bún phở, bánh tráng ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, nhân viên HTX NN Thanh niên huyện đã làm ra nhiều mặt hàng chất lượng từ bột gạo, bột bắp, bột khoai, gạo lứt… nhưng tâm nguyện vẫn còn muốn làm ra nhiều thành phẩm từ các loại dưa hấu, dưa lê và dưa lưới.

Nói về tương lai, khi mà sản phẩm của HTX ngày một nhiều, anh Việt chia sẻ thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng và hiện đại kho chứa, cử cán bộ đi học các lớp chế biến lương thực, thực phẩm để về giúp HTX làm si rô bưởi, nước ép trái cây, ủ rượu dâu, làm viên nén giảm cân từ bưởi non hái xả… Phấn đấu đến cuối năm 2024, HTX có 50 sản phẩm trở lên đạt tiêu chuẩn OCOP. Nếu sản phẩm làm ra vượt mức tiêu thụ nội tỉnh, chúng tôi sẽ tìm đến các tỉnh xa và có thể xuất sang các nước láng giềng”.

Dõi theo từng hoạt động của HTX NN Thanh niên Hoài Ân, anh Huỳnh Văn Duy – nguyên bí thư Huyện đoàn, sáng lập viên HTX, nay là Chủ tịch Hội Nông dân huyện – bày tỏ: “Thấy HTX NN Thanh niên huyện lớn lên từng ngày, tôi vui lắm! HTX đã hỗ trợ cho nông dân huyện nhà nhiều việc, củng cố được niềm tin để họ an tâm sản xuất, góp phần to lớn vào chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới đẹp tươi trên quê hương Hoài Ân”.

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cho giai điệu cất lời

Mô hình cà phê nhạc hát cho nhau nghe đang ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại. Dù ở phố hay về huyện, ta không khó để tìm ra những quán với mô hình này…

Những khát vọng xuân

Những ngày cuối năm, phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng các tác giả văn học đang sinh sống hoặc có nhiều gắn bó với Bình Định…

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…