Sữa của người mẹ đã chết

(VNBĐ – Văn học nước ngoài).

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Một dãy dài khách du lịch mặc áo nâu và nâu nhạt đang đứng trên đại lộ ở Raguse. Những chiếc mũ không vành nhấp nhô, những chiếc vest sang trọng đu đưa trong gió, trước các cửa hiệu rực rỡ, bắt mắt, thu hút khách đến mua hàng giá rẻ hoặc quần áo cho các buổi lễ hội hóa trang. Trời nóng như chưa bao giờ được nóng. Những ngọn núi trọc ở Herzégovine như đang nằm dưới những tấm gương chói sáng. Philip Mild đi vào bên trong một quán bia Đức, nơi có những cái mồm to đang nói vo ve trong ánh sáng nửa sáng nửa tối và ngột ngạt. Nhà hàng này có bàn ghế đặt trông ra biển Adriatique. Cả thành phố như hiện diện ở đó. Nó là nơi ít được quan tâm, nếu không có những lối đi xanh biếc không ngờ, nơi người ta nôn nao vì được góp thêm màu sắc sặc sỡ cho quảng trường Marché gần đó. Có một đống rác cá hôi thối đang được bọn hải âu dọn dẹp, phơi ra màu trắng bệch. Thợ máy Philip, kỹ sư Boutrin đang ngồi uống bia bên chiếc bàn tròn một chân, dưới bóng che của chiếc dù có màu lửa, xa trông như một cây cam to.

– Kể cho tôi nghe một chuyện kể khác, anh bạn cũ, Philip ngả người trên ghế nói. Chúng ta cần có rượu whisky và chuyện kể khi ở trước biển. Chuyện kể cần hay và ít chân thật như có thể, giúp tôi quên đi những lời yêu nước dối trá và những mâu thuẫn trên báo chí tôi mua ở bến cảng. Tất cả đều có lý do, tôi nghĩ vậy. Hãy nói chuyện khác… Anh đã làm gì tối qua ở Scutari? Có phải anh đã quá tò mò khi đưa mắt dò nhìn, dù anh không biết gì về tuốc bin ở đó?

– Không phải, anh kỹ sư nói. Chỉ liếc nhìn thôi thì sẽ không ngăn trở được công việc của ai. Tôi chỉ muốn dành thời gian để tìm kiếm một cái tháp. Có những người phụ nữ già người Serbe kể cho tôi nghe câu chuyện về tháp Tour de Scutari. Tôi cần khám phá xem có còn gạch đổ nát ở đó và xem thử có ngọn tháp đó không, như người ta khẳng định và giờ còn là một bí ẩn. Nhưng thời gian, các cuộc chiến tranh và đặc biệt là những người nông dân sống gần tháp chỉ lo củng cố các bức tường nông trại của họ, làm đổ sụp gạch đá của tháp và không còn có ký ức về nó trong các chuyện kể của họ. À Philip, anh có may mắn là có một người phụ nữ anh gọi bằng mẹ không?

– Hỏi hay quá nhỉ, anh thợ máy trẻ người Anh chểnh mảng nói. Mẹ tôi đẹp đẽ, mảnh mai, thường trang điểm, cứng cáp như tấm kính. Anh còn muốn nghe thêm không? Khi chúng tôi đi ra ngoài cùng nhau, người ta tưởng tôi là anh cả của bà ấy.

– Vậy sao! Anh cũng như chúng tôi. Tôi nghĩ về những kẻ ngốc, muốn thời đại chúng ta thiếu vắng chất thơ cũng như thiếu thực tế, thiếu tiên tri và các ngôi sao điện ảnh, các nhà độc tài. Philip, hãy tin tôi, cái chúng ta thiếu là cần phải thực tế.

Thịt lợn dở, thức ăn đáng ghét còn lại đã làm cho bữa ăn giống bữa ăn người ta dành cho xác ướp. Phụ nữ vô sinh đã chống lại đau khổ, người già thì thôi, không còn tồn tại. Chỉ còn lại trong truyền thuyết ở các quốc gia bán khai kể về việc người ta có thể gặp những người đàn bà bụ sữa và những tâm hồn luôn vỗ về trẻ thơ… Anh có nghe thấy ở đâu có một minh ước nói rằng không có bất cứ người phụ nữ nên được yêu mến? Họ là loại phụ nữ tồi… Có hơn chục người mẹ và những người phụ nữ đáng yêu khác, từ cổ chí kim, làm cho tôi phải xem họ là những con búp bê không thể vỡ tan và có thật trên đời.

***

Isold là chủ nhà, là chị cô gái xinh đẹp Aude. Vâng, nhưng tôi muốn nói về một người mẹ là cô gái bé bỏng trong huyền thoại Albanie.

Họ có ba anh em, đang xây một ngọn tháp và canh chừng bọn cướp Thổ Nhĩ Kỳ. Họ bắt tay vào việc xây dựng công trình vừa hiếm vừa đắt đỏ, là ngọn tháp mà những người nông dân tử tế cũng không thể xây được. Các bà vợ của họ thay phiên nhau mang thức ăn ra cho họ. Nhưng cứ sau mỗi lần họ thành công trong việc xây mái và đặt một bó cỏ lên trên đó, gió đêm và phù thủy ở núi lại làm sụp đổ nó, như thượng đế làm sụp đổ tháp Babel. Có nhiều lý do làm cho tháp không đứng vững. Có thể do thợ không lành nghề, đất nền không vững, ximăng và đá không ăn nhau. Nhưng nông dân Sec, Anbini, Bulgari chỉ biết có một lý do duy nhất. Đó là tòa nhà sẽ sụp đổ nếu dưới nền nhà không có một bộ xương của đàn ông hay đàn bà chống đỡ, cho đến ngày tận thế. Ở Arta, Hy Lạp, người ta xây một cái hố, bên trong các bức tường họ đặt một cô gái trẻ vào. Tóc cô thòng qua một khe nứt và tắm trong nước, như một cái cây màu vàng. Ba anh em bắt đầu suy tư trong ngờ vực và nhìn bóng họ chiếu trên vách ngọn tháp. Họ không có cách gì hơn là nhốt trong tòa tháp một sinh linh. Người này sẽ là tù nhân suốt đời trong tháp, là nhân chứng của một tình yêu buồn. Buổi tối, ba anh em ngồi quanh đống lửa, xa đống lửa như có thể, vì họ sợ là sẽ có ai đó lặng lẽ tiến tới từ phía sau, lấy áo trùm lên đầu họ, làm họ bị nghẹt thở như những con bồ câu đen. Tinh thần làm việc của họ suy giảm. Họ mệt mỏi, mồ hôi ra ướt đầm vầng trán.

Cuối một ngày nọ, người anh cả tập hợp các em của mình lại và nói với họ:

– Các em cùng máu mủ, cùng uống một dòng sữa! Nếu ngọn tháp của chúng ta cứ còn dang dở, bọn Thổ sẽ lén vào lần nữa bằng cách núp trong lau sậy ven hồ. Chúng sẽ hiếp các cháu gái của chúng ta, sẽ đốt những cánh đồng đầy hứa hẹn của chúng ta; sẽ đóng đinh những người dân của chúng ta trên thập giá, biến họ thành các con bù nhìn treo trong vườn, và những người này sẽ trở thành mồi cho lũ quạ. Các em yêu quý, chúng ta cần nhau và sẽ không có vấn đề gì khi hiến tế một trong ba người vợ của chúng ta. Chúng ta đều có vợ trẻ đẹp, là những người đã đưa vai ra gánh lấy sức nặng của cuộc đời. Anh muốn quyết định, các em ạ, nhưng hãy để sự ngẫu nhiên chọn lựa, người được chọn sẽ vì thượng đế. Ngày mai, vào lúc bình minh, chúng ta sẽ mang ra tháp và vĩnh viễn nhốt ở đó một trong các bà vợ của chúng ta, là người đã hàng ngày mang cơm ra cho chúng ta.

Hỡi các em, anh chỉ muốn các em lặng thinh đêm nay. Đừng ôm hôn vợ bằng nước mắt và tiếng thở dài vì sau cùng, có hai trong ba người vợ vẫn còn thở trong bình minh.

Anh ta chỉ nói đơn giản như vậy vì anh ta không thích chỉ nói vụng trộm với riêng vợ mình. Anh muốn thế chỗ cho vợ mình bằng một cô gái Hy Lạp trẻ, có tóc màu hung. Người em thứ hai không phản đối gì vì anh ta đã tiên liệu trước số phận của vợ mình và là người duy nhất bảo vệ cho em út, vì anh muốn giữ lời thề. Bị mủi lòng bởi sự cao thượng của các anh mình, là những người muốn từ bỏ ân huệ được xây một tòa tháp đắt đỏ, vì lợi ích chung, người em út không chống lại ý của họ và hứa sẽ im lặng suốt đêm. Họ trở về trại vào lúc bình minh, khi bóng ma ánh sáng vẫn còn lởn vởn trên các cánh đồng. Người em thứ hai bực bội đi vô trại và thô lỗ ra lệnh cho vợ mình tháo đôi ủng mình ra. Khi người vợ đang lúi húi tháo, anh ta quẳng giày vào mặt chị và tuyên bố:
– Đã tám tiếng đồng hồ rồi, tôi chỉ mặc có chiếc áo sơ mi này, Chủ nhật tới, tôi phải được mặc áo sạch. Kẻ lười biếng kia, vào sáng mai, cô phải mang giỏ quần áo bẩn đi ra hồ giặt, ở lại đó cho tới tối. Nếu cô bỏ đi cách xa hồ chỉ một chiếc giày, cô phải chịu chết.
Người vợ trẻ run rẩy hứa là sẽ dành cả ngày mai để làm việc giặt giũ.

Người anh cả trở về trại mà không nói gì với vợ. Cô hôn anh ta, làm anh ta khó chịu còn anh ta thì không khen cô đẹp. Nhưng anh ta có một nhược điểm, đó là anh ta nói trong mơ. Bà vợ sang quý người Albani đêm đó không ngủ, vì cô tự hỏi cô có làm gì cho chồng ghét không. Bỗng cô nghe chồng làu bàu và kéo mền ra.

– Em yêu quý, em sẽ thành góa phụ. Hãy yên lòng chịu những viên gạch đẹp của tòa tháp che chắn mái tóc đen của em.

Người em út về đến trại của anh, mặt tái nhợt, như một người đã gặp Thần Chết trên đường, cái hái đeo trên vai, như sắp đi gặt. Anh ôm hôn con mình đang nằm trong nôi, ôm ấp vợ trong cánh tay cả đêm, vợ anh nghe tiếng anh khóc thương. Nhưng người vợ tinh tế không hỏi lý do sao anh như vậy, vì chị không muốn anh buộc phải thổ lộ, không muốn biết điều gì đã gây ra đau khổ cho anh.

Sáng hôm sau, ba anh em mang cuốc chim, búa đi tới ngọn tháp. Cô vợ của người anh thứ hai chuẩn bị bỏ quần áo vào giỏ và quỳ xuống trước người vợ của người anh cả:

– Chị yêu quý ơi! Hôm nay lẽ ra em phải đem thức ăn cho các anh em nhưng chồng em bắt em phải đi giặt áo sơ mi trắng cho ảnh và giỏ em đã đầy quần áo.

– Này em, cô vợ của người anh cả nói, chị rất muốn mang cơm cho các anh em nhưng có một con gì đó đêm qua đã chui vào răng chị. Hu hu hu, chị chỉ biết khóc vì đau.

Cô vỗ tay gọi vợ người em út:

– Này em út, cô nói, em sẽ thay các chị mang thức ăn cho các anh vì đường xa, chân các chị nhức mỏi và các chị còn nặng nề, già hơn em. Này, em út, tụi chị sẽ đặt vào giỏ em đủ những món các anh rất thích. Em sẽ là sứ giả giúp các anh đỡ đói.

Họ đổ đầy cá hồi tẩm mật ong, nho, cơm gói bằng lá nho, pho mát thịt cừu cái và bánh gâteau muối. Chị vợ của người em út nhẹ trao con mình cho các bà chị bạn dâu và lên đường, với giỏ thức ăn nặng trên đầu, và định mệnh đeo quanh cổ, trông như dây huy chương nhưng không ai có thể thấy. Thượng đế đã ấn định cái chết cho chị và đã đặt chỗ cho chị trên thiên đường.

Khi ba người đàn ông thấy vợ của người em út nhỏ nhắn từ xa, họ chạy về phía cô. Hai người anh thầm mừng vì mưu mô của họ đã thành công, trong khi người em út thì nhìn trời than khóc. Người anh cả nuốt lại lời báng bổ định nói khi phát hiện ra người phụ nữ đang đi đến không có mái tóc đen, là vợ mình. Còn người đàn ông thứ hai cao giọng cảm ơn trời vì đã cứu được vợ mình, người phụ nữ đang giặt áo. Người em út quỳ xuống, lấy hai tay ôm hông người vợ trẻ của mình và run rẩy nói lời xin lỗi. Sau đó, anh lết tới các anh mình, van xin được thương xót. Cuối cùng, anh đứng dậy, rút con dao thép của mình ra. Một cú búa chặt vào gáy anh, làm anh lăn xuống đường, thở hổn hển. Người vợ trẻ khiếp đảm làm rơi giỏ, thức ăn tung tóe trên đường, làm mồi cho đàn chó. Khi đã hiểu lý do, chị đưa hai tay lên trời và thì thào:

– Các anh yêu quý, là những người em không thể thiếu, đã trở thành anh em bằng nhẫn cưới, bằng bí tích hôn phối, đừng để cho em phải chết nhưng hãy báo ngay cho cha em là tộc trưởng của bộ tộc trên núi. Ông ấy sẽ cho các anh một ngàn đày tớ để hiến tế. Đừng giết em! Em muốn sống. Đừng lấy gạch đá cách ngăn em và những người em yêu!

Chị bỗng thôi nói vì chị thấy người chồng trẻ của mình đang nằm dài trên đất, mi mắt không cử động, tóc đen dính đầy máu và não. Lúc đó, chị không kêu gào, không khóc. Hai người anh dẫn chị đi tới chỗ một cái hốc tròn được đào vào tường tòa tháp. Chị sẽ chết một mình, không trào nước mắt. Khi hai người anh đặt viên gạch đầu tiên vào phía trước đôi giày sandal đỏ của mình, chị nhớ tới con trai mình. Nó có thói quen cắn nhẹ vào chiếc giày như chó con cắn. Nước mắt nóng chảy dài trên hai má chị, hòa với xi măng trên cái bay đang san bằng đá sỏi.

– Ôi, hai bàn chân yêu quý của tôi, chị nói. Các ngươi không còn có thể đưa ta lên trên đỉnh đồi. Thi thể của ta sẽ không còn được người thân yêu ngắm nhìn. Ta sẽ không còn biết đến dòng nước tươi mát. Các thiên thần sẽ tẩy rửa cho ngươi vào buổi sáng của ngày Chúa quang lâm lần thứ hai.

Hai người anh lấy gạch và đá xây chất cho tới đầu gối của vợ người em út. Ở phía bên phải của cái hốc, họ đặt tượng Đức Mẹ đứng sau bàn thờ.

– Ôi, hai cái đầu gối của ta, người vợ trẻ nói. Các ngươi sẽ không còn có thể đưa nôi con ta, không còn có thể ngồi dưới bóng cây xanh trong vườn mỗi lần ta muốn ăn trái cây, các ngươi sẽ không còn có thể hái quả ngon cho ta ăn!

Bức tường được xây cao lên và người vợ trẻ tiếp tục nói:

– Ôi, hai bàn tay nhỏ nhắn luôn buông thõng xuống hai bên hông ta, các ngươi sẽ không còn có thể nấu ăn, không còn có thể bện vải len, không còn có thể ôm người thân yêu.

– Ôi, hai cái hông và ngực tôi, các ngươi sẽ không còn có khả năng sinh đẻ và yêu thương. Các ngươi sẽ không còn thời gian để chăm sóc các em gái và các em trai bé nhỏ ngươi có trên đời. Các ngươi sẽ cùng ta trở thành tù nhân trong nấm mộ này, nơi ta chỉ có thể đứng, không thể ngủ, cho tới ngày tận thế.

Bức tường đá giờ đã được xây cao tới ngực chị. Lúc đó, một cơn run rẩy chạy suốt thân thể chị, hai mắt chị van xin, hai tay chị đưa ra.

– Các anh ơi, chị nói, hãy quan tâm, không phải cho tôi mà là cho em trai đã chết của các anh, hãy nghĩ về cháu các anh, đừng để nó phải chết đói. Đừng xây gạch đá che ngực em, các anh! Xin chừa ra hai núm vú, nhờ đó, hằng ngày, vào lúc bình minh, vào buổi trưa, buổi tối, hãy đem con em ra cho nó bú. Chừng nào hai dòng sữa tôi còn, chúng sẽ chảy ra để nuôi con tôi và ngày nào đó, khi sữa không còn, con tôi sẽ uống linh hồn tôi. Hãy đồng ý, các anh độc ác! Nếu các anh đồng ý, tôi và chồng tôi sẽ không trách cứ các anh vào ngày chúng tôi gặp nhau ở nước trời.

Hai người anh miễn cường đồng ý với lời cầu xin và xây chừa ra hai vú. Lúc đó, người vợ trẻ thì thào:

– Hỡi các anh, hãy lấy gạch xây chắn miệng tôi vì cái hôn của người chết sẽ làm người sống lo sợ nhưng hãy chừa một kẽ hở ở hai mắt tôi. Tôi muốn nhìn thấy dòng sữa chảy vào miệng con tôi.

Người ta làm theo lời chị. Họ xây một khe hở nằm ngay trước mắt chị. Vào lúc hoàng hôn, vào giờ cho con bú, họ mang đứa bé ra, đi trên con đường đầy bụi, có các bụi cây thấp và có dê đang gặm cỏ. Người vợ bị hành hình chào đón con mình bằng tiếng kêu và tiếng reo vui và lời cảm tạ hai người anh. Khi hai dòng sữa ngọt ngào tuôn chảy và sau khi đứa bé bú no, nó ngủ gục trên ngực mẹ còn người mẹ thì hát vang một bài hát bằng giọng làm rung rinh gạch đá. Khi đứa bé đã bám vào vú mẹ, chị muốn hai người anh đem nó về trại để ngủ. Suốt cả đêm chị hát vang lên tận các vì sao và bài hát ru này đủ để ngăn nước mắt chị tuôn ra. Ngày hôm sau, chị thôi hát và nói bằng giọng yếu ớt: “Vania đã ngủ đêm qua như thế nào?”. Hôm sau nữa, chị cũng im lặng nhưng vẫn còn thở vì hai vú chị phập phồng và tuôn ra một làn khí, nhẹ đến mức không có thể cảm nhận được khi nó rơi xuống. Những ngày sau đó, hơi thở và giọng nói của chị vẫn phập phù như hôm trước nhưng hai vú đã bất động, không còn dòng sữa ngọt ngào và đứa bé úp mặt vào chỗ trũng giữa hai vú, lắng nghe tim mẹ nó đang đập. Sau đó, tim chị dần ngừng đập, hai mắt lờ đờ như ánh sao chiếu xuống hồ không nước, nhìn vào khe hở, hai đồng tử của chị cũng đã lơ mơ, không còn thấy được bầu trời. Chúng đã giãn ra, làm cho hai hố mắt sâu hơn để đón chào Thần Chết. Ngực chị im ắng. Trong hai năm qua, từ lúc bình minh cho đến trưa rồi hoàng hôn, vú chị phun ra dòng sữa tuyệt vời, cho đến khi con chị sắp cai sữa, không còn tìm đến vú mẹ.

Sau đó, cổ họng chị thôi phập phồng và chỉ còn bờ gạch cấu véo thi thể màu trắng bệch. Một thời gian lâu sau đó, một số bà mẹ mủi lòng, lấy các ngón tay dài kéo dọc theo bờ gạch khét mùi, chạm vào khe hẹp, nơi có một dòng sữa tuyệt vời chảy ra. Khi tòa tháp sụp đổ, sức nóng của nó đè lên trên bộ xương mỏng manh của người phụ nữ trẻ. Cuối cùng, bộ xương cũng tan biến, chỉ còn lại ở đó một người Pháp già bị thiêu nướng trong sức nóng như ở hỏa ngục, miệng luôn lải nhải kể lại câu chuyện xứng đáng làm rơi nước mắt, như chuyện kể về người vợ của Hetor trong bi kịch cổ.

***

Một phụ nữ người Digan tiến tới một chiếc bàn có một lớp cứt sắt mạ vàng phủ lên trên. Có hai người đàn ông chống khuỷu tay ngồi ở đó. Cô ta ẵm trên tay một đứa bé có đôi mắt u buồn, quần áo rách rưới. Cô cúi gập người chào, với vẻ khinh mạn, đau khổ và quý phái. Chiếc váy màu vàng của cô quét trên sàn nhà. Viên kỹ sư tránh ra xa một cách thô lậu vì không muốn nghe giọng nói như lời nguyện cầu và nguyền rủa của chị ta. Người đàn ông thợ máy Anh là người đã kể cho người kia nghe câu chuyện trao cho người ăn mày một đồng dinar.

– Anh thấy sao, anh bạn cũ? – Anh ta nói một cách nhẫn nại. Cặp vú và nữ trang là bằng chứng cho những người nữ Albani anh hùng. Đứa bé đi cùng người phụ nữ Digan là một đứa bé mù lòa.

– Tôi biết người phụ nữ này, Joseph Boutrin nói. Một y tá ở Raguse kể cho tôi nghe là cô ta đã đặt thuốc dán đáng tởm lên hai mắt đứa con mình và đốt cháy chúng, người qua đường rất thương xót. Đứa bé vẫn còn thấy đường nhưng nó biết là mẹ nó muốn nó là người mù. Người mẹ này là người dùng nó để kiếm ăn suốt cả đời, vì ăn mày là nghề dễ kiếm tiền.

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
(Từ nguyên bản tiếng Pháp, trong Nouvelles Orientales, NXB Kailash và Văn học, 1996)

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Sơn Trần

Ngày trở về, cái cò không còn đậu cọc cầu ao
Sung chát đời sung… mọi chuyện đã thành cổ tích
Tôi thấy mình hóa thành trẻ con hồn nhiên, tinh nghịch
Bên cánh võng  trưa hè thao thiết lời ru.

Nhà thơ Văn Trọng Hùng

Cũng như kịch, thơ Văn Trọng Hùng khá thành công ở cách mượn các nhân vật, các vấn đề lịch sử để nói chuyện thế sự. Gần đây, thơ ông trĩu những buồn vui nhân thế…

Bài học của Sẻ em

Hai chị em chim sẻ mồ côi cùng sống trên một ngọn cau. Sáng nào chúng cũng thức dậy từ sáng sớm hót ríu rít vài câu rồi sà xuống ăn thóc gạo cùng đàn gà…

Lửa tháp

Nàng không biết mình phải bắt đầu từ đâu trên hành trình này. Đọng lại trong ký ức chỉ là một đốm đỏ nhói lên giữa chiều mù sương…