Sự cộng hưởng từ một cuộc thi…

(VNBĐ – Ghi chép). Tại Hội thơ Nguyên Tiêu Bình Định Xuân Quý Mão 2023, Hội VHNT Bình Định phối hợp với CLB Doanh nhân Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi sáng tác câu thai Bài chòi. Thật bất ngờ, cuộc thi nhận được sự lan tỏa tích cực, không chỉ các nghệ nhân Bài chòi mà nhiều nhà thơ, nghệ sĩ cũng đã nhiệt tình tham gia, sáng tác thêm nhiều câu thai thú vị để làm phong phú thêm câu thai Bài chòi của Bình Định hiện nay.

1.

Từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, Bài chòi được sự quan tâm lớn của các cấp, các ngành và trở thành một “đặc sản” của Bình Định và các địa phương miền Trung. Để gìn giữ và phát huy di sản Bài chòi, ngành Văn hóa đã có nhiều chương trình như: Sưu tầm biên soạn hệ thống câu thai Bài chòi, phục hồi Hội đánh Bài chòi, đưa trò chơi Bài chòi vào trường học, hay tập huấn, truyền dạy cách hô Bài chòi nhằm đào tạo các anh chị hiệu kế cận… Tuy nhiên việc phát động cuộc thi sáng tác câu thai Bài chòi còn ít được quan tâm.

Đầu năm 2023, Hội VHNT Bình Định đã chủ trương phát động cuộc thi này. Nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định cho biết: “Trong một lần cà phê với anh bạn đồng môn thời đại học là doanh nhân Tô Ngọc Ngời (Phó chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP. HCM, Phó chủ nhiệm thường trực CLB Doanh nhân Bình Định tại TP. HCM), chúng tôi bàn nhiều đề tài tâm huyết về quê hương Bình Định, trong đó có việc tổ chức sáng tác câu thai Bài chòi để bổ sung vào kho dữ liệu câu thai Bài chòi của tỉnh nhà. Vì nếu cứ dùng mãi những câu thai cũ sẽ gây nhàm chán cho người nghe, người chơi. Và kết thúc buổi cà phê hôm ấy là một cam kết phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác câu thai Bài chòi trong Hội thơ Nguyên Tiêu Bình Định năm 2023, như chúng ta đã biết”.

2.

Theo nhạc sĩ Đào Minh Tâm, thành viên Ban giám khảo Cuộc thi sáng tác câu thai Bài chòi, muốn sáng tác câu thai hay thì trước hết ta phải hiểu được ý nghĩa “câu thai” là gì. Thai được hiểu như một đứa trẻ đang thai nghén, tượng hình trong bụng mẹ, sắp sửa được sinh ra. Câu thai hay là câu thai mà người sáng tác biết cách dẫn dắt người nghe bằng một hình ảnh, câu chuyện, mỗi lúc hé lộ dần con bài mà tác giả muốn nói đến theo thể thức câu thai Bài chòi ở thể lục bát hoặc lục bát biến thể, trong đó có từ mang tên con bài.

Cuộc thi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, hơn một tháng nhưng BTC đã nhận được 264 câu thai của 16 tác giả. Tại đêm Hội thơ Nguyên Tiêu (ngày 05.02.2023), Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả đạt giải. Giải Nhất thuộc về tác giả Phạm Hoàng Việt; giải Nhì thuộc về các tác giả: Nguyễn Công Lý, Nguyễn Thường Kham; giải Ba thuộc về các tác giả: Đặng Quốc Khánh; Lý Thành Long, Nguyễn Phú; giải Khuyến khích thuộc về các tác giả: Nguyễn Thị Kiều My, Nguyễn Văn Dũng. Ban tổ chức cũng trao 01 giải chuyên đề Bài chòi trong học đường cho tác giả Võ Văn Thời.

Tham gia trong cuộc thi này, nhiều trong số các tác giả là những nghệ nhân nòng cốt trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hiện nay ở các huyện, thị, có nhiều năm gắn bó với Bài chòi trong vai trò anh, chị hiệu như NNƯT Nguyễn Phú, NNƯT Lý Thành Long, Phạm Hoàng Việt, Công Lý… Nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều My (quê ở thị xã An Nhơn) bộc bạch: “Cả nhà em, ai cũng mê hát Bội, Bài chòi. Em lớn lên bên gánh hát của cha mẹ, và được nghe nhiều cô chú thế hệ đi trước trình diễn Bài chòi rất nhiều. Khi biết tin có cuộc thi sáng tác câu thai Bài chòi do Hội Văn học Nghệ thuật chủ trương thực hiện, em ngỏ ý muốn tham gia và được mọi người trong gia đình động viên. Nên em đã sáng tác hơn 10 câu thai về các con bài như Nhì Nghèo, Tam Quăng, Tám Dừng, Nhứt Trò, Cửu Điều, Bảy Liễu, Chín Gối, Bát Bồng…”. Vừa chia sẻ, My vừa bắt nhịp hô thai câu Bài chòi về con bài Bảy Liễu: “Con ơi, nín lặng làm thinh/ Con đừng có khóc động tình mẹ đau/ Lều tranh vắng trước quạnh sau/ Mình con với mẹ nương nhau trọn tình/ Cha con nỡ thác suối quỳnh/ Bỏ thân bồ liễu (mẹ) một mình nuôi con”. Nghệ nhân Nguyễn Công Lý (quê ở thị xã An Nhơn), đạt giải Nhì cuộc thi, tạo được nét riêng khi vận dụng yếu tố hài hước dân gian vào sáng tác. Với ông, sức hấp dẫn của một câu thai là phải tạo được nhiều trò diễn cho anh hiệu, tạo hiệu ứng gây cười cho người xem. Vừa chia sẻ, ông vừa mình họa lại câu thai Chín Gối, một trong những câu thai được chọn trao giải của mình: “Chiều chiều bìm bịp kêu chiều. Lấy vợ thì cũng lấy liều mà thôi. Ban ngày thì làm việc tả tơi. Ban đêm hầu vợ, phận tôi đêm trường. Nằm chung thì nó bảo chật giường. Nó đạp một phát rớt xuống dưới giường mà lăn. Úy bà con ơi! Đêm nằm tôi cứ nghĩ lăn tăn. Tối nằm ôm gối thì làm ăn làm ăn được gì? Quờ quớ quơ, con Chín Gối bà con ơi!”.

Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi câu thai tại Hội thơ Nguyên Tiêu. Ảnh: V.P

Cuộc thi cũng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà thơ tại Bình Định như Nguyễn Thường Kham, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Thị Phụng, Võ Hữu Vinh, Kim Tiết… Nhà thơ Nguyễn Thường Kham (quê ở Hoài Nhơn) chia sẻ: “Hoài Nhơn là địa phương mà nghệ thuật trình diễn hô hát Bài chòi khá phát triển. Tôi hay xem Bài chòi, tổ chức tại đền thờ Đào Duy Từ, gần nhà nên khá gần gũi với loại hình nghệ thuật này. Khi biết về cuộc thi, tôi đã mày mò, nghiên cứu và viết nhiều câu thai tham gia cuộc thi”. Nguyễn Thường Kham tham gia 10 câu thai dành cho 9 con bài. Có những con bài được anh sáng tác với những thông điệp như khi nói về con bài Tám Dừng: “Một dừng nói năng ba hoa. Hai dừng làm việc qua loa, cầm chừng. Quan liêu, hành chính: ba dừng. Bốn nên khiêm tốn xin đừng tự cao. Năm là kỷ luật sát sao. Sáu dừng bè phái, cấu cào lẫn nhau. Bảy dừng pha trộn vàng thau. Trước mặt không nói, nói sau lưng người. Tám dừng ngay thói ăn chơi. Sống thiếu chuẩn mực người đời cười chê”.

3.

Trong các tác giả dự thi, nghệ nhân Phạm Hoàng Việt nổi bật hơn cả khi anh tham gia 35 câu thai phân bố đều khắp 27 con bài. Anh thể hiện sự chỉn chu, bài bản khi rành rẽ về câu thai Bài chòi dân gian với những sáng tác duyên, hóm, chứa đựng nhiều nội dung sâu sắc. Anh dùng điển xưa tích cũ, những răn dạy của cha ông về đối nhân xử thế, hay có khi anh đưa yếu tố hài hước dân gian vào câu thai tạo hiệu ứng gây cười, như khi anh viết về câu thai Ba Gà: “Nửa đêm giờ Tý canh ba. Ông kêu bà dậy… hỏi gà gáy chưa. Bà rằng trời đổ hạt lưa thưa. Ông nên mặc sẵn áo mưa cho an toàn. Ông rằng bà nhổ khoai lang. Thì phải nhẹ nhàng khỏi tróc trầy da. Nực cười ông vịt bà gà. Hỏi qua đáp lại mặt trời đà quá sân. Hô là con Ba Gà”. Nghệ nhân Hoàng Việt bộc bạch: “Tôi viết câu thai Bài chòi từ trước đây, vì muốn làm mới những câu hô thai, tạo sự phong phú để phục vụ khán giả. Tôi sẽ tiếp tục dành sáng tác cho Bài chòi dân gian. Và đầu tư hơn ở mảng câu thai dành cho lứa tuổi học sinh. Vì để bảo tồn, phát huy Bài chòi dân gian, đưa Bài chòi tiếp cận môi trường học đường là điều rất cần thiết”.

Điểm mới trong cuộc thi, là có những tác giả dành sự quan tâm cho câu thai về thiếu nhi, học đường. Trong đó, tác giả Võ Văn Thời (quê ở Hoài Nhơn) đã tạo ấn tượng với Ban giám khảo cuộc thi khi anh sáng tác đầy đủ hết 27 con bài với xuyên suốt một chủ đề được hướng tới là các câu chuyện về học đường. Nhiều năm công tác giảng dạy trong nhà trường, tiếp xúc với môi trường giáo dục nhiều nên anh muốn phát huy thế mạnh của mình trong sáng tác câu thai về chủ đề này. Anh có nhiều câu thai dễ thương, phù hợp với lứa tuổi học trò, như khi anh viết về con bài Năm Dụm: “Học hành sao bạn chẳng ham. Dụm năm, dụm bảy ăn hàng sớm trưa. Ngày thì thích những ngày mưa. Đêm về ngủ gật, sáng trưa chẳng xem bài”. Tác giả Võ Văn thời tâm sự: “Khi biết đến cuộc thi này, tôi chỉnh lý, bổ sung và làm dày hơn hệ thống câu thai. Mong những câu thai của mình sẽ góp phần nhỏ bé cùng các sáng tác của các nghệ sĩ nghệ nhân khác, làm phong phú thêm câu thai Bài chòi hiện nay, góp phần đưa câu thai Bài chòi lan tỏa vào môi trường học đường”.

Nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: “Để đáp ứng nhu cầu của công chúng ngày càng đông và trình độ nhận thức, thưởng lãm ngày càng cao thì việc đầu tư sáng tác câu thai Bài chòi là cần thiết. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi này trong các lần sau, và hy vọng sẽ được đón nhận sự đồng hành của các mạnh thường quân, những người yêu Bài chòi và yêu quê hương Bình Định.
Trong kế hoạch tổ chức Hội thơ Nguyên Tiêu Bình Định năm 2023, chúng tôi có hai buổi Bài chòi để công bố, phổ biến các câu thai mới sáng tác từ cuộc thi này, nhưng vì lý do khách quan, nên đành phải cắt giảm. Ngay khi có được kết quả cuộc thi, Ban giám khảo đã đề nghị Hội VHNT hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống câu thai của cuộc thi này và đóng thành tập để gửi tặng các CLB Bài chòi trong tỉnh. Đây là một việc cần thiết, và chúng tôi đang thực hiện. Hy vọng đây sẽ là món quà ý nghĩa mà BTC Hội thơ năm nay dành tặng cho công chúng, những người yêu quý bộ môn nghệ thuật độc đáo của quê hương”.

Cuộc thi sáng tác câu thai Bài chòi đã có những thành công bước đầu, làm nền cho những định hướng cụ thể về sau trong việc gìn giữ, phát huy Bài chòi dân gian. Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, thành viên Ban giám khảo cuộc thi đã hết sức vui mừng khi thấy được tính hiệu quả từ cuộc thi mang lại. Ông chia sẻ: “Tuy có những sáng tác còn dễ dãi, chưa đúng tinh thần câu thai Bài chòi nhưng qua sàng lọc từ gần 300 câu thai tham dự cuộc thi này, chúng ta đã có nhiều câu thai hay, đáp ứng được yêu cầu hô diễn của nghệ nhân Bài chòi. Chính những câu thai này sẽ làm phong phú thêm hệ thống câu thai Bài chòi dân gian Bình Định hiện tại”. Nhà thơ Mai Thìn phấn khởi: “Thời gian phát động cuộc thi chỉ hơn một tháng, cho nên điều chúng tôi lo nhất là sợ ít người tham gia, kết quả sẽ không đạt như mong muốn. Tuy nhiên, cuộc thi đã rất thành công. Thành công đầu tiên là số lượng và chất lượng câu thai gửi dự thi. Các đề tài truyền thống, nhiều vấn đề của đời sống văn hóa xã hội thời nay đã được đưa vào câu thai, trong đó có chùm câu thai về đề tài học sinh và trường học – đối tượng đang được quan tâm lớn về việc giáo dục tuyên truyền văn hóa truyền thống của địa phương. Ngoài ra, các tác giả đã khéo léo đưa vào câu thai các địa danh, các sản vật, di tích văn hóa lịch sử của quê hương Bình Định… bằng những nội dung, câu chữ, lời lẽ rất mới, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Bình Định đến với công chúng một cách hiệu quả hơn”.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…