Sóng khác

(VNBĐ – Truyện ngắn). 

1.

Chiếc thuyền buồm chạy gần đến Rạng Tàu thì đứt gió. Gã cuộn buồm, hạ mái chèo xuống, ngoáy. Mặt trời đã lên cao. Mồ hôi xâm xấp lưng áo. Ở đằng mũi, người vợ ngồi giữ hai cần câu tựa vào chốt đỡ, chìa ra hai bên. Thị cũng bận quần đùi như chồng, trên người còn mảnh yếm thô lấp lửng cặp vú to quá khổ. Trong khoang, thằng bé năm tuổi trần truồng ngồi chơi với hai con cá thu lớn gần bằng nó. Họ là dân di cư từ Thanh vào và tỏ ra hơn hẳn dân bản địa nghề câu thu: câu ống có cần dễ lừa cá hơn và móc mồi bằng lưỡi chuyền, cá đớp khó sẩy.

Tháng Giêng, nước biển đã dần xanh. Khúc chờ Nồm thiệt cực…

Cần câu bên phải đột ngột ghì mạnh muốn bật khỏi tay người vợ. “Bén!” – thị hô to, gài nhanh cần bên trái vào nấc gỗ, đứng dậy chụp ống, nới dây. Gốc cần kẹp dưới háng, tay phải giữ cần và dây, tay trái nhả. Con cá chạy dữ. Đọt cần lúc nghiêng bên này, lúc ngã bên kia, cong riết. “Cậy! Cậy nì!” – gã điều khiển thuyền theo tiếng quát của người vợ. Thằng nhỏ nhào ra, gồng mình lăng xăng theo động tác của mẹ, hét hùa theo “Chậy! Chậy!”. Đọt cần bỗng lơi. Bàn tay ngoáy ống thu dây của người vợ nhanh như chong chóng. Có lúc thị chuyển người sang trái thuyền, hét: “Bát!”…

Đã nhìn thấy con cá cách thuyền mươi sải. To quá! To hơn cả hai con lúc sáng. Lia ngang một hai lần, thấy thuyền, con cá đột ngột quay đầu lao mạnh ra xa. Người vợ bặm môi, trợn mắt, nới ống, dây róc róc tuôn. Gã đã ngừng chèo, điều khiển thuyền day trở theo tiếng quát của “nữ tướng” phía trước. Thu vào. Rồi nới ra. Thị nhao qua nhao lại cùng tiếng hô đầy uy vũ, tay ngoáy ống, cần câu lúc cong lúc giãn không ngớt rung lên. Các động tác mạnh mẽ của thị khiến cặp vú tâng tâng liên tục làm sợi dây cột cẩu thả sau lưng tuột ra, mảnh yếm chỉ còn treo trên cổ, lúc vắt qua phải khi lật hẳn ra lưng. Gã thấy người thị cũng bóng nhẫy như lưng con cá. Đến lần thu thứ ba, con cá đã áp sát thuyền, nó chỉ còn lúc lắc những cái vây đờ đẫn.

Gã cầm móc hậu khấu phụ lôi nó lên. Con cá rơi đạch trên mặt ván, nẩy lên mấy lần rồi nằm im, miệng nó còn ngáp ngáp hồi lâu. Gã gỡ lưỡi câu. Nó cả ham, đóng sâu. Người vợ đã ngồi bệt xuống thở, mồ hôi ròng chảy. Thằng bé bặm môi, khéo léo nắm đuôi lôi con cá vào khoang dưới rồi giở rổ lấy con cá rựa ra đưa bố. Ba cái lưỡi thau chuyền nhau từ đầu đến đuôi con mồi xong, gã liệng xuống nước phần đỏi thau dài hơn hai sải sáng lấp lóa. Khúc đỏi này đủ để mồi chìm vừa và cá khỏi cứa đứt khi chạy. Lúc gã kéo buồm lên bắt gió Nồm, người vợ từ từ nới ống cho đoạn dây gai cách thuyền ba chục sải. “Giờ đến buổi chợ chiều cầm chắc ba con nữa” – gã nghĩ thầm rồi bỗng nói vọng ra trước: “Nay khá ể!”. Thị bảo: “Khá!”, mắt nhìn thằng bé ngủ trong khoang, tay còn nắm cái đuôi cá. Thị cài cần vào nấc gỗ cười ngỏn nghẻn: “Cột cái dây”. Gã liếc vào khoang, canh lái, lại giúp vợ. Mẹ thằng Nồm cũng ham… như con cá lúc nãy – gã thích thú nghĩ – vài năm nay đã lên bờ mà thói quen ở thuyền vẫn y sì. Xong việc thị tòm xuống nước vùng vẫy như mái gà rùng lông thỏa mãn. Mùi mồ hôi nồng nồng của thị khiến hai tay gã vòng ra trước phủ lên cặp vú…

2.
Gã thấy tưng tức dưới bàng quang và định làm cái việc thỏa mãn nó thì bỗng dưng vòng tay trống không, thị biến mất, cả chiếc thuyền, thằng Nồm và biển. Gã choàng tỉnh, thì ra mình ngủ quên, gã bật cười thành tiếng, nhớ lại sự việc. Sáng nay thị thấy khó ở, cái thằng Bấc – gã tin nó là thằng, dân biển mà thị mẹt thì cứ ngồi bờ rồi đẻ cho nhà khác – hành mẹ nó dữ quá, gã bảo thị ở nhà.

Tháng trước, gặp Ông lị ở Gành Ngang, gã cùng làng dìu Ông vô bãi và thành con trai trưởng thọ tang, cúng tế hơn một mùa trăng đến khi xếp xong cốt Ông vào lăng mới thôi. Nghe cụ trưởng vạn bảo ngôi đường thành lập cách đây hơn trăm năm, lăng đã có đến bảy sắc phong, từ tiên đế đến đức Khải Định, hằng năm mồng mười tháng Giêng chánh kị, các cụ mới mở sắc đọc rồi dịch cho làng nghe. Tuy là dân mới ngụ cư nhưng nghe cả vạn nhắc, gã cũng thuộc lõm bõm, thường khấn mỗi khi sóng to gió lớn: “Thần Ngọc Lâm thuộc tộc lớn ở Biển Nam, là vị thần cứu vớt thiêng liêng đã từng bảo vệ đất nước che chở dân lành, gẫm thật linh ứng…”. Gã nhớ cả những thần hiệu như: Từ Tế Chương Linh Trợ Tín chi thần hoặc Dực Bảo Trung Hưng chi thần…, nhớ bao nhiêu gã khấn bấy nhiêu. Ông lần này to nhất, đến mười một sải, hốc mũi có thể chui vào được! Gã rất vinh dự được vạn khen, cụ trưởng vạn bảo đây là giấy phép gã làm dân bản địa.

Cả tháng vinh dự làm chủ tang cũng có nghĩa là nhà gã đã vay gạo mươi bữa. Sáng nay thấy thị mệt, gã cũng muốn ở nhà nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi ra thuyền, để thằng Nồm lại mẹ nó có gì nhờ. Bần thần quên cái bình nước. Đứng bóng vẫn chưa có con cá bén. Nhiều lần từ sáng tới xế chạy khan, giấc chiều trên đường về lừa luôn được bốn con. Gã tự an ủi rồi chèo đến Giếng Tiên kiếm nước. Cái vũng tròn mấy chục sải ngang, chung quanh vách đá dựng đứng, cửa rất hẹp dân bản địa cũng ít khi mạo hiểm vô lấy nước. Gã khấn Ông rồi khéo léo đưa thuyền vào. Giếng lặng đến bất ngờ. Gã tấp thuyền lên đụn cát thiêng, men theo khe nhỏ. Quái lạ, nước ở đây quanh năm không cạn sao mới tháng Tư đã chẳng thấy một giọt? Nghe như có tiếng róc rách.

Gã cứ đi, lúc luồn dưới những lùm bụi lạch suối, lúc qua trảng cỏ xanh tươi càng lúc càng thấy mát mẻ, khoan khoái. Gã đi trong sự thôi thúc kỳ lạ không cưỡng được của lơ mơ khát tìm và nỗi hoảng sợ quyến rũ. Gã cũng không nhớ mình đã đi vào hang đá bao xa, phía trước vẫn còn mờ mờ vệt sáng là gã cứ dò dẫm tiến vào. Vùng sáng là một lỗ hổng tròn vạnh trên cao, gã ngước nhìn thấy vòm hang xoay cả trời xanh mây trắng. Hoa mắt nhìn xuống, gã sững sờ thấy một hố nước xanh trong phẳng lặng, cũng hun hút trời xanh, mây trắng. Gã thấy chóng mặt, bước lùi một chút, rũ người vì cảm giác rơi vun vút vào khoảng không trong những giấc mơ. Gã ngồi xuống, định thần nhìn lại và bật cười thành tiếng, thì ra chỉ là một vũng nước cạn in bóng bầu trời trên cao. Gã khum tay vốc nước, trời xanh mây trắng tan thành nỗi thỏa thuê. Gã uống rồi vốc nước rửa mặt, thỏa mãn ngả người xuống phiến đá bằng, nghĩ bụng sẽ về kể cho làng biết khám phá của mình…

Gã tỉnh ngủ, ngạc nhiên thấy hai bàn tay mình đơm các ngón như cái nơm, vật giữa háng cứng đơ kỳ cục, và nhất là vẫn còn đâu đây mùi mồ hôi nồng nồng của thị. Thị quả là sức lực, gã nghĩ. Những đêm mùa hè, cả nhà ra bãi ngủ, trên đầu là trời sao, dưới lưng cát mịn, trong tiếng sóng rì rầm, thị cứ cuồn cuộn vô hồi, như sóng. Hàng phi lao vi vút gió, mái lá dừa vách liếp, cửa liếp không bao giờ đóng, nhà với gã cũng như cái tổ của chim trời, cũng là thiên nhiên, trời biển. Những trưa không đi biển gã cầm mũi lao nhỏ đằm mình quanh Rạng Ngang xỉa nhum, tôm hùm trong lóng lánh sắc màu san hô. Thế giới kỳ ảo này đôi khi cũng xúi gã làm cái việc mơ mộng: bứt cành hoa biển đẹp về tặng vợ. Thị sướng lắm.Trong con mắt thị, gã là người đàn ông số một (Có thể do tác giả suy diễn, ở làng thời này chưa có khái niệm lãng mạn; cũng có thể đúng bởi, lãng mạn là bản chất của sự sống: sự vượt quá đôi khi, sự lấp lửng tự nhiên, sự hài hòa bí ẩn, chẳng hạn tiếng hót và sắc lông con trống…). Những mái lá rông rênh gió, bờ dương vi vút bãi cát dài tiếng sóng, hừng đông đỏ rực triều lên Rạng Ngang, những đêm trăng trai bạn nghỉ biển nướng miếng khô lao, khô mực la đà chén rượu với những câu bài chòi ứng tác về tình nghĩa vợ chồng, về cảnh đẹp quê hương, về ước vọng mùa màng… tất cả cùng với người vợ sung mãn – từ lâu gã đã tin thị, do sống ở trời biển này, không thể là một thị khác – thành niềm thương mến của đời gã (người có học sẽ bảo là hạnh phúc!).

Mặc cho cái vật dưới háng lên tiếng, gã đứng dậy định lại uống thêm bụm nước nữa rồi về thì thật ngạc nhiên, hố nước đâu mất, lỗ sáng trên cao cũng không còn, chỉ có vệt sáng mờ mờ cửa hang và, đáng ngạc nhiên hơn, cái quần vải thô của gã rơi thành những mảnh lả tả. Gã ngơ ngác một lúc rồi vừa bụm cái vật kia vừa lò dò ra khỏi hang. Rồi cũng đến Giếng Tiên. Nhìn quanh hố biển, gã hoảng hốt thật sự: Trên bãi cát thiêng chỉ có mảnh vải màu xanh xanh đỏ đỏ! Gã dụi mắt, thì đây đúng là những vách đá dựng đứng nhiều lần gã mạo hiểm dòng dây xuống bắt sáo con lên chợ bán cho những Chú Khách ngày biển giả. Mùa này không có sóng lớn bất ngờ, nếu có thuyền cũng không thể trôi qua cửa và nơi đây chưa hề có kẻ trộm! Càng nghĩ, gã càng sợ, nhìn quanh quất, nước mắt bắt đầu chảy: mất thuyền thì lấy gì nuôi mẹ con thằng Nồm? Gã quỳ thụp xuống bên mảnh vải màu, nhắm mắt khấn thần Ngọc Lâm những câu thuộc lõm bõm trông chờ một phép mầu. Phép mầu đã không xảy ra. Cửa Giếng, nắng chiều đỏ rực Hòn Cân phía xa trên sóng nước. Gã rã rời ngã xoài xuống cát rồi bất ngờ vùng dậy lấy mảnh màu cột che quanh bẹn cuống cuồng định hướng men theo các vách đá.

Qua khỏi Gành Mứt trời vừa nhập nhoạng, trước mắt gã là một vùng ánh sáng lung linh đủ màu. Gã dụi mắt nhìn về phía Hòn Cân, ngọn đèn biển vẫn bình yên chớp nháy. Gã đang đi đúng hướng, trước mặt phải là vạn chài xinh đẹp có người vợ và đứa con của gã, có Lăng Ông bảy sắc phong, có bờ cát dài và rừng dương ngút gió… Chói mắt, nhiều lần gã vấp ngã đau điếng cho tới lúc chân gã chạm vào bờ cát. Gã đi nhanh về phía vũng, bến thuyền trước nhà. Bến vắng. Bờ không phải là những mái lá mà là tầng tầng ánh sáng chớp nháy đủ màu, vô vàn những âm thanh lạ và những bóng người lao nhanh vun vút. Gã hoa mắt, ngã xuống bãi, nơi cả nhà gã thường ra ngủ…

3.
Tiếng cười nói lao xao đánh thức gã. Đã tỏ mặt người. Bãi cát có hàng trăm kẻ lạ đi dạo hoặc tắm biển. Họ ở đâu ra mà nhiều vậy? Bất giác, gã quay nhìn lại phía làng, vùng ánh sáng ken dày đêm qua là những chiếc hộp khổng lồ, rất nhiều ô cửa, và người. Nhà của gã đâu, những mái lá làng biển thân quen của gã đâu rồi? Làm sao tự dưng mọc lên những khối hình mang cả nhiều người chút xíu trên cao kia? Gã vùng dậy đi thẳng đến nơi mà gã nghĩ trước đây là mái lá của mình. Phải vượt qua một bức tường chắn, một nền phẳng cứng dọc theo bờ biển, có những vật chạy trên nó chở người như thuyền trên nước – suýt nữa một vật như thế lao vào gã, kẻ điều khiển con thuyền kỳ dị này ngoác miệng ra: “Đù mẹ mày!”. Gã không hiểu lắm nhưng vẫn nghĩ đó là câu chửi vì vẻ mặt sừng lên của người kia. Gã thấy sợ. Ở cái làng này cãi nhau chí chát người ta cũng không có vẻ mặt ấy!

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Gã rụt rè tiến về khoảng trống lớn, trên cao có nhiều ô cửa. Một người đàn bà đón gã gần như ngay lập tức, có lẽ bà ta đã nhìn thấy chuyện trước nhà vừa rồi. Thị chăm chú nhìn gã từ đầu xuống chân rồi từ chân lên, vẻ mặt đầy ngạc nhiên. Anh mắt thị dừng rất lâu nơi những cơ bắp cuồn cuộn trên người gã, nơi mảnh vải gã quấn. Còn gã cứ há hốc mồm trước đôi môi mọng quá đỏ, viền mắt đen, nước da trắng, tấm áo mỏng trắng tinh dài quá gối, mỏng đến mức có thể nhìn thấy cặp vú căng mọng tưng tưng theo nhịp thở cố nén, cánh mũi phập phồng của thị. Người thị tỏa ra một mùi thơm rất lạ. Gã nghếch mũi hít hít, ngạc nhiên, đàn bà phải có mùi hăng hắc nồng nồng chứ! Gã bắt gặp ánh mắt đờ đẫn của thị cùng lúc cái miệng đỏ chét kia thì thào: “Vào nhà đi!”. Nhà. Gã nhớ ra rồi lơ ngơ đi trên những tấm láng bóng, mát lạnh. Nghe tiếng rít ghê tai, gã quay lại thấy người đàn bà đã phủ kín khoảng trống rất nhanh bằng một tấm sắt. Thị lại nắm tay gã, đuôi mắt dài ra: “Lên trên này”. Thơm quá! Gã cứ ngây người bước sau thị trên các bậc cấp, đi qua những vật dụng rất lạ, cái nào cũng sáng loáng, nhiều màu sắc. Thị chỉ cái chậu dài, cũng láng bóng, bảo: “Tắm đã!”. Thấy vẻ ngơ ngác của gã, thị chợt hiểu lại vặn các khóa mở nước, hòa thứ nước dẻo thơm ngầu bọt, ra hiệu cho gã rồi bước đi. Con người tắm trong cái chậu này ư? Với thứ nước có hương thơm này? Thảo nào người thị thơm phức! Thật vô lý. Chỉ cần tòm một phát xuống biển vùng vẫy thỏa thích, nước biển xanh và sạch thế, chắc chắn sạch hơn máng nước ngầu bọt này. Gã rất thích nhìn vợ nhoài ra rơi xuống nước giũ lông cánh như mái gà sau khi thỏa mãn. Cái mùi nồng nồng của thị do biển sinh ra, gã nghĩ. Bao giờ cũng vậy, bắt mùi là gã nghe rân rân quanh bẹn. Thị mà ngửi cái mùi này, nghe kể cách tắm kỳ dị này chắc cười sặc cơm.

Người đàn bà đi vào thấy gã còn lần chần, thành thạo gỡ mảnh vải xanh đỏ xong ấn gã vào bồn tắm. Thị cũng tụt rất nhanh tấm áo mỏng trên người rồi uốn éo nhoài lên người gã xoa vuốt, kì cọ mơn man. Bàn tay thị mịn màng chứ không thô ráp như mẹ thằng Nồm. Gã nhắm mắt tận hưởng cảm giác sảng khoái lạ lẫm chưa bao giờ có. Đôi tay gã lúc đầu nghệch ra rồi từ từ cũng làm cái việc nó thích làm. Gã ngạc nhiên. Tuy cũng to không thua gì mẹ đĩ ở nhà nhưng sao đôi vú thị đầy vun ở phần trên? Thị khép hờ mắt rên lên ư ử trong cổ, hai tay lục tìm cuống cuồng, nó đã mạnh mẽ chì miết chứ không dịu dàng lúc đầu; rồi một tay đột ngột tách ra, xông thẳng tới cái đích mà trước đây nó vờ vịt chừa ra có vẻ không quan tâm, mục tiêu dù ẩn trong vùng bọt nước bí ẩn vẫn hiện diện đầy đủ trong nó ngay lần đột kích đầu tiên; nó hân hoan rồi lập tức có vẻ bần thần: Cái bọc đầy ngộn này vẫn đang ngủ say – đúng lý phải khác, phải song hành cùng biểu hiện cuống quýt của những cơ bắp cuồn cuộn kia; nó ngạc nhiên một thoáng rồi hăm hở một cách sinh động những ngón tay làm các thao tác đánh thức, các thao tác hẳn nó thành thục từ lâu; nó sốt ruột và bạn nó, dù đang hỗ trợ rất tích cực ở những chỗ khác cũng đành chuyển xuống tập trung vào cái đích cốt lõi duy nhất, cái đích quyết định…

Thật lạ lùng là gã không thể! Phải một lúc sau những bàn tay mới hiểu điều đó, gần như cùng lúc thở hắt ra, dừng lại.

Nhìn gã ăn như rồng cuốn, thị hài lòng: “Thì ra hắn đói!”. Gã ăn như thể đã trăm năm rồi mới được ăn – những món nhàn nhạt rất lạ, còn thứ nước màu nâu đen hẳn là rượu, tuy hương vị có khác với thứ trong veo sủi tăm cất từ gạo.

Trong trạng thái lâng lâng thỏa mãn, gã được thị đưa sang căn phòng khác cũng đầy những thứ lạ mắt. Thị đẩy gã rơi xuống một phiến bằng trắng tinh, gã hoảng hốt vùng vẫy khi thấy nó bồng bềnh như sóng. Thị tít mắt cười, ào theo. Trườn qua người gã, thị vói tay cầm một vật nhỏ đưa ra gặc gặc. Cái hộp ở đằng kia bỗng sáng lên, những âm thanh lạ tai phát ra cùng lúc hai người trần truồng quấn riết nhau, gã nhanh chóng hiểu họ đang làm chuyện ấy. Gã quay mặt đi và nhớ ra mình cũng trụi thùi lụi, xấu hổ úp người lại. “Họ không thấy mình đâu, coi cho sướng!” – thị lật gã lại, giải thích. Ngập mặt trong đôi vú thị chủ động chồm lên áp vào, thỉnh thoảng nghe tiếng rên quen thuộc, gã cũng tò mò hé mắt về phía ô sáng đáng xấu hổ kia và tin thị nói đúng: lạ thật, có vẻ họ không biết cách mấy sải còn hai người nhìn họ lúc toàn thể lúc gần lại to ra từng chi tiết. Gã từng thích thú coi chó, thằn lằn dính lẹo nhưng người thì… lạy thần Ngọc Lâm… mắt gã bây giờ đã dán hẳn vào cặp người đang quên hết trời đất kia. Cảm giác râm ran chạy dần từ ngực xuống bụng, xuống đùi, gã chợt nhận ra đôi môi, hàm răng, cái lưỡi của thị đang làm cái việc thị làm bằng tay dưới nước; cái miệng của hai người kia lúc nãy cũng làm thế. Gã thấy lịm người. Môi miệng người đàn bà đã háo hức trùm lên cái đàn ông của gã, chao ôi, gã rên lên, thị có cắn sứt nó đi cũng được – chưa bao giờ gã thấy toàn thân muốn tan ra như lúc này – mẹ Nồm chỉ tỏa mùi chứ có khi nào làm như hai người đàn bà ở đây đâu? Và mỗi lần như thế, cái chất đàn ông của gã đều bật lên mạnh mẽ. Còn bây giờ thì… gã chồm dậy đè nghiến người đàn bà xuống rà cái mũi hít khắp người thị, miệng lảm nhảm: “Cái mùi… cái mùi…”. Chỉ có mùi thơm khốn nạn và cái nhẽo nhợt của chính gã…

4.
Gã trở mình. Sao Mai đã lên cao. Sắp hừng đông. Mẹ Nồm lạ thiệt, giấc này thường khoèo gã dậy, xong là chạy ào ra biển… Mẹ con giờ ở đâu? Gã lại chảy nước mắt.

Ba hôm liền người đàn bà kia cuốn gã trong cơn mê không thể nào cưỡng được. Thị cứ nghĩ do gã quá sợ sệt nên tìm cách trấn an đến khuya rồi thì đuối sức, thị ném cho gã cái quần đùi, hách tấm sắt đẩy gã ra ngoài. Gã chỉ còn biết dò dẫm lên Lăng. Lăng có vẻ to đẹp hơn nhưng vẫn ở chỗ cũ: Cây bàng cổ thụ rất dễ nhận ra. Ngoài kia, ngọn đèn biển trên chóp Hòn Cân vẫn nhấp nháy. Sóng Bãi Dài vẫn rì rầm đều đặn nhịp thở, bên kia Gành Mứt thỉnh thoảng rền lên nhịp ba – biển vẫn đây, thân thuộc mà làng đâu, vợ con gã đâu? Gã cứ bứt đầu, dụi mắt rồi đưa cánh tay lên mũi hít. Mùi thơm người đàn bà vẫn còn như bằng chứng hiển nhiên về sự tồn tại những ngôi nhà to lớn – giờ thì gã biết đó là nhà – những ngôi nhà san sát nhau lóa sáng ánh đèn. Làng ơi, mẹ con thằng Nồm ơi, gã nấc lên…

Sóng vẫn đều đặn vỗ bờ bình thản.

Mặt trời lên đỏ lựng, tròn vạnh và tinh khôi.

Gã lững thững đi xuống các cấp đá đưa mắt nhìn suốt bãi đã đông chật người. Chợt gã sững lại. Lạy thần Ngọc Lâm phù hộ, tít đầu kia sát Gành Trong nhấp nhô nhiều mái tranh! Chẳng lẽ làng đã chuyển vào đó nhường chỗ cho những ngôi nhà to lớn sáng loáng này. Nỗi mừng nghẹn ứ trong cổ, gã phóc nhanh xuống bãi chưa kịp nghĩ tới cái lý của vấn đề là thời gian của sự đổi thay. Gã vừa đi vừa chạy qua đám người, đàn ông thì phải rồi: quần đùi dù đẹp vẫn vậy, còn đàn bà chỉ treo hai mảnh chút che không kín vú và chỗ kia. Gã ngượng chỉ dám liếc mắt từ xa nhưng đi qua nhiều lần tiếng trầm trồ “Đẹp quá!”, để ý thấy hình như lời khen các bà dành cho mình. Gã không hiểu. Người đàn bà trong ngôi nhà kia sáng ấy cũng dán mắt vào người mình một cách tò mò. Trai biển ai chẳng vậy, những bắp thịt đen cháy, có gì đáng ngạc nhiên đâu?

“Xin lỗi”, một cô gái đi lại gần gã lên tiếng, “tôi có thể chụp anh vài kiểu ảnh được không?”. Gã lúng túng dừng bước, không biết cô ta cần gì mình. “Tôi xin anh vài kiểu ảnh”, cô gái chỉ vào vật cầm trên tay giải thích, “anh có thân hình rất đẹp!”. “Nhưng…”, gã nghĩ tới chuyện trong ngôi nhà, lắp bắp, “tôi… tôi phải về làng…”. “À, càng tốt! – Cô gái reo lên, “thế làng anh ở đâu?”. Gã chỉ những mái tranh. “Cái rì-sọt đó ư?”, cô gái ngạc nhiên kêu lên, “đó là khu du lịch”. “Nhưng làng biển của tôi…”, gã há hốc mồm, những ngôi nhà tranh… đâu rồi?”. Cô gái cười rạng rỡ, hướng về những mái tranh tỏ giọng chê bai: “Lên cao, che chắn bưng bít ớn rồi người ta mới chợt nhận ra cái làng lộng gió của anh mới đúng là cái con người cần… Họ đang trở lại làng biển cách đây một thế kỷ!”. Cô bỗng nheo mắt nhìn chăm chú. Đến lượt cô không hiểu cái gã có thân hình như Hercules này tâm thần hay ở cung trăng rơi xuống? Nhưng cái ngơ ngác thật thà của anh ta không phải của người điên. Cô ôn tồn hỏi lại câu làng anh ở đâu, gã mới kể sự việc và bảo đúng ra làng ở vị trí của những ngôi nhà cao lớn san sát kia, gã chỉ ngôi nhà màu xanh phía xa và khẳng định lúc trước lều tranh mình ở đấy. “À, nhà của VIP”. “Đâu có vích ở đó? Một người đàn bà…”. Cô gái bật cười: “Không phải giống rùa to ấy đâu. VIP là một nhân vật quan trọng, một ông lớn. Người đàn bà đó là vợ ông ta”.

Gã ngán ngẩm nghe cô gái giải thích rồi hướng mắt về phía những mái tranh. Quả là nó cũng to lớn hơn rất nhiều so với kiểu nhà dân biển. Neo đậu ở đó là những chiếc thuyền có những cánh buồm màu sắc sặc sỡ. Giờ gã mới để ý, vũng biển trước mặt cũng có nhiều thuyền kiểu này đang nhởn nhơ trên sóng xanh, không hề có dấu vết nghề, chẳng lẽ làm thuyền đẹp để chạy chơi? Nhiều người hiếu kỳ vây chung quanh. Cô gái bỗng ra lệnh: “Anh đi với tôi!”. Gã đi theo như cái máy. Qua khỏi bãi cát, cô lấy từ trong khoảng sân gần đó ra vật cô gọi là xe máy, bảo gã ngồi lên sau rồi cả hai cùng lướt đi êm ru quanh co một hồi trên mặt đường phẳng lì. Cô dừng xe đưa gã vào một ô nhỏ khẽ chạm ngón tay lên cái hộp trên tường, cảm giác rung nhẹ như sóng mềm triều lên trong đêm khơi. Cô lại chạm tay, cánh cửa mở ra. Gã lại theo cô đến một căn phòng, cô bảo đây là chỗ ở của cô, hướng dẫn gã nghỉ ngơi tắm rửa rồi ra ngoài, đóng cửa. Một lát sau cô về đưa cho gã bộ đồ bảo mặc vào rồi bày biện mấy món ăn. “Tôi là phóng viên của báo địa phương”, cô lấy trong hộc bàn ra một số tấm giấy có hình người, cảnh biển, những bông hoa… tất cả như thật và nhỏ bằng bàn tay, “tôi bảo chụp ảnh anh là để có những tấm này in hình anh” – cô giải thích. “Thật kỳ dị, gã nghĩ, sao con người lại có thể thu nhỏ đến mức này?”. Mùi gió quen thuộc phả vào, gã chưa kịp để ý cô gái làm cách nào khiến bức vách trống mấy ô, phía xa kia vẫn là biển, gã bật dậy đến bên ô cửa, tái mặt vì biết đang ở một nơi rất cao. “Sao… không leo dốc mà…”, gã lúng búng. “Lúc nãy mình đi thang máy”, cô cười cảm thông.

Cô lại chở gã đi, bảo đến làng biển theo cô là từ nơi này dời đi, dĩ nhiên lịch sử thành phố – chỗ tôi và anh đang ở – đã có bề dày trên năm mươi năm!

Làng nằm ở cửa sông, cách thành phố không xa lắm. Đó là những ngôi nhà xây san sát nhau, lợp ngói khác kiểu vảy cá như phố chợ các Chú Khách. Cửa sông neo đầy thuyền lớn, không có cột buồm, làm sao họ chèo nổi những chiếc thuyền đang trùng trình một cách uể oải trên sóng nước kia, gã thắc mắc. Nó chạy bằng máy, cô gái bảo. Lại máy, xe máy, thang máy rồi giờ là thuyền máy, vật cô gái đang đeo trước ngực là máy ảnh… trời đất ơi, con người đang ở đâu, sao phải nhiều máy móc thế, kìa, một chiếc thuyền đang cồng cộc chạy qua kéo sau đuôi vệt sóng dài, không thấy bóng người trên trời biển, rồi hàng trăm chiếc thuyền thi nhau cày nát mặt biển, có thể nào, lẽ nào biển cho phép, lạy thần Ngọc Lâm, liệu cái ồn ào vô hậu kia có làm Ông giận mà rời xa con người… Cô gái đang trò chuyện với chủ một sạp hàng, người đàn bà béo múp tóc xoăn tít lọt thỏm giữa những sắc màu – có tiền sẽ mua được nhiều thứ cho mẹ con thằng Nồm – gã nghĩ. Quanh co qua nhiều ngóc ngách chật hẹp (trước đây làm gì có những con đường với các tường chắn riêng rẽ từng nhà!), và qua nhiều lần hỏi thăm, cô gái đưa gã đến một mái tranh tựa vào chân núi Mồ Côi, có lẽ là duy nhất sót lại của làng biển.

Sau một hồi nghe cô gái và gã hỏi chuyện, đôi mắt mờ đục của ông già chợt sáng lên, ông nói như reo:

– Có! Tui có biết! Thằng Nồm là bạn tui mờ! Coi thử… phải rồi, cha mẹ nó nói giọng trọ trẹ. Năm đó Ông lị to lắm, cha nó đi câu rồi không thấy về…

– Thế ông có biết bây giờ mẹ con ông Nồm ở đâu không?

– Làm sao tui biết được? Hồi đó tui mới năm, sáu tuổi. Giờ chắc hổng ai còn sống đâu!

– Nghĩa là nếu còn sống, ông Nồm cũng tám mấy?

– Sống dai như tui chỉ khổ xác chớ được gì?

– Ông còn nhớ gì về họ nữa không?

– Sao tui không nhớ? Bộ các người nghĩ tôi lẫn à? Tui chẳng đã nhớ tui là bạn của… Lúc nãy hỏi thăm ai cà? Chắc chết hết rồi… Sống dai khổ xác…

Cô gái dúi vào tay ông già mù tờ tiền rồi ra hiệu cho gã đi. Gã lặng nhìn cây dầm chèo cột trên mái nhà ám khói một lúc rồi mới cất bước. Họ đã hỏi chuyện nhiều người nữa nhưng cũng chẳng sáng tỏ gì hơn. Cô gái thuê thuyền đưa hai người đến Giếng Tiên. Cái hang mới cách đây vài ngày gã ngủ quên đã không thể tìm thấy!

5.
Trong tuần, tất cả các tờ báo lớn nhỏ đều đăng tải sự kiện làm xôn xao dư luận: “Giấc ngủ tám mươi năm!”, “Chàng trai ngoài trăm tuổi!” hoặc “Một huyền thoại sống”…

Mấy ngày này phòng cô gái liên tục có khách, theo lời cô lúc là giáo sư tâm lý học, khi thì tiến sĩ thần kinh…, nhiều nhất là đồng nghiệp của cô, những phóng viên, có người ở từ rất xa tới. Áo quần làm gã lí bí khó chịu, cô gái đồng ý khi ở trong phòng gã chỉ cần mặc quần đùi. Vài tay phóng viên trẻ tranh thủ bấm máy xong nheo mắt với cô gái tán thưởng: “Báu vật!”, cô gái cười khẩy: “Còn phải hỏi!”. Nhiều lần cô đưa gã đến những căn phòng có các dụng cụ lạ lẫm. Mấy vị giáo sư, tiến sĩ áp những vật lên ngực, lên đầu gã, mắt họ dán vào mấy ô sáng hiện lên nhiều vệt loằng ngoằng, họ hỏi đi hỏi lại chuyện làng, chuyện vợ con gã, chuyện cái giếng Tiên… Ý nghĩ bọn người này đang giúp mình khiến gã kiên trì trả lời tất cả mọi câu hỏi. “Thật không thể hiểu được, một cơ thể khỏe mạnh, não trạng tốt!”, họ kết luận.

Cô gái đưa gã về phòng, cho gã nghe thứ âm thanh êm tai (có khi rối rắm chói gắt) mà cô bảo là âm nhạc, bật máy cho gã xem ti vi – cái ô sáng hiện ra cảnh vật, con người đang hoạt động, liên tục thay đổi – gã đỏ mặt nhớ chuyện trong nhà bà VIP gì đó, liếc sang cô gái, cô mỉm cười khuyến khích và đưa cái vật đang cầm trên tay hướng dẫn gã cách chọn xem chương trình. Cô thường ngồi trước một màn hình khác hai bàn tay gõ lóc róc. Dù bên ngoài đang mùa hè nóng bức, trong phòng luôn mát lạnh, cô bảo nhờ cái máy treo trên cao kia. Càng lúc gã càng thấy bức bối khó chịu. Sao lại phải nhờ đến quá nhiều thứ máy móc, phải nhốt mình trong căn phòng kín mít, ro ro tiếng gió máy? Ngoài kia là biển trời rộng rãi, thoáng đãng, gió nước mơn man. Con người thật điên trong sự che chắn của những bức vách và máy móc…

Gã há miệng ngước mặt thở như con cá bị ngộp rồi vùng dậy ào tới ô cửa. Tay gã chưa chạm vào móc khóa thì từ trong cửa, một hình người mờ mờ hiện ra. Gã hốt hoảng xà lui, ú ớ: “Có… có người…” rồi sụm xuống. Cô gái chạy lại đỡ gã dậy, ôn tồn giải thích đó là bóng của chính gã trong cửa kính! Thấy gã toát mồ hôi, cô lấy cái khăn mát lạnh thơm phức quỳ xuống lau mặt, lau người gã. Gã choàng tay ôm cô, vùi mặt vào người cô, nức nở. Gã bỗng thấy toàn thân cô run lên rồi mềm nhũn trong tay mình. Làn hương dìu dịu từ người cô khiến gã giật mình buông tay ra, kịp thấy mặt cô gái đờ đẫn, cô mở mắt, chớp chớp hàng mi dày. “Tôi thấy khó thở… Cô cho tôi… ra biển”, gã ngập ngừng đề nghị. Cô gái liếc nhìn bàn làm việc rồi đưa gã xuống thang máy, dặn cứ ra trước bãi chờ, nửa tiếng nữa meo bài cho tòa soạn xong cô sẽ tìm gã cùng đi dạo.

Gã đi qua những con đường, những tòa nhà cao vút, nghếch mũi đón làn gió thân thiết, đi qua bãi đầy người, đến thẳng mé nước. Gã thấy trên người lướng vướng liền cởi bỏ tất cả, trần truồng ào ra, mặc kệ những tiếng ri rô chung quanh. Gã bơi đi, mặc kệ mấy cô gái tắm ngoắc tay lia lịa “Anh gì ơi dìu em bơi với!”.

Gã bơi đi, hung dữ và thỏa thuê, mặc kệ lời hẹn nửa tiếng nữa của cô phóng viên. Gã bơi đi, mặc kệ những ông giáo sư tiến sĩ thông thái và đám máy móc của họ.

Áng chừng đã đến Rạng Ngang, gã hụp xuống tìm bãi đặt chân. Biển sâu cả chục sải, nham nhở. Mọi khi con nước này núi ngầm san hô chỉ cách mặt biển nửa sải và dợn sóng, có vậy Ông mới dựa vào đây cho làng rước vào. Gã lặn theo vệt đá và hiểu rằng Rạng Ngang đã biến mất, hèn gì, khi gã kể chỗ Ông dựa, nhiều người ngạc nhiên.

Gã bơi đi, cứ ngược sóng mà bơi, biển trước mặt mênh mông vẫy gọi. Một lần gã và thị bơi thi, ấy là do thị thách. Từ bờ đến rạng, gã chỉ tới trước vài sải. Đứng nghỉ, sóng chạ vào ngực thị bồng bồng cặp vú, thị bảo tại nó cản nước. Gã cười bảo đúng, rồi vuốt ve nó an ủi khiến thị rất hài lòng…

Gã bơi đi. Bỏ lại chiều phía sau. Bỏ lại những con sóng nối nhau lũ lượt tìm bờ. Nhưng gã thì còn gì ở bờ nữa đâu? Tất cả đã quá xa lạ.

Đó là thế giới khác. Sóng giờ cũng khác. Không phải dành cho gã, cho cái làng chài từng nuôi dưỡng gia đình gã.

Gã bơi đi tìm lại biển của mình. Thần Ngọc Lâm thiêng liêng cứu vớt, sẽ đưa gã đến với mẹ con thằng Nồm.

Trong nỗi hả hê bất chợt, gã quay đầu lại vừa lúc con sóng phủ qua đỉnh tháp cao nhất thành phố, phủ qua mặt trời đỏ rực. Trong khoảnh khắc ấy, gã bỗng thấy người nhẹ tênh. Ngược chiều những con sóng rực lên một vùng hồi quang lấp lóa cặp vú trần của thị tâng tâng theo tiếng hô ngang trời đầy uy vũ “Bát!”, “Bát!”… “Cậy!”…

Gã biết thần Ngọc Lâm đã đến và chìm vào giấc ngủ trong mùi mồ hôi nồng nồng quen thuộc của thị…

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…