Rong chơi trên Cổng Trời

(VNBĐ – Bút ký). Nhiều người ví vùng đất An Toàn (An Lão) là Cổng Trời Tây Bắc tỉnh Bình Định. Có người còn gọi đó là Đà Lạt 2. Bởi lẽ: Nơi ấy có dốc Cổng Trời cao trên 1.000m so với mực nước biển, quanh năm mát mẻ với mức nhiệt trung bình 22 – 24 độ C; có khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều thắng cảnh đẹp: sông, suối, thác, núi, đồi sim, rừng chè… Cư dân An Toàn chủ yếu là đồng bào Ba Na định cư đã khá lâu và lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc.

An Toàn nằm cạnh những tán rừng nguyên sinh, bên những dòng suối hoang sơ trong vắt.

Hòa mình với thiên nhiên
Đồng hành cùng tôi trong nội ngàn An Toàn là chú em bản địa Đinh Quyền Văn, 23 tuổi. Em kể, biết lội suối đâm cá từ 6 tuổi; 9 tuổi, đã biết đan – đặt xà di, xông khói bắt dúi; 10 tuổi, biết leo hái trái xay, trái trám…

An Toàn có nhiều cảnh đẹp, nhất là ở thôn 1. Sáng sớm, Văn đưa tôi lên đỉnh Ngắm Mây. Đúng như cái tên của nó, mây chờn vờn quanh mình, tôi thích thú đưa tay vốc lấy nhưng chỉ thấy làn da se se, căng lồng ngực hít thở thì nhận được cảm giác nhẹ bẫng của khí trời qua sống mũi. Lớp lớp mây trắng đùn đụn những đỉnh núi bạc, bềnh bồng như kéo dài ra sự trùng điệp của núi rừng. Một vài đụn mây cao bắt được ánh mặt trời, rực hồng rồi biến hình, biến sắc… tạo những khoảnh khắc tuyệt mỹ.

Mặt trời lên, chúng tôi cắt rừng đi thác: Nước Rung, Sông Mia. Dọc đường rau dớn trải xanh dờn, đọt lú tua tủa nhoài ra suối. Cải trời cũng ken dày đón mưa nên non mượt. Rồi rau ngành ngạnh, đọt chùm bao phủ kín ngọn rào rẫy người đồng bào. Từng thác nước hiện ra. An Toàn có 6 thác nước lớn nhỏ, xa nhất và cũng là tuyệt tác thiên nhiên là thác 4 tầng nằm giáp biên rừng K’Bang (Gia Lai). Thác Sông Mia cao 25m, xõa nước trắng xóa qua vạt đá như ai đó vung một tấm lụa trắng rơi nghiêng từ trời cao xuống thảm rừng xanh. Thác Nước Rung cao chừng 20m, dựng đứng. Nước từ đỉnh thác chia làm hai vạt đổ xuống mỏng toang tựa hai vạt khói. Bọt nước tung lên thành những làn hơi, sương nhẹ vào không gian mặt thác ảo diệu và kỳ vĩ. Nước suối ở đây rất trong và mát bởi được tuôn ra từ những mạch ngầm của đại ngàn.

Gần thác Nước Rung có Đồi Sim rộng gần 200 ha. Đây có lẽ cũng là sự ban tặng tuyệt vời của thiên nhiên đối với đại ngàn An Toàn. Quả đồi vốn dĩ là sân bay dã chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau giải phóng, sim, mua phủ kín để rồi vào mùa thi nhau nở hoa tím biếc. Cây sim có sức sống mạnh mẽ hơn nên lấn đẩy cây mua ra rìa rừng, chiếm thế độc tôn. Vì không có người cắt tỉa nên cây sim trên đồi này rất cao to. Nhiều thân cây to bằng phích nước, cao đến 2-3 mét, muốn hái hết trái, phải trèo.

Và trèo lên cao, tôi chợt nhận ra màu của hoa sim cũng thay sắc theo tầm nhìn và ánh ngày. Ở tầm gần, màu hoa sặc sỡ. Xa hơn, màu hoa lung linh. Xa hơn nữa, màu hoa tím ngát. Buổi sáng, màu hoa lóng lánh. Trưa, màu hoa nhàu nhàu và chiều: phơn phớt. Đồi Sim có mấy khoảng trống, đủ để nhiều đoàn khách cắm trại dã ngoại. Tại đây, ban ngày, khách có thể xuống suối thả lưới bắt cá nhao, cá phá, ốc và tự tay hái rau rừng làm nên những bữa cơm thanh đạm. Đêm, khách đốt đuốc lồ ô dạo suối, soi – bắt ngóe nấu những nồi cháo thơm ngon, bổ dưỡng…

Trải nghiệm cùng cộng đồng
Tôi không nghỉ lại Đồi Sim vào buổi tối mà về với làng đồng bào thôn 1. Tại khoảng sân bên nhà rông, chúng tôi được cùng hòa nhịp Xoang với những sơn nữ Ba Na. Bên ánh lửa bập bùng làm hồng đôi má và đôi tay trần của những cô gái vùng cao, cùng với âm thanh dẫn dụ của dàn công chiêng chốn đại ngàn, tôi và nhiều vị khách phương xa không còn thấy ái ngại mà thong thả hòa nhịp, lượn chân lắc tay, thả hồn theo điệu múa. Tôi nghe cảm xúc tuôn trào như mưa rừng mỗi khi tiếng cồng chiêng dồn về ào ạt và luyến tiếc khi âm thanh ấy vời xa… Ánh lửa hạ dần theo sự ngắn lại đêm đại ngàn. Những món nướng của núi rừng được ai đó vùi vào đống than hồng cũng đã chín. Mùi thơm lựng của đọt mây rừng, cá suối, bắp nếp, củ khoai… hòa với vị nồng nàn của rượu cần thật quyến rũ.

Du khách giao lưu cồng chiêng – Xoang cùng đồng bào dân tộc Ba Na. Ảnh: N.P.D.N

Tôi lại theo chân em Văn, tôi đi thăm lúa rẫy của người vùng cao. Lúa đang làm đòng, bụng căng mẩy. Rẫy lúa nơi đây lạ lắm. Rẫy sống bằng nước trời, nằm lọt thỏm giữa rừng già lặng ngắt. Mặt bằng của rẫy chỉ ở mức tương đối. Rẫy thường không liền bờ, được rào bằng cây rừng, xung quanh cắm nhiều mõ chong chóng tạo ra tiếng động để đuổi chim, thú. Rào rẫy là nơi để bí, bầu, dưa, mướp… bò leo, cho trái. Nhà nào nhiều rẫy lúa nhất cũng chỉ được vài miếng nhỏ vì địa bàn xã An Toàn nguyên là rừng đặc dụng.

Đi sâu vào trong, tôi biết được cây chè tiến vua làm nên danh trà Ô Long. Ước tính trên địa bàn xã An Toàn có gần 1.000 gốc chè cổ thụ thân đã to bằng chiếc mũ cối, cao từ 3 – 5m, nằm xen với cây rừng.

Theo nhiều người dân sống lâu năm ở đây: trước khi An Toàn có giống chè “tiến vua” thì trong các câu chuyện kể của ông bà họ đã có cây chè Mỏ Gọ. Loại Mỏ Gọ uống được cả vỏ lẫn lá khi đun sôi. Nước chè có màu hơi đỏ, hương thảo dược, vị thanh – ngót, tính lành – mát. Nấu một ấm uống cả ngày không phai mùi vị; ngược lại, rất thanh cổ và dẻo dai cho việc trèo hái. Loại chè tiến vua cũng có những đặc tính này nhưng không biết có phải là một? Chỉ biết sản phẩm này hiện được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho An Toàn (An Lão). Năm 2019, huyện An Lão đã đăng ký chè Tiến Vua thành sản phẩm OCOP và hiện nay đang được bảo vệ để người dân hái làm quà phục vụ cho du lịch trải nghiệm… Tôi và Văn mỗi người trèo lên một cây tầm độ 3m, chọn những đọt non hái đầy một gùi. Đọt chè non ở đây không mởn như đọt chè Gò Loi (Hoài Ân) nhưng số lượng lá non nhiều và to hơn. Sau này đem về nhà nấu uống, tôi kịp nhận ra nó ngon và khỏe, đúng như lời người vùng cao: “Nó là cây thuốc bổ ở rừng này”.

Xuôi đường xuống làng, tôi gặp mấy tốp khách theo chân người bản địa vào rừng bẻ măng. Người nào cũng mang ủng, đeo găng tay và gùi măng trĩu vai. Họ vẫy tay thân thiện rồi hẹn gặp nhau ở làng. Tôi ghé thăm nhà già làng Đinh Văn Trang. Ông không nghỉ trưa mà tranh thủ ngồi đan thêm cái sọt để bán cho khách du lịch. Ông đã gần bảy mươi tuổi nhưng mắt sáng, tay còn nhanh nhẹn và dẻo dai. Ông bảo: thường ngày ông dậy sớm ra rẫy thăm lúa rồi chặt lồ ô vác về, chẻ – vót nan để đan gùi, rổ, lẵng hoa… bán cho khách. Có việc làm, thấy vui lắm! Nhìn đôi tay già thoăn thoắt đan, bắt những thanh nan mỏng thành những vật dụng có chân, đế, thân, cổ, vành, tôi vô cùng thích thú, muốn học làm theo nhưng thời gian không cho phép. Già bảo: “Mấy năm nay, nhờ có nhiều khách du lịch đến làng mà đời sống đồng bào đã từng ngày thay đổi. Cái mới đã thay dần cái lạc hậu. Không xa nữa, An Toàn sẽ rất gần với An Hòa, An Quang và thị trấn An Lão”… Ông vừa dứt lời thì từ phía sàn nhà bên kia vọng sang tiếng nói cười lanh lảnh của người Kinh. Tôi liếc mắt, bên ấy cũng có nhiều khách nữ đang học dệt thổ cẩm từ người con gái của già. Không gian nhà già thật sự ấm áp.

Ấm tình
Trò chuyện với anh Châu Anh Tế – Trưởng phòng Phòng VHTT huyện An Lão về điểm đến Cổng Trời An Toàn ở hiện tại và tương lai. Anh chia sẻ: “Nhận thấy khách thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng đến An Toàn ngày một nhiều, từ năm 2020 đến nay, địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cho khách, như: mở lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn dã ngoại, trải nghiệm, dạy nấu ăn… cho cán bộ 3 thôn ở xã An Toàn; vẽ bích họa trên vách nhà dân thôn 3; tạo điều kiện tốt nhất để bà con 3 thôn được đón và phục vụ khách.

Về tương lai, địa phương sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm của An Toàn kèm theo lời mời gọi các nhà đầu tư cùng chung tay khai thác cảnh đẹp ở An Toàn và nhiều điểm khác, như: thác 4 tầng ở thôn 6 (An Quang), hồ Đồng Mít ở xã An Dũng.”… Đường lên Cổng Trời An Toàn hôm nay đã khác. Mặt đường không còn nghiêng, nứt như trước. Các khúc quanh co đã được lắp gương cầu lồi. Dốc Cổng Trời đã hạ thấp hơn… Và mới đây, ngày 15.10.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện An Lão đã ghé thăm xã An Toàn. Tại đây, sau khi nghe lãnh đạo xã báo cáo về tình hình xã mình, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: An Toàn là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch, yêu cầu UBND huyện An Lão và xã An Toàn cần làm tốt công tác quy hoạch, hướng bà con làm du lịch kết hợp với khai thác một số sản phẩm đặc trưng của núi rừng. Trước mắt, huyện cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, điện, nước trên địa bàn xã. Tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để An Toàn sửa chữa hai nhà văn hóa thôn 1 và 2… Tất cả những điều đó đã minh chứng cho sự quan tâm sâu sát của chính quyền các cấp đến vùng đất An Toàn.

Du khách trải nghiệm và thưởng thức những món ẩm thực độc đáo tại An Toàn. Ảnh: N.P.D.N

Về phía người bản địa, thấy khách đến làng ngày một đông nhưng thiếu chỗ nghỉ, nhiều gia đình đã tự nguyện thu gom lại để dành phòng cho khách. Khách cùng ăn, cùng ở và cùng trải nghiệm cuộc sống với gia đình. Điển hình trong việc này có chị Phạm Thị Kênh – người nữ y tá H’rê quê ở Quảng Ngãi lấy chồng về thôn 1, xã An Toàn nhiều năm thu mình cho khách ở nhờ, nay đã gầy dựng được homestay với 12 phòng và nhiều dịch vụ: cồng chiêng, lửa trại, múa Xoang, hướng dẫn viên, lều trại, câu, lưới… Khách ở homestay của chị ai cũng hài lòng về thái độ phục vụ tận tình và mến khách. Chị tâm sự: “Nhiều lúc đông khách, em phải năn nỉ các đoàn đến trước dồn phòng để các đoàn đến sau có phòng ở. Em chỉ lấy tiền phòng chứ không lấy tiền giường. Ngoài việc phục vụ ăn uống theo yêu cầu của khách, em còn tổ chức lửa trại, cồng chiêng – Xoang khi khách yêu cầu. Việc này mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong làng. Em còn biết theo dõi sức khỏe của từng khách để kịp thời xử lý từng trường hợp ốm đau. Vì lẽ đó nên các đoàn thể ở xã tin tưởng em, bà con nơi đây rất ủng hộ em và nhiều vị khách xa từng ở homestay em cũng thường xuyên gọi điện thăm hỏi và chúc mừng em những ngày lễ, Tết.”…

Ấm lòng hơn nữa là sau từng chuyến rong chơi hoặc nghỉ dưỡng trên Cổng Trời An Toàn về, du khách sẽ được chọn mua những thức, quà từ đại ngàn, như: Mật ong rừng, chè Tiến vua, rượu sim, măng rừng, ngóe phơi khô chính gốc với giá rẻ bất ngờ.

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…