NSƯT TẤN HÀO: Một đời duyên nợ Bài chòi

(VNBĐ – Chân dung VNS). NSƯT Tấn Hào (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định) là một nghệ sĩ đa năng. Anh vừa là diễn viên biểu diễn vừa là tác giả. Anh sáng tác không chỉ cho sân khấu chuyên nghiệp mà cả cho sân khấu không chuyên và các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng…

 Sinh năm 1962, tại xã Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, Tấn Hào đến với Bài chòi như một sự tình cờ. Năm 1978, nghe được thông tin trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghĩa Bình còn chỉ tiêu tuyển diễn viên dân ca, Tấn Hào đã mạnh dạn đăng ký dự tuyển bổ sung và trúng tuyển vào lớp trung cấp dân ca khóa I (1978 – 1981). Dưới mái trường nghệ thuật chuyên nghiệp, anh được các nghệ sĩ bậc thầy của dân ca Bài chòi như: NSƯT Hoàng Lê, NS Trần Chức, NSƯT Cung Nghinh, NSƯT Nguyễn Kiểm truyền dạy, nên năng khiếu nghệ thuật của anh ngày càng được phát huy trong ba năm học tập.

Sau khi tốt nghiệp ra trường (1981), Tấn Hào là một trong số ít diễn viên được nhận về công tác tại Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình (sau này là Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định). Với những lợi thế về hình thể: vóc dáng cao, khuôn mặt đầy đặn… và có lối diễn nhanh nhạy, tinh tế cùng với sự chọn lựa của mình, Tấn Hào đã phát huy thế mạnh của mình trong những vai phản diện của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.

Sau khi “gieo cái ác” vào cuộc đời thông qua những nhận vật phản diện mà mình thủ vai, anh lại ngồi sau cánh gà trầm ngâm, suy tư, ngẫm nghĩ và chảy nước mắt với “chiến tích” của mình. Đã đành sân khấu không tách rời cuộc sống và diễn viên phải hết mình với vai diễn nhưng Tấn Hào quả thật là người đa cảm. Và có lẽ, sự đa cảm đó đã mang lại cho anh những thành công trên hành trình chinh phục những vai diễn khó, gai góc của sân khấu Bài chòi. Tên tuổi của anh được ghi danh nhiều lần với tấm Huy chương Bạc các vai: Nam Hải (vở Đồng tiền Vạn Lịch); Bố Đề (vở Huyền trân công chúa); Nguyễn Hữu Chỉnh (vở Anh hùng với giai nhân); Tiến Sỹ (vở Đứa con tôi); đại úy Đằng (vở Biển và tôi) tại hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc các năm 1990, 1999; 2005;…
Trong một vở diễn, việc xây dựng nhân vật phản diện có “đất diễn”, đẩy mâu thuẫn đạt đến cao trào, dễ khiến người xem “ném đá”, căm ghét những nhân vật ấy. Tuy nhiên, cái “độ” cần thiết của một diễn viên khi diễn xuất thể hiện ở tài năng, “độ chín” của họ trong nghề. Diễn chưa tới “độ” thì cảm thấy nhạt nhẽo nhưng gồng lên, nhấn mạnh quá dễ đem đến cảm giác giả tạo. Với những nghệ sĩ khi thủ vai phản diện, càng phải cảnh giác với sự cố ý quá nhấn. Người diễn viên cần diễn bằng nội tâm, chiều sâu bên trong chứ không chỉ minh họa khá hời hợt và đơn điệu bằng hình thức bề ngoài. NSƯT Tấn Hào với thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc cũng đã biết cân nhắc khá nhiều ở liều lượng thể hiện cho phù hợp trong quá trình nghiên cứu, thẩm thấu vai diễn. Vì thế, anh đã thành công với những nhân vật phản diện như: hoạn quan Phan-đi-nô (vở Công chúa Tô Lan); Trùm phỉ Y Mưng (vở Một sự trả giá); Nguyễn Hữu Chỉnh (vở Anh hùng với giai nhân), đại úy Đằng (vở Biển và tôi)… NSƯT Tấn Hào cùng với NSƯT Thiên Chi tạo thành “cặp đôi” phối hợp ăn ý trên sân khấu khi vào vai phản diện. Anh từng trải lòng: “Bản thân thích diễn những vai chính diện, vai bi hơn, nhưng do đoàn phân công vai phản diện vì chưa có ai đóng tốt hơn nên anh phải tham gia”. Quả thật, khi được trao cơ hội vào vai chính diện, NSƯT Tấn Hào đã tỏa sáng, chứng minh sự đa năng của người nghệ sĩ với tấm Huy chương Vàng vai Ba Vinh (vở Người tử tù mất tích) tại Liên hoan sân khấu dân ca toàn quốc năm 1998; Huy chương Bạc vai Ngô Tùng Châu (vở Khúc ca bi tráng) tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013. Hay vai khỉ Hanuman (vở Chuyện tình nàng Si-ta) do anh thủ vai đã gây được ấn tượng tốt trong lòng khán giả cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật gần 40 năm của mình, NSƯT Tấn Hào đã tham gia trên 50 vai diễn trong chương trình kịch mục của đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Mỗi vai diễn mang một màu sắc riêng và để lại cho anh những kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như cảm xúc khác nhau, đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của đoàn.
Ngoài công tác chuyên môn chính là một diễn viên, NSƯT Tấn Hào còn tham gia sáng tác và viết kịch bản sân khấu. Ban đầu, anh viết báo đăng về chân dung các nghệ sĩ, những kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động nghệ thuật, những bài viết về bộ môn Bài chòi, sau đó, anh chuyển sang viết kịch ngắn, viết truyện. Truyện ngắn Bến quê của anh được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim cùng tên và đã công chiếu rộng rãi. Năm 1999, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã chọn dàn dựng kịch bản dài sáu cảnh Ngõ cụt của tác giả Tấn Hào. Đó là động lực thúc đẩy anh kiên trì theo đuổi nghiệp “cầm bút”.

Qua thời gian, kinh nghiệm nghề nghiệp của anh ngày càng dày lên. Tấn Hào tự tin viết kịch bản Bài chòi. Năm 2001, kịch bản Tìm lại người xưa của anh được đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định chọn dàn dựng. Trên thực tế, hai lĩnh vực biểu diễn và sáng tác là hoàn toàn khác nhau nhưng có mối liên hệ khá mật thiết. Nếu người diễn viên thể hiện và nhân vật của tác giả có sự đồng điệu, ăn ý thì sẽ cảm nhận sâu hơn và sáng tạo nhân vật có sức vóc hơn. NSƯT Tấn Hào may mắn hội tụ đủ hai lĩnh vực đó. Anh đã được sắm vai trong vở diễn do chính tay mình viết cũng là điều kiện rất thuận lợi để anh thể hiện rõ hơn thông điệp muốn gửi gắm thông qua “đứa con tinh thần” của mình.

NSƯT Tấn Hào tên thật là Nguyễn Tấn Hào, sinh năm 1962; quê quán: Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định; hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; hội viên Chi hội Sân khấu (Hội VHNT Bình Định). 01 Huy chương Vàng, 07 Huy chương Bạc cho các vai diễn và nhiều giải thưởng cho các hoạt động phong trào; được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007.

Không chỉ là tác giả kịch bản, Tấn Hào còn tham gia chuyển thể nhiều vở diễn đạt giải cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu hàng năm như: Huy chương Bạc vở Thời con gái đã xa (2010); Giải B vở Người mẹ trước vành móng ngựa của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2015; Và một số vở diễn khác thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm của đoàn nơi anh đang công tác, như các vở: Đứa con tôi; Hồn tháp; Cổ tích thời hiện đại; Nửa đời hương phấn; Bình minh trên đỉnh PaRút… Thêm vào đó, NSƯT Tấn Hào còn thử sức mình với vai trò là đạo diễn (cùng với đạo diễn – NSND Hoài Huệ) qua vở Vụ án sau 20 năm nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (1962 – 1992).
NSƯT Tấn Hào còn được công chúng biết đến với vai trò là tác giả kiêm đạo diễn cho các phong trào văn nghệ không chuyên của tỉnh nhà. Anh đã sáng tác và dàn dựng trên 100 kịch dân ca ngắn, bài dân ca, Bài chòi lẻ tham dự phong trào nghệ thuật quần chúng, các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh, cộng tác với các đài truyền hình: Bình Định, VTV Phú Yên… Nhiều kịch bản trong số đó đã đạt Huy chương Vàng, giải A, giải xuất sắc tại các hội thi, hội diễn sân khấu quần chúng.

Trong gia đình, con trai anh là nghệ sĩ Nguyễn Hoài Phong, hiện cũng dấn thân theo nghiệp Bài chòi với vai trò nhạc công đánh trống của Đoàn Ca kịch Bài chòi thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.

NSƯT Băng Châu – Phó Giám đốc kiêm Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi nhận xét: “NSƯT Tấn Hào là người nghệ sĩ đa năng: Anh là diễn viên chuyên “trị” vai phản diện, có những vai diễn để lại ấn tượng khó phai, được bạn bè, đồng nghiệp và khán giả công nhận. Đồng thời anh còn là tác giả chuyển thể nhiều vở diễn đạt thành tích cao cho đoàn. Song hành với đó, anh tích cực, năng nổ tham gia hoạt động phong trào với vai trò là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn đạt nhiều giải thưởng xuất sắc, góp phần làm nên tên tuổi của anh trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng”.

THÚY HƯỜNG

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Theo dấu di sản

Theo anh Lâm Trường Định – Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh, qua các chuyến điền dã, những tài liệu thu thập được tiến hành lập bản sao và số hóa để lưu trữ…

Ngọt lành cây trái Hoài Ân

Vùng đất trung du Hoài Ân luôn biết níu giữ phù sa và đón nhận hạt giống mới. Chừng mười năm trở lại đây, đất này xuất hiện ngày càng nhiều giống cây trái sinh trưởng tốt và cho năng suất cao…

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…