Nồng hương nếp bàu Chánh Trạch

(VNBĐ – Bút ký). Cây nếp đồng bàu Chánh Trạch vừa bén ruộng đã tỏa mùi thơm. Bắt đầu rõ mùi là lúc cây nếp căng đòng. Mặc dù khoác nhiều lớp áo lụa che vùng bụng bầu căng tròn nhưng mùi hương từ thân “nàng nếp” vẫn cứ thoát ra, tỏa đi. Ngày cây nếp trổ bông, hương nếp thơm ngào ngạt, cả cánh đồng như thở cùng mùi hương. Gió đưa hương ngan ngát các làng gần, ươm nồng giấc ngủ em thơ; thoang thoảng những làng xa, khiến bao người nôn nao nhớ Tết… Cứ thế, cây nếp Chánh Trạch tỏa hương thơm ngát làm hấp dẫn bao khách xa. Và giờ đây nếp đồng bàu Chánh Trạch theo “thời buổi online” đã có mặt trong nhiều hội chợ nông sản, nhiều cửa hàng kinh doanh đặc sản địa phương và cả những buổi tiệc lớn của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Hạt nếp Chánh Trạch đã hút hồn người từ TP. Hồ Chí Minh đến đảo ngọc Phú Quốc và tận đất nước Canada, cách xa nửa vòng trái đất.

Phù sa yêu thương
Cuối thu, khi những cơn Bấc lạc mùa phớt ngang mấy cánh đồng cận biển, là lúc người dân các thôn Chánh Trạch, Chánh Trực ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ hối hả vào mùa thu hoạch nếp bàu Chánh Trạch. Đi trên con đường ven bàu hay rẽ vào những đường làng ngõ xóm sẽ nghe sực nức mùi thơm của rơm rạ, thóc nếp.

Bàu Chánh Trạch nằm phía Đông trung tâm xã Mỹ Thọ, có động cát dài chắn sóng hướng biển và bốn ngôi làng: Chánh Trực, Chánh Trạch 1,2,3 ôm ấp các bờ bàu. Với diện tích khoảng 70 ha, trũng ở giữa, trông xa bàu như chiếc chảo khổng lồ. Mùa nước nổi, chảo bàu soi bóng từng đụn mây trời. Mùa khô, bàu thở khói đốt đồng mang theo nhiều hương vị riêng của đất gửi lên tận trời xanh. Bàu gom nước từ các núi, đồi, gò bãi trên địa bàn xã; lắng lọc, gạn lấy muôn triệu hạt phù sa rồi nhả nước ra cửa sông La Tinh qua cống Cầu Đu chật hẹp. Lớp lớp phù sa lắng đọng theo từng cơn mưa nguồn, từng mùa chớp biển, tích tụ nhiều đời, làm nên sự trù phú cho con bàu nước ngọt bên bờ biển mặn.

Trong ký ức của nhiều vị cao niên vẫn còn nhiều câu chuyện kể về bàu. Tựu chung: Trước giải phóng, bàu là vùng nước tù, đầy – vơi theo mùa. Thực vật thủy sinh ở bàu khá nhiều nhưng nhiều nhất là cây lác ba cạnh và cây cỏ năng. Chúng mọc thành nhiều trảng, thảm, cao, rậm, làm nên thành lũy cho các loài chim, cá, trăn, rùa… trú ngụ. Và chính những trảng, thảm dày đặc này đã che chở cho nhiều tốp dân công hỏa tuyến gánh muối vượt cồn, nhiều lượt cán bộ nằm vùng, tránh được sự truy lùng của đối phương. Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã phóng một con mương lớn từ đầu đến cuối bàu, xuyên qua địa phận xã Mỹ Thành, đổ về sông lớn. Nước bàu theo mương xuôi ra biển nhưng vẫn kịp giữ trọn lượng phù sa trôi về từ trăm nẻo. Rồi bàu cạn thành đồng – một cánh đồng rộng thênh ba vụ lúa, nếp. Trong những ngày khai hoang phục hóa, người dân quanh bàu đã phát hiện nhiều túi ni lông quân giải phóng chôn vội. Túi chỉ còn xương cốt. Máu thịt các anh đã trộn lẫn vào mùn đất con bàu trầm tích đang mang diện mạo một cánh đồng lúa mới. Đất đồng bàu Chánh Trạch chủ yếu là đất mùn pha cát bồi sa, dưới là tầng sỏi cơm giữ nước cho lớp đất mặt nên bề mặt đất đồng luôn ẩm. Dẫu hạn hán có kéo dài, đất đồng bàu vẫn không chai cứng như những đồng khác. Đi trên đồng vào mùa khô ráo, nghe đất dưới chân như rung rung, nhún nhẩy.

Người dân quanh bàu Chánh Trạch hôm nay có tổ tiên là những người Việt ở Đàng Ngoài vào, theo nhiều đợt di dân. Họ yêu lao động, quý đất trồng lúa nước nên khi gặp bàu, bị níu chân. Họ nhanh tay chọn lấy những bờ cao làm nơi dựng chòi nhóm bếp và chiếm lấy phần đất viền bàu, lên bờ, phạt cỏ, cuốc đất, cấy lúa… làm kế mưu sinh. Họ cấy lúa nếp bên cạnh ruộng lúa gạo. Cả hai đều tốt, họ rất mừng nhưng phải luôn đối mặt với nạn nước nhẫy và chim bàu. Họ đổ nhiều công sức cho việc ngụp lặn – lấy đất cơi nới bờ, tát nước ra khi trời đổ mưa và tốn công dựng chòi – đuổi chim khi lúa, nếp vào kỳ ngậm hạt. Quá trình bám bàu, gieo mạ – cấy lúa – nhổ cỏ – gặt hái, người làm ruộng Chánh Trạch đã dần quen với cách làm ruộng bàu, sớm thoát khỏi đói nghèo và đã chọn được những hạt giống tốt để lại cho đời sau. Riêng lúa nếp, họ đã gieo cấy từ các giống sáu tháng như: Sột Soạt, Vỏ Rằn đến các giống bốn tháng như: Thần Nông 6,7,8, nếp Tây rồi bây giờ là nếp Ba Tháng. Họ đã gửi vào đất bàu nhiều mồ hôi, công sức, tình yêu thương và cả niềm tin bất tận. Cây nếp bàu Chánh Trạch lớn lên từ đó.

Dẻo thơm, đong đầy
Cây nếp đồng bàu Chánh Trạch hiện nay gieo cấy được nhiều vụ nhưng chủ yếu tập trung vụ ba. Vụ này, tính đến thời điểm cây nếp trổ bông, thời tiết không còn gió Nồm và gió Nam nên cây nếp an yên thụ phấn – làm sữa – ngậm hạt để cho ra một mùa nếp dẻo thơm. Muốn được những rẽ nếp cây khỏe cấy xuống ruộng bàu, nhà nông phải làm đất gieo mạ. Khi mạ nếp tròn một tháng mười ngày, bà con mới đưa xuống ruộng cấy theo lối, hàng. Lúc này, cây mạ đã cứng, đủ sức để vượt lên những con nước nhẫy bất ngờ của bàu và chống chọi được các loài sâu bệnh, côn trùng mặt nước. Mạ nếp xuống ruộng, đẻ nhánh nhanh, nhiều nên không chịu không gian chật hẹp. Cây nếp cấy thưa lớn nhanh, to, cứng, khi trưởng thành cao ngang ngực lão nông nhưng rất dẻo dai. Cây đeo trên đỉnh đầu một gié lúa nếp mấy mươi hạt to, nặng, oằn một bên nhưng ít khi gãy, ngã. Gặp phải những cơn gió vừa xô vừa giật, cả ruộng nếp vồng nhổm lên hạ xuống như biển sóng nhưng cây nếp biết tựa vào nhau, bảo vệ nhau cùng vượt qua gió táp. Chính những đặc điểm này mà người Chánh Trạch xưa luôn chọn thân rạ nếp làm tranh lợp nhà và lấy rơm nếp trộn đất trét vách thay vì chọn rơm rạ cây lúa… Cây nếp đồng bàu Chánh Trạch vừa bén ruộng đã tỏa mùi thơm – một mùi thơm rất khẽ của lá nếp hòa trong mùi hương của hoa cỏ đồng nội, chỉ có những người yêu cây trái, bám đồng quê mới nhận ra được. Bắt đầu rõ mùi là lúc cây nếp căng đòng. Mặc dù “nàng nếp” khoác nhiều lớp áo lụa che vùng bụng bầu căng tròn nhưng mùi hương từ thân vẫn cứ thoát ra, tỏa đi dìu dịu. Ngày cây nếp trổ bông, hương nếp thơm ngào ngạt, cả cánh đồng như thở cùng mùi hương. Gió đưa hương ngan ngát các làng gần, ươm nồng giấc ngủ em thơ; thoang thoảng những làng xa, khiến bao người nôn nao, nhớ người thân, nhớ Tết… Cứ thế, cây nếp Chánh Trạch tỏa hương thơm ngát cho đến ngày đồng bàu hết mùa gieo cấy.

Hạt thóc nếp đồng bàu Chánh Trạch no tròn, mỏng vỏ, vàng hươm, chỉ thoảng thơm nhưng cũng đủ để người ta nhận biết chúng. Theo kinh nghiệm của người bản địa, nếp Chánh Trạch phải phơi vừa nắng. Yếu thì hạt thóc khó để lâu, quá thì hạt dễ gãy. Hạt nếp đồng bàu Chánh Trạch trắng đục, trộng tròn, căng mẩy. Hạt cơm nếp nấu ra ráo hoảnh, thơm phức, nhai nghe mềm mềm, deo dẻo; nhai kỹ sẽ nhận ra vị beo béo, ngòn ngọt, rất đậm đà. Chính vì lẽ này mà cơm nếp đồng bàu luôn là niềm thôi thúc em thơ háo hức soạn chén, bê mâm cho bữa cơm đầu trong những mùa mới. Nếp đồng bàu làm ra được nhiều loại xôi như: xôi vò, xôi đậu, xôi gấc, xôi thịt các loại: heo, gà, chim cuốc… rất ngon. Hạt nếp gói thành bánh tét, bánh chưng, bánh kẹp, nấu ra rất kết, mặt cắt của bánh nhuyễn bân, đặc biệt là sự kết dính liền lạc giữa phần nếp và nhân bánh. Bột nếp đồng bàu Chánh Trạch đem nấu chè và làm bánh rất ngon, nhất là bánh ít và bánh hồng. Ngon bởi bột bánh mịn, chất bánh dẻo, vị bánh có chút ngọt trong chút béo và mùi bánh thơm lừng. Người Chánh Trạch, Chánh Trực xưa đã sớm biết lấy hạt nếp bàu nấu thành cơm, ủ với men rượu rồi vắt lấy nước đãi khách khi nhà có tiệc. Và trong sính lễ của người dân nơi đây luôn có đủ một khay xôi đỏ, một khay bánh hồng, hai bầu rượu nếp với ngầm mong: đôi trẻ thắm tình bền duyên, sui gia gắn kết.

Nhận ra sự ưu đãi của đất trời đối với dân mình qua các sản vật khác thường như bí đao khổng lồ, hành hương trái vụ, nếp bàu Ba Tháng… người dân các thôn Chánh Trạch, Chánh Trực luôn xem nếp đồng bàu là sản vật quý hiếm nên chọn làm phẩm vật dâng cúng trời đất, tổ tiên. Trong các đại sự của vòng đời một con người, như: đầy tháng, thôi nôi, dựng vợ, gả chồng, mừng thọ… hay trong việc tạo lập cuộc sống mới: khởi công, vỡ gỗ, táng cột, dựng nhà, thượng lương, nhóm lửa – nhập trạch… người dân nơi đây luôn lấy xôi nếp đồng bàu làm lễ vật dâng cúng. Thói quen này được duy trì mãi đến tận đời nay và ngầm chứa quan niệm: kết nối tâm thức đất – trời, xưa – nay, tổ tiên – con cháu, để người còn sống luôn biết chăm lo vẹn toàn nghĩa cử, sống hiền hòa, phúc đức… Người dân quanh đồng bàu Chánh Trạch thời nay không còn gánh nguyên đôi xiểng có khay xôi, khay bánh đến nhà nhau thưa nói chuyện hôn nhân cho con cháu nhưng trong đồ sính lễ rước dâu và hành giá của đôi trai – gái luôn có đĩa xôi hoặc gói xôi nếp đồng bàu để tế lễ gia tiên. Họ có thể thông cảm, rút gọn lễ nghi nhưng không thể để thiếu món xôi nếp đồng bàu. Trong làm vần công hay giỗ, chạp, tiệc, Tết… người dân nơi đây luôn có món xôi nếp đồng bàu dẻo thơm để mời nhau như thể tình người đong đầy, tình quê chất ngất.

Bay xa
Sản lượng nếp đồng bàu Chánh Trạch không cao, trung bình 250 kg/ sào nhưng chất lượng rất tốt, được nhiều du khách phương xa thưởng thức và đánh giá là nếp ngon nhất khu vực Duyên hải miền Trung. Trước đây, khi mạng xã hội chưa phát triển, người dân quanh bàu trồng nếp chỉ để ăn, cúng và làm quà biếu cho người thân trong dịp lễ Tết. Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh, hình ảnh hạt nếp đồng bàu Chánh Trạch theo đó được nhiều người biết đến. Đặc biệt giữa năm 2019, hạt nếp bàu được Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN tỉnh ta giới thiệu rộng rãi đến người dùng trong và ngoài tỉnh và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể… Từ đây, hương nếp đồng bàu Chánh Trạch bay xa.

Xôi nếp đồng bàu Chánh Trạch vừa thơm ngon, vừa giúp vững bụng, được người Mỹ Thọ dọn ra mâm cỗ ngày giỗ tiệc sau món khai vị đã làm thay đổi quan niệm “Hết xôi rồi việc” một thời và được người dân các xã lân cận, các nhà hàng sang trọng ở phố làm theo. Để có được đĩa xôi thơm ngon, hài lòng thực khách, các dịch vụ ẩm thực trong và ngoài tỉnh ta đã đặt mua thường xuyên hạt nếp đồng bàu Chánh Trạch. Nếp bàu theo đó cũng ngày càng đi xa hơn. Nếp đi từ tay nhà nông đến tay hàng xáo, qua nhà máy xay xát rồi đi muôn nẻo. Nếp đi đường xe, xuống ghe, lên tàu, theo máy bay và cả đường online rộng mở. Nếp đồng bàu Chánh Trạch có mặt trong nhiều hội chợ nông sản, nhiều cửa hàng kinh doanh đặc sản địa phương và cả những buổi tiệc lớn của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Lão nông Trần Trạch, 64 tuổi ở thôn Chánh Trạch 2 vừa có chuyến thăm bà con ở huyện đảo Phú Quốc về, chia sẻ: “Tui mang gần chục ký nếp bàu vào làm quà. Nẫu mừng như được gặp quê cha. Rồi còn dặn: mùa tới, làm được bao nhiêu nẫu mua hết”. Chị Trần Thị Năm – một hàng xáo ở thôn Chánh Trực, bộc bạch: “Tui mua nếp vỏ về xay ra nếp hạt, bán cho nhiều chị quen ở chợ Kon Tum và một vài mối ở TP. Hồ Chí Minh. Năm, ba ngày tui gửi đi một lần. Mỗi lần trung bình khoảng 50 ký. Ngày thường chỉ bán vậy, Tết mới nhiều”. Còn cô bạn tôi – người bán hàng online ở xã Mỹ Thọ, khoe: “Em có mối hàng Việt kiều ở Canada chuyên ăn nếp bàu Chánh Trạch. Cứ người quen của họ bên ấy về là họ nhờ ghé chỗ em lấy nếp. Có năm, em gửi năm – sáu lần. Lần nhiều cũng được vài chục ký”. Vui hơn nữa khi nghĩ tới một ngày không xa, sản vật bàu Chánh Trạch sẽ được sản xuất bằng công nghệ sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP. Lúc đó, cả đồng bàu Chánh Trạch sẽ phủ xanh một màu lúa nếp và hạt nếp đồng này sẽ có đủ những thông số đẹp để tự tin bước vào những thị trường lớn và khó tính…

Đến làng Chánh Trạch trong mùa thu hoạch nếp bàu, được đi trên những con đường phủ đầy rơm rạ nếp và được thưởng những thức món xôi nếp đầu mùa, tôi như lạc giữa miền hương hoa đồng nội. Nghe như từ xa thẳm vọng về âm thanh phàm phạp của tiếng phạt cỏ khai hoang, tiếng ì oạp của gầu giai khua nước và tiếng mõ tre lốc cốc đuổi chim bàu…

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…