Nơi cơn bão đi qua

(VNBĐ – Truyện ngắn). Cơn bão đã đi qua lâu rồi nhưng sự tàn phá khủng khiếp vẫn còn nguyên vẹn nơi vùng ven biển Vạn Hiệp đầy cát và gió nhưng thiếu nước ngọt này. Mọi sinh hoạt tưởng chừng như đi vào bình thường. Nhưng thiệt hại và mất mát còn nguyên vẹn trong mỗi gia đình và hiện rõ lên từng khuôn mặt người dân. Đây đó một vài ngôi nhà đổ nát đã được dọn dẹp gọn ghẽ, chất đống những gạch ngói, cột kèo bị bão làm hư hỏng. Nhà tốc mái thì được che lợp vội vàng, vá víu. Cây cối ngã đổ chỉ chặt cành dọn lá trơ lại gốc rễ nằm chơ vơ trên mặt đất. Nhiều đoàn cứu trợ theo kiểu lá lành đùm lá rách của chính quyền kêu gọi hay các tổ chức độc lập tự phát đến với Vạn Hiệp đã phần nào làm vơi nỗi mất mát của người dân. Nhưng sự khó khăn vẫn còn trên mỗi gia đình hiện rõ từng khuôn mặt. Với vợ chồng Thơm thì muốn có cuộc sống bình thường như trước khi cơn bão đi qua là điều không thể. Hôm ấy, trời sập tối trao bóng đêm cho gió và mưa. Tiếng gào thét của thiên nhiên cùng sự oằn mình chống đỡ của cây cối khiến Vụ lo lắng. Anh vội đưa Thơm và đứa con vào ngôi chùa Phước Sơn tránh bão còn mình ở lại để neo giữ căn nhà. Nơi anh gom góp suốt mấy năm lăn lộn kiếm tiền xây dựng để vợ và đứa con vừa biết đi chập chững có nơi nương náu. Nợ nần chồng chất chưa trả xong thì sau một đêm cuồng nộ của thiên nhiên, nơi nhà anh ở đã thành con suối nhỏ. Vạt núi phía sau nhà bị sạt lở tạo thành một dòng chảy kéo tất cả mọi thứ ra biển. Một con suối mới hình thành. Nhà anh nằm ở đâu đó trong dòng suối hung hãn nhưng bây giờ khô cạn, gân guốc, lởm chởm đá. Vụ không thể xác định nền nhà mình ở vị trí nào. Anh thành kẻ không nhà phải gởi vợ con về sống chung với cha mẹ đẻ, chật chội nhưng vẫn tạm ổn. Cầm trên tay mấy chục triệu giúp đỡ của các tổ chức, anh không biết phải làm thế nào để tồn tại. Không còn chỗ để cất nhà. Chính quyền có hứa cấp đất nhưng còn phải đợi quy hoạch. Đang loay hoay thì cha mẹ vợ gọi vợ chồng anh và những anh em khác về bàn chuyện giúp đỡ.

Ông Định nhấp ngụm trà rồi trịnh trọng nói:

– Ba má có bốn đứa con. Tất cả đều từ một hòn máu cắt ra. Trai hay gái, ba má đều thương yêu như nhau. Nhưng chưa kịp mừng khi các con đã ổn định cuộc sống thì vợ chồng thằng Vụ, con Thơm gặp phải cơn bão đi qua thành kẻ không nhà.

Ông dừng lại nhìn mặt từng đứa con như dò ý tứ:

– Các con có biện pháp gì để giúp đỡ cho em không?

Rồi ông nhìn thẳng vào Hiền, người con trai cả:

– Con là anh trai lớn. Ý kiến của con thế nào?

– Thế nào là thế nào! Con còn khó khăn. Cháu nội của ba còn đi học, tốn kém lắm…

– Có nghĩa là con không thể giúp đỡ được gì cho vợ chồng thằng Vụ?

– Dạ!

– Nhưng có ủng hộ việc tạo điều kiện cho vợ chồng nó ổn định cuộc sống?

– Dạ, con chỉ không có tiền.

– Thôi được! Vợ chồng thằng Hậu thì thế nào?

– Vợ chồng con cũng như anh Hai thôi. Chưa thể giúp cho em được.

– Chắc là vợ chồng con Thảo cũng không thể giúp được gì cho em mình trong lúc ngặt nghèo này?

– Dạ! Chúng con vẫn còn khó khăn lắm. Nhất là sau cơn bão…

– Thế thì, ba tính như thế này. Các con cùng góp ý với ba để tìm ra phương án cho em con có chỗ ở.

– Ba cứ nói ra đi.

– Ba má đã già rồi. Các con đều ở riêng và có cơ ngơi riêng. Mảnh đất ba má đang ở cũng còn rộng hơn sào đất. Nay ba muốn cắt 100m2 cho vợ chồng thằng Vụ cất nhà. Đất còn lại cũng hơn 400m2. Sau này, đứa nào muốn về ở thì ba má tiếp tục chia…

Hiền nêu ý kiến:

– Mảnh đất của ba má nằm trong xóm. Chúng con đang ở ngoài lộ thuận lợi cho việc kinh doanh, phát triển. Em Vụ dọn về ở gần ba má thì tốt thôi. Nói dại miệng, khi ba má quá vãng thì giao luôn nhà của ba má cho hai em coi sóc. Nhà ba má sẽ thành nhà chung để chúng con về tụ họp vào những ngày giỗ chạp. Ý con là thế, không biết ý kiến của các em như thế nào.

Hậu vừa thống nhất vừa nêu ý kiến:

– Con thì thống nhất thôi nhưng có đất rồi thì tiền đâu mà cất nhà?

Ông Định nhắc lại:

– Các con có đồng ý ba má cắt mảnh đất đang ở cho vợ chồng thằng Vụ không đã! Chuyện cất nhà sẽ bàn tiếp.

Không ai thấy quyền lợi vẫn còn mà hiện tại kinh tế không phải san sẻ cho đứa em nên nhanh chóng thống nhất. Riêng vợ chồng Thảo là con gái, con rể nên không dám lạm bàn. Ông Định và hai người con trai là người quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ông cắt đặt:

– Vừa rồi, nhà nước có hỗ trợ cho mỗi nhà bị sập đổ hoàn toàn là ba chục triệu đồng. Các tổ chức từ thiện cũng hỗ trợ hơn chục triệu đồng. Như vậy, vợ chồng thằng Vụ đang có hơn bốn chục triệu tiền mặt. Đất thì cứ cất trong vườn nhà ba má. Nhà cấp bốn. Tùy gia hữu vô. Làm vừa đủ để sinh hoạt, sau này làm ăn khá giả thì sẽ xây dựng to lớn, đàng hoàng hơn.

Hiền tỏ ra là người lớn:

– Hai em làm nhà mà có thiếu chút đỉnh thì gặp anh. Anh có thể cho mượn một ít.

– Dạ, chúng em cảm ơn anh.

Có đất. Có tiền. Có nhà trong vòng chưa đầy một tháng. Không cầu kỳ tráng lệ nhưng cũng gọn ghẽ, ngăn nắp cho vợ chồng con cái Vụ sinh hoạt. Ngày về “nhà mới” thật đông vui. Toàn người thân trong gia đình nên càng rộn ràng nhưng ấm cúng. Những lời chúc mừng, hứa hẹn, tin tưởng được tuôn ra và ai cũng thấy gia đình rất đoàn kết. Ai đó nói rằng chỉ trong gian khó mới biết ai là người tốt với mình. Vợ chồng Vụ đang sống trong lòng tốt và yêu thương của cha mẹ, anh em. Hạnh phúc nào hơn. Cuộc sống dần đi vào ổn định.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Nhưng sống giữa cuộc đời này chẳng ai biết được ngày mai sẽ sao. Sống trong ngôi nhà mới chưa ấm chỗ thì một sự việc xảy ra làm đảo lộn tất cả. Một con đường lớn đi vào khu tái định cư của người dân và khu công nghiệp sẽ xây dựng ở Vạn Hiệp chạy ngang qua nhà của ông Định. Nhà của vợ chồng Vụ cũng trở thành mặt tiền. Cò đất lại có dịp làm ăn. Đất đai đang canh tác, nhà cửa đang ở bỗng chốc thành hàng hóa rao bán hoặc có người đến tận nhà gạ mua. Một cơn lốc không khác gì cơn bão đã tràn qua Vạn Hiệp trước đây. Mảnh đất ông Định được trả giá ba tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn mà cả đời ông chưa bao giờ nghĩ đến. Ông cũng muốn bán đi, rồi mua một ngôi nhà nhỏ trong xóm để sống qua ngày. Số tiền còn lại ông gởi vào ngân hàng thì tiền lãi mỗi tháng đủ cho vợ chồng ông sống nhàn hạ quãng đời còn lại. Ngặt nỗi, người ta muốn mua cả mảnh đất mà ông đã cho vợ chồng thằng Vụ. Ông chưa sang tên, cắt đất nên nhà của vợ chồng Vụ vẫn thuộc đất của ông. Nghe đâu họ sẽ xây dựng trên mảnh đất của ông một khách sạn lớn nhiều tầng, nhiều phòng. Ông Định còn đang lưỡng lự thì những người con đã tập trung về. Thằng Hiền mở đầu ra dáng vẻ người anh cả hiểu biết:

– Ba má đã lớn tuổi rồi, cũng không kinh doanh buôn bán gì mà ở ngay mặt đường vừa ồn ào vừa không sinh lợi gì. Trong khi chúng con trước đây ở nơi sầm uất để buôn bán, bỗng nhiên lại thành đường hẻm, đường phụ rất khó khăn cho việc kinh doanh. Từ ngày con đường này mở rộng, chúng con làm ăn thua sút trông thấy. Nay con muốn…

– Chúng bay lại muốn về đây sống chứ gì?

– Không! Nhưng…

– Nhưng thế nào?

– Hôm trước, ba có nói ai muốn về thì ba chia cho đất…

– Mà người mua muốn có khoảnh đất rộng để xây khách sạn, kể cả nhà của vợ chồng thằng Vụ nữa mới đủ diện tích. Khó xử là ở chỗ ấy.

– Khó gì! Cứ bán tất rồi chia…

– Chia sao?

– Chia làm năm phần. Ba má giữ lấy một phần mua nhà trong xóm mà sinh sống. Còn lại, mỗi đứa con một phần. Vợ chồng em Vụ cũng được sáu trăm triệu dư sức xây nhà mới…

Bấy giờ, Vụ mới dám ý kiến:

– Vợ chồng em vừa xây xong nhà. Ngoài tiền bạc của các tổ chức từ thiện, em còn phải vay mượn…

– Thì bây giờ có tiền để trả rồi. Sướng quá đi chứ!

– Nhưng giá đất, giá vật liệu, nhân công đắt quá. Nay, mua được mảnh đất cũng tầm tầm năm trăm triệu. Làm sao xây nhà cho đủ!

Hậu xía vào, tính toán chi li:

– Nhà của em cất trên mảnh đất của ba má. Em được thì mấy anh chị cũng được hưởng từ tài sản của ba má chứ. Thôi thì con nào má cũng mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày. Anh nghĩ như thế này, nếu anh em ta được chia đều của cải của cha mẹ thì mỗi người sẽ trích ra hai chục triệu góp vào phần của em, tổng cộng là sáu chục triệu, coi như thối lại tiền ngôi nhà em đã xây. Em có đến sáu trăm sáu chục triệu còn mấy anh chị chỉ còn năm trăm tám chục triệu. Ổn thỏa cả chứ?

Ông Định lên tiếng:

– Ba má cũng chưa quyết định chuyện mua bán mảnh đất này. Sao chúng con lại tính toán như chuyện mua bán đã hoàn tất vậy? Nếu bán gấp ngôi nhà này thì ba má ở đâu trong lúc đi tìm nhà mới? Với lại, dù ba cũng muốn có số tiền lớn nhưng đây là đất của ông bà để lại đâu dễ dàng gì bán nó đi.

Hiền lên tiếng:

– Cứ bán quách đi. Trước mắt là ba má về sống với con. Nhà con còn một phòng chưa sử dụng. Khi nào mua được đất và xây xong nhà mới thì dọn đến ở cũng được. Không thì…

– Thì sao?

– Thì ba má ở luôn với con cũng được. Cha mẹ già ở với con thì có gì sai!

Ông Định ngập ngừng:

– Thư thư mà tính toán thêm.

Hậu nói như kết luận:

– Thôi! Thư thư gì nữa. Cứ quyết định như thế đi. Thời cơ chỉ đến có một lần. Vợ chồng con Thảo thì đã tách bạch; vợ chồng con Thơm thì còn ở trên mảnh đất của ba má. Quyền gì! Hai đứa em gái thấy thế nào?

– Dạ, ba má và mấy anh chị sắp xếp thế nào thì chúng em chịu thế ấy!

Nhưng đâu phải điều gì con người sắp đặt thì thực hiện được hết. Mảnh đất của ông Định rơi khỏi tầm ngắm của bọn cò đất. Nó lại rơi vào tầm ngắm của mấy đứa con. Cái giá khởi điểm của mảnh đất là ba tỉ đồng đã cuốn hút tâm trí, thời gian và sức lực của mấy đứa con ông Định. Ngày nào, những đứa con cũng về thăm hỏi chuyện mua bán nhà khiến ông Định bực dọc. Có lần ông phải nặng lời: “Hình như mấy đứa bây về xem chừng vợ chồng tao đã chết hay chưa, chứ đâu phải quan tâm gì đến sức khỏe của hai mạng già này”. Vợ chồng Vụ cũng bị xoi mói như là ở gần sẽ thu vén được nhiều hơn. Nhà đất chưa bán được, tiền chưa chia; tất cả trên dự định nhưng ai cũng nói vợ chồng Vụ sẽ nhận được nhiều hơn mỗi anh chị là tám chục triệu. Hỏi ra mới biết số tiền nhiều hơn ấy là từ lời hứa mỗi anh chị trích ra hai chục triệu; còn Vụ giữ nguyên số tiền được chia lại nhận thêm tiền từ mấy anh chị. Các anh chị còn nghi ngờ vợ chồng Vụ đã cản trở sự mua bán nhà để khỏi ảnh hưởng đến cuộc sống đang yên ổn trong căn nhà mới xây. Sóng ngầm đang đợi dịp sẽ bùng lên để nhấn chìm tất cả. Những lời nói bóng gió, cạnh khóe về sự chiếm đoạt khiến vợ chồng Vụ cũng mất ăn, mất ngủ.

Cơn sốt đất như cơn bão tràn qua Vạn Hiệp một thời gian ngắn nhưng nó âm ỉ tàn phá vùng quê nghèo này thật dữ dội. Nó không lồ lộ ra như bão trời, không làm gãy đổ nhà cửa cây cối; nó chỉ làm gãy đổ niềm tin và làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm. Trước đây, ngăn cách giữa các nhà, các vườn là hàng rào đơn sơ bằng cây sống hoặc đóng cọc giăng phên; nay được xây kiên cố bằng gạch, xi măng… Nhà nhà tranh nhau từng tấc đất. Bởi chỉ thêm một tấc đất mặt tiền là thêm một khoản tiền lớn. Có nhiều gia đình giàu lên nhanh trông thấy; cũng có gia đình ngậm ngùi nhìn người khác giàu mà than thân trách phận; cũng có gia đình nuôi hy vọng sẽ phất lên. Gia đình ông Định thuộc vào diện nuôi hy vọng. Nhưng từ lúc đất treo giá ba tỉ đến bây giờ, chẳng có ai trả thêm đồng nào nữa mà chỉ có có giá hạ thấp hơn. Gần đây nhất là chốt giá hai tỉ rưỡi. Hiền và Hậu đến gây chuyện với vợ chồng Vụ. Hai anh cho rằng Vụ đã không chịu trả lại đất ngôi nhà, làm khó dễ để người mua nản lòng. Có lẽ do chẳng có một cái chuẩn nào về giá cả cho việc mua bán đất đai mà có khi cùng một đám đất mà người trả giá cao người trả giá thấp. Âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng Hiền và Hậu không cho đó là bình thường.

Mảnh đất ông Định không bán được và bị mất giá nhưng một vài gia đình đã bán được đất với giá cao ngất ngưỡng. Sự mua bán đất cứ âm ỉ nhưng khốc liệt thì một sự việc xảy ra ở Vạn Hiệp làm mọi người thêm ngỡ ngàng. Số là, bảy hộ gia đình bị sạt lở đất trôi tuột cả nhà cửa ra suối phải sống nhờ vả vào làng xóm và tiền cứu trợ. Chính quyền cũng nỗ lực để người dân phải có nhà. Rất nhiều hộ đã được chia đất và cất nhà khi chính quyền địa phương phân lô nơi khu tái định cư. Bảy hộ trôi cả nhà cửa khi cơn bão đi qua lại không được chia đất và được giải thích là quỹ đất đã hết, đợi ý kiến của cấp trên. Nhưng gần đây, bất ngờ là bảy hộ nói trên được chính quyền gọi đến chia cho bảy lô đất ngay đường vào khu công nghiệp đang xây có mặt hướng ra biển thoáng mát; đồng thời với một số cán bộ bị kỷ luật. Thì ra, biết được khu công nghiệp sẽ thành lập, làng xóm sẽ phát triển, vài nơi sẽ phồn thịnh nếu được sở hữu nó, một số cán bộ đã dành riêng cho mình những lô đất đẹp. Họ đã báo cáo là đã hết quỹ đất để xin mở rộng khu tái định cư. Nào ngờ cấp trên đã thanh tra và làm rõ sự khuất tất. Và những lô đất có địa thế đẹp kia được chia cho bảy hộ bị mất nhà. Vợ chồng Vụ cũng được phân chia một lô. Ông trời có mắt là thật, xã hội nghiêm minh cũng thật, kẻ yếu thế sẽ được bảo vệ cũng là thật. Nhận được quyết định trao quyền sử dụng đất, Vụ đã đổi đời nhanh chóng và trong gia đình ông Định một cơn bão mới cũng hình thành.

Mảnh đất chỉ hơn trăm mét vuông mà có người gạ mua bốn tỉ rưỡi. Mỗi mét vuông đất hơn bốn chục triệu. Vàng chứ đâu còn là đất nữa. Tờ giấy quyền sử dụng đất có giá trị hơn trăm cây vàng. Vụ bán ngay. Không đắn đo. Anh chị em lại tụ tập để chúc mừng. Hiền lên tiếng:
– Em tính thế nào mà lại bán khu đất vừa được cấp?

– Em nghĩ như mấy anh chị là bán đất để lấy tiền.

Hậu cắt ngang:

– Nhưng bán đất của ba má là để chia cho anh em chúng ta. Còn em bán đất thì vẫn cứ ở lì trong đất của ba má. Em còn ở đấy thì làm sao mảnh đất này bán được?

– Em cũng đâu muốn ba má bán mảnh đất này!

– Thì ra cô dượng âm mưu chiếm luôn đất chung nữa à?

– Không! Em tính như thế này… Mảnh đất của ba má được định giá lại là hai tỉ rưỡi, trong khi trong tay em có những bốn tỉ rưỡi. Em muốn thối lại theo giá ban đầu là ba tỉ để giữ mảnh đất.

– Thế là vợ chồng bây muốn ở luôn trong mảnh đất của ba má à?

– Thì coi như em mua lại đất của ba má và như thỏa thuận trước là em giao cho mỗi anh chị sáu trăm triệu.

– Còn ba má ở đâu?

– Hôm trước anh Hiền có nói nhà anh còn một phòng thì ba má về ở đó.

– Sao được! Chỉ ở tạm một thời gian rồi mua nhà mới, ở lâu sao được!

– Nếu vậy thì ba má vẫn ở trong ngôi nhà cũ!

– Vậy ba má không có tiền à? Thành ra ba má mất đất…

– Không! Em vẫn giao cho ba má đủ sáu trăm triệu và mỗi anh chị nhận hai trăm triệu nữa. Ba má cứ ở trong ngôi nhà cũ như xưa, không phải bán nhà bán đất. Bây giờ, em đủ sức lo cho ba má hai bên nội ngoại.

Tiền như từ trên trời rơi xuống mỗi người nhận được tám trăm triệu mà không phải lo cho cha mẹ và mảnh đất vẫn còn nguyên, chỉ có cái tên trong sổ giao quyền sử dụng đất chuyển từ ông Định sang vợ chồng Vụ. Dẫu là tên của ai thì mảnh đất vẫn còn đấy và người trong nhà sở hữu. Mấy anh chị rất hoan hỉ với đề xuất của Vụ nên chấp nhận ngay. Còn Vợ chồng ông Định thấy mảnh đất không bị bán cho người khác, ngôi nhà cũ kỹ vẫn còn giữ lại là ông thỏa mãn lắm rồi. Ông vẫn ở trong ngôi nhà mình cho đến chết, sau đó thì thế nào chẳng được. Anh em thì có tiền. Vợ chồng Vụ không phải làm nhà mới. Ai cũng khen vợ chồng Vụ biết ăn ở với mọi người trong gia đình. Nhưng đâu phải biết ăn ở thì được sống yên ổn đâu. Vừa cầm sổ đỏ sang tên chính chủ thì các anh chị đã có lời bàn ra tán vào. Hậu là người khơi chuyện:

– Vợ chồng thằng Vụ thế mà cũng thâm. Mảnh đất có giá năm tỉ mà nó định giá cho anh em ta có ba tỉ.

– Lấy ở đâu ra năm tỉ cho mảnh đất ấy?

– Thì người ta đồn rần rần kia kìa.

Hiền gạt phăng:

– Hơi đâu mà tin bọn ăn không ngồi rồi sinh chuyện để chia rẽ…

– Thì cứ hỏi trực tiếp với vợ chồng thằng Vụ đi.

– Ừ!

Khi nghe lời bàn tán về giá cả mảnh đất, Vụ cười nói:

– Nếu mấy anh bán được giá năm tỉ thì em chuyển giấy tờ cho anh bán để thêm đồng nào hay đồng nấy. Nhà mình còn khổ mà!

Vụ quay sang Hiền:

– Anh Hai đã có mối mua đất rồi hả?

– À… ừ… không! Chuyện giá cả là do chú ba Hậu đấy chứ!

– Em cũng… chỉ nghe mọi người nói chứ có biết ai trả giá cho mảnh đất này năm tỉ đâu!

Ông Định nhìn mặt từng đứa con:

– Tao kỳ hạn cho chúng bay một tháng kiếm người trả giá cao hơn ba tỉ hoặc đứa nào chấp nhận giá ấy. Nếu không thì sau đó không đứa nào được nhắc đến chuyện mua bán mảnh đất này nữa! Nghe chưa? Nó thuộc quyền sở hữu của vợ chồng thằng Vụ. Tao cũng chỉ là người ở nhờ. Số tiền mà tao lẽ ra có được để mua nhà riêng thì mấy đứa bây đã chia nhau rồi. Còn đòi hỏi gì nữa? Hả?

Tất cả thấy vừa hợp lý vừa khó nên lặng lẽ ra về. Ông Định nhìn theo thấy đường sá xe tải chở vật liệu chạy nườm nượp, bụi bốc mù trời. Bụi cứ cuốn theo xe, tỏa ra hai bên đường, bám vào cây làm màu xanh của lá biến thành màu vàng. Ông Định bỗng ao ước:

– Nếu có một trận mưa nhỏ hay một cơn gió nhẹ thì hay biết mấy – Rồi trầm ngâm – Nhưng đừng như cơn bão vừa tràn qua…

NGÔ VĂN CƯ

(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyện tầng 4

Tôi là đàn bà xấu. Người ta bảo đàn bà xấu không được nhận quà. Từ bé tôi đã buồn não ruột về chuyện dung nhan thua kém đàn bà trong thiên hạ…

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…