Những bông sen mùa đại dịch

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Vài năm nay, có rất nhiều thơ viết về thời đại dịch. Đó là thơ viết trực diện về các chiến sĩ áo trắng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch, thơ viết về những đoàn người di dân, thơ viết về những em bé mồ côi cha mẹ, về đám tang vắng người đưa tiễn, về lò thiêu xác những ngày ảm đạm. Trong rất nhiều bài thơ tôi đọc, bài thơ của Hồng Thanh Quang lại có một góc nhìn khác, một cảm nhận riêng giữa bề bộn hiện thực cuộc sống.

Khi đất nước căng mình trong thử thách, khi bệnh dịch lan tràn, cái chết đang rình rập, tàn khốc, cuộc sống thường ngày vẫn sinh sôi như một dòng chảy không ngừng. Nhìn những bông hoa sen, tác giả hỏi: Thế có vô tình chăng/ Giữa bao nhiêu khốn khó. Vẫn biết sen nở theo mùa, theo quy luật của trời đất nhưng tác giả vẫn hỏi, hỏi màu hoa kia, hay hỏi chính mình: Khi nước mắt ai tuôn/ Vẫn nồng nàn hoa nở?

Ở đoạn thơ tiếp theo, Hồng Thanh Quang tự trả lời, tự lý giải theo cách riêng của một nhà thơ. Nói như Xuân Diệu: sự sống không bao giờ chán nản và cây đời mãi mãi xanh tươi. Trong thời kỳ khắc nghiệt, dữ dằn, những bông hoa vẫn nở. Giữa bóng tối và chết chóc, những bông hoa vẫn nở. Hoa nở là sứ mệnh của hoa, nở theo quy luật, nở theo mùa, nở như không có gì khác được. Nhưng khi Hồng Thanh Quang viết Vẫn ngát một làn hương/ Thơm cả vào tiếng khóc… thì câu thơ chợt có gì lóe lên, nhói lên trong tâm tưởng người đọc. Mùi hương hoa sen có gì mà ảo diệu vậy, mùi hương thơm cả vào tiếng khóc thì lạ và hay. Đó là câu thơ phát triển theo sự bộc phát tự nhiên, viết cứ như chơi, không có sự gọt giũa cầu kỳ mà vẫn hay, vẫn đủ sức lắng, sức đọng.

Đọc bài Những bông sen trong mùa đại dịch của Hồng Thanh Quang, tôi chợt nhớ đến bài thơ Hoa những ngày thường của nhà thơ Chế Lan Viên viết trong chiến tranh đánh Mỹ năm 1965: “Lạ thay đất nước quê nhà/ Lửa đạn, hoa mùa cứ nở/ Bên đường công tác anh qua/ Hoa hồng vẫy gọi thiết tha/ Hố bom toác ở đầu sân/ Cuối sân lại nở đóa hồng/ Màu đỏ hai lần đỏ gấp…”. Hai bài thơ ở hai khoảng thời gian khác nhau: thời chiến tranh đánh Mỹ và thời đại dịch. Hai nhà thơ, hai thế hệ khác nhau đều mang đến cho thơ những vẻ đẹp riêng bằng những câu thơ ghi dấu được tháng ngày mình trải.

Bài thơ Những bông sen trong mùa đại dịch in trong tập thơ Chút sen còn lại của Hồng Thanh Quang. Bài thơ có 12 câu, ngắn ngọn, hàm súc, không sa vào tả việc, kể lể dông dài. Ở đoạn tiếp theo, đoạn kết Hồng Thanh Quang viết:

Không thể nào làm khác,
Giúp đời sát vực sâu,
Đành rực hồng thêm sắc,
Cho cái nhìn bớt đau…

Tác giả khép lại bài thơ nhưng lại mở ra, lại mượn lời những bông hoa sen để tâm sự, giãi bày cùng người đọc. Không hiểu sao đọc tới đây, tôi lại mường tượng ra những bông hoa sen trong một đám tang, trước lò hỏa táng, trước nỗi mất mát quặn lòng, màu hoa sen sáng lên và làn hương tỏa ra thấm mãi vào tâm tưởng: Đành rực hồng thêm sắc/ Cho cái nhìn bớt đau… Bài thơ viết theo thể thơ ngũ ngôn, về hình thức thơ không mới, đáng mừng hơn, bài thơ mới về cách cảm cách nhìn: Vẫn ngát một làn hương/ Thơm cả vào tiếng khóc… Đề tài khó viết, nhưng đây là một bài thơ hay đáng ghi nhận của Hồng Thanh Quang viết trong mùa đại dịch.

Những bông sen trong mùa đại dịch 

HỒNG THANH QUANG
 
Thế có vô tình chăng,
Giữa bao nhiêu khốn khó,
Khi nước mắt ai tuôn,
Vẫn nồng nàn hoa nở?
 
Trên ranh giới mong manh,
Sự sống kề chết chóc,
Vẫn ngát một làn hương,
Thơm cả vào tiếng khóc…
 
Không thể nào làm khác,
Giúp đời sát vực sâu,
Đành rực hồng thêm sắc,
Cho cái nhìn bớt đau…
09.9.2021

NGUYỄN ĐỨC MẬU

(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dấu xưa còn nhớ

Vân Phi là nhà thơ trẻ, thuộc thế hệ 9X với dòng thơ tự do, hiện đại. Mặc dù còn trẻ nhưng tác giả đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả bởi một giọng thơ rất riêng…