Nhịp cầu tri ân

(VNBĐ – Bút ký). Ở tuổi 77, hằng ngày ông vẫn miệt mài bên chiếc máy vi tính kết nối với thân nhân liệt sĩ, tư vấn các thông tin ghi trong giấy báo tử, giúp họ tránh được những thủ đoạn lừa gạt của bọn giả danh “ngoại cảm” để tìm được chính xác hài cốt liệt sĩ. Đặc biệt hơn, ông kết nối với nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Bình Định để biết thêm những địa điểm liệt sĩ còn nằm lại; phối hợp với cơ quan chức năng cất bốc, quy tập hài cốt các anh về nghĩa trang địa phương hoặc về quê nhà. Ông là cựu chiến binh (CCB), thiếu tá Đặng Hà Thụy, hiện đang sống tại phường Hoài Thanh Tây, TX. Hoài Nhơn. Tôi gọi ông là người nối nhịp cầu gắn kết tri ân.

Vững vai
Ông Thụy sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Sài Gòn, quê gốc ở phường Hoài Thanh Tây, TX. Hoài Nhơn.  Cuộc đời ông là những chuỗi ngày ly hương nếm trải nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2 tuổi, ông theo gia đình rời Sài Gòn về quê sinh sống, đang học vỡ lòng thì cha ông tập kết ra Bắc. Ông sống với bà nội giữa vùng quê bị địch tạm chiếm. Lớn hơn một chút, ông cùng anh trai năn nỉ bà nội trở lại Sài Gòn vừa làm thuê kiếm sống vừa học văn hóa ở trường tư. Lấy được bằng tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp (lớp 9 ngày nay), năm 1961, ông được một người bạn của cha ở quê nhắn về tham gia công tác kháng chiến vì tổ chức đang cần người “biết chữ”. Ông trở lại quê hương và gia nhập vào đại đội Trần Hưng Đạo làm nhiệm vụ tuyên truyền vũ trang trên địa bàn quận Hoài Nhơn. Sau một thời gian bám đất, bám dân, ông cùng đơn vị xây dựng và củng cố được nhiều cơ sở cách mạng, tạo được một hậu phương vững chắc ngay trong lòng địch. Nhiều xã đã liên tục vùng dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vành đai giải phóng, khiến quân địch hoang mang. Trong thời gian này, ông theo dõi rất sát tình hình chiến sự diễn ra trên địa bàn quận, tỉnh, ghi chép vắn tắt các trận đánh vào sổ nhật ký để làm tư liệu cho công tác tuyên truyền. Nhờ những ghi chép này mà khi về nghỉ hưu, ông đã viết được nhiều trang hồi ký chiến trường và tư vấn cho nhiều thân nhân liệt sĩ.

Giữa năm 1964, ông được cử đi học lớp kỹ thuật quân khí ở Quân khu 5. Sau một năm, ông được rút về xưởng Quân giới Tỉnh đội Bình Định rồi đưa đến vùng rừng núi phía Tây huyện Phù Cát huấn luyện kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí cho du kích. Từ các đợt huấn luyện, du kích nhiều địa phương đã không ngừng lớn mạnh, góp phần làm suy yếu thế lực địch trên nhiều chiến trường… Thấy ông “có duyên” với du kích, truyền đạt tốt kiến thức về vũ khí, cấp trên tiếp tục cử ông đi học lớp nghiên cứu bom mìn rồi rút về làm trợ lý vũ khí chiến tranh du kích cho Tỉnh đội. Năm 1973, ông làm Trưởng ban Quân giới tỉnh. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được cử đi học tại Học viện Hậu cần ở Hà Nội rồi điều về làm Trưởng ban Hậu cần cho trường Huấn luyện Quân khu 5 đóng chân ở xã Cát Tân (Phù Cát). Năm 1985, ông cùng đoàn 5501 hành quân sang chiến trường Campuchia chiến đấu suốt 4 năm. Mãi đến năm 1989, ông trở về Tỉnh đội Bình Định trong đợt rút quân cuối cùng. Một năm sau, ông về nghỉ hưu tại quê nhà… Với những vị trí, việc làm và ngần ấy thời gian trên nhiều mặt trận, ông đã vững đôi vai để gánh lấy sứ mệnh tìm kiếm hài cốt đồng đội mình.

Nối gần… nối xa
Nghỉ hưu khi tuổi đời chưa tròn năm mươi, ông được lãnh đạo huyện động viên tham gia vào cấp ủy địa phương để chung tay phát triển quê hương trong tình hình mới. Ông trúng cử BCH hai kỳ đại hội Đảng bộ xã Hoài Thanh Tây và được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã suốt hai nhiệm kỳ liền. Khoảng thời gian này, ông nhanh chóng tiếp cận, làm quen với máy vi tính và thành thạo việc soạn thảo các loại văn bản. Ông thường xuyên gửi tin “Nhắn tìm đồng đội” cho đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ giúp những mộ liệt sĩ và phối hợp với BCHQS huyện cất bốc, đưa nhiều hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang địa phương Hoài Nhơn.

Sau năm 2010, lúc này Internet bắt đầu thịnh hành, ông cũng đã nghỉ công tác ở xã nên có thời gian cất công đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh xem mộ chí, chụp ảnh, ghi chép thông tin liệt sĩ ở các tỉnh xa, về chia sẻ qua mạng xã hội. Ông mày mò, làm quen và lập facebook, zalo riêng, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến liệt sĩ hy sinh trên địa bàn huyện Hoài Nhơn và tỉnh Bình Định. Ngoài việc chỉ ra nơi liệt sĩ nằm lại, ông còn định hướng cho thân nhân cách tìm hài cốt bằng cách tư vấn thông tin chiến trường, địa hình chiến sự, giải thích mật mã mặt trận ghi trong giấy báo tử, như: KT là mặt trận Tây Nguyên, KN là mặt trận Quân khu 5, KH là mặt trận Nam Quân khu 4… Ông mày mò tra cứu thời gian liệt sĩ hy sinh, đối chiếu với các trận đánh, khoanh vùng và thu hẹp địa bàn để tư vấn đúng hướng cho thân nhân đi tìm. Từ việc đăng tải, tư vấn, đính chính rõ ràng các thông tin nên nguồn tin từ ông đã nhanh chóng lan tỏa đến nhiều thân nhân liệt sĩ trong và ngoài tỉnh, giúp họ sớm kết nối và tìm được mộ, hài cốt liệt sĩ sau mấy mươi năm lặn lội kiếm tìm. Số người kết bạn qua facebook ông theo đó tăng dần, đến nay đã có hơn 800 người. Trong đó có gần một nửa là thân nhân liệt sĩ ngoài tỉnh.

Đau xót cho đồng đội còn nằm lại các hố chôn tập thể ở chiến trường, ông Thụy nhiều lần lặn lội đi tìm và nhắn tìm trên các trang mạng cá nhân nhưng không có kết quả. Tình cờ, cuối năm 2018, qua facebook, ông đã làm quen với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng ở TP. Hồ Chí Minh – người từng giúp tra cứu, tìm 140 hài cốt binh lính Mỹ ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) – có quen biết một số cựu binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Bình Định. Anh Thắng đã cho ông địa chỉ facebook, email của các cựu binh Mỹ để ông kết nối. Ông mừng thầm nhưng kịp nhận ra những rào cản khó vượt. Đó là ông và họ ở hai chiến tuyến sẽ không dễ cho họ cung cấp những bí mật cuộc chiến cho ông. Hơn nữa, ông không biết tiếng Anh. Ông đem những rắc rối này bày tỏ với Thắng. Anh mạnh miệng: “Họ thoải mái, nhiệt tình, không để bụng chuyện đã qua. Còn muốn hỏi gì, chú cứ viết bằng tiếng Việt rồi nhờ google dịch chuyển sang tiếng Anh để gửi!”… Thế là ổn. Ông mạnh dạn soạn tin giới thiệu sơ lược về mình, bày tỏ mong muốn làm quen, nhờ chỉ giúp những hố chôn tập thể liệt sĩ do binh lính Mỹ chôn lấp trên các chiến trường Bình Định rồi gửi đến facebook của cựu binh có tên Spencer Matteson. Ông này sớm chấp nhận lời mời kết bạn với CCB Thụy và trả lời rằng đã từng chứng kiến cuộc chôn lấp thi thể quân giải phóng Việt Nam ở đồi Xuân Sơn (Ân Hữu, Hoài Ân) trong trận đánh đêm 26.12.1966 nhưng một mình không thể cung cấp đủ thông tin. Rồi ông cho địa chỉ email của một cựu binh có tên Bob March để ông Thụy gửi thư trò chuyện. Giữa năm 2021, ông Thụy tiếp tục soạn thư và gửi đến Bob. Sáu tháng chưa thấy hồi âm, ông Thụy có lúc đã tắt ngấm hy vọng. Đến một ngày đầu năm 2022, email ông báo tin nhắn mới. Ông mở thư và được biết ông Bob March đã phản hồi. Ông Bob đang làm quản lý tại một trường đại học thuộc tiểu bang Texas. Trường này có lưu trữ tất cả hồ sơ về chiến tranh ở Việt Nam. Hơn nửa năm qua, kể từ khi nhận được thư ông Thụy, ông Bob đã tra cứu hồ sơ, tìm số phone và liên lạc với các nhà báo, cựu binh từng lái xe ủi, cầm xẻng chôn lấp những người lính Bắc Việt tại đồi Xuân Sơn để xác minh vị trí, vẽ lại bản đồ… Qua mấy tấm ảnh cũ và những tờ bản đồ Bob cung cấp, ông Thụy biết đồi Xuân Sơn có hai hố chôn tập thể: một bằng xe ủi và một bằng xẻng, ước tính trên 80 liệt sĩ.

CCB Đặng Hà Thụy đang tương tác với cựu binh Mỹ trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Ảnh C.K

Ông cầm những tờ bản đồ đến ngay đồi Xuân Sơn. Sau mấy ngày loanh quanh, luồn lách trong những trảng keo, rẫy chuối của người bản địa, ông đã xác định được vị trí hố chôn tập thể bằng xe ủi và lập tức điện báo Ban Chính sách (BCS) Tỉnh đội Bình Định để họ xin ý kiến và phối hợp khai quật. Ngày 10.3.2022, BCHQS tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Hoài Ân tổ chức khai quật hố chôn thứ nhất tại vùng đất có tục danh Gò Mít trong quả đồi Xuân Sơn. Sau 13 ngày tìm kiếm, tổ khai quật đã phát hiện khoảng 60 hài cốt liệt sĩ nằm cách mặt đất tầm 2-3 mét, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ TT Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân).

Trong thời gian này, ông Thụy vẫn thầm lặng trao đổi những vướng mắc với các cựu binh Mỹ để họ chú thích thêm về hố chôn bằng xẻng. Ông đã kết nối được với nhiều cựu binh có mặt trong cuộc chôn lấp như: Thomas Crabtree – người đưa thi thể xuống hố, Vory Whitake – người gom thi thể, Comas Johnson – trung sĩ điều hành cuộc chôn, Stephen Chesnut – người nhìn thấy thi thể đã kéo xuống hố… Họ trân trọng việc làm đầy tính nhân văn của Chính phủ Việt Nam và CCB Đặng Hà Thụy. Họ cảm thấy có trách nhiệm với việc tìm kiếm hài cốt quân giải phóng Việt Nam. Ông Spencer Matteson bày tỏ nỗi niềm qua email với CCB Thụy: “Tôi rất hối hận khi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Mặc dù không phải là người xúi giục, khơi mào nhưng tôi luôn cảm thấy ray rứt. Tôi sẽ luôn sát cánh và làm tất cả những gì có thể làm được cho các bạn”.

Chắc nhịp
Cũng có nhiều người chung tay tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhưng mỗi người mỗi cách. Với CCB Đặng Hà Thụy, ông có cách làm khoa học, chính xác. Đối với liệt sĩ chưa biết mộ phần, ông mở tệp ảnh mộ chí đã chụp, lưu trong máy để dò tìm. Nếu không có, ông gọi điện hoặc nhắn tin đến thân nhân liệt sĩ yêu cầu họ cung cấp thêm thông tin về thời gian, mặt trận hy sinh và những gì họ biết. Từ những thông tin này, đối chiếu với ghi chép chiến trường của ông, nếu thấy trùng khớp, ông sẽ trở lại chiến trường xưa, cùng ăn, cùng ở với người bản địa để dò hỏi. Nếu không trùng khớp, ông ghi tóm tắt nội dung vào sổ rồi hẹn với thân nhân tiếp tục tìm kiếm. Đối với những thông tin do cựu binh Mỹ cung cấp, ông tra cứu các tài liệu lịch sử địa phương, đối chiếu với ghi chép của mình, đến thực địa, gặp gỡ những người cao tuổi gắn bó với vùng đất, xác minh thông tin. Khi có manh mối, ông tiếp tục nhờ cựu binh vẽ lại bản đồ và cung cấp thêm những hồi ức có liên quan. Có bản đồ trong tay, ông trở lại thực địa một lần nữa để xác định vị trí hố chôn. Gặp những bản đồ tọa độ từ không ảnh, ông phải dùng máy scan chuyển ra mới đối chiếu được. Đến thực địa, ông dùng máy ảnh chụp lại vị trí có hố chôn theo bản đồ gốc rồi gửi lại người cung cấp để xin ý kiến. Nếu có lệch lạc, họ yêu cầu dịch chuyển. Nếu không, họ động viên ông phối hợp đào tìm và bày tỏ hy vọng sẽ tìm thấy. Rà soát lại các chứng cứ, thấy đầy đủ, ông điện báo với BCS Tỉnh đội xin ý kiến. Trong quá trình khai quật, nếu gặp trở ngại lớn, ông sẽ thông báo với người cung cấp bản đồ để họ hỗ trợ từ xa. Sau khi khai quật – tìm kiếm, BCS Tỉnh đội sẽ lấy, lưu mẫu sinh phẩm và tổ chức truy điệu liệt sĩ đúng nghi lễ…

Bản đồ về địa điểm hố chôn liệt sĩ Việt Nam tại đồi Xuân Sơn do cựu binh Mỹ vẽ lại,
gửi cho CCB Đặng Hà Thụy. Ảnh: NVCC

Để việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ diễn ra thuận lợi, CCB Thụy đã dành dụm tiền lương hưu của mình sắm dần những phương tiện cần thiết: một bộ máy vi tính cấu hình lớn, một máy in, một máy scan, một máy chụp ảnh chuyên dụng và một điện thoại thông minh. Nhẩm tính trị giá các phương tiện này khoảng chừng 50 triệu đồng.

Nhờ có cách làm tỉ mỉ này mà CCB Thụy đã phát hiện được một số trường hợp chỉ – nhận “nhầm” mộ hoặc hài cốt liệt sĩ. Đơn cử năm ngoái, ông đã phát hiện trường hợp một liệt sĩ quê Thái Bình hy sinh tại mặt trận KB (Nam bộ) năm 1974 nhưng mộ phần mới được tách ra – làm mới từ dãy mộ liệt sĩ chưa biết tên trong nghĩa trang liệt sĩ xã Cát Lâm (Phù Cát). Liên lạc với người thân, xem qua giấy báo tử gửi qua zalo, ông biết sở dĩ có sự “nhầm lẫn” này là do chiêu trò lừa đảo của bọn giả danh ngoại cảm. Cũng với cách làm này, năm 2018, CCB Thụy đã tìm ra và tìm đúng địa điểm nằm lại của hố chôn 12 liệt sĩ hy sinh năm 1969 trong trận bom B52 trên núi Thuận Ninh thuộc địa bàn xã Bình Tân (Tây Sơn), trong đó có 6 liệt sĩ là người Hoài Nhơn, 6 liệt sĩ là người Bắc. Và mới đây, ông đã tìm ra vị trí một hố chôn tập thể liệt sĩ thuộc trung đoàn 22, sư đoàn 3 Sao Vàng tại Gò Mít của Đồi Xuân Sơn.

Hiện, ông đang tiếp tục tìm hố chôn thứ hai ở quả đồi này. Xong, ông sẽ tìm đến hố chôn 30 liệt sĩ ở thôn An Quý, xã Hoài Châu (Hoài Nhơn) và hố chôn 58 liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn theo thông tin, tư liệu do cựu binh Mỹ cung cấp… Điều gì đã khiến ông lao động miệt mài, quên cả gian nan, tuổi tác để mải miết đi tìm nơi nằm lại của các anh? Tôi hỏi ông. Ông bùi ngùi: “Tôi còn sống, còn được hưởng lương hưu là tôi may hơn họ. Họ không may nằm lại nhưng nằm ở đâu vẫn không ai biết. Đau lắm! Xót xa lắm nên tôi phải quyết tìm! Tìm đến khi nào nhắm mắt xuôi tay mới thôi”.

Có mặt tại vị trí khai quật hố chôn tập thể liệt sĩ Gò Mít trong ngày tìm ra hài cốt, tôi rưng rưng nước mắt và nhận thấy công tác tổ chức tìm kiếm – cất bốc – quy tập diễn ra trang nghiêm, tươm tất. Lúc bắt đầu gặp di vật, các anh ở BCHQS tỉnh cho dựng lều tại hố chôn che nắng, mưa; lập án, dâng hương hoa, trà quả và hương khói suốt ngày đêm. Tổ cất bốc lặng lẽ xỉa, cọ, nâng từng chút kỷ vật, sinh phẩm để riêng phần theo đúng hình dạng người nằm ban đầu. Người quy tập lo phần hậu sự, lấy mẫu sinh phẩm cho vào lọ thủy tinh chuyên dụng có gắn ký hiệu rồi sắp xếp hài cốt, kỷ vật cho vào quách, phủ cờ Tổ quốc, chuyển đến trước án thờ. Nghĩa tình và trách nhiệm hơn là sự có mặt của các đoàn khách: Tỉnh ủy, BCHQS Tỉnh, Huyện ủy, BCHQS Huyện và các ban, ngành, đoàn thể huyện Hoài Ân đến thăm, dâng hương và hỗ trợ cho công tác cất bốc. Đặc biệt có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng về công tác tìm kiếm, địa điểm quy tập và xây đài tưởng niệm…

Cảm kích trước việc làm cần mẫn, hiệu quả của CCB Thụy, sáng ngày 12.4.2022, UBND TX Hoài Nhơn đã tổ chức buổi gặp mặt biểu dương khen thưởng ông. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo TX đã đánh giá rất cao về việc làm của ông trong thời gian qua và kịp thời động viên ông tiếp tục những phần việc còn lại. Đại tá Nguyễn Xuân Sơn – Phó Chính ủy BCHQS tỉnh Bình Định tâm đắc khi nói về ông: “Dù tuổi cao sức yếu nhưng bao năm qua CCB Đặng Hà Thụy vẫn luôn gắn bó với chúng tôi trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Những ngày ở đồi Xuân Sơn này, ông bị mắc Covid – 19, người rã rời nhưng vẫn liên tục bám máy kết nối với cựu binh Mỹ để cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi. Việc làm của ông đã mở ra một hướng mới, thiết thực, hiệu quả và hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn lao đối với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của chúng ta”.

CÁT KHÁNH

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…