Nhiếp ảnh – người chép sử bằng hình ảnh

(VNBĐ – Nhiếp ảnh). LTS: Sáng 17.3, tại trụ sở Hội VHNT, Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định và Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức gặp mặt, tọa đàm Kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15.3.1953 – 15.3.2024). Tại tọa đàm, các NSNA đã chia sẻ về vai trò của nhiếp ảnh trong việc ghi chép và lưu giữ lịch sử, tiệm cận giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí, những kinh nghiệm cần thiết về chụp ảnh phong cảnh bằng Flycam, những tiếp cận nhiếp ảnh đương đại qua góc nhìn tham chiếu các tác phẩm của các NSNA trên thế giới…
Văn nghệ Bình Định trân trọng giới thiệu tham luận của nhiếp ảnh gia, TS Lê Thanh Hải.

Lịch sử là một dòng chảy bất tận, ẩn chứa trong đó vô vàn câu chuyện về con người và xã hội. Việc ghi chép và lưu giữ lịch sử là điều cần thiết để thế hệ sau có thể hiểu được nguồn gốc và sự phát triển của nhân loại. Trong số các cách thức để ghi chép, tái hiện lịch sử, nhiếp ảnh nổi lên như một phương tiện độc đáo và đầy hữu dụng. Nhiếp ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là một phương tiện mạnh mẽ để ghi lại những gì đã diễn ra trong đời sống nhân loại. Nó cho phép chúng ta nhìn lại quá khứ, hiểu rõ hơn về những sự kiện đã xảy ra và cảm nhận những cung bậc cảm xúc của con người trong từng giai đoạn lịch sử một cách sống động. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng chỉ ra những khía cạnh độc đáo của nhiếp ảnh trong vai trò “người chép sử bằng hình ảnh”.

Nhiếp ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử
Nhiếp ảnh ra đời vào đầu thế kỷ XIX, kể từ đó, nhiếp ảnh đã được sử dụng để ghi lại vô số các sự kiện trong lịch sử xã hội loài người. Nhờ có nhiếp ảnh, chúng ta mới có thể hình dung cụ thể về những sự kiện lịch sử trọng đại như cuộc Nội chiến Hoa Kỳ với hình ảnh về Tàu chiến USS Cairo xuất hiện trên sông Mississippi năm 1862, hình ảnh về Thế chiến thứ nhất với những vũ khí hiện đại được đưa vào chiến đấu (như máy bay, xe tăng, tàu chiến, chất độc hóa học, súng máy…), hình ảnh lãnh tụ V.I.Lênin phát biểu trước người dân tại Petrograd (Nga) năm 1917, hình ảnh về Thế chiến thứ hai với sự kiện cắm cờ trên nóc tòa nhà quốc hội Đức quốc xã năm 1945 được nhiếp ảnh gia Yevgeny Khaldei ghi lại; đến những hình ảnh về cách mạng Việt Nam như: thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22.12.1944), ảnh mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội 1945, ảnh khoảnh khắc xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập được nhà báo Francoise Demulder ghi lại; hay gần đây là những hình ảnh về sự kiện 11.9, đại dịch Covid-19… cũng đã được ghi lại một cách rõ nét và cụ thể. Thông qua những khoảnh khắc lịch sử được nhiếp ảnh ghi lại một cách chân thực và sống động, đã giúp thế hệ sau có thể nhìn thấy và hiểu được quá khứ một cách trực quan, sinh động hơn so với việc đọc sách hay nghe kể lại.

Nhiếp ảnh khơi gợi cảm xúc
Nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần là ghi lại hình ảnh, mà còn khơi gợi cảm xúc. Một bức ảnh đẹp hay một bức ảnh giàu cảm xúc có thể khiến người xem đồng cảm với những con người và sự kiện trong lịch sử. Nhờ có nhiếp ảnh, chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh, niềm vui của chiến thắng, hay sự hy sinh thầm lặng của những người anh hùng. Ngay trong cuộc chiến của đế quốc Mỹ gây ra đối với Nhân dân Việt Nam, đã có nhiều bức ảnh nổi tiếng để lại cảm xúc sâu đậm cho người xem. Phải kể đến như: bức ảnh Thảm sát Mỹ Lai của phóng viên Ronald Haeberle đã cho thấy tội ác kinh hoàng mà lính Mỹ đã gây ra đối với Nhân dân Việt Nam và làm hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ; bức ảnh Sự trừng phạt đích đáng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của người Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh; bức ảnh Em bé Napalm của phóng viên Nick Ut ghi lại hình ảnh bé gái Kim Phúc bị bỏng nặng do bom Napalm gây ra đã trở thành biểu tượng ám ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh, khiến cả thế giới phẫn nộ và góp phần làm thay đổi dư luận quốc tế về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam…

Nhiếp ảnh tạo ra góc nhìn đa chiều cho hiện thực
Nhiếp ảnh cho phép chúng ta nhìn nhận lịch sử từ nhiều góc độ khác nhau. Mỗi nhiếp ảnh gia, với lăng kính riêng của mình, có thể mang đến những góc nhìn độc đáo về một sự kiện. Nhờ vậy, chúng ta có thể có được bức tranh toàn cảnh và đầy đủ hơn về quá khứ. Tiêu biểu như bức ảnh O du kích nhỏ của nhà báo Phan Thoan miêu tả nữ dân quân đội mũ cối, hai tay bồng súng, hiên ngang áp giải một phi công Mỹ to lớn hơn cô rất nhiều. Bức ảnh này đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường và anh hùng của dân tộc Việt Nam. Hay như bức ảnh Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị của nhà báo Đoàn Công Tính đã mang đến cho người xem những xúc cảm tươi vui, đầy lạc quan về tinh thần chiến đấu ngoan cường của những người lính Thành cổ Quảng Trị vào những ngày hè đỏ lửa năm 1972…

Nụ cười chiến thắng bên Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Đoàn Công Tính

Nhiếp ảnh giúp lưu giữ ký ức của thế hệ
Nhiếp ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ ký ức của thế hệ (của cá nhân hoặc của cộng đồng). Nhờ nhiếp ảnh, những khoảnh khắc lịch sử, những giá trị văn hóa và đời sống của con người qua các thời kỳ được ghi lại và bảo tồn cho thế hệ mai sau. Những bức ảnh tư liệu về Tết cổ truyền, về các trò chơi dân gian, về nạn đói năm Ất Dậu, về thời bao cấp, về đại dịch Covid-19, về những lần xuống đường mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam… là những tài liệu vô giá giúp thế hệ sau hiểu được những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, cũng như những sinh hoạt, biến cố của đời sống xã hội. Nhờ có nhiếp ảnh, chúng ta có thể kết nối với quá khứ và trân trọng những gì mà thế hệ trước đã tạo dựng.

Cổ động viên Quy Nhơn đổ ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam (2018). Ảnh: Lê Thanh Hải

Tóm lại, nhiếp ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc ghi chép và lưu giữ lịch sử. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc được lưu giữ vĩnh viễn. Nhìn vào bức ảnh, ta có thể thấy được hình ảnh của quá khứ, từ những sự kiện lịch sử trọng đại đến những khoảnh khắc đời thường giản dị; đồng thời qua đó cũng thấy được những biến đổi của xã hội và những dấu ấn mà lịch sử đã để lại. Nếu không có những người cầm máy ghi lại hiện thực xã hội – đời sống bằng hình ảnh, có lẽ việc mô tả về quá khứ sẽ kém đi phần sinh động. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, những nhà nhiếp ảnh chính là những “sử gia đặc biệt”, đã góp phần chép lại lịch sử bằng một phương cách thật đặc biệt.

LÊ THANH HẢI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

World Nature Photography Awards 2024

Năm 2024, Giải thưởng Nhiếp ảnh Thiên nhiên Thế giới đã thuộc về nhiếp ảnh gia người Anh Tracey Lund, với bức ảnh chụp hai con chim ó biển đang săn mồi ở vùng biển Shetland…

Tranh của nữ họa sĩ Shiori Matsuura

Shiori Matsuura là nữ họa sĩ trẻ Nhật Bản. Cô sinh 1993 tại thành phố Obihiro, Hokkaido. Với vai trò là họa sĩ minh họa, Shiori Matsuura chủ yếu vẽ CG, bằng công cụ vẽ kỹ thuật số “SAI”…