Nhiếp ảnh Bình Định nhìn từ Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020)

(VNBĐ – Nhiếp ảnh). Nhằm động viên, khuyến khích các tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm xuất sắc góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Định, từ năm 1995, UBND tỉnh đã thành lập Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Định xét và trao tặng 05 năm một lần, lúc đầu Giải thưởng mang tên Xuân Diệu – Đào Tấn, sau đó đổi là Đào Tấn – Xuân Diệu. Tính đến nay Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu đã trải qua sáu lần xét và trao tặng giải thưởng. Qua mỗi đợt xét và trao tặng giải thưởng đã cho thấy năng lực sáng tác, phổ biến tác phẩm dồi dào của đội ngũ văn nghệ sĩ và sự phát triển không ngừng của văn học, nghệ thuật tỉnh nhà, đặc biệt đối với lĩnh vực nhiếp ảnh đã khẳng định sự trưởng thành, khả năng tiếp nối và sức sáng tạo dồi dào của đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Về quy định của giải thưởng, điều kiện tham dự xét giải có điều chỉnh qua mỗi đợt xét giải, đối với thể loại nhiếp ảnh về cơ bản gồm: cụm tác phẩm ảnh đã đạt giải thưởng từ cấp tỉnh trở lên, hoặc được triển lãm cấp khu vực, toàn quốc, quốc tế; cuộc triển lãm ảnh (được cơ quan có thẩm quyền cấp phép triển lãm); tập sách ảnh, công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về nhiếp ảnh được xuất bản. Cơ cấu giải thưởng gồm: giải A, giải B và giải Khuyến khích. So với các thể loại văn học, nghệ thuật khác, thể loại nhiếp ảnh tham dự xét tặng Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu có phần muộn hơn, lần xét giải thứ II (1995 – 2000) mới có 01 tác giả tham dự, đó là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vĩnh Hảo, đạt giải Khuyến khích với triển lãm ảnh “Chút tình quê hương”, gồm các tác phẩm ảnh về phong cảnh, quê hương, con người Bình Định.

Đợt xét giải lần thứ III (2001 – 2005), thể loại nhiếp ảnh có 03 tác giả tham dự với 04 cuộc triển lãm ảnh của các nhà nhiếp ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Vĩnh Hảo và Võ Chí Hà. Trong đó Nguyễn Ngọc Tuấn đạt giải B với triển lãm “Ảnh nghệ thuật – Nguyễn Ngọc Tuấn”, gồm 54 bức ảnh về phong cảnh, quê hương, con người Bình Định đạt giải tại các cuộc thi, liên hoan ảnh cấp tỉnh và khu vực. Hai tác giả còn lại đạt giải Khuyến khích với triển lãm ảnh “Chút tình quê hương 2” của Nguyễn Vĩnh Hảo, gồm 30 bức ảnh về phong cảnh, quê hương, con người Bình Định và Võ Chí Hà với triển lãm ảnh “Hoài Ân – một góc nhìn”, gồm 50 bức ảnh về phong cảnh, quê hương, con người Hoài Ân.

Đợt xét giải lần thứ IV (2006 – 2010), thể loại nhiếp ảnh có 11 tác giả đăng ký, với 08 cụm tác phẩm và 03 cuộc triển lãm. Kết quả có 06 cụm tác phẩm và 02 cuộc triển lãm đạt giải thưởng, gồm 03 giải A, 04 giải B và 01 giải Khuyến khích. Trong đó các tác giả đạt giải A gồm: Nguyễn Ngọc Tuấn với triển lãm “Ảnh nghệ thuật lần III – Nguyễn Ngọc Tuấn”, Đào Tiến Đạt với cụm 27 tác phẩm ảnh và Ngô Thanh Bình với cụm 23 tác phẩm ảnh màu và đen trắng đạt giải, triển lãm cấp tỉnh, khu vực và quốc tế. Các tác giả đạt giải B gồm: Trương Đăng Huy, Nguyễn Ngọc Lối, Phạm Văn Chai, Nguyễn Trà Thanh với các cụm tác phẩm ảnh màu và đen trắng đạt giải, triển lãm cấp tỉnh, khu vực và trong nước. Triển lãm ảnh “Sắc màu vùng cao” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn – Võ Chí Hà – Hồ Trọng Đào phản ánh về đề tài dân tộc thiểu số, thiếu niên và nhi đồng, đạt giải Khuyến khích.

Đợt xét giải lần thứ V (2011 – 2015), thể loại nhiếp ảnh có 11 tác giả đăng ký, với 10 cụm tác phẩm, 03 cuộc triển lãm ảnh. Kết quả có 04 cụm tác phẩm và 03 cuộc triển lãm đạt giải thưởng gồm 04 giải A, 03 giải B. Trong đó tác giả đạt giải A gồm: Đào Tiến Đạt với cụm 50 tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải thưởng quốc tế; Nguyễn Ngọc Tuấn với triển lãm ảnh: “Tam Quan mùa cói” (gồm 45 ảnh); Võ Chí Hà với triển lãm ảnh: “Góc nhìn quê hương” (gồm 40 ảnh); và nữ nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Quyên với cụm 29 tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải, triển lãm cấp tỉnh, khu vực và trong nước. Tác giả đạt giải B gồm: Nguyễn Ngọc Lối với triển lãm ảnh: “Ngày em sang sông” (gồm 62 ảnh); Trương Đăng Huy với cụm 19 tác phẩm ảnh và Nguyễn Tùng Đệ với cụm 12 tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải, triển lãm cấp tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế.

Đợt xét giải lần thứ VI (2016 – 2020), thể loại nhiếp ảnh có 18 tác giả, nhóm tác giả tham dự, với 06 cuộc Triển lãm ảnh (304 ảnh), 15 cụm tác phẩm ảnh (257 ảnh). Kết quả có 11 cụm tác phẩm và 04 cuộc triển lãm đạt giải thưởng, gồm 06 giải A, 01 giải B và 08 giải Khuyến khích. Trong đó tác giả đạt Giải A gồm: Nguyễn Ngọc Tuấn với triển lãm ảnh: “Con người và công việc” (gồm 50 ảnh); 05 cụm tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải thưởng, triển lãm trong nước và quốc tế của các tác giả: Đào Tiến Đạt (cụm 20 tác phẩm ảnh), Trần Bảo Hòa (cụm 13 tác phẩm ảnh), Nguyễn Phước Hoài (cụm 30 tác phẩm ảnh), Nguyễn Tiến Dũng (cụm 20 tác phẩm ảnh) và Nguyễn Xuân Tuyến (cụm 32 tác phẩm ảnh). Tác giả đạt giải B có Hồ Minh Đức với cụm 10 tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải, triển lãm trong nước và quốc tế. Tác giả đạt giải Khuyến khích gồm: Trương Đăng Huy, Nguyễn Thị Quyên, Phan Minh Thọ, Nguyễn Tùng Đệ, Nguyễn Tiến Trình, Đặng Thanh Phương, Lê Văn Cảnh, Phan Đình Trung với các triển lãm ảnh nghệ thuật, cụm tác phẩm đạt giải, triển lãm trong nước và quốc tế.

NSNA Trần Bảo Hòa nhận Giải A (thể loại Nhiếp ảnh) với cụm 13 tác phẩm. Ảnh: S.P

Nhìn chung, qua mỗi đợt xét và trao tặng Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu đã cho thấy, số lượng tác giả nhiếp ảnh và số tác phẩm ảnh tham dự ngày càng tăng, chứng tỏ sự phát triển không ngừng của đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Định. Bên cạnh các tác giả lớn tuổi đã định hình, nay có thêm nhiều tay máy trẻ có tài, chịu khó tìm tòi và đổi mới tư duy sáng tạo. Các tác phẩm được thể hiện rất đa dạng, phong phú về đề tài, đã được trưng bày triển lãm và đạt nhiều giải thưởng cao qua các cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Nội dung các tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp phong cảnh, thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam, ca ngợi vẻ đẹp con người trong lao động sản xuất, nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường biển, niềm tự hào biển đảo quê hương. Các tác phẩm bám sát cuộc sống đời thường của người nông dân, công nhân, trẻ em vui chơi trong học tập; sự đổi thay phát triển từng ngày của chương trình xây dựng nông thôn mới trên quê hương; nhiều tác phẩm giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng; những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, lễ hội, thể thao, làng nghề truyền thống, đến du lịch sinh thái, du lịch biển…, thể hiện sự nhân văn trong cuộc sống của con người, truyền tải được năng lượng tích cực, giàu lòng nhân ái của con người Việt Nam. Chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm khá cao, một số tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ.

Có được kết quả đó, trước hết phải kể đến hiện thực cuộc sống Bình Định – nơi cung cấp nguồn đối tượng nhận thức và dẫn đến thành tựu của việc sáng tạo. Bình Định, nơi có nhiều trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, nơi tích hợp những đặc sắc về các giá trị vật chất và tinh thần còn lưu giữ cho đến ngày nay. Những tháp Chàm trầm mặc, nghệ thuật Tuồng đặc sắc, các làn điệu Bài chòi trữ tình, nghệ thuật võ cổ truyền độc đáo, cùng những phong tục tập quán, các ngành nghề truyền thống đa dạng đã trở thành đối tượng cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh nắm bắt, ghi hình, tạo nên những giá trị mới cho từng tác phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều tác giả đã lặn lội đi đến khắp dải đất miền Trung và mọi vùng miền của đất nước để khám phá, ghi hình, thể hiện trên tác phẩm đa dạng đề tài, từ ca ngợi vẻ đẹp phong cảnh, thiên nhiên, đất nước, đến phản ánh cuộc sống, con người Việt Nam. Ngoài ra, không khí hội nhập với nhiếp ảnh thế giới đã tác động đến những chủ thể sáng tạo, giúp họ có cơ hội nghiên cứu tiếp cận phương pháp, phương tiện kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại trên thế giới để sáng tạo nên những tác phẩm mới và hoàn mỹ cho nhiếp ảnh tỉnh nhà.

Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, qua các cụm tác phẩm ảnh, triển lãm ảnh được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu đã cho thấy chặng đường phát triển của nhiếp ảnh Bình Định đạt được những thành tựu tích cực, đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh ngày càng trưởng thành và có sự kế tục, đã sáng tạo nên những tác phẩm có chất lượng tốt về tính nghệ thuật, đa dạng về nội dung, phong phú về đề tài, cũng như hình thức thể hiện, vẽ nên bức tranh đầy màu sắc đa dạng của vùng đất Bình Định giàu truyền thống anh hùng, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi cụm tác phẩm, triển lãm là một thông điệp của cuộc sống, từ chính tâm hồn, tình cảm và trách nhiệm của người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, hoạt động nhiếp ảnh Bình Định vẫn còn những mặt hạn chế, đó là mặc dù số tác phẩm ảnh đạt giải thưởng trong nước và quốc tế khá nhiều, nhưng đến nay Bình Định vẫn chưa có tác giả có tập sách ảnh, hoặc công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về nhiếp ảnh được xuất bản để tham dự xét tặng Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu.

Hy vọng trong thời gian đến, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Định sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm mới có giá trị về nội dung, chất lượng về nghệ thuật, đa dạng về loại hình để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cũng như tỉnh Bình Định đến với công chúng trong nước và quốc tế.

TỪ NHƯ HUYỀN TRÂN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hanoi Art Connecting lần thứ 7

Hanoi Art Connecting lần thứ 7, diễn ra từ 29.10 đến 03.11.2024 tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, quy tụ hơn 130 nghệ sĩ, trong đó có 50 nghệ sĩ quốc tế từ 19 quốc gia…