Nhà thơ Thanh Thảo

(VNBĐ – Gương mặt thơ). Nhà thơ Thanh Thảo (tên thật Hồ Thành Công, sinh 1946), quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1971, ông vào hoạt động ở chiến trường miền Nam rồi nổi tiếng với bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình. Với nhiều trường ca lớn, Thanh Thảo tạo một lối đi riêng khác với thế hệ các nhà thơ cùng thời, gây tiếng vang rộng rãi trong bạn đọc. Ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I, năm 2001 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2014, cùng nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca được đưa vào sách giáo khoa, chương trình văn học cấp trung học phổ thông toàn quốc.

Trước khi về Quảng Ngãi làm Chủ tịch Hội VHNT cho đến khi nghỉ hưu, nhà thơ Thanh Thảo có một thời gian dài sống và làm việc ở Quy Nhơn. Nơi đây, ông đã viết hàng chục trường ca và thơ về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Hơn 30 năm xa Quy Nhơn, nhưng tình yêu với Quy Nhơn, Bình Định vẫn luôn là nguồn xúc cảm lớn cho sáng tác của ông, cả báo chí, tiểu luận phê bình và thơ. Thời gian gần đây, thơ Thanh Thảo đậm đầy tự sự của một người đã đi qua mọi dâu bể cuộc đời, cả riêng và chung…

Nhà thơ MAI THÌN (chọn và giới thiệu)

Nhà thơ Thanh Thảo. Ảnh: Phạm Đương

Không đề

Nhấp cần câu
câu giấc mơ ngày cũ
những giấc mơ
tớp bóng dưới lục bình
xanh buồn bã

con lại về nhà thầy má
cây mai mới trồng bật hoa
như mắt nắng lạc giữa vùng lụt bão
như mắt má
đăm đăm góc vườn
trong veo màu vú sữa

con lại về
giếng thơi
vành vạnh trời
bóng cây nghiêng
bóng má
bóng tiếng chuông loáng thoáng
mưa chuông

lá lá nhìn con lấp láy
trắng từng chùm mây dại
lơ lửng ngày

con lặng như cây dừa
không hiểu sao mình đậu quả.

 

Ngày mười hai tháng Ba

má sinh ra anh như một quyển sách
cũ dần theo năm tháng
mất một số trang
má gánh anh đầu non cuối bãi
chẳng ai mua quyển sách cũ
từ gánh chè chai

lại không còn đủ trang

anh thế thôi
như quyển sách ít người đọc

những con chữ lang thang dọc đường chè chai đồng nát

tới một ngày em tiếp bước má chúng mình
vẫn gánh chè chai
có quyển sách cũ

là anh

em đã thương yêu quyển sách cũ này
cho tới ngày
em phải rời xa gánh chè chai số phận
bỏ lại quyển sách cũ cô đơn

những con chữ mê man ghé lại bên đường

quyển sách cũ
yêu thương em mấy mươi năm

như cũ

ngày mười hai tháng Ba năm nay
anh chỉ một mình
lật lại từng trang
ngày còn em bên cạnh.
12.3.2024

Lớn lên

Những trái cây
lớn lên ngượng ngùng
lớn lên giấu giếm
lớn lên thích thú
lớn lên không vội vã

tôi nuôi những con chữ
mong chúng lớn lên
như những trái cây

gương mặt một ngày thay đổi
buổi sáng buổi trưa buổi tối
thời gian không lớn lên

chỉ trái cây và chữ?

Vẫn đi
Anh vẫn đi con đường ấy một mình và tiếp tục như thể đã
đến lúc đút hai tay vào túi quần huýt sáo đã đến lúc mùa hè gay gắt đã đến lúc
ban đêm dịu dàng ánh trăng chó sủa những bóng cây im lìm
một nụ cười lặng lẽ
anh là ban đêm của em nụ cười của em những lá tối tiếng nước thở dài trong vòi nước
anh như mùi hoa mướp xa xa một nỗi gì câm lặng
anh như những con cá bống những ống trúm bắt cá bống
anh quay theo chiều kim đồng hồ nhưng ý nghĩ anh quay ngược
anh ăn nhậu nỗi cơ cực chính mình
những vật chất làm anh lóa mắt những tinh thần làm anh lóa mắt hơn
anh vô tích sự còn tích sự là gì
anh không biết

từ lâu mong bắt những sóng lạ nhưng có lẽ máy anh hơi bị cũ

vẫn đi.

THANH THẢO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tháp cổ đổ bóng

Người canh tháp mơ ngủ, ú ớ gọi tên ai đó. Ông Tám thở dài. Đang thanh niên khỏe mạnh, tương lai rạng ngời, sau một đêm bỗng thành ngớ ngẩn. Người làng đồn nó bị đức vua và hoàng hậu quở trách…

Nhà thơ Đoàn Văn Mật

Nhà thơ Đoàn Văn Mật sinh năm 1980, quê ở Nam Định. Anh đã xuất bản 04 tập thơ: Giữa hai chiều thời gian; Bóng người trước mặt; Sóng trầm biển dựng và Ngoài mây trời đầy trống vắng…

Quy Nhơn ngày tập kết và ngày trở về

Đã 70 năm từ ngày chúng tôi lên đường “tập kết” và 50 năm ngày trở về giành lại quê hương, biển Quy Nhơn vẫn vậy, hiền hòa, trong trẻo và thân thiện như vòng tay, ôm cả cuộc đời này…

Thơ dự thi của Trương Công Tưởng

Bao giờ em về lại dòng sông
Cánh buồm ngày xưa giờ không còn nữa
Cha nằm lại ngọn đồi bên những thân cây đã ngã
Những vết cắt từng ứa trào nhựa đỏ
Giờ lên những chồi non