(VNBĐ – Gương mặt Thơ). Vượt qua gần 2.750 bài dự thi của hơn 570 tác giả, hai hội viên Chi hội Văn học, Hội VHNT Bình Định đã đoạt giải thưởng cuộc thi “Thơ hay 2023” do Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM tổ chức. Trong đó, nhà thơ trẻ Nhiên Đăng (tên thật Trần Quốc Toàn) được trao giải Nhất với chùm ba bài thơ: Đảnh lễ mùa màng, Nằm mơ giữa ngày và Ngả lưng vào ghế; nhà thơ Mai Thìn đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm Những quả bom chứa đầy nước mắt.
Theo nhận xét của nhà thơ Trần Hữu Dũng, trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, thì chùm thơ của “Nhiên Đăng có cách nhìn tinh tế về những hơi thở năm tháng cũ, chiến tranh với đất đai, số phận điên đảo của con người, ký thác nơi thế giới hiện tại. Cuộc hôn phối giữa hiện thực và tâm linh này tạo dựng ra mạch thơ lóng lánh, làm người đọc cảm thấy bớt bơ vơ trong cuộc sống bất an, biến động không ngừng bây giờ”. Còn bài thơ của “Mai Thìn có cái nhìn thấu triệt nỗi đau chiến tranh mang đến đổ vỡ chết chóc tràn lan khắp nơi trên thế giới… Mai Thìn có phong vị riêng đậm nét: cô đọng, giàu chất suy tưởng. Có những đoạn kết thúc bất ngờ, khiến người đọc lắm phen thích thú nhờ mạch thơ trôi chảy, tự nhiên, thơ mộng”.
VNBĐ xin chúc mừng hai tác giả và trân trọng giới thiệu chùm thơ đoạt giải.
NHIÊN ĐĂNG (Giải Nhất)
Nằm mơ giữa ngày
Ngôi sao nhỏ trên trời có người ở,
chỗ đất nhô cao có người nằm,
Tháng năm trôi qua nghĩa trang những bông hoa thức cùng ký ức
mảnh linh hồn hạt bụi bay trong không khí,
tiếng thời gian tích tắc trở về buổi chiều đầy gió,
mưa rớt xuống đụn cát sa mạc,
bài thơ không mang thông điệp,
chỉ như cây cỏ mọc lên hít thở cái lạnh nửa đêm.
Con chim hót khởi đầu một ngày trên sông cỏ lau
tôi đọc tiểu thuyết nói về những cái hồ ở tận rừng sâu
có loài thằn lằn đêm đêm hóa lửa trên những ngọn cây cao
có tổ tiên đang trút bỏ bộ vảy rồng ca hát dưới trăng sao
có giếng nước phát ra âm thanh của thú rừng,
cho đến khi cây đèn dầu năm xưa cạn đi
ngọn lửa bay vào cõi mênh mông giấc ngủ.
Những linh hồn sống dậy trên cánh đồng lúa chín,
họ gặt lúa, tát cá, ngồi che nắng, và kể chuyện làng,
những người áo vàng đi trên đường cái tháng Sáu,
cát và gió tạt qua chân họ,
giữa những gam màu trắng như mây trôi
họ bay lên trời
để lại những ô ruộng vàng như áo họ mặc….
Đảnh lễ mùa màng
Dưới khuya,
cây sầm đá nở hoa trắng
tù và vọng vào tiếng côn trùng lá úa
ngồi uống trà hoa cúc mẹ nấu với đường phèn
chó sủa hoang đâu đó ngoài sông ngoài chân núi.
Một vùng ký ức chia ngăn nắng mưa
mái tóc chị tôi thơm hương bồ kết
những người đàn bà dệt vải sống lại trong câu chuyện của ông tôi
thuở chiến tranh cây bông vải nở trên nương trên rẫy
mấy đứa nhỏ tắm truồng đang vẩy nước vào nhau
mưa rớt giọt xuống lòng chum vại…
Trên những cành cao,
chim cú mèo con đã khảy vỏ chui ra khỏi trứng
trên đầu chúng là mặt trăng tròn tháng Bảy.
Tháng Bảy, đôi mắt bà buồn và sâu hơn
bà trút hơi thở cuối cùng lúc đàn kiến khuân từng viên sỏi lên khỏi mặt đất,
lá vàng làm nên mùa thu
với những âm thanh vụn vỡ…
Từ hừng đông bầy chim chở ánh sáng bày biện trên mặt đất
tôi cúi đầu đảnh lễ mùa màng,
nơi hạt lúa lấm lem bùn đất
của người làng nuôi nấng giấc mơ cơm áo cho lũ trẻ chúng tôi.
Theo dấu chân trâu vung ngọn roi trên cánh đồng khô hạn
gió thổi qua những ngọn tháp, những ô ruộng, những ngôi nhà mái lợp
tro tàn nơi góc vườn là ngôn ngữ đất
và bếp lửa là bài thơ thắp sáng giấc mơ tôi…
Ngả lưng vào ghế
Hoa nhài thơm trong nắng
bầy chuồn chuồn quần thảo trên đám khổ qua
nhớ một người bạn đã mất, chú chó vện sống mười hai năm
ngả lưng vào ghế
thấy đời nhẹ tênh
như sông trôi, mây trôi và
gió thổi.
Mười năm một chặng đường đầy những suy tư
vui và buồn
ngả lưng vào ghế
thấy mình ở đâu đó trên con đường có ánh trăng
giữa những đám ruộng trồng dưa hấu đỏ
nghe được thinh không chứa đầy tiếng côn trùng
tiếng cành cây mục rơi hoang.
Khép lại cuốn tiểu thuyết chỉ có dấu phẩy
câu chuyện kể bằng thơ
và thông điệp có bốn mùa mưa nắng
ngả lưng vào ghế
nơi bàn viết,
con chữ hóa cánh chim bay về rừng
sau cơn mưa,
trăng ló dạng
những bông hoa ánh sáng rơi xuống con đường ngoài ô cửa khuya…
N.Đ
MAI THÌN (Giải Khuyến khích)
Những quả bom chứa đầy nước mắt
Trong bảo tàng chiến tranh
người ta đặt bức tượng người lính
không rõ hy sinh năm nào
mặt trận nào
anh ở đó
cạnh chiếc xe tăng
như thật
trong bảo tàng chiến tranh
bức tượng mặc áo lính
khi Ucraina, lúc Nga, lúc Mỹ…
rất nhiều đoàn khách đến thăm
ai cũng đứng bên anh
lưu nhớ
bấy giờ
không còn tang thương
không còn giết chóc
những bà mẹ già
người Ucraina, người Nga, người Mỹ…
đến đây
ôm đứa con mình
mà khóc
trong bảo tàng chiến tranh
những quả bom
chứa đầy nước mắt.
M.T