NHÀ NGHIÊN CỨU VÕ MINH HẢI: Tâm huyết với nghiên cứu Hán Nôm

(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Những năm gần đây, nhà nghiên cứu Võ Minh Hải liên tục công bố các công trình nhiều giá trị học thuật. Đặc biệt ở mảng Hán Nôm, là mảng nghiên cứu ít người theo nhưng với Võ Minh Hải đó là địa hạt mà anh say mê, lựa chọn gắn bó lâu dài.

Yêu thích dấu tích người xưa
Võ Minh Hải (sinh năm 1981, quê ở Mỹ Lợi, Phù Mỹ) đã dành sự yêu thích mảng văn hóa chữ Hán ngay từ thời tiểu học. Khi vào đại học, được học bộ môn Ngữ văn Hán Nôm, anh có điều kiện tìm hiểu về mảng này một cách chuyên tâm hơn. Anh bộc bạch: “Ban đầu là hiếu kỳ xem người xưa viết gì. Sau đó tôi chuyên tâm học và mày mò dịch. Tôi còn nhớ mãi bản dịch đầu tiên mà mình thực hiện năm 2001 về Luận ngữ tinh hoa của cụ Ưng Trình. Đây là một tài liệu được dùng để dạy cho các hoàng tôn, hoàng đệ trong hoàng cung triều nhà Nguyễn. Bản dịch này do thầy Huỳnh Chương Hưng – ân sư khai tâm Hán Nôm cho tôi, tặng cho. Tôi đã bỏ ra 2 tháng để phiên âm, dịch nghĩa và chép nó trong một quyển vở học trò vì lúc đó chưa có máy tính. Tài liệu này được thầy Huỳnh Chương Hưng sửa chữa và hướng dẫn tôi cách dịch thuật. Rất may, sau này bản dịch này nằm trong nhóm công trình Ngữ văn Hán Nôm – Nghiên cứu & ứng dụng mà tôi được giải Ba – Giải thưởng Nghiên cứu khoa học dành cho các giáo viên dưới 35 tuổi của Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2012”.

Tốt nghiệp đại học năm 2003, Võ Minh Hải được nhận giảng dạy tại Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Quy Nhơn. Anh đảm trách giảng dạy các phân môn chính là Ngữ văn Hán Nôm và Văn học cổ trung đại Việt Nam. Cũng từ đó đến nay, anh chính thức gắn bó với việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học Hán Nôm. Với công việc này, anh có cơ hội tiếp cận những văn bản gốc, như được lội ngược về quá khứ, từ đó khám phá, giải mã một cách cặn kẽ hơn các vấn đề từ phía xa xưa lịch sử. Anh thích thú với những chuyến đi tìm kiếm tư liệu. Bất kể khi nào thu xếp được công việc là anh lại đi điền dã. Từ những chuyến đi ấy, anh đã gom nhặt được những niềm vui như vỡ òa khi phát hiện những điều hay, điều mới liên quan đến văn học, văn hóa Hán Nôm. Anh kể: “Năm 2017, tôi đi điền dã ở Tuy Phước để phục vụ cho việc sưu tầm tư liệu hồ sơ gia phả tộc trên địa bàn huyện này. Thật bất ngờ khi nhờ có công việc này mà tôi được một cụ lớn tuổi ở Phước Lộc tặng cho một bộ thư điều trần của cụ Đặng Đức Tuấn và một quyển sách chữ Nôm về văn học Công giáo Bình Định”.

Nghiên cứu một cách có hệ thống, đặc biệt là về Hán Nôm của Bình Định, Võ Minh Hải tiếp cận, đào sâu khá nhiều những thông tin hữu ích về Hán Nôm. Anh tham gia vào nhiều hội thảo khoa học, những cuộc tọa đàm, trò chuyện liên quan đến Hán Nôm. Như giữa tháng 11.2019, TS Võ Minh Hải là người trình bày chính trong buổi tọa đàm thông tin khoa học “Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn với di sản văn hóa Hán Nôm Bình Định”. TS Võ Minh Hải đã cung cấp cho người tham gia tọa đàm những thông tin hữu ích, có hệ thống về hành trình đến với di sản Hán Nôm của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn; những thành tựu nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch Hán Nôm của ông cũng như mối liên hệ của ông đối với việc bồi dưỡng đội ngũ làm công tác Hán Nôm tại Bình Định.

TS. Võ Minh Hải trình bày tại buổi tọa đàm thông tin khoa học về Vũ Ngọc Liễn. Ảnh: P.N

Đầu năm 2021, sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, nhà nghiên cứu Võ Minh Hải đã cho in tập chuyên luận Văn tế Hán Nôm Bình Định (Nxb KHXH). Ở công trình này, anh nhấn vào hai nội dung chính là khảo cứu diện mạo, đặc điểm Hán Nôm Bình Định và tuyển chọn, tường chú ngữ liệu, điển cố tiêu biểu trong hệ thống văn bản Hán Nôm hiện nay của Bình Định. Đặc biệt, giúp người đọc tiếp cận và hiểu sâu hơn về các bản văn tế ở Bình Định như Văn tế ngài Cống quận công Trần Đức Hòa, Văn tế tạ ơn cầu đảo được mưa của Đào Tấn, Văn tế vua Quang Trung, Văn tế Võ Tánh, Ngô Tùng Châu… Anh thổ lộ: “Công trình này là kết quả suốt 10 năm rong ruổi tìm kiếm tư liệu văn tế, rà soát kiểm tra, biên dịch với mong muốn giúp cho người đọc có góc nhìn bao quát hơn về Văn tế Hán Nôm Bình Định”.

Đeo đuổi niềm đam mê…
Ngoài mảng chính về Hán Nôm, TS Võ Minh Hải còn nghiên cứu về văn học Trung đại. Năm 2020, anh in tập nghiên cứu Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa (Nxb KHXH). Đây là công trình được nâng cấp từ luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam của anh. Nhà nghiên cứu chia sẻ: “Hướng nghiên cứu này bắt đầu từ sự gợi ý của một công trình của nhà nghiên cứu từ nguyên Trung Quốc tên Dương Lâm, đó là quyển Hán ngữ từ hối dữ Hoa Hạ văn hóa (Từ vựng Hán ngữ và văn hóa Hoa Hạ), người dịch là nhà nghiên cứu Huỳnh Chương Hưng. Sau đó, tôi làm đề tài niên luận “Ảnh hưởng văn hóa trong ngôn ngữ Truyện Kiều” và phát triển nó trong luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. Hành trình đi tìm giá trị văn hóa trong ngôn ngữ Truyện Kiều từ năm 2001 đến 2015”.

Ngoài vấn đề nghiên cứu, nhiều năm nay Võ Minh Hải được giới mê sách biết đến là một người sưu tập sách. Từ sở thích đọc sách, đến đam mê sưu tầm, phục vụ tra cứu học thuật, lượng sách được anh tích góp ngày càng nhiều. Cho đến nay, anh đang sở hữu gần 10 ngàn đầu sách. Anh trải lòng: “Tôi thừa hưởng tủ sách khoảng gần 100 quyển từ cha tôi. Đến tháng 6.1988, tôi bắt đầu làm thẻ và tiếp cận dần với những quyển sách về văn hóa, văn học, lịch sử. Nhưng tôi bắt đầu sưu tầm từ những năm cấp 3. Đến năm lớp 12, thì tôi có được tủ sách khoảng gần 1.000 quyển đủ loại. Tính đến nay thì cũng trên dưới 25 năm sưu tầm. Đây là niềm đam mê của cá nhân, chủ đề mà tôi sưu tầm hiện nay là văn hóa, văn học cổ điển, lịch sử. Đặc biệt là các tài liệu Hán Nôm, nhất là về Bình Định và Nam Trung bộ. Dù nghiên cứu hay sưu tầm thì với tôi, những gì liên quan đến Hán Nôm luôn được ưu tiên”.

Mỗi lần ghé thăm tư gia của nhà nghiên cứu Võ Minh Hải, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh quen thuộc khi anh với dáng người chắc đậm ngồi bên chiếc máy tính nhỏ, giữa gian phòng đầy sách. Anh soi chiếu từng văn bản, tư liệu Hán Nôm. Khi bắt gặp những chi tiết mới, nhất là những điều liên quan đến vùng đất Bình Định, anh vui vẻ chia sẻ cho bạn hữu và các học trò của mình. Với anh, công việc nghiên cứu đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu này đã thành một thói quen thường nhật. Anh đang viết đề tài Văn học Hán Nôm miền Nam Trung bộ trong tiến trình văn học cổ điển Việt Nam và biên soạn một số đề cương sách để triển khai trong thời gian tới như Văn học Hán Nôm Nam Trung bộ (tiếp cận từ góc độ nhân học văn hóa); Văn học Hán Nôm Bình Định (nghiên cứu và giới thiệu); Hồ sơ tác gia Hán Nôm Bình Định (những nghiên cứu mới về Đào Duy Từ, Đặng Đức Siêu, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Trần Đình Tân)…

Đề cập đến vấn đề nghiên cứu Hán Nôm hiện nay, Tiến sĩ Võ Minh Hải nhận định: “Tình hình nghiên cứu về văn học Hán Nôm hiện nay rất khả quan và đạt nhiều thành tựu lớn gắn liền với nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ như PGS. TS. Nguyễn Tuấn Cường, PGS.TS. Trần Trọng Dương, TS. Nguyễn Tô Lan, TS. Phạm Văn Tuân, NNC Nguyễn Đình Hưng… Riêng về Bình Định, theo tôi cũng có những kết quả cụ thể nhưng chỉ dừng lại ở mức độ sưu tập và dịch thuật (các công trình của NNC Lộc Xuyên, Huỳnh Chương Hưng) hoặc ở mảng tuồng Nôm (NNC Vũ Ngọc Liễn, Huỳnh Chương Hưng), thơ chữ Hán và tuồng Đào Tấn (TS. Nguyễn Đình Thu, Võ Minh Hải)… Việc nghiên cứu về diện mạo và đặc điểm tổng quát của văn học Hán Nôm của Bình Định vẫn còn chờ đợi những nghiên cứu mới và có tầm bao quát hơn”.

TS Võ Minh Hải sinh năm 1981, quê ở Phù Mỹ, hiện đang sinh sống tại TP. Quy Nhơn; hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Định); hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Giải B Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021 với tác phẩm “Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa”.

Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận về sự thiếu hụt lực lượng nghiên cứu Hán Nôm hiện nay tại Bình Định, nhất là thế hệ trẻ nên vấn đề sưu tầm, giám định hệ thống tư liệu Hán Nôm và biên, phiên dịch nội dung phục vụ cho quá trình nghiên cứu văn học Bình Định gặp khá nhiều khó khăn. Anh tâm sự: “Di sản văn hóa, văn học Hán Nôm Bình Định rất phong phú cần nghiên cứu, chỉnh lý. Sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh để thực thi vấn đề này là điều hết sức quan trọng. Chúng ta có thể vận dụng những thành tựu nghiên cứu Hán Nôm địa phương để phục vụ cho công tác quảng bá du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống, nghiên cứu văn hóa làng xã, văn hóa tâm linh, văn hóa thương mại Bình Định từ thế kỷ XVII đến nay. Ở một số tỉnh như Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… đang làm rất tốt việc này. Hy vọng, công việc mà tôi đang gắn bó sẽ phần nào đó giúp mọi người nhìn nhận lại tầm quan trọng của việc nghiên cứu Hán Nôm để những giá trị từ việc nghiên cứu này sẽ lan tỏa và hữu ích hơn nữa”.

PHI NGUYỄN

(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…